Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới New Zealand và Úc

Ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới New Zealand và Úc

Việc một số cường quốc châu Á có cách tiếp cận đơn phương đối với một số vấn đề khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đã làm cho các quốc gia liên quan lo lắng. Trong bối cảnh đó, mối quan hệ giữa các nước Úc, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam được tăng cường là điều hết sức quan trọng.

05:29 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Rajaram Panda*

Trong khối ASEAN gồm 10 thành viên, Việt Nam đã nổi lên là trục chính trong chính sách ngoại giao của tổ chức này. Hiện nay, có thể so sánh Việt Nam như một cường quốc bậc trung, Việt Nam đã nổi lên với nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và cách tiếp cận ngoại giao phù hợp với bối cảnh địa chính trị hiện hành. Sau khi khép lại quá khứ đắng cay, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã trở nên mạnh mẽ. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển lên tầm cao mới. Việt Nam cũng có sự tương đồng với Nhật Bản. Sự thay đổi tình hình địa chính trị ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã làm cho Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản gần gũi nhau vì hòa bình và ổn định trong khu vực. Việc một số cường quốc châu Á có cách tiếp cận đơn phương đối với một số vấn đề khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đã làm cho các quốc gia liên quan lo lắng và đó là lý do khiến Việt Nam, Nhật Bản và Ấn Độ xem xét tình hình thay đổi dưới cùng một lăng kính. 

Trong bối cảnh này, tầm quan trọng của chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến New Zealand và Úc cần được hiểu rõ. Bên cạnh những mối quan hệ song phương mật thiết giữa các nước này, có những vấn đề khu vực và toàn cầu buộc họ phải làm việc trên một nền tảng chung. Quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản có vai trò quan trọng không kém quan hệ Ấn Độ - Úc. Tương tự, mối quan hệ Việt Nam - Úc quan trọng không kém quan hệ Úc - Nhật Bản. Mỹ là quốc gia đưa ra chủ đề chung cho mối quan hệ tam giác này. Theo quan điểm này, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới 2 quốc gia châu Đại Dương có ý nghĩa quan trọng. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm New Zealand 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến New Zealand từ ngày 11 đến 13/3/2018. Chuyến thăm đã mở đường cho việc tạo ra động lực tăng cường quan hệ đối tác toàn diện của 2 nước và mở rộng hợp tác trong tương lai. Như phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Việt Dũng, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán, độc lập, tự chủ và đa phương hoá của Việt Nam, bao gồm cả các chính sách đối ngoại với New Zealand. Đây cũng là dịp để hai bên tăng cường niềm tin chính trị và tạo nền tảng vững chắc để tăng cường hợp tác song phương dựa trên Kế hoạch hành động Việt Nam - New Zealand năm 2017 - 2020 được ký kết vào tháng 11/2017 khi Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. 

Việt Nam-New Zealand có hiểu biết chính trị sâu sắc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975 và quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2009. Các chuyến thăm thường xuyên của các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu đã củng cố quan hệ trong nhiều lĩnh vực và các vấn đề. Quan hệ thương mại và kinh tế cũng có xu thế tăng. Chuyến thăm của Thủ tướng Phúc đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ này qua phát biểu của ông với đông đảo các doanh nghiệp lớn tại diễn đàn kinh tế. 

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 16 của New Zealand. Thương mại song phương đã tăng 15-20% trong 5 năm qua. Thương mại song phương 2 nước trong năm 2017 đã tăng gần 30% so với năm trước và đạt 1,2 tỷ USD. Với xu hướng hiện nay, mục tiêu đưa thương mại hàng hoá và dịch vụ đạt 1,7 tỷ USD vào năm 2020 dường như hoàn toàn có thể đạt được. 

Cả hai nước đều là thành viên của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand có hiệu lực từ tháng 1/2010. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) đã được ký tại Chile vào ngày 8/3. Hai nước cùng với 9 quốc gia ASEAN khác và 5 quốc gia đối tác của ASEAN cũng đang tham gia đàm phán về Quan hệ Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). 

Cả hai cũng đang có những bước tiến trong lĩnh vực giáo dục. Hiện hơn 2.200 sinh viên Việt Nam đang theo học tại New Zealand. Việc ký kết một số văn kiện hợp tác giáo dục như kế hoạch hợp tác chiến lược 2018-2020 và một số thoả thuận giữa các trường đại học với mục đích nâng cao số lượng sinh viên Việt Nam ở New Zealand lên 30% vào năm 2020 là điểm nổi bật khác trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

New Zealand nổi tiếng về sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa tiêu dùng hàng ngày. Mặc dù bị bảo hộ mạnh mẽ, nông nghiệp đã nổi lên như một đóng góp quan trọng cho quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Giống như Nhật Bản nhập khẩu công nghệ nước ngoài sau chiến tranh và tự phát triển trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trước khi bị Trung Quốc vượt qua, Việt Nam đã được New Zealand giúp đỡ để phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việt Nam hiện nay cũng nổi lên như một quốc gia xuất khẩu gạo lớn. Xoài ở Việt Nam có quanh năm trong khi ở Ấn Độ chỉ có theo mùa dù Ấn Độ là xứ sở của xoài. 

Du lịch là một lĩnh vực khác mà cả hai nước có thể đạt được lợi ích chung. Cả hai nước đều có nhiều địa điểm hấp dẫn và nếu ngành hàng không được tăng cường, nó sẽ thúc đẩy du lịch. Du khách Việt Nam đến New Zealand tăng 32% vào năm 2016, và con số này thậm chí còn lớn hơn ở phía New Zealand khi số lượng khách New Zealand đến Việt Nam tăng 41% nhờ việc hãng hàng không Air New Zealand mở các chuyến bay trực tiếp theo mùa từ Auckland đến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016. Đây là nền tảng to lớn để mở rộng quan hệ song phương trên mọi mặt và đạt được những cột mốc mới trong từng lĩnh vực được liệt kê trong Kế hoạch hành động giai đoạn 2017-2020. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ mang lại động lực chính trị và thúc đẩy thực hiện mục tiêu này. Cả hai bên đều cần phấn đấu tối ưu hóa những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại. Nếu có thể sử dụng hợp lý các thoả thuận thương mại, thương mại của Việt Nam phát triển giúp đạt được mục tiêu cho từng nhóm hàng hoá, đặc biệt là nông sản để có thể phá vỡ các rào cản và tiếp cận thị trường New Zealand được bảo hộ cao. 

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lời chứng thực cho cam kết của cả hai quốc gia cùng nhau hướng tới hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Úc 

Điểm dừng chân thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Ấn Độ Dương là Úc trong 2 ngày 14-15/3/2018. Người ta cũng nhận thấy không khí nồng ấm tương tự giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Giống như New Zealand, Việt Nam có mối quan hệ thân thiết với Úc. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 sau đàm phán Paris về chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Việt Nam và năm nay là tròn 45 năm quan hệ chính thức. 

Trong suốt hành trình 45 năm qua, quan hệ Việt Nam - Úc đã trải qua hai bước ngoặt chính: Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh lần đầu tiên thăm Canberra năm 2009 và việc Phó Thủ tướng Úc Julia Gillard và người đồng cấp Việt Nam Phạm Gia Khiêm ký tuyên bố chung nâng quan hệ hợp tác song phương lên đối tác toàn diện; thứ hai là, vào tháng 3/2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Canberra. 

Mặc dù tuyên bố chung đã nêu rõ quan hệ đối tác dựa trên 6 lĩnh vực hợp tác song phương - chính trị và trao đổi chính sách công, quan hệ kinh tế và thương mại, hỗ trợ phát triển và hợp tác kỹ thuật, quốc phòng và an ninh, giao lưu giữa người dân hai nước, các vấn đề toàn cầu và khu vực - sẽ được thực hiện thông qua Kế hoạch hành động 3 năm (2010-2013), chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng năm 2015 đã mở đường cho việc ký Tuyên bố về tăng cường đối tác toàn diện Úc - Việt Nam. Tuyên bố này xác định 5 lĩnh vực hợp tác chính: tăng cường quan hệ song phương, khu vực và quốc tế; tăng trưởng kinh tế; phát triển thương mại và công nghiệp; hỗ trợ phát triển, quốc phòng, thực thi pháp luật và quan hệ an ninh. 

Các lĩnh vực chính trị và kinh tế sẽ không khai thác được hết trừ khi khai thác được nguồn nhân lực. Với ý nghĩ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký một thỏa thuận hợp tác giáo dục với Úc để tạo ra một nền tảng phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của nhau. Úc là một điểm đến hấp dẫn cho sinh viên. Có khoảng 30.000 sinh viên Việt Nam đang du học tại Úc, thể hiện sự tin cậy của cha mẹ và học sinh Việt Nam đối với các cơ sở giáo dục của Úc. Thực tế là hơn 60.000 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các cơ sở giáo dục ở Úc đã trở về nước để phục vụ cho đất nước mình. Điều này không chỉ chứng tỏ chất lượng giáo dục mà họ nhận được ở Úc mà còn là những cam kết của sinh viên phục vụ đất nước. 

Quan hệ đối tác toàn diện tăng cường đã chứng minh rằng, có sự hội tụ ngày càng tăng của các mối quan tâm và quan điểm giữa hai nước. Cả Việt Nam và Úc đều cam kết duy trì an ninh, ổn định và phát triển kinh tế khu vực dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế. Hai nước đều coi trọng tới các thể chế đa phương như ASEAN, APEC và EAS. 

Trong lĩnh vực kinh tế, cả hai nước cam kết hội nhập dài hạn kinh tế toàn cầu và khu vực dựa trên tự do hoá thương mại và đầu tư. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi TPP, cả Việt Nam và Úc đều tham gia đàm phán thành công CPTPP. 

Như đã lưu ý ở phần đầu của bài báo này, cần lưu ý sự hiểu biết giữa Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và Úc trong các lĩnh vực chính trị và an ninh đang nổi lên. Trong khi quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam - Úc ngày càng trở nên mạnh mẽ thì mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ đã được nâng lên vị thế đặc biệt trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Hà Nội vào tháng 9/2016. Hiện tại, Việt Nam có 11 quan hệ đối tác chiến lược trong đó có 4 trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với sự đa dạng về lợi ích trong nhiều vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu, không có gì ngạc nhiên khi các quan hệ song phương đã được nâng cao từ toàn diện lên cấp chiến lược trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bốn nước đã đề cập đến việc liên kết với các quan điểm chung về an ninh khu vực và các vấn đề chiến lược và chính sách điều phối sẽ góp phần vào hòa bình và ổn định của khu vực. Chuyến thăm của Thủ tướng Phúc tới New Zealand và Úc cần được nhìn nhận từ quan điểm rộng hơn này. 

Điều quan tâm chung là giải quyết hòa bình các tranh chấp khu vực, cam kết không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) trong bối cảnh một cường quốc nhất định được xác định là không tôn trọng các quy tắc đối với thương mại toàn cầu. Do đó, các quốc gia tuân thủ luật pháp khác phải cùng nhau giải quyết những thách thức chung này, bao gồm cả vấn đề an ninh hàng hải. Những vấn đề trên không chỉ đe dọa một quốc gia riêng rẽ nào mà đe dọa toàn bộ khu vực. Liên quan đến vấn đề này, hợp tác hàng hải để duy trì trật tự trên biển cũng là trách nhiệm của mỗi quốc gia. Nâng mức độ quan hệ hiện tại giữa Việt Nam và Úc lên một tầm cao mới là kết quả chính trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Úc và có thể là bước ngoặt thứ ba trong quan hệ song phương. 

*Giáo sư Rajaram Panda, Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản thuộc Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ (ICCR), hiện giảng dạy tại Đại học Reitaku, Nhật Bản. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả và được đăng trên Eurasia Review.

Nguồn:

Cùng chuyên mục