Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ đẩy mạnh chiến lược ngoại giao đa hướng

Ấn Độ đẩy mạnh chiến lược ngoại giao đa hướng

Chuyến thăm chính thức mới đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến 5 nước Trung Á (gồm Uzbekistan, Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan) và Nga, đã đẩy mạnh chiến lược ngoại giao đa hướng của New Delhi, tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ tại khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị, vốn được coi là trung tâm quyết định vận mệnh của thế giới. Đây là nhận định tương đối thống nhất của các chuyên gia bình luận đối ngoại trên thế giới.

05:44 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Theo tờ The Economist Times, chuyến công du của Thủ tướng Modi tới Nga và 5 nước Trung Á đã tăng cường chiến lược ngoại giao đa hướng của Ấn Độ. Tờ báo cho rằng, nếu chính sách ngoại giao của Thủ tướng Modi được đo bằng chiếc compas, thì điểm hướng về phía Bắc cho đến gần đây bị bỏ trống nay đã được lấp kín. Sau chính sách Hành động phía Đông, Kết nối phía Tây và triển khai chính sách ngoại giao Ấn Độ Dương ở phía Nam, Thủ tướng Modi đã chuyển sự chú ý sang khu vực giao thoa giữa châu Á – châu Âu để kết nối phía Bắc. Trong chuyến thăm 5 nước Trung Á, Thủ tướng Modi đã có các cuộc hội đàm quan trọng về hàng loạt vấn đề với lãnh đạo các nước chủ nhà, chứng kiến lễ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực như dầu khí, hạt nhân dân sự, tăng cường kết nối, thúc đẩy du lịch, phát triển khoa học – công nghệ, dược phẩm hay sản xuất phân bón. Báo chí Ấn Độ đánh giá rằng, việc Thủ tướng Modi dành trọn một tuần thăm các nước Trung Á đã thể hiện tầm quan trọng của khu vực này đối với an ninh và thịnh vượng của Ấn Độ.

Các nước Trung Á giàu tài nguyên, nằm ở điểm giao thoa của châu Á và châu Âu, đóng vai trò địa chính trị và kinh tế rất quan trọng đối với Ấn Độ, là nơi cung cấp urani và dầu mỏ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho Ấn Độ. Trung Á được coi như vòng ngoài cùng trên vành đai chiến lược của Ấn Độ. Nếu duy trì vị trí chỗ đứng tại Afghanistan, Ấn Độ cần xây dựng mối quan hệ hữu nghị mạnh mẽ với các nước đồng minh tại khu vực Trung Á và nếu muốn mở rộng thị trường và ảnh hưởng chiến lược, New Delhi cũng cần đẩy mạnh quan hệ với khu vực này. Một số học giả Ấn Độ đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Modi là bước đột phá trong chính sách ngoại giao Kết nối Trung Á được triển khai kể từ thời cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru, với chuyến thăm đầu tiên tới khu vực này vào năm 1955. Kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Modi sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ của Ấn Độ với khu vực Trung Á, hướng tới các mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực giàu tài nguyên này. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Ấn Độ đã tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 7 (BRICS – 7) và Hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 15 (SCO – 15) diễn ra tại thành phố Ufa, Nga. Kết thúc hội nghị BRICS – 7, Ấn Độ và các thành viên BRICS đã ra Tuyên bố Ufa gồm 77 điểm, trong đó kêu gọi thúc đẩy tiến trình cải cách các thể chế tài chính quốc tế và khu vực, đảm bảo hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và thúc đẩy sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha, chống lại mọi hình thức bảo hộ và hạn chế thương mại, nhất trí tiến hành các thủ tục để thành lập Ngân hàng Phát triển mới của BRICS (NDB) có trụ ở tại Thượng Hải, với số vốn ban đầu là 50 tỷ USD và sẽ tăng lên khoảng 100 tỷ USD trong vài năm tới và thành lập Quỹ Dự trữ khẩn cấp trị giá 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 41 tỷ USD, Nga, Ấn Độ và Brazil mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD, trong khi Nam Phi đóng góp 5 tỷ USD, đồng thời, đề xuất và thảo luận về khả năng cho phép thực hiện bằng đồng tiền của mỗi quốc gia thành viên. Bên lề hội nghị BRICS và SCO, Thủ tướng Modi đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Iran, Tổng thống Afghanistan, Tổng thống Brazil, Tổng thống Nam Phi và Thủ tướng Pakistan. Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất về một khuôn khổ hợp tác chiến lược mới giữa hai nước, kêu gọi nỗ lực thiết lập và hợp tác tại các thể chế mới khu vực và toàn cầu như Ngân hàng Đầu tự Hạ tầng châu Á (AIIB), NDB, thúc đẩy kết nối sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc với chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ khi cho rằng, các dự án kết nối thuộc BCIM (Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar), trong đó có dự án “Hành lang kinh tế Kolkata – Côn Minh” là một minh chứng cho sự kết nối các sáng kiến trên.

Một số nhà hoạch định chiến lược nhận định rằng, việc Ấn Độ trở thành thành viên chính thức của SCO vào năm tới sẽ mở cơ hội cho New Delhi định hình và thúc đẩy chiến lược đối ngoại hướng tới Á – Âu, đảm bảo việc triển khai hiệu quả chính sách Kết nối Trung Á nhằm tạo ra một vành đai an toàn cho Ấn Độ từ bên ngoài, cũng như đảm bảo các lợi ích chiến lược về an ninh, năng lượng và vị trí, vai trò địa chính trị – kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

(Theo baotintuc.vn)

Nguồn:

Cùng chuyên mục