Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ đi theo hướng “đa liên kết”

Ấn Độ đi theo hướng “đa liên kết”

Ấn Độ vốn có chính sách đối ngoại truyền thống là “không liên kết”. Nhưng kể từ khi thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền 2004, New Delhi đã áp dụng chính sách liên kết với nhiều nước, nhưng không phải với các láng giềng mà với các quốc gia trong vùng và xa hơn nữa.

05:47 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thất bại ngoại giao với  “láng giềng gần”

Lúc mới lên làm thủ tướng, ông Modi chủ trương chính sách “ưu tiên quan hệ với láng giềng”. Thế nhưng, mọi chuyện không diễn ra theo như ý muốn. Bang giao với Pakistan tiếp tục căng thẳng mà nghiêm trọng nhất là vụ căn cứ quân sự của Ấn Độ ở vùng Kashmir bị tấn công ngày 18/9/2016, làm 18 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Quan hệ với Trung Quốc ban đầu cũng tưởng thuận buồm xuôi gió. Tháng 09/2014, ông Modi đã tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở quê nhà, bang Gujarat, để tỏ tình thân mật và ý muốn hai nước xích lại gần nhau. Thế nhưng hai năm sau, hai nước vẫn còn xa cách và các vụ va chạm ở biên giới chung vẫn tiếp tục xảy ra.

Thậm chí, Trung Quốc còn ngăn cản Ấn Độ tham gia Nhóm Các nhà cung cấp hạt nhân (NGS), vừa xích lại gần Pakistan. Bởi vì Pakistan đã cho Trung Quốc những thứ mà Ấn Độ không thể có: Đó là khả năng tiếp cận trực tiếp Ấn Độ Dương, dầu nhập khẩu từ Trung Đông được trung chuyển qua cảng Gwadar của Pakistan.

Chính vì thế, New Delhi quyết định tìm kiếm “bạn bè” ở xa hơn. Quyết tâm của Thủ tướng Modi là tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, những nước hiện đang lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc. Quyết tâm này đã được các nước khu vực Đông Nam Á ủng hộ.

Đầu tháng 9/2016, Thủ tướng Modi công du Việt Nam. Ông là thủ tướng đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ 15 năm qua. New Delhi đã cung cấp 500 triệu đô la tín dụng cho Hà Nội để tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Hai nước nâng quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác toàn diện.

Trước đó, cuối tháng 08/2016, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận quốc phòng cho phép hai bên sử dụng các căn cứ quân sự của nhau trong khu vực, từ Djibouti cho đến Diego Garcia. Mặt khác, Ấn Độ không ngần ngại ngăn cản các tham vọng của Trung Quốc tại châu Á.

New Dehli : Ấn Độ Dương là “di sản văn hóa” chung

Ấn Độ từ bỏ đường lối “không liên kết” truyền thống do cựu Thủ tướng Nehru đưa ra. Học thuyết này đối với New Delhi đã thuộc về quá khứ. Ông Modi là lãnh đạo Ấn Độ đầu tiên không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phong trào không liên kết được tổ chức ở Venezueal hồi giữa tháng 9/2016.

Có thể nói, Ấn Độ từ bỏ “không liên kết” để chuyển sang “đa liên kết”. Trong hai năm qua, Thủ tướng Modi rất năng động trên chính trường quốc tế, nhất là trong ở Ấn Độ Dương. Năm ngoái, tại Maurice, Thủ tướng Modi tuyên bố, Ấn Độ nằm ở ngã tư vùng Ấn Độ Dương. Đầu tháng 9/2016, Quỹ India Foundation, một quỹ thân cận với giới dân tộc chủ nghĩa cầm quyền, đã tổ chức một hội nghị về Ấn Độ Dương, với sự tham dự của các phái đoàn Việt Nam, Thái Lan, Bangladesh. Hội nghị đã thảo luận nhiều về quyền tự do lưu thông trên biển và trên không, hay việc tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ đề ám chỉ đến các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực được công bố hồi tháng 7/2016. Tòa này cho rằng, Bắc Kinh đã vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển và vi phạm quyền chủ quyền của Philippines.

Theo nhận định của tờ Le Monde, trong nhiều thập niên, New Delhi đã để cho vấn đề biên giới trên bộ ám ảnh mà nhãng quên vùng biển bao bọc nước này. Ấn Độ nằm ở tâm điểm một vùng biển có diện tích rộng bằng một phần năm tổng diện tích các biển và đại dương toàn cầu.

Do đó, Ấn Độ muốn khai thác vị trí địa lý này để đưa ra một “quan niệm địa chính trị”. Và để lôi kéo các nước tham gia dự án đó, New Delhi nhấn mạnh đến di sản văn hóa chung và Ấn Độ Dương là một đại dương đầy cơ hội, nhiều tài nguyên và có tới 40% tổng dàn khoan dầu ở ngoài khơi…

Tờ báo này nhấn mạnh, New Dehli không coi Ấn Độ Dương là của Ấn Độ mà chỉ là một dự án được tạo dựng bởi các nước tham gia, ngược hẳn với quan niệm của Trung Quốc về Biển Đông.

Vì sao Ấn Độ lại chọn mua Rafale của Pháp?

Cũng liên quan đến Ấn Độ nhưng trong lĩnh vực ngoại giao – quốc phòng, việc New Dehli bật đèn xanh mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp được nhiều tờ báo Pháp quan tâm đến. Hầu hết các báo Pháp đều cùng có chung một nhận định là, việc tăng cường năng lực tác chiến cho không quân Ấn Độ xảy ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa New Dehli và Islamabad.

Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao lại chọn mua của Pháp, trong khi Nga trước giờ là nhà cung cấp vũ khí truyền thống cho Ấn Độ ? Về điểm này, trả lời phỏng vấn báo Les Echos, ông Gilles Boquérat, tiến sĩ lịch sử và chuyên gia cho Quỹ Nghiên cứu Chiến lược có nhắc lại rằng : “New Dehli đã mua chiến đấu cơ của Dassault từ những năm 1950”.

Theo ông Boquérat, kể từ những năm 1950, Dassault đã từng giao cho Ấn Độ các loại chiến đấu cơ như Ouragan, Mystere IV và sau này là Mirage 2000. Cùng trong khoảng thời gian này, New Dehli đã quay sang hẳn Liên Xô để trang bị vũ khí. Vì hai lý do : Thứ nhất là, do vấn đề ngân sách; thứ hai là, vì Hoa Kỳ giao vũ khí cho đồng minh của họ là Pakistan, do đó, Mỹ không thể nào được xem như là một quốc gia cung cấp đáng tin cậy.

Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ - vốn có chính sách đối ngoại truyền thống là “không liên kết” - đã xem nước Pháp như là một nhà cung cấp tương đối trung lập cho dù là khá tốn kém. Bên cạnh đó, một chính sách xích lại gần với Ấn Độ cũng thật sự bắt đầu vào những năm 1990, vào lúc mà một đối tác chiến lược đã được thiết lập.

New Dehli đánh giá cao nước Pháp dưới thời Tổng thống Jacques Chirac có những chính sách đối ngoại khác biệt khi đưa ra một quan điểm thấu tình đạt lý trong các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ vào tháng 5/1998. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, công nghiệp vũ khí quốc phòng Pháp còn phải đối mặt với sự trở lại mạnh mẽ của Hoa Kỳ trên thị trường Ấn Độ, đương nhiên là hấp dẫn, nhưng sức cạnh tranh cũng rất mạnh mẽ.

Hơn nữa, Không quân Ấn Độ do vẫn còn đang được trang bị các chiến đấu cơ cũ kỹ của Nga, từ những chiếc Mig 21 cho đến gần đây nhất là Sukhoi 30 nên đang là đối tượng chính trong chương trình hiện đại hóa quân đội nước này.

(Theo Le Monde)

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục