Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

2017: Một năm gian khó trong quan hệ Ấn – Trung

2017: Một năm gian khó trong quan hệ Ấn – Trung

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang đứng ở ngã tư đường. Liệu hai nước có thể vượt qua được sự xích mích trong năm 2018?

05:59 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Năm 2017 là một năm vô cùng khó khăn đối với quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ. Với căng thẳng quân sự gần biên giới tranh chấp, gia tăng cạnh tranh trong khu vực ảnh hưởng, và sự thiếu lòng tin chiến lược ngày càng tăng, mối quan hệ của Bắc Kinh và New Delhi đã xuống dốc vào năm 2017. Nhưng điều đáng mừng là, thiệt hại năm 2017 trong quan hệ giữa hai gã khổng lồ châu Á này không phải là không thể khắc phục. Tuy nhiên, điều này phản ánh xu hướng lớn hơn, và chứng tỏ mối quan hệ Trung - Ấn đang ngày càng rơi vào chia rẽ, và ngày càng có thể đi sai hướng. Do đó, New Delhi và Bắc Kinh cần phải bắt đầu xem xét lại mối quan hệ của họ trong năm 2018.

Năm 2017 vừa qua chứng kiến một số sự kiện làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ và khiến quan hệ hai nước rơi vào quỹ đạo đi xuống. Một vài sự kiện trong số đó là nghiêm trọng nhưng đã khá quen thuộc, như căng thẳng xung quanh chuyến thăm của Đạt Lai Lạt Ma đến bang Arunachal Pradesh đang bị tranh chấp, và Trung Quốc tiếp tục ngăn cản nỗ lực đưa người lãnh đạo Jaish-e-Mohammed, Masood Azhar, vào danh sách khủng bố toàn cầu. Tuy nhiên, đây là những điểm nhỏ so với ba sự kiện làm rung chuyển quan hệ song phương và mang lại những hậu quả chiến lược nghiêm trọng.

Sự kiện quan trọng nhất chính là cuộc xung đột quân sự chưa từng có ở Doklam, một cuộc thử nghiệm kéo dài hai tháng rưỡi về việc Trung Quốc tiến hành xây dựng một con đường ở vùng lãnh thổ đang tranh chấp giữa nước này với Bhutan, cách không xa khu vực biên giới chiến lược quan trọng Trung Quốc - Ấn Độ. Sự phản đối của Ấn Độ bao gồm việc can thiệp quân đội chưa từng có của Ấn Độ trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước láng giềng và phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc, bao gồm các đe dọa quân sự tiềm ẩn đối với Ấn Độ và một chiến dịch truyền thông khổng lồ chống lại New Delhi, đây là chiến dịch đầu tiên chống lại Ấn Độ sau nhiều thập kỷ.

Điều làm cho cuộc xung đột ở Doklam đặc biệt mãnh liệt là sự kết nối của nó với hai vấn đề quan trọng. Một là, sự cạnh tranh về ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ đối với Bhutan, điều này phản ánh sự gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Nam Á của Trung Quốc và mong muốn bảo vệ những gì mà Ấn Độ xem là lĩnh vực quan tâm của nước này. Hai là, tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc - Ấn Độ chưa được giải quyết và ngày càng bất ổn, việc quân sự hóa ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây, một cuộc cạnh tranh xây dựng cơ sở hạ tầng xung quanh khu vực biên giới, và các sự cố thường xuyên xảy ra, bao gồm cả những xung đột lớn trong năm 2013 và 2014. Cả hai vấn đề đều cho thấy tình thế lưỡng nan về an ninh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng căng thẳng. Tuy cuộc xung đột Doklam cuối cùng đã được giải quyết, có thể là để tránh làm trật quỹ đạo Hội nghị Thượng đỉnh khối BRICS vào tháng 9 tại Bắc Kinh, nhưng vẫn để lại một cảm giác mất lòng tin giữa hai bên.

Quyết định tẩy chay cuộc họp Thượng đỉnh về sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng 5/2017 của Ấn Độ, thậm chí là những nước đối nghịch với Trung Quốc như Nhật Bản và Hoa Kỳ vẫn tham dự, là một cú sốc lớn đối với quan hệ Trung - Ấn. Đối với Trung Quốc, việc tẩy chay không chỉ là tín hiệu cho thấy sự thù địch của Ấn Độ đối với dự án quốc tế quan trọng nhất của nước này, mà còn là sự sỉ nhục đối với bản thân Bắc Kinh với tư cách là quốc gia lãnh đạo quốc tế, và với cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình. Nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất là hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, vùng quan trọng của Pakistan ở BRI, bao gồm các dự án ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền, do đó, đã hợp pháp hoá quan điểm về vấn đề này cũng như việc xây dựng các thực thể trên thực địa của Pakistan.

Tuy nhiên, ở mức độ sâu hơn, quyết định không tham dự của Ấn Độ đã phản ánh sự bất an sâu sắc không kém của New Delhi đối với BRI, một dự án mà trong mắt của họ là sẽ mở rộng quyền lực của Trung Quốc ở khu vực Nam Á, nhằm bao vây Ấn Độ, và đưa Bắc Kinh và Islamabad đến gần nhau hơn. Do đó, điều này nhấn mạnh sự căng thẳng giữa sự thúc đẩy của Bắc Kinh để xây dựng một trật tự kinh tế và chính trị mới ở Trung Á và Ấn Độ Dương, và sự nghi ngờ sâu sắc của Ấn Độ đối với một trật tự như vậy. Nó cũng chứng minh rằng, cam kết kinh tế trong quan hệ Trung - Ấn thể hiện trong những cơ hội mà BRI tạo ra không thể nào vượt qua những lo ngại về chiến lược, một kết luận với những lo ngại cho tương lai.

Sự kiện cuối cùng đã âm thầm phá hoại quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ vào năm 2017 là quyết định tham gia Đối thoại Bốn bên (Quad) vào tháng 11 của Ấn Độ, một cuộc đối thoại chiến lược giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia với nội dung về hải quân. Bắc Kinh đã phản đối Quad như là một liên minh dân chủ có tiềm năng chống Trung Quốc, nhằm mục đích khắc chế và kiểm soát sự trỗi dậy về hàng hải của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương; phe phản đối đóng một vai trò quan trọng trong việc từ bỏ cuộc đối thoại trước đây. Quyết định của Ấn Độ tham gia khiến Quad được hồi sinh, nhưng vẫn chưa định hình được Quad, điều này phản ánh những lo lắng về sức mạnh và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương và sự sẵn sàng của Delhi để phòng ngừa. Điều này cũng phù hợp với sự tái kết nối từng bước giữa Ấn Độ với Hoa Kỳ, đã được đẩy nhanh dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi và một phần là nhờ động cơ thúc đẩy chống lại Trung Quốc.

Do đó, quyết định Quad nhắm vào sự phát triển không ngừng của Bắc Kinh, mặc dù có đôi chút phóng đại, nhưng sự lo lắng việc Ấn Độ sẽ cùng Hoa Kỳ và Nhật Bản kiềm chế Bắc Kinh, sự nghi ngờ này đã âm thầm đầu độc quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ. Quyết định Quad cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ Trung - Ấn thông qua việc khiến Ấn Độ tham gia sâu hơn trong các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, mặc dù Delhi đã kiềm chế tránh không nhắc đến vấn đề tự do hàng hải, hàng không và an ninh trên biển ở Quad. Tóm lại, quyết định gia nhập Quad của Ấn Độ phản ánh tình trạng lưỡng nan về an ninh giữa hai bên và vai trò ngày càng tăng của các cường quốc địa chính trị châu Á trong mối quan hệ của giữa hai nước.

Ba vấn đề nêu trên đã làm năm 2017 trở thành một năm đặc biệt khó khăn đối với quan hệ Trung - Ấn, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nhìn nhận của hai nước. Về mặt tích cực, những sự kiện nói trên đã không gây ra thiệt hại nào đối với mối quan hệ song phương không thể đảo ngược. Về mặt tiêu cực, các vấn đề nói trên thể hiện cho một biểu hiện đặc biệt nghiêm trọng của các xu hướng lớn hơn gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ trong những năm gần đây.

Một trong những xu hướng như vậy là sự gia tăng tình thế lưỡng nan an ninh Trung - Ấn, đặc biệt dọc theo đường biên giới ngày càng được quân sự hóa và đang tồn tại tranh chấp của hai cường quốc ngày càng gia tăng, giống như ở vụ xung đột Doklam, ở Ấn Độ Dương, như đại diện bởi quyết định gia nhập Quad của Ấn Độ. Một xu hướng khác là sự gia tăng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Nam Á, ví dụ như vụ Doklam liên quan đến Bhutan. Ở đây cần lưu ý rằng, Bhutan là một vũ đài quan trọng của cuộc cạnh tranh này, vì Bắc Kinh hy vọng sẽ thúc đẩy Thimphu thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc, và giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc - do đó sẽ cho phép Trung Quốc gây áp lực lên Ấn Độ trong tranh chấp lãnh thổ của họ - và làm suy yếu liên kết truyền thống với Delhi. Tuy nhiên, một xu thế khác nữa là sự căng thẳng song phương trong nỗ lực thúc đẩy kinh tế, kết cấu hạ tầng và giao thông của Trung Quốc với trung tâm là chính quốc gia này. Ấn Độ lo sợ viễn cảnh đó sẽ hạn chế không gian kinh tế và chiến lược riêng của họ, nỗi sợ hãi này được thể hiện bằng việc tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh BRI của Delhi. Cuối cùng là, sự thiếu tin cậy lẫn nhau tăng lên do sự gần gũi của New Delhi với Washington, và nỗi lo ngại của Bắc Kinh về  việc Delhi sẽ thành lập một liên minh chống Trung Quốc với Hoa Kỳ.

Những xu hướng và sự kiện của năm ngoái rõ ràng chỉ ra sự xuất hiện của một hình ảnh lớn hơn và đáng lo ngại hơn về quan hệ song phương. Có hai thay đổi liên tục và chủ yếu định nghĩa bức tranh nói trên. Thứ nhất, quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ đang trong quá trình chuyển đổi và đang dần dần tiến đến ngã tư đường. Chiến lược và cấu trúc kinh tế của châu Á đang thay đổi cùng với sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc đã làm biến đổi ở cả châu Á và Ấn Độ Dương, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và Nhật Bản. Những thay đổi về cấu trúc này đang chuyển đổi môi trường quốc tế, trong đó mối quan hệ Bắc Kinh-Delhi hoạt động, và điều này có nghĩa là mối quan hệ này không thể tiếp tục như trước.

Điều quan trọng nữa là, yếu tố cạnh tranh trong mối quan hệ song phương thể hiện trong bốn xu hướng nêu trên dường như đang gia tăng, đã tăng lên cùng với chi tiêu trong quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, tập trung vào thương mại, đầu tư và hợp tác về các vấn đề quản trị toàn cầu như biến đổi khí hậu và cải cách thể chế toàn cầu, tất cả các lĩnh vực trong đó gần đây đã có những tiến bộ rất ít. Điều này có nghĩa là các động lực cơ bản của quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ đang thay đổi, và hai bên sẽ bị buộc phải có những tiến triển trong các vấn đề như: sự mở rộng của BRI và tình trạng lưỡng nan về an ninh đang gia tăng, nhằm tạo ra một mối quan hệ mới.

Tóm lại, Trung Quốc và Ấn Độ đã gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý căng thẳng và bất đồng song phương, bằng chứng là cuộc xung đột tại Doklam và việc Ấn Độ tẩy chay Hội nghị Thượng đỉnh BRI, một chỉ dấu cho thấy định dạng hiện tại của mối quan hệ này không hiệu quả. Tất cả điều đó chỉ ra rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng rơi vào ngã tư đường, và hai bên sẽ phải lựa chọn tiến lên theo hướng nào, hoặc nếu không họ sẽ phải chấp nhận con đường mà quán tính sẽ lựa chọn.

