Afghanistan, QUAD và con đường phía trước
Không phải tất cả đều bị mất hết ở Afghanistan. Trên thực tế, tận dụng các cuộc khủng hoảng hiện tại tại đây để theo đuổi tập hợp các lợi ích chiến lược là một khả năng mà QUAD có thể khám phá.
Ngoài khái niệm mở rộng sang khu vực lục địa của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, việc can dự vào Afghanistan có thể mở đường cho các quốc gia QUAD củng cố các kênh hợp tác song phương hiện tại với các nước Trung Á. Tất cả bốn quốc gia QUAD, với nhiều khả năng khác nhau, đã và đang nỗ lực phát triển quan hệ chiến lược mới với Trung Á. Do đó, sự tham gia và đầu tư vào Afghanistan sẽ thể chế hóa và củng cố các mối quan hệ này. Hơn nữa, cơ hội kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và khai thác các cơ hội với đất nước Afghanistan sau khi Mỹ rút đi là thời cơ cho QUAD. Đồng thời, do chịu hậu quả của các mức độ khủng bố khác nhau, QUAD có thể tìm cách can dự vào Afghanistan và giảm thiểu khả năng ngày càng gia tăng của chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo bạo lực.
Những yếu tố này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về phạm vi và bản chất của sự tham gia của QUAD ở Afghanistan. Sự tham gia có thể dựa trên quân sự, hay sẽ giới hạn trong việc viện trợ và cứu trợ nhân đạo đơn thuần?
Sự không chắc chắn của cuộc can thiệp quân sự do QUAD dẫn đầu
Rất khó xảy ra cuộc can thiệp quân sự do QUAD dẫn đầu vào Afghanistan trong bối cảnh địa chính trị hiện tại của mỗi quốc gia trong nhóm QUAD.
Sau khi rút quân hoàn toàn vào tháng 8 năm 2021, Mỹ khó có thể quay trở lại Afghanistan. Trong trường hợp hiếm hoi mà cần phải làm như vậy, các khu vực lân cận Afghanistan không có cơ sở của Mỹ khiến cho việc can thiệp trở nên vô cùng khó khăn. Chẳng hạn, có tin rằng, Nga đã và đang gây áp lực lên đồng minh Liên Xô cũ của mình là Tajikistan để nước này bất hợp tác với những nỗ lực của Mỹ trong việc thiết lập các căn cứ quân sự bên trong biên giới của Tajikistan. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần thất bại trong việc thuyết phục Tajikistan. Tương tự, mối quan hệ giữa Washington và Islamabad đang trở nên trầm lắng khiến việc trang bị hậu cần cho lực lượng quân đội Mỹ trở thành một vấn đề phức tạp. Duy trì một lực lượng quân sự ở Afghanistan đặt ra những thách thức nghiêm trọng ngay cả khi Mỹ có thể dựa vào các tuyến đường qua Pakistan và Mạng lưới phân phối phía Bắc. Bằng cách coi Pakistan là đồng minh ít tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã gây căng thẳng đáng kể trong quan hệ với nước này trong thời gian gần đây. Hơn nữa, điều quan trọng không kém là phải xem xét các dự án của Trung Quốc thực hiện tại các nước Trung Á hiện đang được Mỹ để ý tới; đặc biệt, những dự án để lấp đầy khoảng trống do Mỹ rút quân để lại. Những tình huống này là dấu hiệu cho thấy sự bất đồng của khu vực lân cận Afghanistan với Mỹ, và là bằng chứng cho thấy sẽ khó có sự can thiệp quân sự của Mỹ vào khu vực này trong tương lai ngắn.
Về phía Úc, trong khi Thủ tướng Úc Scott Morrison và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Button bày tỏ sự đau buồn trước tình hình đáng thất vọng và bi thảm ở Afghanistan, cả hai đều không thừa nhận sự cần thiết của những can thiệp của Mỹ và các đối tác. Thay vào đó, có sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các học giả Úc ủng hộ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Hơn nữa, là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng của sự bành trướng và tính hiếu chiến của Trung Quốc, Úc coi việc rút quân như một cơ hội để chuyển hướng các nguồn lực và sự chú ý chiến lược sang việc kiềm chế Trung Quốc. Lập trường này càng được củng cố bởi chính phủ Úc vận động tăng cường binh lính Mỹ ở Darwin thay vì thúc giục đối tác can thiệp vào Afghanistan. Do đó, các hoạt động này cho thấy Úc khó chấp nhận việc can thiệp quân sự vào Afghanistan, ít nhất là trong tương lai gần.
Lập trường can thiệp quân sự của Nhật Bản không khác gì Úc. Nhật Bản thà sử dụng lực lượng để chuẩn bị cho cuộc chiến sắp có thể xảy ra ở Đài Loan hơn là triển khai ở Afghanistan, đơn thuần về mặt địa lý. Trung Quốc xâm lược đảo Đài Loan sẽ gây ra “mối đe dọa hiện hữu” trên đảo Okinawa của Nhật Bản. Do đó, vì lo ngại rằng, Nhật Bản có thể là mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh, Nhật Bản sẽ muốn điều quân tham gia ở Đài Loan. Nhật Bản vẫn có thể tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan, nhưng rất khó xảy ra việc Nhật Bản can thiệp quân sự vào đây.
Ấn Độ cũng không kém cạnh các đối tác khi đặt vấn đề can thiệp quân sự vào Afghanistan. Kể từ khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001 và bắt đầu tái thiết ở Afghanistan, Ấn Độ là một trong những nhà tài trợ dân sự quan trọng nhất. Bằng cách chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực, Ấn Độ đã chọn cách duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình một cách kiên quyết. Lý do cho quyết định này có thể bao gồm nỗi sợ gây ra phản ứng thù địch của người Pakistan thông qua mạng lưới Haqqani và mong muốn tổ chức mối quan hệ linh với Mỹ, Iran và Nga. Liệu Ấn Độ có muốn duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình trong khuôn khổ QUAD hay không? Trong tương lai gần, điều này có thể vẫn tiếp diễn.
QUAD, tính đến thời điểm hiện tại, đã chứng minh là một tổ chức chịu ảnh hưởng của cá tính người lãnh đạo. Từ việc Thủ tướng Úc Kevin Rudd rút khỏi QUAD năm 2008 đến chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khuynh hướng của từng cá nhân nhà lãnh đạo đã ảnh hưởng đáng kể đến cam kết của họ với QUAD. Hơn nữa, Ấn Độ là quốc gia QUAD có khoảng cách gần nhất với Trung Quốc, Pakistan và Afghanistan. Do đó, nếu xét đến sự biến động của biên giới, Ấn Độ sẽ thận trọng hơn với các cuộc giao tranh vũ trang ở Afghanistan. Không có quốc gia nào khác thuộc nhóm QUAD có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro và bị ảnh hưởng nhiều hơn Ấn Độ trong tình huống này.
Do đó, Ấn Độ quá hiểu về những lợi ích mà nước này có trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để không can thiệp quân sự vào Afghanistan. Ngoài ra, danh tiếng của Ấn Độ trong QUAD và bản chất mối quan hệ của Ấn Độ với các bên chủ chốt (Pakistan, Nga và Trung Quốc) cho thấy rằng, Ấn Độ sẽ không khuất phục trước áp lực từ bên trong QUAD để hỗ trợ can thiệp quân sự và từ bỏ quyền tự chủ chiến lược.
Tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan
Sự can thiệp quân sự dường như không thể xảy ra trong tương lai gần, nhưng QUAD có thể tìm cách tăng mức độ hỗ trợ nhân đạo để tái thiết Afghanistan. Việc này cuối cùng có thể mang lại lợi ích cho QUAD.
Trong ngắn hạn, Tổ chức Hỗ trợ Nhân đạo do QUAD lãnh đạo phải thành công trong thỏa thuận chính trị với Taliban và các nước láng giềng của Afghanistan. Điều này rất quan trọng đối với việc tạo ra môi trường có lợi cho viện trợ nhân đạo và hoạt động của các tổ chức cứu trợ. Ngoài ra, hỗ trợ nên hướng tới mục tiêu chung là cứu vãn lĩnh vực ngân hàng Afghanistan, để “làm nền tảng cho các hoạt động kinh tế hợp pháp, cũng như các hoạt động cứu trợ trong tương lai (cả trong ngắn hạn và dài hạn)”.
Sự hỗ trợ lâu dài từ QUAD chắc chắn phụ thuộc vào việc các quốc gia đối tác có công nhận Taliban nắm quyền ở Afghanistan hay không. Sự tham gia của QUAD có thể theo cách tiếp cận có điều kiện: trong đó QUAD hướng dẫn hiệu quả các hành động của Taliban để đổi lại QUAD hỗ trợ cho Afghanistan. Điều này có thể bao gồm tác động kích hoạt Cơ quan Mua sắm của nhà nước Afghanistan (NPA) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm viện trợ hiệu quả và đảm bảo không có tham nhũng trong cơ quan này. QUAD cũng có thể tìm cách tăng cường viện trợ như một cái cớ để tăng cường đối thoại với Taliban về việc thúc đẩy hệ thống chính trị đa nguyên và bao trùm, nỗ lực hướng tới đảm bảo các quyền con người cơ bản cho mọi công dân. Dần dần, mức độ và tần suất của viện trợ và những yêu cầu kèm theo có thể tăng lên tùy hoàn cảnh.
Nhấn mạnh vào các biện pháp chống khủng bố
Sự hợp tác của các quốc gia QUAD trong lĩnh vực chống khủng bố là bước quan trọng để chống lại sự xuất hiện và tác động của chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Mặc dù cả bốn quốc gia QUAD đều nêu bật khả năng hành động trên thực địa, cuộc thảo luận vẫn mang tính chất chiến lược hơn là chiến thuật. Nếu QUAD muốn phát triển khuôn khổ hợp tác chống khủng bố, thì nhóm sẽ cần tổ chức mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo toàn diện hơn giữa các quốc gia trong nhóm. Những hoạt động vượt lên trên sự hợp tác đơn thuần ở cấp độ song phương, tương tự như giữa Ấn Độ và Mỹ, cần được ưu tiên trong việc tạo ra cấu trúc cơ bản của các chính sách chống khủng bố của QUAD. Hơn nữa, bằng cách phát triển các diễn đàn và cơ quan được tài trợ để ngăn chặn khủng bố ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, QUAD có thể xem xét việc dẫn dắt một nhóm các quốc gia Nam Á đang tìm kiếm các phương pháp chống khủng bố tốt nhất.
Kết luận
Không thể phụ nhận sức mạnh chính trị của Afghanistan trong cục diện thế giới. Đối với QUAD, điều này tạo cơ hội để mở rộng sang khu vực lục địa của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi một cuộc can thiệp quân sự do QUAD dẫn đầu dường như không thể xảy ra trong tương lai gần, hỗ trợ nhân đạo và hợp tác trong các chính sách chống khủng bố sẽ là những con đường khả thi để các quốc gia QUAD theo đuổi lợi ích chiến lược chung của họ ở Afghanistan.
Tác giả: Khushmita Dhabhai, Viện Nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kalinga, Ấn Độ.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: http://www.kiips.in/research/afghanistan-quad-and-the-way-forward/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục