Narendra Modi và Indira Gandhi: Hành trình lãnh đạo và định hình chính sách quốc gia

Khi đương kim Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chính thức vượt qua kỷ lục liên tục 11 năm 59 ngày của cố Thủ tướng Indira Gandhi (24 / 1 / 1966–24 / 3 / 1977) để trở thành vị Thủ tướng giữ chức liên tục dài thứ hai trong lịch sử Ấn Độ, so sánh về bối cảnh, chiến lược và di sản chính trị giữa hai lãnh đạo giúp hiểu hơn về tương lai chính sách của Ấn Độ.
Khi Thủ tướng đương nhiệm Narendra Modi vượt qua cột mốc 11 năm 59 ngày liên tục nắm giữ ghế Thủ tướng để trở thành người có nhiệm kỳ dài thứ hai trong lịch sử Ấn Độ, câu chuyện về hành trình lãnh đạo của ông gợi nhớ hình ảnh của Indira Gandhi – vị nữ Thủ tướng duy nhất trước đó từng giữ chức trong hơn một thập kỷ liên tiếp. Cả hai nhà lãnh đạo, dù sinh ra trong những bối cảnh khác biệt, đều tận dụng cơ hội lịch sử để củng cố quyền lực cá nhân, tái định hình thể chế và tạo dấu ấn chiến lược lâu dài cho quốc gia.
Indira Gandhi bước vào vũ đài quyền lực sau cái chết đột ngột của Thủ tướng Lal Bahadur Shastri, trong bối cảnh Đảng Quốc đại rạn nứt nghiêm trọng về đường lối lãnh đạo, nền kinh tế lâm vào suy thoái kéo dài, khủng hoảng lương thực lan rộng và đất nước còn chịu nhiều hệ lụy từ cuộc chiến tranh Ấn Độ–Pakistan năm 1965. Thời điểm đó, bà bị gán mác là “goongi gudiya” – một búp bê câm, được cho là công cụ của các lãnh đạo đảng kỳ cựu – nhưng nhanh chóng khẳng định năng lực chính trị độc lập bằng việc phát động chiến dịch “xóa nghèo” (Garibi Hatao) và củng cố vai trò lãnh đạo tối cao trong đảng Quốc đại. Ngược lại, Modi nhậm chức năm 2014 với lợi thế chiến thắng áp đảo tại Hạ viện và nền tảng kinh tế tăng trưởng ổn định 6–7 % mỗi năm trong suốt mười lăm năm trước đó, tạo ra một tiền đề niềm tin cao hơn và ít chịu ràng buộc bởi các phe phái trong đảng Nhân dân (BJP).
Cả hai vị Thủ tướng đều sử dụng quyền lực đảng để chi phối bộ máy chính phủ, song cách thức ứng xử có khác biệt. Indira đã tái cấu trúc đảng Quốc Đại bằng cách loại bỏ phe bảo thủ, gia tăng quyền lực cá nhân đến mức tuyên bố Thiết quân luật (Emergency) giai đoạn 1975–1977, khi mọi quyền tự do báo chí và lập pháp bị đình chỉ. Trong khi đó, ông Modi qua ba cuộc bầu cử liên tiếp (2014, 2019, 2024) đã thay mới gần như toàn bộ lãnh đạo cấp tiểu bang, đồng thời tận dụng mạng xã hội và công nghệ thanh toán số để kiểm soát dư luận, xây dựng một cơ chế tập trung quyền lực dưới chiếc áo ổn định dân chủ.
Về an ninh nội địa, Indira Gandhi nổi tiếng với chiến dịch quân sự dập tắt nổi dậy tại Mizoram, Nagaland và hỗ trợ quân sự cho Bangladesh độc lập năm 1971, củng cố chủ quyền nhưng để lại những nhiều tranh cãi. Ngược lại, ông Modi đã khởi xướng chính sách tái hoà nhập Kashmir bằng cách bãi bỏ quy định tại Điều 370 của Hiến pháp Ấn Độ, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự để kiểm soát an ninh, trong khi đầu tư mạnh vào hạ tầng Đông Bắc – dù bạo lực tại Manipur vẫn kéo dài, tạo ra thách thức cho nỗ lực ổn định vùng biên.
Trên mặt trận ngoại giao, bà Indira Gandhi duy trì chính sách “Không liên kết” nhưng có xu hướng nghiêng về Liên Xô, ký Hiệp ước Hữu nghị năm 1971 để đối phó với áp lực của Trung–Mỹ dưới thời Nixon–Kissinger. Ông Modi khởi đầu chính sách đối ngoại với phương châm “Bạn với tất cả, không là kẻ thù của ai” (friend to all, enemy to none), trước khi nhanh chóng chuyển sang chiến lược “đa liên kết” (multi-alignment) nhằm tối ưu hoá lợi ích trong bối cảnh địa chính trị đa cực, cân bằng quan hệ với Mỹ, Nhật Bản, Australia thông qua khuôn khổ QUAD, đồng thời giữ thận trọng trong mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, trước những biến động địa chính trị từ cuộc chiến ở Ukraine đến căng thẳng Mỹ–Trung.
Cả hai vị thủ tướng đều chú trọng đến năng lực răn đe hạt nhân. Indira Gandhi đã chỉ đạo thử nghiệm hạt nhân Pokhran‑I năm 1974, khẳng định vị thế cường quốc mới nổi; trong khi ông Modi tiếp tục chính sách răn đe chủ động, hai lần cho không kích phản công sau vụ tấn công Pulwama năm 2019 và Pahalgam năm 2025, cho thấy sự chuyển từ phòng thủ thụ động sang thế chủ động trong chiến lược hạt nhân.
Về kinh tế, Indira Gandhi ưu tiên phát triển các doanh nghiệp quốc doanh và thúc đẩy cuộc Cách mạng Xanh, dù mức tăng trưởng GDP giai đoạn 1966–1977 chỉ đạt 3–4 %. Narendra Modi nổi bật với những cải cách đáng chú ý như GST, hệ thống thanh toán số UPI và Luật Phá sản mới, nhưng tốc độ tăng trưởng 5–6 % giai đoạn 2014–2024 vẫn chưa đáp ứng mục tiêu GDP 5 nghìn tỷ USD, trong khi các lĩnh vực nông nghiệp, lao động và đất đai vẫn còn nhiều sức ì chờ khơi dậy.
Chủ nghĩa dân tộc cũng được hai nhà lãnh đạo khéo léo vận dụng. Indira Gandhi gắn liền hình ảnh “Jai Jawan, Jai Kisan” sau ba cuộc chiến, kết hợp giá trị nông dân và quân đội để khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc. Modi xây dựng chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc Hindutva, kết nối niềm tự hào văn hóa Hindu với chính sách kinh tế, vừa tạo đồng thuận trong cộng đồng đa số, vừa góp phần gia tăng phân cực tôn giáo khi dòng chảy chính sách chưa đủ nội lực hàn gắn rạn nứt.
Khi nhìn về di sản, Indira Gandhi để lại bài học về chủ nghĩa tập trung quyền lực, song dẫn đến sự xói mòn thể chế dân chủ trong giai đoạn Thiết quân luật (Emergency), dẫn đến thất bại trong bầu cử 1977 và những hoài niệm về nhu cầu cải tổ đảng cùng nhà nước. Thủ tướng Narendra Modi, với định hướng “chủ nghĩa dân tộc công nghệ” (techno-nationalism), đã duy trì được mức độ ổn định chính trị đáng kể qua ba nhiệm kỳ liên tiếp, nhờ vào sự kết hợp giữa cải cách hành chính, kiểm soát truyền thông và huy động nền tảng xã hội – văn hóa rộng lớn. Tuy nhiên, tương lai chính trị của ông, cũng như di sản lãnh đạo dài hạn, sẽ phụ thuộc vào khả năng thúc đẩy những cải cách cơ cấu có chiều sâu trong các lĩnh vực nhạy cảm như quyền sử dụng đất, quan hệ lao động, hệ thống thuế, đồng thời giải quyết hiệu quả các bất bình đẳng tôn giáo và tái cấu trúc cơ chế gắn kết vùng miền – những yếu tố ngày càng trở nên quan trọng trong một trật tự thế giới đang định hình lại theo hướng đa cực, phân mảnh và nhiều bất định..
Tác giả: Mạnh Linh
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục

