Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ hành động cứu trái đất

Ấn Độ hành động cứu trái đất

Trong những thập kỷ gần đây, có một mối ưu tiên vượt lên trên tất cả các mối ưu tiên của tất cả các quốc gia và các hệ tư tưởng khác nhau. Đó là mối ưu tiên cho lợi ích lâu dài của hành tinh chúng ta, hệ sinh thái cũng như các dạng thực vật và sự sống đa dạng trên trái đất.

05:44 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trong những thập kỷ gần đây, có một mối ưu tiên vượt lên trên tất cả các mối ưu tiên của tất cả các quốc gia và các hệ tư tưởng khác nhau. Đó là mối ưu tiên cho lợi ích lâu dài của hành tinh chúng ta, hệ sinh thái cũng như các dạng thực vật và sự sống đa dạng trên trái đất. Qua nhiều thế hệ, con người đều có chung mong muốn về lối sống lành mạnh, bền vững hơn và mối quan hệ hài hòa hơn giữa con người và thiên nhiên. Các vấn đề hiện nay của môi trường toàn cầu phát sinh từ các hoạt động của con người, chẳng hạn như suy giảm tầng ôzôn, sa mạc hóa và phá rừng, ô nhiễm đất, biển và không khí, sự nóng lên toàn cầu và thay đổi khí hậu, và xu hướng đáng lo ngại về mất đa dạng sinh học, đã góp phần mang lại nhiều thay đổi trên khắp hành tinh.

Một năm qua, thế giới đã nỗ lực để đối phó với những thách thức của việc nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, bên cạnh đại dịch COVID-19. Tình huống này chỉ ra những điểm bất cập trong cung cấp dịch vụ y tế công cộng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiệu quả với giá cả phải chăng, và thu hút sự chú ý của thế giới đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các kết quả kinh tế, môi trường và xã hội.

Tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), được tất cả các quốc gia nhất trí tán thành vào năm 2015, đã bắt đầu bị đình trệ do đại dịch COVID-19 và việc các quốc gia phong tỏa để ngăn chặn đại dịch đã dẫn đến sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo Ngân hàng Thế giới, đại dịch có thể khiến cho thêm 88 triệu đến 115 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực chỉ trong năm 2020, phần lớn những “người nghèo mới” sống ở khu vực Nam Á và châu Phi cận Sahara. Cần nhanh chóng phục hồi toàn cầu nếu thế giới vẫn muốn đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030. Điều này cũng đòi hỏi quan hệ đối tác hiệu quả hơn giữa các chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân.

Liên quan đến tình hình trái đất nóng lên, chính phủ các nước đã đồng ý với Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu (2015) để giữ nhiệt độ tăng ở mức dưới 2°C, hướng tới mục tiêu nhiệt độ tăng dưới 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Suy thoái kinh tế toàn cầu do COVID-19 gây ra đã làm giảm 7% lượng đốt nhiên liệu hóa thạch vào năm 2020; tuy nhiên, như Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ông Petteri Taalas đã nói, điều này chỉ là “một điểm sáng nhỏ không đáng kể” trong sự tích tụ liên tục của các khí nhà kính trong khí quyển do các hoạt động của con người gây ra. Chúng ta phải làm phẳng đường cong nóng lên toàn cầu một cách bền vững.

Phản ứng trước những cuộc khủng hoảng này, Ấn Độ đã vươn lên vị trí lãnh đạo thế giới bằng việc nêu gương, hỗ trợ các quan hệ đối tác phát triển và thúc đẩy hành động đa phương về môi trường toàn cầu. Những hậu quả khắc nghiệt của biến đổi khí hậu đã làm sâu sắc thêm các thách thức trong phát triển của Ấn Độ, do nước này có đông  người nghèo sống phụ thuộc vào các lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu. Ấn Độ là một trong những quốc gia dễ bị thiên tai tàn phá (gần 85% diện tích đất liền của nước này dễ bị tác động bởi một hoặc nhiều hiểm họa) và đặc biệt dễ bị tổn thương do nước biển dâng nhanh (14,2% dân số sống ở vùng ven biển và hải đảo). Bên cạnh nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh điện, nhà ở và lương thực cho tất cả mọi người, Ấn Độ đang theo đuổi các mục tiêu thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Để làm được như vậy, Ấn Độ đang chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch thông thường sang các nguồn năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn (ví dụ: thông qua các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu hơn, phổ biến giao thông công cộng đặc biệt là tàu điện đô thị, sử dụng đại trà bóng đèn LED và thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng, và triển khai hệ thống năng lượng mặt trời áp mái), giảm lãng phí năng lượng, cũng như quy hoạch đô thị và thiết kế tòa nhà tốt hơn. Ấn Độ cũng đang theo đuổi các nỗ lực thích ứng, ví dụ, bằng cách cải thiện khả năng phục hồi của hệ sinh thái và giúp đỡ các cộng đồng địa phương, đối phó với một số rủi ro do biến đổi khí hậu.

Mất đa dạng sinh học là mối quan tâm đặc biệt đối với Ấn Độ, một quốc gia đa dạng sinh học, vì việc này đòi hỏi chi phí kinh tế, có thể gây tổn hại đến an ninh lương thực và sức khỏe con người. Ấn Độ đã thực hiện một số bước để bảo tồn, bao gồm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với các rạn san hô và hệ sinh thái rừng.

Ấn Độ từ lâu đã thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển với các nước đang phát triển. Theo chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC) bắt đầu vào năm 1963, Ấn Độ đã cung cấp các hạn mức tín dụng, viện trợ không hoàn lại, tư vấn kỹ thuật, cứu trợ thiên tai, viện trợ nhân đạo, học bổng giáo dục và một loạt các chương trình nâng cao năng lực làm việc thực tế. Các chương trình hợp tác Nam-Nam được triển khai trên tình thần đoàn kết chung, vô điều kiện và tìm cách thúc đẩy các kế hoạch, chương trình và mối ưu tiên của quốc gia thụ hưởng. Ấn Độ cũng đã sẵn sàng chia sẻ công nghệ của mình với các nước khác, phát triển một vệ tinh đặc biệt cho Nam Á và cung cấp dữ liệu vệ tinh viễn thám miễn phí cho các nước thuộc khối SAARC.

Sự đóng góp của Ấn Độ trong hành động đa phương về các vấn đề môi trường toàn cầu bắt nguồn từ trong nền văn minh cổ đại của Ấn Độ đã có mối liên kết chặt chẽ với thiên nhiên. Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường Con người (1972) ở Stockholm, Ấn Độ đã chú ý đến mối liên hệ giữa môi trường và phát triển, nhấn mạnh rằng: “môi trường không thể được cải thiện trong điều kiện nghèo đói”. Ấn Độ đã tham gia soạn thảo và trình bày Tu chính án London năm 1990 đối với Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn (1987). Nếu thiếu những biện pháp giải quyết toàn cầu, vấn đề suy giảm tầng ôzôn sẽ không thể xứ lý thành công. Ấn Độ còn đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo Công ước Đa dạng sinh học (1992) và tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán dẫn đến việc thông qua Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC; 1990), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (2015) và tham gia vào quá trình triển khai Hiệp định.

Hai sáng kiến ​​quốc tế của Ấn Độ cần được thế giới ghi nhận. Một là, “Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế”, do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng khởi động vào năm 2015. Liên minh này đang cung cấp năng lượng mặt trời suốt ngày đêm với chi phí hợp lý cho tất cả mọi người. Hai là, tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động vì khí hậu của Liên hợp quốc năm 2019, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã công bố thành lập ‘Liên minh cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với thiên tai’. Đây là Liên minh quan hệ đối tác toàn cầu nhằm thúc đẩy khả năng phục hồi của các hệ thống cơ sở hạ tầng mới và hiện có trước rủi ro thiên tai và khí hậu.

Ấn Độ không phải là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn khi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được thông qua năm 1992, và lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người của Ấn Độ vẫn chỉ là một phần nhỏ so với các quốc gia phát thải lớn. Thật vậy, mức độ phát thải khí nhà kính bình quân đầu người trong lịch sử và hiện tại của Ấn Độ xếp cuối trong số tất cả 20 quốc gia G20. Ấn Độ cũng là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất về cường độ sử dụng năng lượng. Trước đây, Ấn Độ đã chỉ ra rằng, lượng phát thải bình quân đầu người của Ấn Độ sẽ không bao giờ vượt quá mức phát thải của các nước phát triển, bao gồm cả lượng khí thải trong quá khứ. Ấn Độ không muốn đi theo cách tiếp cận “phát thải tới đỉnh điểm” khí nhà kính mà một số quốc gia khác đã theo đuổi.

Đóng góp do quốc gia xác định (NDC) của Ấn Độ, được công bố vào năm 2015, dự kiến ​​giảm cường độ phát thải trong GDP của nước này từ 33-35% vào năm 2030 so với mức năm 2005. Dự đoán, tỷ trọng nhiên liệu không hóa thạch của Ấn Độ trong tổng công suất lắp đặt của nước này từ 30% vào năm 2015 sẽ lên khoảng 40% vào năm 2030. Ấn Độ cũng thông qua mục tiêu lớn là tạo ra một bể chứa carbon bổ sung 2,5 đến 3 tỷ tấn carbon dioxide tương đương bằng việc trồng rừng và cây che phủ bổ sung vào năm 2030. Ước tính sơ bộ cho thấy sẽ cần hơn 2,5 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2015-2030 để thực hiện các kế hoạch liên quan đến khí hậu của Ấn Độ.

Trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức trực tuyến ngày 20-21/11/2020, “Bộ công cụ theo dõi hành động khí hậu” (CAT), một bộ công cụ đánh giá dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học độc lập và có uy tín, đã đánh giá mục tiêu Quốc gia tự xác định (NDC) về hành động khí hậu của Ấn Độ là “tương thích 2°C”, có nghĩa rằng, cam kết về khí hậu của Ấn Độ cho tới năm 2030 dựa trên trách nhiệm và năng lực của Ấn Độ được coi là công bằng với các quốc gia trên toàn cầu. Không có quốc gia G-20 nào nhận được đánh giá thuận lợi hơn từ CAT. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia cần tăng cường cam kết trong các cuộc đánh giá tiến độ trong tương lai nếu sự nóng lên toàn cầu được giới hạn ở mức tăng 2°C, chưa nói tới mức tăng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu được tổ chức vào ngày 12/12/ 2020 nhân kỷ niệm 5 năm Hiệp định Paris, Thủ tướng Modi tuyên bố rằng, Ấn Độ không chỉ đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu khí hậu mà còn được đặt ra hoài bão “vượt lên trên mục tiêu đã đề ra”. Lời khẳng định này trấn an rằng, Ấn Độ sẽ là quốc gia tiên phong trong số các quốc gia sẽ tiếp tục hành động có trách nhiệm trước những lo ngại về sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Thủ tướng Ấn Độ cũng nhắc lại cam kết của Ấn Độ sẽ tăng công suất năng lượng tái tạo lên 175 GW vào năm 2022 và 450 GW vào năm 2030.

Nhiều nước đang phát triển tìm đến các dòng tài chính mới và bổ sung từ các nước giàu, các nước phát triển, để bù đắp khoảng cách nguồn lực của họ ngoài nguồn vốn trong nước. Tăng cường hành động nhằm phát triển và chuyển giao công nghệ sạch với các điều khoản ưu đãi và nhượng bộ cũng sẽ là trọng tâm để hoàn thành NDC của nhiều nước đang phát triển. Việc các nước phát triển cam kết huy động hàng năm 100 tỷ USD cho mục tiêu khí hậu vào năm 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển bị hạn chế về nguồn lực là điều đáng thất vọng, đặc biệt là khoản hỗ trợ cho các nước kém phát triển (LDCs), các quốc gia đang phát triển ở hải đảo nhỏ (SIDs) và các nước đang phát triển dễ bị tổn thương về khí hậu. Trước thềm Hội nghị COP26 ở Glasgow vào tháng 11/2021, thế giới đang hướng tới các cam kết của các nước phát triển không chỉ là không phát thải carbon ròng vào năm 2050 nếu không muốn nói là sớm hơn, mà còn tăng cường các dòng tài chính cho vấn đề khí hậu, hỗ trợ công nghệ và nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển. Đối với các nước LDCs và SIDs, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhu cầu cấp thiết và họ đang chờ đợi nguồn tài trợ như đã được hứa hẹn để sớm triển khai các kế hoạch. Khi Mỹ quay lại Hiệp định Paris, thế giới hy vọng Mỹ sẽ bắt đầu vòng hoạt động mới với để củng cố NDC.

Chúng ta phải cứu hành tinh của chúng ta khỏi sự độc hại và hủy diệt của chính chúng ta. Rốt cuộc, chính lượng khí thải do con người tạo ra quá mức và phản ứng kém của con người trước sự phát thải quá mức đó đã đưa chúng ta đến tình hình hiện tại. Tình huống khẩn cấp về khí hậu cần được khắc phục ngay lập tức để có hiệu quả. Quá trình khử cacbon của nền kinh tế toàn cầu cần được thực hiện không ngừng, nhưng vẫn dựa trên các nguyên tắc công bằng, công lý và bình đẳng. Trong bối cảnh đó, thế giới đang tập hợp dưới lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về không phát thải carbon ròng vào năm 2050 và sáng kiến “Liên minh toàn cầu về trung hòa carbon” do ông đề ra. Khẩu hiệu mới của thế giới là “hồi phục tốt hơn” hoặc “tiến lên phía trước tốt hơn”. Thật vậy, sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch COVID-19 phải đưa chúng ta đến một tương lai bền vững, toàn diện và có khả năng phục hồi - một tương lai tôn trọng quyền con người, tăng cường hành động vì khí hậu, tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, giải quyết tình trạng sa mạc hóa, phá rừng, ô nhiễm đất, nước và không khí, và đưa thế giới đi đúng hướng để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030. Chúng ta phải mạnh mẽ tập hợp lại theo cùng một hướng để vượt qua các cuộc khủng hoảng chồng chéo hiện đang chống lại hành tinh của chúng ta nếu chúng ta muốn cho thế hệ hiện tại cơ hội sống một cuộc sống đàng hoàng trong sạch, thế giới an toàn an toàn và lành mạnh và truyền nó cho các thế hệ tương lai.

Tác giả: Đại sứ Ajai Malhotra đã đại diện cho Ấn Độ trong các cuộc đàm phán toàn cầu về môi trường từ năm 1980. Ông hiện là Cố vấn Cao cấp (Biến đổi Khí hậu) và Thành viên Cấp cao của Cơ quan đầu não tư vấn chính sách năng lượng TERI, Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn: Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục