Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

75 năm Độc lập - Thách thức trong vấn đề Kashmir sẽ thay đổi trọng tâm chính sách đối ngoại của Ấn Độ

75 năm Độc lập - Thách thức trong vấn đề Kashmir sẽ thay đổi trọng tâm chính sách đối ngoại của Ấn Độ

RINAGAR, Ấn Độ (AP) - Trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ đã luôn tìm cách đánh bại Pakistan trong một cuộc tranh chấp kéo dài đối với Kashmir, vùng lãnh thổ xinh đẹp thuộc dãy Himalaya mà cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền nhưng bị chia rẽ.

10:00 11-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sự cạnh tranh tàn khốc đó khiến Pakistan luôn là tiêu điểm trong chính sách đối ngoại của New Delhi.

Nhưng trong hai năm gần đây, kể từ cuộc đụng độ biên giới chết người giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Ladakh thuộc Kashmir, các nhà hoạch định chính sách ở New Delhi ngày càng tập trung vào Bắc Kinh, một sự thay đổi chính sách đáng kể khi quốc gia này kỷ niệm 75 năm Độc lập.

Nền kinh tế ngày càng phát triển của Ấn Độ, hiện lớn hơn rất nhiều so với Pakistan, kết hợp với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng trên toàn khu vực châu Á của Bắc Kinh, theo Trung tướng D.S. Hooda, người từ năm 2014 đến năm 2016 đứng đầu Bộ chỉ huy phương Bắc của quân đội Ấn Độ, nơi kiểm soát Kashmir, bao gồm cả Ladakh, điều đó có nghĩa là “New Delhi ngày càng xem Bắc Kinh là trung tâm”.

Kashmir đã phải hứng chịu các cuộc nổi dậy, các cuộc bãi khóa và cuộc lật đổ chính trị kể từ khi Ấn Độ và Pakistan giành được độc lập từ sự cai trị của thực dân Anh vào năm 1947, và là trung tâm của hai trong số bốn cuộc chiến mà Ấn Độ đã chiến đấu với Pakistan và Trung Quốc. Biên giới căng thẳng của ba nước gặp nhau tại lãnh thổ tranh chấp, trong cuộc đối đầu hạt nhân ba bên duy nhất trên thế giới.

Từ những năm 1960, Ấn Độ là một thành viên tích cực của Phong trào Không liên kết, một nhóm gồm hơn 100 quốc gia về mặt lý thuyết không liên kết với bất kỳ cường quốc lớn nào trong Chiến tranh Lạnh. Bất chấp tranh chấp với các nước láng giềng Pakistan và Trung Quốc, lập trường không liên kết của Ấn Độ vẫn là nền tảng của chính sách đối ngoại của nước này, với việc các nhà ngoại giao của Ấn Độ chủ yếu quan tâm đến việc lật độ yêu sách của Pakistan đối với Kashmir.

Kanwal Sibal, từng là Ngoại trưởng Ấn Độ giai đoạn 2002-2003 cho biết: “Kashmir là một trong những trọng tâm trong các mối quan tâm về chính sách đối ngoại của chúng tôi".

Tuy nhiên, sự đối đầu quân sự hiện tại giữa Ấn Độ và Trung Quốc về biên giới tranh chấp của họ ở Ladakh đã gây ra sự leo thang nghiêm trọng trong căng thẳng giữa hai gã khổng lồ châu Á. Dù đã tiến hành 17 vòng đối thoại quân sự và ngoại giao, nhưng sự đối đầu vẫn tiếp diễn.

Trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ luôn cho rằng Trung Quốc không phải là một mối đe dọa quân sự, theo ông Hooda, cựu chỉ huy quân sự cho biết. Nhưng tính toán đó đã thay đổi vào giữa năm 2020 khi một cuộc đụng độ quân sự ở vùng núi Karakoram thuộc Thung lũng Galwan của Ladakh gây ra căng thẳng quân sự giữa hai nước.

Constantino Xavier, thành viên của Trung tâm Tiến bộ Kinh tế và Xã hội, một nhóm chính sách có trụ sở tại New Delhi, cho biết: “Galwan đại diện cho bước ngoặt chiến lược, nó giúp Ấn Độ đạt được một nhận thức chung mới, tức cần phải tái khởi động toàn bộ mối quan hệ với Trung Quốc, chứ không chỉ giải quyết vấn đề ranh giới. ”

Binh lính hai bên đã đánh một trận kiểu thời trung cổ bằng đá, nắm đấm và dùi cui, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Cuộc giao tranh diễn ra một năm sau khi chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu giáo của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi xóa bỏ địa vị nhà nước của Kashmir, xóa bỏ quyền bán tự trị và kiểm soát các chính trị gia, nhà báo và truyền thông địa phương.

Chính phủ cũng chia tách khu vực với đa số người Hồi giáo thành hai vùng lãnh thổ do liên bang quản lý - Ladakh và Jammu-Kashmir - và chấm dứt các biện pháp bảo vệ kế thừa về đất đai và việc làm.

Chính phủ khẳng định rằng, các động thái này chỉ liên quan đến những thay đổi hành chính, một phần của cam kết theo chủ nghĩa dân tộc Hindu giáo lâu đời nhằm đồng hóa người Kashmir theo đạo Hồi vốn chiếm đại đa số ở khu vực này.

Pakistan phản ứng giận dữ trước những thay đổi của Ấn Độ, khẳng định rằng Kashmir là một khu vực tranh chấp quốc tế và bất kỳ sự thay đổi đơn phương nào về tình trạng của nó đều là vi phạm luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về khu vực.

Nhưng thách thức ngoại giao chính đối với các động thái của New Delhi ở Kashmir đến từ một đối thủ bất ngờ: Trung Quốc.

Bắc Kinh chỉ trích gay gắt New Delhi và nêu vấn đề này tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi tranh chấp Kashmir được tranh luận - một lần nữa không có kết quả - lần đầu tiên sau gần 5 thập kỷ.

Quan điểm của Ấn Độ vẫn nhất quán: Đối với cộng đồng quốc tế, họ kiên trì rằng Kashmir là một vấn đề song phương với Pakistan. Đối với Pakistan, họ nhắc lại rằng Kashmir là một việc nội bộ của Ấn Độ. Và đối với những người chỉ trích ở địa phương, họ kiên quyết khẳng định rằng Kashmir là một vấn đề về khủng bố và luật pháp và trật tự.

Ban đầu, New Delhi đã phải đối mặt với một phong trào chống Ấn Độ phần lớn là hòa bình ở khu vực Kashmir thuộc Ấn. Tuy nhiên, một cuộc đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến ​​đã dẫn đến một cuộc nổi dậy vũ trang toàn diện chống lại sự kiểm soát của Ấn Độ vào năm 1989. Một cuộc xung đột kéo dài kể từ đó đã dẫn đến hàng chục ngàn người chết.

Kashmir đã trở thành một điểm nóng hạt nhân tiềm năng khi Ấn Độ và Pakistan trở thành các quốc gia có vũ khí hạt nhân vào năm 1998. Sự bế tắc của họ đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton mô tả Kashmir là “nơi nguy hiểm nhất trên thế giới”.

Nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ cho rằng, New Delhi đã thành công trong nhiều thập kỷ trong việc ngăn chặn áp lực của nước ngoài đối với sự thay đổi ở Kashmir, bất chấp tình cảm sâu sắc chống lại sự cai trị của Ấn Độ trong khu vực.

Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách của New Delhi phải đối mặt với thách thức cơ bản: Trung Quốc đang phát huy nhiều quyền lực hơn ở châu Á và ủng hộ lập trường của Pakistan về Kashmir.

Paul Staniland, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago cho biết: “Với tư cách là một đối tác của quyền lực Trung Quốc, Pakistan hiện đang đóng một vai trò chính trị phức tạp hơn”.

Với sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng sâu sắc trong khu vực, phần lớn người dân Kashmir đã bị áp chế, với các quyền tự do dân sự của họ bị hạn chế, vì Ấn Độ đã thể hiện không khoan nhượng đối với bất kỳ hình thức bất đồng chính kiến ​​nào.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc toàn cầu cũng đã đẩy Ấn Độ tiến gần hơn với Mỹ và Bộ tứ - một liên minh chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới giữa Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, và cáo buộc Bắc Kinh ép buộc kinh tế và điều động quân sự trong khu vực làm đảo lộn hiện trạng.

Lập trường không liên kết xưa cũ của Ấn Độ, bắt nguồn từ thời Chiến tranh Lạnh, với sự đối đầu diễn ra cách biên giới của mình hàng nghìn dặm (km), đã kết thúc. Toàn bộ khu vực đã trở thành tâm điểm của cạnh tranh địa chiến lược và sự ganh đua của các cường quốc gần biên giới của Ấn Độ.

Sibal, một cựu ngoại giao: “Chúng tôi nhận thức được sự cần thiết phải chống lại Trung Quốc để kiềm chế tham vọng của họ bằng cách cho nước này biết rằng có một tuyến an ninh mới đang được xây dựng để chống lại bất kỳ sự hiếu chiến nào của Trung Quốc, vốn là cốt lõi của Bộ tứ".

Với việc Bộ tứ hiện là trung tâm cho các cuộc thảo luận giữa các nhà chiến lược của Ấn Độ, New Delhi đã ồ ạt tăng cường cơ sở hạ tầng dọc theo biên giới dài, hiểm trở và chưa có tranh chấp với Trung Quốc. Bắc Kinh coi Bộ tứ là một nỗ lực để kiềm chế tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng của mình.

“Đây là cách chúng tôi gửi một tín hiệu đến Trung Quốc rằng chúng tôi sẵn sàng tham gia cùng với những người khác để kiềm chế họ".

 

Cùng chuyên mục