Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tự chủ chiến lược của Ấn Độ trong lĩnh vực không gian

Tự chủ chiến lược của Ấn Độ trong lĩnh vực không gian

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu ngày càng gay gắt, không gian vũ trụ đang trở thành một lĩnh vực then chốt và đa chiều, nơi các cường quốc không chỉ tìm kiếm sự vượt trội về công nghệ mà còn khẳng định tầm ảnh hưởng địa chính trị. Đối với Ấn Độ, quốc gia đang trỗi dậy với tham vọng lớn trong hệ thống không gian quốc tế, tự chủ chiến lược không chỉ là kim chỉ nam cho chính sách vũ trụ mà còn là biểu hiện của tư thế độc lập, tự quyết trong ngoại giao và an ninh quốc gia.

09:00 25-07-2025 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

1. Hành trình tự lực

Chặng đường phát triển không gian Ấn Độ bắt đầu từ những năm 1960 với mục tiêu chính là phục vụ nhu cầu kinh tế – xã hội, thông qua việc nghiên cứu công nghệ tên lửa và vệ tinh phục vụ truyền thông, viễn thám, dự báo thời tiết và quản lý thiên tai. Sự ra đời của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) năm 1969 đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược “tự cường” của New Delhi, khi các dự án về hệ thống vệ tinh quốc gia INSAT (1983) và chương trình viễn thám IRS (1988) lần lượt đi vào hoạt động, tạo nền tảng cho việc đồng bộ hóa thông tin, hỗ trợ quản lý tài nguyên và giảm thiểu rủi ro thiên nhiên .

Từ thập niên 2000, khi vị thế kinh tế và chính trị tăng lên, Ấn Độ đã mở rộng phạm vi hoạt động không gian sang các sứ mệnh mang tính biểu tượng như khám phá Mặt Trăng (Chandrayaan-1, 2008), tiếp theo là thăm dò sao Hỏa (Mangalyaan, 2013). Ngoài ra, từ năm 2020, Ấn Độ bắt đầu mở cửa cho khu vực tư nhân tham gia sâu hơn vào ngành vũ trụ thông qua Cơ quan Không gian Ấn Độ mới (IN‑SPACe). Hàng chục công ty khởi nghiệp như Skyroot, Agnikul Cosmos đã thử nghiệm thành công động cơ và tên lửa nhỏ, hướng đến thị trường phóng thương mại và dịch vụ viễn thám. Chính sách này hứa hẹn tăng tốc đổi mới, giảm chi phí và tạo ra hệ sinh thái công nghiệp vũ trụ năng động hơn Những thành tựu này không chỉ chứng tỏ năng lực công nghệ mà còn là lời khẳng định vị thế quốc gia đang lên, tương xứng với tham vọng thành “cường quốc vũ trụ” trong khu vực và toàn cầu.

2. Cân bằng giữa tự chủ và hợp tác

Dù chủ trương tự lực, Ấn Độ cũng nhận thức rõ hạn chế khi chỉ trông cậy vào năng lực nội địa. Chính vì vậy, New Delhi theo đuổi “tự chủ chiến lược” thông qua cơ chế hợp tác có chọn lọc, ưu tiên song phương hơn đa phương. Điều này thể hiện rõ trong việc Ấn Độ ký kết các thỏa thuận hợp tác với Mỹ, nhưng vẫn giữ khoảng cách trong cách tiếp cận các cơ chế đa phương về an ninh không gian. Ví dụ, Ấn Độ đã tham gia ký kết Artemis Accords (2023) – bộ nguyên tắc phi ràng buộc do Mỹ khởi xướng – để tiếp cận năng lực thám hiểm Mặt Trăng hiện đại, đồng thời vẫn kiên trì ủng hộ quan điểm cần có một hiệp ước pháp lý ràng buộc về ngăn chặn chạy đua vũ khí lên không gian (PAROS) tại Liên Hiệp Quốc .

Chính sách trên phản ánh mong muốn kiểm soát tối đa vùng lãnh thổ chiến lược của mình, trong khi vẫn nắm bắt lợi ích từ công nghệ, tài chính và chuyên môn nước ngoài. Quan điểm này khẳng định Ấn Độ không muốn bị xếp vào hàng rào phụ thuộc, nhưng cũng không đóng cửa hoàn toàn với hệ sinh thái vũ trụ toàn cầu.

Bên cạnh tham vọng dân sự và thương mại, yếu tố an ninh và chiến lược cũng ngày càng đóng vai trò cốt lõi. Từ năm 2017, “Học thuyết chung của Lực lượng vũ trang Ấn Độ” (Joint Doctrine of the Indian Armed Forces)1 đã xác định không gian là một “lĩnh vực chiến đấu” mới, quan trọng như đất liền, biển, không và không gian mạng . Kể từ đó, Ấn Độ tích cực phát triển các vệ tinh quân sự (GSAT-7, GSAT-7A), hệ thống định vị NavIC và mạng giám sát không gian NETRA, nhằm bảo vệ hoạt động thông tin liên lạc, chỉ huy – chỉ huy và giám sát chiến trường.

Thử nghiệm chống vệ tinh Mission Shakti (2019) tuy hạn chế về tầm bắn và lượng mảnh vỡ, nhưng mang tính biểu tượng cao khi khẳng định năng lực phòng thủ và răn đe chiến lược của Ấn Độ. Dù vậy, việc Ấn Độ chưa tham gia vào đa số nghị quyết quốc tế cấm thử ASAT cho thấy nước này thận trọng trong việc cam kết những quy định có thể giới hạn khả năng tác chiến không gian của mình.

Ấn Độ không chỉ tập trung vào quan hệ với các cường quốc mà còn dùng không gian như một công cụ ngoại giao khu vực. Sứ mệnh vệ tinh Nam Á (GSAT-9, 2017) dưới chính sách “Hàng xóm là ưu tiên” của Thủ tướng Modi đã cung cấp dịch vụ viễn thông, giáo dục và ứng phó thiên tai cho các nước SAARC theo cơ chế song phương, nâng cao vị thế lãnh đạo của Ấn Độ trong khu vực và ngăn chặn ảnh hưởng từ Trung Quốc .

Trên trường quốc tế, Ấn Độ chủ trì nhóm làm việc về bền vững không gian tại UNCOPUOS (từ 2021), đóng góp tích cực vào hướng dẫn tình nguyện về bền vững lâu dài (LTS Guidelines). Tuy nhiên, khi đến các đề xuất quy tắc không ràng buộc về hành vi, New Delhi vẫn phân vân giữa cam kết song phương có lợi và niềm tin cần luật pháp quốc tế bắt buộc, phản ánh tinh thần tự chủ và bảo vệ quyền lợi của các quốc gia đang phát triển.

3. Kết luận

Tự chủ chiến lược trong lĩnh vực không gian của Ấn Độ là quá trình đa tầng, đan xen giữa khát vọng nội lực và nhu cầu hợp tác quốc tế. Chính sách ưu tiên song phương, thúc đẩy khu vực tư nhân và kiến tạo quy tắc toàn cầu phản ánh cách tiếp cận cân bằng giữa quyền tự quyết và khai thác lợi thế từ các đối tác, đặc biệt là Mỹ. Trong kỷ nguyên không gian đầy biến động, New Delhi càng cần củng cố năng lực công nghệ, mở rộng hợp tác thông minh và khẳng định vai trò đại diện cho lợi ích của Khối Toàn cầu Nam, nhằm duy trì vị thế một “cường quốc không gian” độc lập nhưng có trách nhiệm trên bản đồ vũ trụ quốc tế.

Chú thích:
1. Ministry of Defence, Government of India, Joint Doctrine Indian Armed Forces, Headquarters Integrated Defence Staff, 2017.

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục