Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây (Phần 3)
Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây
GS, TS Hồ Sĩ Quý*
Khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, xâm lược 6 tỉnh biên giới năm 1979 hay đánh chiếm Trường Sa năm 1988… con sư tử Trung Hoa có thể vẫn được coi là chưa thức giấc. Nhưng đến thời điểm hiện nay, rõ ràng là Trung Quốc đã trỗi dậy. Nhưng sự trỗi dậy được xem là quá hiếm hoi những biểu hiện “hòa bình, thân thiện và văn minh” mà lại dựa vào khá nhiều phương thức kém văn minh, thường xuyên bất chấp lẽ phải và công pháp quốc tế. Hầu hết những gì Trung Quốc đã làm từ nhiều năm nay, từ thiếu minh bạch trong chi phí quân sự đến thả lỏng trách nhiệm trong sản xuất hàng hóa, từ thao túng các nước ASEAN đến cư xử ngang ngược với các nước láng giềng, từ khai thác thô bạo ở Châu Phi đến mưu đồ độc chiếm Biển Đông… tất cả đều khiến cộng đồng thế giới lo ngại. Thuật ngữ “Chinazi”, “Chinazism” ám chỉ Trung Quốc là một kiểu Quốc xã mới đã được sử dụng cả trong ấn phẩm và ở nhiều diễn đàn không chính thức[i]. Và, với những sự kiện mới nhất làm nóng Biển Đông, lời tiên đoán của Napoleon đã không còn chỗ cho Trung Quốc bào chữa.
3. Thực ra, Biển Đông đã nóng từ vài chục năm nay. Nhưng nóng do xung đột cục bộ tại một vài hòn đảo so với nóng toàn bộ Biển Đông, từ Vịnh Bắc Bộ tới đảo Gạc Ma, là hai tình huống khác nhau rất xa. Hiện nay, dư luận quốc tế lo ngại xung đột Biển Đông có thể đẩy các bên tranh chấp đi quá xa - quá giới hạn của sự kiềm chế. Trong khi đó, bước leo thang từ “xung đột” tới “xung đột có vũ trang” hay “chiến tranh” lại là thứ logic không thiếu gì nguyên cớ, mặc dù sự nhẫn nại gìn giữ hòa bình của Việt Nam được cả thế giới chứng kiến hàng ngày. Nếu mưu đồ độc chiếm Biển Đông được Trung Quốc tính toán và thực hiện như hiện nay, thì xung đột vũ trang ở Biển Đông là khả năng khó tránh. Nếu xung đột vũ trang xảy ra ở Biển Đông thì việc phân định lại trật tự địa chiến lược trên Thái Bình Dương cũng đương nhiên sẽ được khởi động. Và như vậy, chẳng có gì giữ nổi cuộc chiến chỉ hạn chế trên biển. Không khó để hình dung, tình huống chắc sẽ không thể giống như Hoàng Sa năm 1974 hay Gạc Ma năm 1988 được nữa. Carl Thayer không phải là người duy nhất bày tỏ lo lắng về tình huống ảm đạm này[ii].
4. Cách đây chỉ vài năm, lo ngại ở mức độ này chưa xuất hiện. Lúc đó, tất cả các dự báo mạnh bạo và cực đoan nhất dựa trên các thông tin khai thác ở mức thiên kiến nhất, cũng đều chưa dám tiên lượng về một cuộc chiến trên Biển Đông. Tất cả đều cố gắng đặt niềm tin vào sức mạnh kiềm chế, rằng chiến tranh sẽ không xảy ra, ít nhất là trong một tương lai gần; dự báo về chiến tranh chẳng qua chỉ để ép các nhà chức trách có trách nhiệm hơn trong việc theo đuổi hòa bình. Nhưng xung đột ở Biển Đông từ tháng 5/2014 đến nay đã gây ra một hiệu ứng khác. Lo ngại chiến tranh đã bắt đầu được đề cập cả trong các tính toán chiến lược, các diễn đàn ngoại giao và cả trong các tranh cãi đường phố. Vấn đề là ở chỗ, trong các tình huống cận xung đột vũ trang, một khi thủ lĩnh các bên vẫn còn định kỳ gặp gỡ và “nâng cốc yến tiệc”, thì chiến tranh vẫn chỉ là một khả năng xa, nghĩa là việc thảo luận trên bàn vẫn quyết định tình hình thực tế. Nhưng một khi tình hình thực tế đã tiềm tàng phát sinh những tình huống không kiểm soát được, thì chiến tranh bao giờ cũng là điểm hội tụ của những yếu tố bất ngờ - thời điểm xảy ra chiến tranh, trên thực tế, cũng đã từng bất ngờ ngay cả với bên gây chiến. Xung đột biển Đông hiện nay đã được một số học giả coi là ở vào trình độ tiềm tàng những tình huống khó kiểm soát[iii].
Ở Việt Nam, trong tâm thế hết sức thận trọng, một số nhà lãnh đạo đã phải nói tới việc “chuẩn bị cho tình huống xấu” (hoàn toàn trái ngược với sự xuyên tạc trắng trợn của báo chí Trung Quốc). Còn tại Trung Quốc, khá nhiều học giả và tướng lĩnh cấp cao, chẳng hạn, Thường Vạn Toàn, Phòng Phong Huy, Tôn Kiến Quốc, Kim Vĩnh Minh, Lương Quốc Lương… lại công nhiên kêu gọi đánh Việt Nam, “Đánh một trận thiên hạ sẽ ổn định”. Thậm chí “Kế hoạch tấn công Việt Nam trong 31 ngày” mà hồi năm 2008 phía Việt Nam đã có ý kiến chính thức phản đối, cũng được giới chức Trung Quốc bật đèn xanh cho mạng Sina.com đăng lại. Tâm lý hiếu chiến dân tộc chủ nghĩa Đại Hán có thể dễ dàng bắt gặp trên báo chí Trung Quốc[iv]. (Tiếp theo phần 4)
*Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
[i] Vào bất cứ thời điểm nào, gõ hai thuật ngữ trên tại bất cứ công cụ tra cứu nào, mạng Internet cũng đưa ra hàng vạn kết quả. Xem: Navarro, Peter & Greg Autry (2011). Death by China, Confronting The Dragon – A Global Call to Action. Publishing as Prentice Hall. http://www.deathbychina.com/DBC-excerpt.pdf . // 同主题阅读:[ZGPT]未来50年中国的六场战争:将彻底打破世界格局http://www.mitbbs.com/article_t/MiscNews/31207047.html (Website Chinanew nói về 6 cuộc chiến tranh mà Trung Quốc sẽ tiến hành để thực hiện Giấc mộng Trung Hoa trong 50 năm tới: 1/ Đài Loan 2020-2025; 2/ Biển Đông 2025-2030; 3/ Tây tạng 2035-2040; 4/ Điếu Ngư-Lưu Cầu 2040-2045; 5/ Ngoại Mông 2045-2050; Nga 2055-2060. Từ năm 2011 đến nay, 6/2014, bài viết này đã bị phản đối gay gắt trên khắp thế giới. Nhưng Trung Quốc vẫn không chịu gỡ bỏ).
[ii]. Xem: Carl Thayer (2014). Kịch bản chiến tranh Việt - Trung.http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2014/05/140522_carlthayer_vn_china_conflict.shtml // James B. Steinberg, Michael O'Hanlon (2014). Keep Hope Alive How to Prevent U.S.-Chinese Relations From Blowing Up. http://www.foreignaffairs.com/articles/141476/james-b-steinberg-and-michael-ohanlon/keep-hope-alive
[iii]. Xem: Aliza Goldberg (2014). Push Comes to Shove in the South China Sea. World Policy. June 26, 2014.http://www.worldpolicy.org/blog/2014/06/26/push-comes-shove-south-china-sea // Bill Dries (2014). How to Have a Big Disastrous War with China. National Interest 27 June 2014. http://nationalinterest.org/feature/how-have-big-disastrous-war-china-10762
[iv]. Xem: Việt Nam phản đối bài viết trên mạng Trung Quốc.http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080905_viet_protest_china.shtml // Hữu nghị, nhưng phải giữ chủ quyền. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/07/140701_nguyenphutrong_on_oilrig.shtml // Trung Quốc lộ rõ ý định đánh phủ đầu Việt Nam. http://hoangsa.org/f/threads/khi-trung-quốc-lộ-rõ-ý-định-đánh-phủ-đầu-việt-nam.686 // Học giả Trung Quốc: Nên tạm gác Hoa Đông, "xử lý" Biển Đông trước. http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Hoc-gia-Trung-Quoc-Nen-tam-gac-Hoa-Dong-xu-ly-Bien-Dong-truoc-post146632.gd // Trung Quốc kéo 4 tàu ngầm hạt nhân ra dọa Mỹ, trừng phạt Việt Nam. http://www.baomoi.com/Trung-Quoc-keo-4-tau-ngam-hat-nhan-ra-doa-My-trung-phat-Viet-Nam/119/14151265.epi
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục