Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ đã làm cho G20 trở nên bao trùm hơn như thế nào

Ấn Độ đã làm cho G20 trở nên bao trùm hơn như thế nào

Ấn Độ đã thay đổi tông điệu cơ bản và diện mạo của G20. Hội nghị thượng đỉnh này từng chỉ dành cho các nhà kỹ trị và chuyên gia chính sách đã trở thành lễ hội của mọi người.

02:00 07-09-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại New Delhi, rõ ràng nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ sẽ được ghi nhớ như một điểm mốc lịch sử trong quản trị toàn cầu. Khẩu hiệu của G20 năm 2023 - “Vasudhaiva Kutumbakam” hay “Thế giới là một gia đình” - minh họa cho sự kết hợp điển hình của Ấn Độ truyền thống và những mối quan tâm đương đại.

Đối với hội nghị thượng đỉnh G20 nhằm khôi phục, cải cách và bảo vệ toàn cầu hóa, Vasudhaiva Kutumbakam đã mang một ý nghĩa vượt xa lòng hiếu khách đối với du khách từ khắp nơi trên thế giới. Được dịch thành khẩu hiệu “Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai”, nó nhấn mạnh sự kết nối giữa các nền văn hóa trên khắp các khu vực địa lý, và cũng như một gia đình, nó nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ của mình đối với những người bị bỏ lại phía sau, những người chưa được hưởng lợi từ toàn cầu hóa.

Trong số nhiều ưu tiên mà Ấn Độ đang thực hiện trong vai trò quản lý G20, có ba ưu tiên minh họa cho việc các mối quan ngại của Nam bán cầu đã trở thành trung tâm như thế nào. Nguyên tắc đầu tiên là dân chủ hóa và phi trung tâm hóa nền kinh tế toàn cầu. “Một Trái Đất, một Gia đình, một Tương lai” cần được nhìn nhận đặc biệt trong bối cảnh những phát triển địa kinh tế gần đây đang đe dọa tương lai liên kết của chúng ta. Chính sách công nghiệp mạnh mẽ (Muscular industrial policy) đã đội mồ sống lại ở các khu vực địa lý từng là những người ủng hộ toàn cầu hóa mạnh mẽ nhất.

Mỹ đã thông qua Đạo luật giảm lạm phát, chi tiết cụ thể và động cơ của đạo luật này có vẻ chẳng khác gì so với chương trình nghị sự “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” trước đó của chủ nghĩa bảo hộ. Liên minh châu Âu đang chuẩn bị giới thiệu thuế biên giới carbon. Trong trường hợp tốt nhất, phần còn lại của thế giới coi đây là một nỗ lực nhằm điều tiết thị trường bên ngoài theo nguyên tắc của châu Âu. Trong trường hợp tệ nhất, nó có vẻ giống như chủ nghĩa bảo hộ mở mà EU đã từng tấn công khi nó đến từ các nước nghèo hơn nhiều. Việc khắc phục sự xa rời các nguyên tắc thuần túy của toàn cầu hóa - trong đó tất cả mọi người đều được hưởng lợi, nhưng người nghèo được hưởng lợi nhiều nhất - là ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển.

Thứ hai là, cải cách và phục hồi tài chính toàn cầu, kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008, toàn cầu hóa tài chính đã không còn vận hành bình thường. Mục đích của tài chính là lấy tiền tiết kiệm và triển khai chúng vào các dự án, lĩnh vực và khu vực địa lý nơi chúng sẽ thu được lợi nhuận lớn nhất. Theo ước tính của nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế, hơn 3/4 tăng trưởng toàn cầu trong những năm tới sẽ đến từ các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, tài chính quốc tế vẫn tập trung phục vụ các khu vực địa lý cũ xuyên Đại Tây Dương. Việc tạo ra của cải đã bị ngắt kết nối với việc tạo ra tăng trưởng. Một bộ phận tài chính chỉ đam mê việc phân phối lại của cải trong xã hội một cách không chính đáng hơn là thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, điều này cơ bản không phù hợp với mục đích. Hội nghị G20 lần này dưới sự chủ trì của Ấn Độ và những nước tiếp theo, sẽ hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề tài chính cho phát triển và cơ sở hạ tầng để vốn có thể chảy đến những nơi có thể kích thích tăng trưởng tốt nhất - mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta trên toàn thế giới.

Thứ ba, và cũng là điểm quan trọng nhất, Ấn Độ đã thay đổi tông điệu cơ bản và diện mạo  của G20. Hội nghị thượng đỉnh này từng chỉ dành cho các nhà kỹ trị và chuyên gia chính sách đã trở thành một lễ hội của người dân. G20 của người dân có một mục đích: Để khuếch đại các vấn đề quan trọng đối với hàng tỷ người đã bị các nhà kỹ trị và chuyên gia phớt lờ trong một thời gian dài. Đối thoại về các vấn đề cấp bách - lương thực, sức khỏe, việc làm, thích ứng với biến đổi khí hậu - đã đưa hàng trăm triệu người Ấn Độ và hàng tỷ người ở bên ngoài đất nước chúng ta vào khuôn khổ của cuộc thảo luận về quản trị toàn cầu. Kể từ bây giờ, mọi nhiệm kỳ chủ tịch sẽ bao gồm những quan điểm, khu vực và nhân khẩu học như vậy. Đóng góp đáng tự hào của Ấn Độ cho G20 là sự đa dạng sẽ làm rung chuyển hệ thống quản trị toàn cầu.

Nguồn:

CIS

Cùng chuyên mục