Afghanistan và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Các sự kiện ở Afghanistan mới đây đã nhấn mạnh một điều mà Ấn Độ luôn phải đối mặt: Có một hố sâu ngăn cách các lợi ích của Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi giả định ở đây rằng, Ấn Độ coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực địa lý hơn là khái niệm mang tính chính trị, như được Thủ tướng Ấn Độ Modi nêu từ năm 2018, về cơ bản đó là khu vực trải dài từ “bờ biển của Châu Phi đến Châu Mỹ”. Quan niệm đó khác với quan niệm của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Mỹ cho rằng, khu vực này bắt đầu từ bờ biển phía tây của Ấn Độ đến các bờ biển của châu Mỹ.
Quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Mỹ không bao gồm các vấn đề vùng phía tây Ấn Độ Dương và vùng ven biển cực kỳ quan trọng của tây Ấn Độ Dương, bao gồm bán đảo Ả Rập Xê-út, Đông Phi, và những gì Ấn Độ quan tâm tới các vùng trong đất liền theo trục Âu-Á, gồm Iran, Afghanistan, Pakistan và Trung Á.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi đối tác chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ (là Mỹ) ngăn Ấn Độ tham gia tiến trình Doha, không thấy lợi ích khi đưa Ấn Độ vào một nhóm Bộ tứ mới được phương Tây thành lập sơ khai, gồm Mỹ, Pakistan, Afghanistan và Uzbekistan. Trong hoàn cảnh này, Ấn Độ rất cần theo dõi những diễn biến ở Afghanistan, bao gồm cả việc Mỹ lên kế hoạch rút khỏi đó. Bất cứ điều gì Ấn Độ làm ở Afghanistan, rất quan trọng về mặt nỗ lực tái thiết, phụ thuộc chủ yếu vào sự bảo trợ an ninh của Mỹ.
Vì lý do này, khối các nước phương Nam (South Block) dường như đang ở trong tình trạng quá sức để chứng tỏ rằng, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn vẫn còn tồn tại và tốt đẹp và thậm chí đang phát triển mạnh mẽ trong sự hỗn loạn ở Kabul. Các nỗ lực đang được thực hiện để chứng tỏ mức độ phối hợp và hợp tác của Ấn Độ từ Mỹ để hoàn thành việc sơ tán ngoại giao khỏi thành phố. Trong khi vai trò quan trọng của Taliban trong việc tạo điều kiện cho việc di chuyển đã bị hạ thấp hoặc bỏ qua.
Giờ đây, khi nhìn vào tương lai, chúng ta tự hỏi liệu chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chặt chẽ có khả thi hay không. Sau khi rời khỏi Afghanistan, theo cách mà họ đã làm, Mỹ có thể không vội vàng đưa ra các cam kết mới trong khu vực.
Theo quan điểm của Mỹ, việc rời khỏi khu vực Trung Đông có ý nghĩa là người Mỹ không còn phụ thuộc vào dầu từ khu vực đó. Ngày nay, mối quan tâm chính của Mỹ có lẽ chỉ là an ninh của Israel. Điều này thực sự sẽ giúp Mỹ tập trung vào việc cạnh tranh với Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nhưng về mặt địa lý, Ấn Độ vẫn ở vị trí gần Afghanistan, và thảm họa ở Afghanistan ít nhiều tác động tới Ấn Độ. Ở Afghanistan, Ấn Độ có ít sự lựa chọn, nhưng Ấn Độ khó thể tránh khỏi trách nhiệm vì đã cắt quan hệ với Iran theo đề xuất của Mỹ. Bây giờ, đừng ngạc nhiên nếu Mỹ thực sự nối lại thỏa thuận với Iran, trong khi Tehran trút giận lên Ấn Độ, có thể bằng cách không cho Ấn Độ tiếp tục điều hành cảng biển Chahbahar trên đất Iran, cảng này là cầu nối trung chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đi Trung Á và châu Âu.
New Delhi đã xây dựng được thiện chí đáng kể với người dân và chính quyền cũ của Afghanistan, bao gồm sự hợp tác với cơ quan tình báo Tổng cục An ninh Quốc gia (NDS) của Afghanistan, qua đó họ Ấn Độ có thể tiến hành các hoạt động ở Pakistan.
Rất khó để đánh giá mức độ ảnh hưởng của Pakistan với nhà nước mới do Taliban quản lý, mặc dù có thể cho rằng, Pakistan đã tạo điều kiện cho Taliban nơi trú ấn để hồi sinh bằng vũ khí và tiền bạc. Tuy nhiên, Taliban đã mở ra các con đường dẫn đến Iran và Nga, đảm bảo rằng, Islamabad sẽ giảm bớt việc nắm giữ hậu cần của Taliban. Những người như Mullah Baradar (một tướng chỉ huy của Taliban, bị phía Pakistan giam giữ và đối xử tệ bạc trong 8 năm) có ký ức rất lâu. Nhưng người Pakistan coi đó là con át chủ bài quan trọng trong mạng lưới quân du kích Haqqani của Afghanistan, mà giờ đây có lẽ là phần tử mạnh nhất trong liên minh tạo nên Taliban.
Những vấn đề giữa phương Tây và Ấn Độ có thể sẽ gia tăng khi Pakistan và Trung Quốc tăng cường hợp tác và tìm cách đưa Afghanistan vào tổ chức ba bên mới. Trong một cuộc điện đàm hôm thứ Tư (18/8/2021), Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra bốn đề xuất với người đồng cấp Pakistan, Shah Mehmood Qureshi. Thứ nhất, về sự cần thiết phải hỗ trợ thiết lập một cấu trúc chính trị bao trùm, trên diện rộng ở Afghanistan. Thứ hai, hỗ trợ để bảo đảm rằng, Afghanistan không trở thành thiên đường của chủ nghĩa khủng bố một lần nữa. Thứ ba, về tầm quan trọng của sự an toàn và an ninh của nhân viên Trung Quốc và Pakistan ở Afghanistan. Thứ tư, thúc đẩy hợp tác quốc tế liên quan đến Afghanistan.
Cùng ngày, ông Tập Cận Bình đã gọi điện riêng cho Tổng thống Ebrahim Raisi của Iran và Tổng thống Barham Salih của Iraq. Với Iran, ông Tập bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hợp tác song phương và phản đối “sự can thiệp từ bên ngoài”. Ngoài ra, ông ủng hộ “mối quan tâm chính đáng” của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân toàn diện.
Dù mục tiêu của Pakistan có thể là gì, Trung Quốc vẫn sẽ không quan tâm đến việc khuấy động rắc rối ở Afghanistan. Cách tiếp cận của Trung Quốc là phòng thủ, nhằm mục đích ngăn chặn bất kỳ sự lan tỏa nào của sức mạnh Mỹ hoặc chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Trung Á. Bắc Kinh có các khoản đầu tư tài chính đáng kể vào Trung Á, Iran và Pakistan tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), và giờ đây, mục tiêu của họ sẽ là đưa Afghanistan tham gia vào sáng kiến này.
Đã có báo cáo về cách Trung Quốc có thể khai thác 1 nghìn tỷ USD khoáng sản, đặc biệt là đất hiếm mà Afghanistan có. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu Global Times, Trung Quốc cam kết đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ của Afghanistan từ năm 2009 và họ đã đầu tư trực tiếp khoảng 630 triệu USD vào lĩnh vực liên lạc cho khai thác mỏ và đường bộ, cùng với 0,5 tỷ USD thương mại.
Đầu tư và thương mại của Ấn Độ vào Afghanistan lớn hơn nhiều so với Trung Quốc hiện nay. Ấn Độ đã xây dựng đường xá, đập nước, đường dây tải điện, ga phụ, trường học, bệnh viện, trao tặng xe buýt và đào tạo nhân viên cho Afghanistan. Ấn Độ và Iran cũng đã chung tay khai thác các mỏ ở Hajigak khai thác quặng oxit. Nhưng bây giờ đây sẽ là một dấu hỏi lớn. Người Afghanistan sẽ nhìn nhận điều này qua lăng kính địa chính trị mới mà bất kỳ chế độ mới nào ở Kabul cũng sẽ có, và tất nhiên, ngược lại với lăng kính của chính quyền cũ.
Hiện tại, Ấn Độ đang chứng kiến những thay đổi nhỏ trong các phát triển địa chính trị không mấy dễ chịu ở Afghanistan. Bên cạnh mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan ngày càng sâu sắc, sự quan tâm của Mỹ đối với Islamabad ngày càng gia tăng. Mỹ cho thấy mong muốn thiết lập các căn cứ chống khủng bố ở Pakistan, nhưng khi Islamabad kiên quyết đẩy lùi mục tiêu đó, Mỹ đã lùi bước. Nhưng với sự đầu tư lâu dài của Washington vào Pakistan, câu chuyện chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó.
Ở bên kia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cả Mỹ và Trung Quốc tiếp tục tranh giành, gần đây nhất là tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì cuộc họp, Ấn Độ cử tới Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rajkumar Ranjan Singh. Ông Vương Nghị tiết lộ rằng một thỏa thuận dự kiến đã đạt được tại cuộc họp cấp bộ trưởng trước đó về Bộ quy tắc ứng xử mà Trung Quốc đang đàm phán với ASEAN trong hơn 20 năm. Những gì ông Vương Nghị muốn làm là để chứng tỏ rằng, Trung Quốc và ASEAN đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho các vấn đề Biển Đông, trái ngược với việc Mỹ đang tập hợp Ấn Độ và một liên minh hải quân châu Âu để tập trận “tự do hàng hải”. Bắc Kinh đang tìm cách đưa vào Bộ quy tắc ứng xử mà bản dự thảo được đưa ra vào tháng 8/2018, một điều khoản cấm các cuộc tập trận quân sự và phát triển nguồn lực của các nước ngoài khu vực.
Trong cuộc họp ARF, Blinken đã công kích một số vấn đề của Trung Quốc về Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương, và kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ASEAN ít phản ứng và không phản đối cách Mỹ rao giảng về nhân quyền. Điều này có thể vẫn duy trì sau chuyến công du khu vực của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Vấn đề lớn không phải là hải quân và tàu, mà là chính sách kinh tế. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã làm suy yếu phản ứng khả thi đối với Trung Quốc và không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ có kế hoạch ký kết các thỏa thuận thương mại với khu vực này trong thời gian tới. Tương tự như vậy, Ấn Độ quyết định tránh xa RCEP.
Giờ đây, Mỹ và nhóm Quad đang đề cập đến khả năng cạnh tranh với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, từ vắc xin, đến giảm thiểu biến đổi khí hậu và hợp tác theo các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như các công nghệ sáng tạo trong tương lai. Tuy nhiên, tất cả điều này phụ thuộc vào việc xây dựng các hiệp định thương mại và đầu tư mà chúng ta vẫn chưa thấy.
Để đi theo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ chính thức công bố vào tháng 1/2021, Mỹ tìm cách duy trì vị thế ưu thế của Mỹ trong khu vực vốn là “động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, khu vực và toàn cầu” đồng thời “khuyến khích sự tham gia của Ấn Độ xa hơn phạm vi khu vực Ấn Độ Dương”. Mặc dù chiến lược Mỹ công bố đề cập tới việc giúp Ấn Độ “giải quyết các thách thức ở lục địa”, nhưng chỉ giới hạn ở vấn đề liên quan đến tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Rõ ràng, chiến lược đó không đề cập đến một loạt các cam kết về chính sách an ninh và đối ngoại của Ấn Độ.
Hiện tại, thế giới đang lo lắng về độ tin cậy và uy tín của Mỹ trong vai trò là người bảo đảm an ninh. Có thể có người lập luận rằng, bằng cách cắt bỏ khối u Afghanistan, Mỹ sẽ dồn lực đối phó với những thách thức như Trung Quốc ở Đông Á. Nhưng phần lớn vấn đề phụ thuộc vào cách thức đối nội của Mỹ. Sẽ là không khôn ngoan nếu tin tưởng Mỹ sẽ thực hiện các cam kết đối ngoại. Mặc dù có ít nghi ngờ hơn về các cam kết của Mỹ với châu Âu và NATO, nhưng các thỏa thuận lỏng lẻo của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn để lại nhiều câu hỏi.
Tác giả: Manoj Joshi, Nghiên cứu viên cao cấp, ORF.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/afghanistan-and-the-indo-pacific/
Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục