Ấn Độ đi tiên phong trong trật tự thế giới mới
Samir Saran*
Đối thoại Raisina năm nay đã nhìn lại cục diện hỗn loạn của nền chính trị toàn cầu trong vài năm qua, và đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của chúng đối với trật tự thế giới mới nổi. Cùng với việc hệ thống quốc tế nhanh chóng rời khỏi các mỏ neo có nguồn gốc Đại Tây Dương, tương lai của nó sẽ được quyết định bởi sự tương tác phức tạp giữa các người chơi, tiếng nói và nhu cầu mới. Sau một thời gian tương đối đơn cực vào đầu thế kỷ, chúng ta đang bước vào một thế giới không chỉ đa cực mà còn đa sắc thái.
Tại sao đa sắc thái? Một mặt, như Mark Sedwill, Cố vấn An ninh quốc gia của Vương quốc Anh chỉ ra, sự tập trung của sự giàu có về kinh tế không ngừng chuyển hướng về phía Đông. Sự chuyển đổi này chắc chắn sẽ tạo ra các “cực” mới của quyền lực - trong số đó dẫn đầu là Ấn Độ và Trung Quốc. Điều đó sẽ đồng thời làm giảm thiểu ảnh hưởng của các thế lực còn tồn tại. Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, Joseph Borell, đã ám chỉ thực tế này khi ông kêu gọi châu Âu phải “gây ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng”.
Ngoài sự lan tỏa của sức mạnh kinh tế, thế giới cũng đang vật lộn với sự bùng nổ của các người chơi, giá trị quan và lợi ích mới bắt nguồn từ các cường quốc đến các công ty đa quốc gia hùng mạnh và các nhóm xã hội dân sự online.
Sự phức tạp toàn cầu này đang làm căng thẳng khả năng thích ứng và ứng phó với các biến đổi kinh tế và xã hội hiện tại đang diễn ra. Hàng năm, những cảnh báo nghiêm trọng về tác động của biến đổi khí hậu không được xem trọng. Nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng được thúc đẩy bởi số hóa và các công nghệ liên quan, với lợi nhuận tích lũy chủ yếu thuộc về các nhà tư bản. Mặt khác, cơ hội kinh tế và việc làm cho hàng triệu người, đang bị mất đi bởi tự động hóa. Trong khi đó, các tổ chức quản trị của chúng ta đang đấu tranh để giải quyết căng thẳng về bất bình đẳng và bản sắc.
Cộng đồng thế giới đang phản ứng bằng cách an ủi thông qua các giải pháp quốc gia và các chính sách dân túy hứa hẹn sẽ đặt các mối quan tâm địa phương lên trước các vấn đề toàn cầu. Có lẽ, thay đổi địa chính trị trong một khoảng thời gian phải cùng nhịp với sự tái nhấn mạnh về sức mạnh và quyền lực của nhà nước. Tuy nhiên, hậu quả của xu hướng này đối với các chuẩn mực và thể chế quốc tế là rất thảm khốc. Trong bài phát biểu khai mạc tại Đối thoại Raisina 2019, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đã cảnh báo rằng, sự bất an của hàng triệu con người sẽ làm suy yếu sự tôn trọng đối với luật pháp và thể chế quốc tế, quyền con người và các nguyên tắc an ninh tập thể.
Đáng lo ngại hơn là, nhận thức về phân tách làm giảm năng lực tập thể của chúng tôi trong việc đạt đến thống nhất chung. Và trong một thế giới sự phụ thuộc lẫn nhau và dễ đổ vỡ hơn bao giờ hết, việc tìm kiếm giải pháp đòi hỏi phải hợp tác quốc tế nhiều hơn, chứ không phải ít hơn. Và tiếp theo là, làm thế nào chủ nghĩa đa phương có thể phát huy vai trò trong một thế giới đa sắc thái?
Một là, chúng ta chắc chắn cần một khung quốc tế mới để nắm bắt thực tế, quan điểm và tiếng nói đa dạng trước mắt. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đã nhiều lần nhắc đến điều này khi đề xuất các vấn đề về chính sách công quan trọng ở các làng và thị trấn nhỏ, đến các lớp học và các phương tiện truyền thông địa phương. Bà chỉ ra rằng, hệ thống quốc tế cần một thực tế mới với nhận thức chung cần bao dung và đa dạng hơn. Nó cũng đòi hỏi một triết lý mới được xác định bởi lợi ích chung và sự thôi thúc của rất nhiều người, thay vì các mục tiêu và chiến lược chung của một số ít.
Hai là, cộng đồng quốc tế đòi hỏi một "thỏa thuận mới". Điều này đúng với cả quản trị trong nước và quản trị toàn cầu. “Đồng thuận Washington” không còn phù hợp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các lực lượng song trùng trong toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ sẽ tạo ra những người chiến thắng mới ngay cả khi họ bỏ lại rất nhiều người phía sau. Việc xây dựng các mô hình kinh tế bao trùm sẽ đòi hỏi những chính sách mới có khả năng cân bằng giữa cưỡng chế chủ quyền và sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu. Họ cũng sẽ yêu cầu quan hệ đối tác khác nhau ở cấp độ toàn cầu. Ví dụ, chẳng có lý do gì để NATO và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) không thể có những cuộc đối thoại có ảnh hưởng đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay Afghanistan hoặc, vì vấn đề đó, BRICS và G7 không thể hài hòa các mô hình kinh tế đa dạng và kỳ vọng của họ từ thể chế thương mại toàn cầu.
Ba là, phải xuất hiện liên minh và quan hệ đối tác mới. Thư ký Vụ Châu Âu và Đối ngoại của Pháp Maurice Gourdault-Montagne cho biết, các liên minh dựa trên các vấn đề sẽ sinh sôi nảy nở nếu trật tự quốc tế tiếp tục bị phân rã. Tuy nhiên, các liên minh như vậy, đặc biệt là giữa những nước có lợi ích chung, có vai trò hỗ trợ trật tự quốc tế trong thời kỳ quá độ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Marise Payne đã nhìn thấy tiềm năng như vậy ở Ấn Độ, một quốc gia mà Australia có thể ủng hộ một trật tự dựa trên quy tắc. Các liên minh như vậy phải có khả năng liên khu vực, liên vấn đề và liên lợi ích.
Bốn là, quản trị toàn cầu phải tính đến các nhân tố mới. Hơn 60% GDP thế giới hiện đang đến từ các thành phố. Vốn hóa thị trường của các công ty công nghệ lớn nhất vượt xa GDP của các quốc gia quan trọng. Theo tính toán này, Apple lớn hơn Ả Rập Xê Út. Các giải pháp cho những thách thức lớn như biến đổi khí hậu và việc làm tương lai có thể xuất hiện từ các mạng lưới quyền lực này và các tiếng nói quan trọng khác như các think-tank và các tổ chức xã hội dân sự. Tạo ra các cơ chế mới để đối thoại giữa các chủ thể như vậy có thể tạo ra các vòng phản hồi toàn cầu hiệu quả hơn.
Năm là, các tổ chức quốc tế phải phục hồi tính hợp pháp. Vào giữa thế kỷ XX, nguyên tắc tổ chức "một quốc gia một phiếu" trong các vấn đề quốc tế đã tạo ra tiếng vang với nhiều xã hội hậu thuộc địa. Mặc dù các tổ chức toàn cầu hiếm khi tỏ ra thực sự dân chủ, nhưng rõ ràng chìa khóa của tính hợp pháp là sự phân phối thực sự về thẩm quyền ra quyết định giữa các bên liên quan. Thư ký Đối ngoại Ấn Độ Vijay Gokhale cảnh báo rằng, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa đa phương sẽ tiếp tục trừ khi các cơ chế chỉ đạo quốc tế có thể nắm bắt tốt hơn các thực tế toàn cầu.
Sáu là, cộng đồng quốc tế phải chấp nhận tính phi chính thức. Các tổ chức toàn cầu chính thức thường có thể không hiệu quả trong việc đối phó với những thách thức đột ngột và phức tạp. Mặt khác, các mô hình liên minh và quản trị phi chính thức có thể triệu tập vốn về nhân lực và công nghệ cần thiết để hợp tác trên quy mô lớn. Ví dụ, chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu đang được dẫn dắt âm thầm bởi các liên minh của các thành phố từ phía Bắc bán cầu và phía Nam bán cầu. Họ đang nhanh chóng nhân rộng và chuyển giao sự đổi mới, ý tưởng, nguồn lực và vốn.
Bảy là, xem công nghệ là vô tội và có lợi đã thay đổi thế giới. Công nghệ hiện là một công cụ và một tác nhân có thể nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống và gây bất ổn triệt để cho các xã hội và quốc gia. Ông Gokhale đã nắm bắt được bản chất của sự kết hợp này, ông cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của khoa học xã hội bên cạnh khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự đổi mới mang lại lợi ích cho nhân loại. Một nền luân lý mới với sự tham gia của con người đang chờ được khám phá.
Tám là, mặc dù không phải là điều quan trọng nhất, nhưng đáng chú ý là, việc đảm bảo sự ổn định địa chính trị và bảo vệ chủ nghĩa đa phương chắc chắn sẽ đòi hỏi sự quản lý mới. Ngày càng có nhiều khả năng rằng, trong những năm tới, Ấn Độ sẽ là ứng cử viên chính cho vai trò này, ngay cả khi chỉ vì Ấn Độ là một mô hình thu nhỏ của thế giới nói chung. Tiến bộ công nghệ nhanh chóng, bùng nổ về lực lượng lao động và bắt buộc phải phát triển trong một thế giới bị hạn chế về tài nguyên sẽ định nghĩa "câu chuyện Ấn Độ", và từ đó tác động đến tương lai của hàng tỷ người ở các nước đang phát triển. Do đó, Ấn Độ mang đến một cơ hội duy nhất với tư cách là một sân khấu để giải quyết nhiều mâu thuẫn trên thế giới.
Ấn Độ là một quốc gia hậu thuộc địa nổi lên như một người đề xướng tiếng nói của một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc tự do. Ấn Độ nằm ở giao điểm của Á-Âu và Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, hai khu vực sẽ định hình thế kỷ XXI. Và Ấn Độ luôn sẵn sàng điều hướng sự phức tạp bằng cách tìm kiếm các mục tiêu được chia sẻ. Chẳng hạn, rất ít quốc gia có thể tiếp xúc với các cường quốc như Nga và Trung Quốc trong khi xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Như Bộ trưởng Ấn Độ S.Swaraj đã chỉ ra trong bài phát biểu rằng, cam kết tham gia với thế giới của Ấn Độ bắt nguồn từ các đặc điểm của nền văn minh: cùng tồn tại, đa nguyên, cởi mở, đối thoại và các giá trị dân chủ.
Chính vì lý do này mà Dato Seri Anwar Ibrahim đã mô tả Ấn Độ là một bí ẩn. Trên nhiều phương diện, diễn đàn Đối thoại Raisina hàng năm là một nỗ lực để giải mã những gì làm cho Ấn Độ trở nên như vậy và tại sao điều này lại phù hợp với thế giới. Phản hồi mà chúng tôi đã nhận được từ các nhà lãnh đạo thế giới trong các lĩnh vực chính trị, công nghiệp, truyền thông và xã hội dân sự cho thấy rõ rằng, sự lựa chọn của Ấn Độ quan trọng hơn bao giờ hết. Các cuộc đối thoại diễn ra tại Đối thoại Raisina không chỉ khơi gợi sự đồng thuận của Ấn Độ về các vấn đề thế giới mà còn là sự đồng thuận lớn hơn có khả năng định hình một trật tự thế giới ít bất ổn hơn và dễ dự đoán hơn.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/india-in-vanguard-of-new-order-raisina-2019-48156/
* Chủ tịch quỹ Các nhà quan sát Ấn Độ (ORF), phụ trách diễn đàn Đối thoại Raisina.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục