Một thập kỷ Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ
Chuyển đổi từ Chính sách Hướng Đông sang Chính sách Hành động phía Đông đã thể hiện rõ ý định của Ấn Độ trong việc đóng một vai trò chủ động và chiến lược hơn trong khu vực, nhấn mạnh bốn yếu tố chính: Văn hóa, Kết nối, Thương mại và Xây dựng năng lực.
Khi chính sách Hành động phía Đông (AEP) đạt cột mốc 10 năm, việc xem xét lại quá trình phát triển, những thành tựu và cách thức cải thiện của sáng kiến ngoại giao đầy tham vọng này là rất cần thiết. Được khởi động vào năm 2014 như một phiên bản nâng cấp của Chính sách Hướng Đông (LEP), AEP nhắm đến việc tăng cường sự gắn kết của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các lĩnh vực chiến lược, kinh tế và văn hóa.
Một trong những đóng góp quan trọng nhất của AEP trong thập kỷ qua là mở rộng phạm vi ngoại giao và địa lý trong các mối quan hệ của Ấn Độ, đi kèm với một yếu tố chiến lược rõ rệt. Điều này khác biệt so với LEP trước đó, vốn chủ yếu tập trung vào kinh tế và nhắm đến việc tích hợp Ấn Độ vào các nền kinh tế phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á sau sự sụp đổ của Liên Xô. Tuy nhiên, AEP dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đã tiếp cận rộng hơn, bao gồm hợp tác an ninh, kết nối khu vực và hợp tác thể chế với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước Đông Á. Sự chuyển đổi từ “hướng nhìn” sang “hành động” về phía Đông thể hiện rõ ý định của Ấn Độ trong việc đóng một vai trò chiến lược hơn trong khu vực, với trọng tâm vào bốn yếu tố: Văn hóa, Kết nối, Thương mại và Xây dựng Năng lực.
Một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong 10 năm của AEP là nâng tầm quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN lên đối tác chiến lược. Sự hợp tác này được chính thức hóa vào năm 2018 tại Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm quan hệ ASEAN-Ấn Độ, thể hiện sự hợp tác sâu rộng hơn giữa Ấn Độ và Đông Nam Á trong các lĩnh vực như quốc phòng, thương mại và trao đổi văn hóa. Từ năm 2015, kim ngạch thương mại song phương gần như đã tăng gấp đôi, xuất khẩu của Ấn Độ và đầu tư trực tiếp từ các nước ASEAN đã tăng lên đáng kể, đồng thời sự hiện diện ngoại giao của Ấn Độ trong khu vực cũng đã được cải thiện.
Một thành công quan trọng khác là việc Ấn Độ trình bày tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt qua bài phát biểu của Thủ tướng Modi tại Đối thoại Shangri-La năm 2018. Đây là dấu mốc cho thấy Ấn Độ chính thức tham gia vào các thảo luận rộng hơn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh một khu vực tự do, cởi mở và bao trùm. Tầm nhìn của Ấn Độ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được xây dựng trên cam kết về an ninh hàng hải, ổn định khu vực và tăng cường vai trò của Ấn Độ như một nhà cung cấp an ninh. Sự thay đổi này là nhằm mở rộng phạm vi ngoại giao của Ấn Độ và phản ứng với sự mơ hồ xung quanh sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Thứ ba, chiến lược tiếp cận của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gắn liền chặt chẽ với AEP, tập trung vào hợp tác an ninh hàng hải. Ấn Độ đã tăng cường đáng kể ngoại giao quốc phòng thông qua các khung song phương và đa phương, tập trung vào an ninh hàng hải, chống khủng bố và xây dựng năng lực quốc phòng.
Cuối cùng, nỗ lực của Ấn Độ nhằm nâng cao kết nối khu vực thông qua các dự án hạ tầng như Đường cao tốc ba bên Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan, Nghị định thư về Giao thông và Thương mại Nội thủy, sử dụng cảng Chattogram và Mongla của Bangladesh để vận chuyển hàng hóa ra vào Ấn Độ, và nhiều dự án khác. Tuy nhiên, nhiều dự án đã gặp phải sự chậm trễ, khiến khu vực Đông Bắc của Ấn Độ chưa phát triển và chưa được hội nhập đầy đủ với Đông Nam Á. Ấn Độ cũng cần tập trung vào việc mở rộng hạ tầng hàng hải, đặc biệt là trên bờ biển phía Đông, để nâng cao vị thế của mình như một trung tâm thương mại và an ninh hàng hải. Trước tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong địa chính trị toàn cầu, Ấn Độ cần làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh với cả các nước ASEAN và các đối tác trong nhóm Quad.
Về kinh tế, Ấn Độ cần đánh giá lại chính sách thương mại của mình, đặc biệt trong bối cảnh sự phụ thuộc mạnh mẽ của các nền kinh tế khu vực vào Trung Quốc. Thương mại của Ấn Độ với ASEAN đã tăng nhưng vẫn chưa đạt tới tiềm năng. Thiếu một thỏa thuận thương mại mạnh mẽ, sự tham gia kinh tế của Ấn Độ với Đông Nam Á vẫn thiếu đi động lực so với những nỗ lực chiến lược và ngoại giao của mình. Ấn Độ có thể theo đuổi các hiệp định thương mại song phương với các quốc gia ASEAN hoặc phát triển các khung thỏa thuận mới nhằm bảo vệ tốt hơn các ngành công nghiệp trong nước trong khi thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Hợp tác về kinh tế số, đặc biệt trong các lĩnh vực như fintech và thương mại điện tử, mang lại những cơ hội hứa hẹn cho sự hợp tác.
Cuối cùng, Ấn Độ cần tận dụng sức mạnh mềm của mình để xây dựng các mối quan hệ văn hóa và giao lưu nhân dân mạnh mẽ hơn với Đông Nam Á. Cộng đồng người Ấn ở khu vực, các chương trình trao đổi văn hóa và hợp tác giáo dục vẫn là những công cụ chưa được sử dụng hiệu quả trong ngoại giao của Ấn Độ. Khi tình hình địa chính trị khu vực trở nên phức tạp hơn, chúng có thể đóng vai trò như một cầu nối giúp tăng cường mối quan hệ chính trị và kinh tế của Ấn Độ. Thập kỷ tiếp theo của AEP sẽ rất quan trọng trong việc định vị Ấn Độ để củng cố vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đầy biến động.
Tác giả: Harsh V. Pant, Pratnashree Basu từ ORF, Ấn Độ
Nguồn:
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Brunei và Chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ
10 năm CIS 09:00 20-09-2024
Ấn Độ và vai trò lãnh đạo về nhiên liệu bền vững
10 năm CIS 09:00 19-09-2024
Đảng Nhân dân Ấn Độ - BJP của Ấn Độ: Một giới thiệu ngắn gọn
10 năm CIS 08:00 12-09-2024
Hướng đến mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và Malaysia
10 năm CIS 04:00 10-09-2024
Singapore như cầu nối của Ấn Độ đến Đông Nam Á
10 năm CIS 03:00 07-09-2024