Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây (Phần 5)

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây (Phần 5)

01:01 05-10-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 4)

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây

GS, TS Hồ Sĩ Quý*

III. Biển Đông – “vạc dầu châu Á” qua phân tích của Robert D. Kaplan và nhóm chiến lược gia CNAS

1. Trong giới chính trị chiến lược Mỹ và phương Tây, Robert D. Kaplan[i], chuyên gia nổi tiếng của Hội đồng Chính sách Quốc phòng Mỹ, người có tầm nhìn sâu sắc về chiến lược và có kinh nghiệm dày dạn trong hoạt động quân sự, được coi là người giỏi nhất về tình hình Biển Đông. “Vạc dầu Châu Á” là thuật ngữ gọi Biển Đông của Kaplan từ tháng 3/2014. Gần như trùng với thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang 981 vào Biển Đông, Kaplan đã cho ra mắt cuốn sách “Vạc dầu Châu Á: Biển Đông và sự kết thúc của Thái Bình dương yên tĩnh”[ii]. Cuốn sách trở thành “hiện tượng” ở Mỹ và nhiều nước phương Tây, một phần vì tên tuổi của Kaplan, phần khác vì chính sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

2. Có thể nói không ngoa rằng, kể từ khi Biển Đông nóng lên thì trên bàn làm việc của tất cả các chính khách và các chiến lược gia về Châu Á - Thái Bình Dương, bên cạnh hồ sơ tranh chấp và xung đột, chắc chắn phải là cuốn sách “Vạc dầu Châu Á…” của Kaplan. Có lẽ không ai dám bỏ qua cuốn sách này nếu muốn đưa ra ý kiến của mình. Đánh giá cuốn sách, Henry Kissinger, người vẫn được coi là nhà kiến tạo quan hệ Mỹ Trung hiện đại, Ngoại trưởng Mỹ 1973-1977, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ 1969-1975, viết: “Một nghiên cứu hấp dẫn và không tầm thường. Cuốn sách mới và quan trọng này soi sáng một chân lý cổ xưa: Địa lý là nhân tố chủ yếu trong việc quyết định số phận của các quốc gia, từ các Pharaoh của Ai Cập ngày xưa đến Mùa xuân Ả Rập hiện nay”[iii].

Cuốn sách gồm 8 chương, trong đó chương 3 được dành riêng viết về Việt Nam (Tiêu đề chương 3: “Thân phận của Việt Nam” - The Fate of Vietnam). Với sự am tường Việt Nam ở mức khá sâu cả về lịch sử và cả về hiện trạng, sự cảm nhận sắc sảo những nét tinh tế và phức tạp của vấn đề qua các cuộc gặp gỡ với những chính khách và các nhân vật đáng chú ý ở Việt Nam, Mỹ và ở các nước khác, Kaplan đã phân tích khá rõ vị thế vô cùng khó khăn và phức tạp của Việt Nam trước ý đồ của Trung Quốc trong trật tự địa chính trị thế kỷ XXI.

Quan điểm của Kaplan và các nhà chiến lược Mỹ nhóm CNAS, trong cuốn sách “Vạc dầu Châu Á…” và trong các bài viết quan trọng của họ (đã được dẫn ra ở bài viết này), theo chúng tôi, có mấy điểm đáng chú ý (đáng ra phải trình bày rất dài, nhưng xin được nói vắn tắt ở đây) như sau:

3. Theo R. Kaplan, “những khu vực tranh chấp gay gắt nhất của địa cầu trong thế kỷ XX nằm trên lục địa châu Âu, đó là một địa cảnh (Landscape - trên bộ, trên đất liền, lục địa – Chúng tôi giải thích thêm. HSQ). Còn Đông Á, khu vực tranh chấp gay gắt nhất của thế giới trong thế kỷ XXI lại là biển, những hải vực bao la, một hải cảnh (Seascape). Sự khác biệt này là quan trọng giữa thế kỷ XX và thế kỷ XXI”[iv].

Đây là nhận định tổng quát nhất của Kaplan về xung đột trong thế kỷ XXI, cũng là nhận định có ý nghĩa nền tảng để Kaplan phân tích những tình huống xung đột cụ thể ở Biển Đông và những ý đồ địa chính trị của các bên tranh chấp. Theo quan điểm này thì xung đột trong thế kỷ XXI chủ yếu là những xung đột liên quan đến biển, trên nền của những “hải cảnh”, chủ yếu nhằm giải quyết những vấn đề về biển. Không biết Kaplan quan niệm như thế nào về những vấn đề địa chính trị gay gắt trên bộ, trên đất liền, mà xung đột gay gắt nhất của thế kỷ này, theo ông lại chỉ còn ở biển, nhất là những hải vực bao la. Chúng tôi chưa thấy ai phản bác quan điểm này của Kaplan, có thể là vì thế kỷ XXI, phạm vi thời gian trong khái quát của kaplan, cũng chỉ mới đi được một đoạn rất ngắn, 14 năm. Nhưng sự im lặng này cũng không đồng nghĩa với sự tán thành hoàn toàn quan điểm Kaplan.

 4. Kaplan dự báo “một hình thái xung đột ở Biển Đông sẽ khác hẳn với những gì đã từng thấy” (“xung đột thì không thể loại hoàn toàn ra khỏi đời sống nhân loại”, theo Kaplan). Trong tương lai, “Có lẽ chúng ta sẽ được chứng kiến một hình thái xung đột thuần túy hơn, chỉ nằm gọn trong lãnh vực hải quân. Đây là một tình huống đáng lạc quan”. “Xung đột hay chiến tranh trên biển thì chẳng có gì lãng mạn cả. Nhưng trong các trận hải chiến, trừ phi có pháo kích vào bờ, thực ra không hề có nạn nhân”[v].

Đây cũng là quan niệm tương đối mới lạ của Kaplan và cũng chưa thấy ai đồng tình hay phản đối. Chiến sự tương lai sẽ chỉ nằm gọn trong lĩnh vực hải quân, hải quân được Kaplan giải thích theo nghĩa rộng, gồm tất cả những gì liên quan đến biển, kể cả không quân trên biển. Kaplan có ý cho rằng, với chiến tranh hoặc xung đột trên biển, sẽ không có cảnh dàn trận với hàng vạn hoặc chục vạn quân nhân của những quân đoàn hay phương diện quân khổng lồ trên biển. Vùng chiến sự trên biển lại không nằm trong khu vực dân cư như trên bộ. Những hạm đội hùng hậu trên biển cũng chỉ có lực lượng lính thủy đánh bộ là trực tiếp tác chiến theo kiểu cổ điển[vi]. Do vậy, những những tội ác chiến tranh theo kiểu trên bộ sẽ không xảy ra. “Không có nạn nhân” và “Tình huống lạc quan” hiểu theo Kaplan là như vậy.

Chúng tôi cho rằng quan điểm này của Kaplan cũng cần thiết phải được phản biện. Tuy nhiên, điều này vượt quá khuôn khổ và vấn đề của một bài báo.

5. Theo R. Kaplan, “trong quan hệ quốc tế, đứng sau mọi vấn đề đạo đức là vấn đề quyền lực... Trong những thập kỷ tới, tại Tây Thái Bình Dương, đạo đức có thể có nghĩa là từ bỏ một số lý tưởng mà chúng ta trân quí nhất (our most cherished) để kiến tạo ổn định. Chúng ta có thể làm gì khác hơn để nhường chỗ cho một Trung Quốc theo thể chế nửa – độc tài (quasi-authoritarian) trong khi quân đội của họ không ngừng bành trướng?… Đó cũng sẽ là một bài học của Biển Đông trong thế kỷ XXI - một bài học mà những người có lý tưởng (Idealists) không muốn nghe… Bởi thế bất cứ vở kịch đạo đức nào diễn ra ở Đông Á cũng phải mang sắc thái chính trị quyền lực khắc khổ thuộc loại sẽ khiến nhiều trí thức và ký giả tê điếng (numb)... Trong câu chuyện tái diễn ở thế kỷ XXI, với Trung Quốc đóng vai người Athens nắm giữ địa vị cường quốc hải dương có sức mạnh vượt trội trong khu vực, kẻ yếu vẫn phải khuất phục - và chỉ có thế mà thôi. Đây sẽ là chiến lược ngầm của Trung Quốc, những các quốc gia nhỏ hơn tại Đông Nam Á buộc phải liên kết với Hoa Kỳ để tránh khỏi số phận của người dân đảo Melos. Nhưng tàn sát - điều đó sẽ không hiện hữu”[vii].

Cần phải có một chuyên luận riêng để bàn về những điều Kaplan vừa nói. Trước mắt, với các nhà nghiên cứu, việc thấu hiểu quan niệm này một cách sâu sắc để phản biện, tiếp thu hay bày tỏ thái độ phản đối là rất quan trọng. Hơn thế nữa chúng tôi cũng không có tài liệu hay thông tin về thái độ của Nhà Trắng đối với quan điểm này, không biết Tổng thống, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng… Mỹ có tán thành quan điểm này hay không, và nếu có thì ở mức độ nào.

6. Mặc dù viết khá nhiều về chiến tranh và cùng với thời gian, nguy cơ của xung đột vũ trang trong các ý kiến có ý nghĩa dự báo của Kaplan cũng ít nhiều tăng lên, nhưng trong cái nhìn toàn cục thì quan điểm của Kaplan và của các nhà chiến lược CNAS, tính đến nay (7/2014), vẫn nghiêng về phía tin tưởng vào khả năng kiểm soát của “lý trí lành mạnh”, ám chỉ trước hết là khả năng kiểm soát của Mỹ. Theo Kaplan, không để chiến tranh xảy ra ở Biển Đông là điều có thể làm được. Ông viết: “Cuộc đấu tranh để giành địa vị ưu việt tại Tây Thái Bình Dương không nhất thiết phải bao gồm chiến tranh. Chiến tranh chẳng phải là chuyện không thể tránh khỏi cho dù cạnh tranh là điều hiển nhiên”[viii].

7. Về Việt Nam, khi cảm nhận và có ý sẻ chia với tâm thức của người Việt về mối đe dọa từ phương Bắc, Kaplan đã đưa ra một so sánh thú vị giữa Mỹ và Trung Quốc trong lịch sử Việt Nam. Ông viết: “Mỹ chỉ là một cấu thành bên lề của quá khứ Việt Nam, trong khi đó Trung Hoa lại là một thành tố cốt tử”. Ông tán đồng với Robert Templer, một học giả Mỹ đã có thời tham chiến ở Việt Nam về “nỗi lo sợ bị đô hộ là bất biến và vượt qua mọi khác biệt về hệ tư tưởng” ở người Việt. Theo Kaplan, “nỗi lo sợ của Việt Nam là một tất yếu sâu sắc vì Việt Nam không thể chạy trốn khỏi sự vây tỏa của người láng giềng khổng lồ phương bắc, có dân số đông gấp 15 lần. Người Việt Nam hiểu rằng vị trí địa lý đã quy định cách thức quan hệ của họ với Trung Hoa: họ có thể chiến thắng trên chiến trường, nhưng sau đó vẫn phải cử người đến Bắc Kinh thể hiện sự thần phục. Đó là tình huống lạ lùng đối với một quốc gia trên thực tế là một hòn đảo như Mỹ” [ix].

“Thực tế là, không có quốc gia nào bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng Việt Nam” (The fact is, no country is as threatened by China’s rise as much as Vietnam)[x]. Đây là một nhận xét sâu sắc, đặc biệt thú vị và phải là người có cái nhìn xuyên suốt lịch sử Việt Nam trong đối sánh với các quốc gia khác xung quanh Trung Quốc, thì mới có thể bật ra được nhận xét tinh tường như thế. Người Việt Nam đôi khi cũng có suy nghĩ tương tự, nhưng chưa thấy ai viết hoặc phát biểu chính thức như vậy. (Tiếp theo phần 6)

* Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

[i]. Robert D. Kaplan, Giám đốc cơ quan phân tích địa chính trị Stratfor, chuyên gia cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ CNAS (Center for a New American Security), chuyên gia Hội đồng Chính sách Quốc phòng, Mỹ. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về quan hệ quốc tế, như “Cuộc báo thù của địa lý: những gì bản đồ nói với chúng ta về các xung đột sắp tới và cuộc chiến chống lại định mệnh” (The Revenge of Geography: What the Map Tells Us About Coming Conflicts and The Battle Against Fate) Nxb. Random House, 2012, & 2013; “Những bóng ma Balkan: hành trình qua lịch sử (Balkan Ghosts: A Journey Through History. Nxb. Picador, 1993, 2005)… Năm 2011 và 2012 Kaplan được “Foreign Policy” xếp hạng thuộc “Top 100” Nhà tư tưởng toàn cầu (“Global Thinkers”).Thomas Friedman gọi R. Kaplan một trong bốn tác giả được đọc nhiều nhất sau Chiến tranh lạnh (cùng với Francis Fukuyama - Đại học Johns Hopkins, Paul Kennedy - Đại học Yale và Samuel Huntington - Đại học Harvard). (Theo: http://www.cnas.org/people/experts/staff/robert-kaplan // http://www.robertdkaplan.com/robert_d_kaplan_bio.htm). Lưu ý: Quan điểm của Kaplan không phải lúc nào cũng được Nhà trắng tán thành, như một số tài liệu đã nói.

[ii]. Kaplan, Robert D. (2014). Asia's Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific. Random House. New York, 2014.

[iii] The Latest Books From Robert D. Kaplan. http://www.robertdkaplan.com/

[iv] Kaplan, Robert D.  (2011). Sđd. (Bản dịch của Viện Thông tin KHXH (2012). Niên giám Thông tin KHXH nước ngoài. Số 3. Nxb. KHXH. 2012. tr. 328.

[v] Kaplan, Robert D.  (2011). Sđd. tr. 337.

[vi] Xem: The United States 7th Fleet. http://www.csg7.navy.mil/engagements/7thfleetregion.htm // Trịnh Thái Bằng (2013). Hạm đội 7 Mỹ và cuộc chiến ở Biển Đông. http://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/ham-doi-7-my-va-cuoc-chien-o-bien-dong-6

Bình luận của bạn

Nguồn:

Cùng chuyên mục