Hai là, mối quan hệ Trung - Ấn đang dần dần xấu đi. Khi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trên khắp Ấn Độ và bắt đầu định hình chiến lược của châu Á thì Ấn Độ đã áp dụng một lập trường cứng rắn và quyết đoán hơn đối với Bắc Kinh. Ba vấn đề trên nêu rõ những động thái này. Mặc dù bức tranh này đã phát triển trong một thời gian dài nhưng nó đã trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây cùng với sự trỗi dậy của cả hai cường quốc, ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Nam Á đã tăng lên và nước này đã bắt đầu thiết lập nền tảng của một trật tự châu Á mới được thúc đẩy thông qua sáng kiến BRI. Điều này đã làm tăng thêm sự nghi ngờ và tình trạng lưỡng nan về an ninh giữa hai bên, và trầm trọng hóa một loạt các yếu tố như: sự bất ổn về biên giới, sự hồi sinh liên minh giữa Trung Quốc và Pakistan, bước tiến đáng thất vọng về quan hệ kinh tế Trung - Ấn, cạnh tranh về hải quân và vũ khí, và sự hợp tác gần gũi giữa Ấn Độ với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Kết quả là quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ xuống dốc, và nếu không được kiểm soát, nó sẽ khiến hai bên trở thành kẻ thù.

Tóm lại, Trung Quốc và Ấn Độ cần phải lựa chọn mối quan hệ tương lai của họ, và càng có nhiều khả năng mối quan hệ này sẽ đi sai hướng. Chi phí và rủi ro của sự biến chuyển như vậy sẽ rất lớn, như những cơ hội bị bỏ lỡ về hợp tác, thương mại và đầu tư giữa hai gã khổng lồ của châu Á. Để tránh một kết quả như vậy, cả hai bên cần cân nhắc lại chính sách của họ đối với nhau và định hình lại mối quan hệ song phương.

Nghịch lý là, về ý nghĩa nào đó, các sự kiện năm 2017 đã tạo một điểm khởi đầu tốt. Chấn động của cuộc xung đột Doklam và, ở mức độ thấp hơn, sự tẩy chay BRI đã đưa ra cảnh báo rằng, mọi thứ đang đi sai hướng. Hy vọng rằng cú sốc này sẽ thúc đẩy cuộc tranh luận về cách thay đổi chính sách và cải thiện quan hệ trước khi xảy ra tình trạng suy thoái. Một cách hay để bắt đầu cuộc tranh luận này là đặt câu hỏi lý do tại sao quan hệ song phương xấu đi vào năm 2017, và làm thế nào để giải quyết các vấn đề và xu hướng tạo ra sự suy thoái này. Chắc chắn là, việc tái suy ngẫm này sẽ rất đau đớn vì nó sẽ đòi hỏi phải thay đổi lập trường đã được thiết lập, đối mặt với phái cứng rắn trong nước và đưa ra những nhượng bộ khó khăn. Tuy nhiên, điều này là tốt hơn nhiều so với việc: sự nổi lên của một mối quan hệ thù địch giữa Bắc Kinh và Delhi.

Năm 2017 là một năm tồi tệ trong quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ, và để lại một di sản nặng cho năm 2018. Tuy nhiên, nó cũng để lại bài học cho Bắc Kinh và Delhi; để suy nghĩ lại về mối quan hệ song phương đang trở nên xấu đi. Nếu hai bên giải quyết tốt vấn đề, năm 2018 và những năm tới có thể sẽ chứng kiến một sự cải thiện rất cần thiết cho một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của châu Á.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://thediplomat.com/2018/01/2017-a-tough-year-for-china-india-relations/

Nguồn:

Cùng chuyên mục