Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ - Iran: Cơ hội và Thách thức (Phần 2)

Ấn Độ - Iran: Cơ hội và Thách thức (Phần 2)

Sơ đồ chiến lược các nước láng giềng của Iran sẽ thay đổi nhanh chóng sau thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước nhóm P5+1 (5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức). Một ván bài địa chiến lược lớn đã được đặt ra, Iran bắt đầu khai thác những cơ hội hợp tác kinh tế và hợp tác an ninh lớn hơn trong khu vực. Điều này có ảnh hưởng tới Ấn Độ và Pakistan - hai nước có quan hệ chiến lược với Iran nhưng lại luôn đối đầu căng thẳng với nhau.

05:30 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Ấn Độ - Iran: Cơ hội và Thách thức*

Vinay Kaura**

Thách thức trong quan hệ Iran- Pakistan- Trung Quốc

Iran và Pakistan có vẻ đang tự tin về mối quan hệ mà hai nước đang có - hợp tác hơn và cân bằng hơn trước. Cùng với tầm quan trọng của mối quan hệ này đối với các mục tiêu của Mỹ đang có xu hướng giảm đi trong bối cảnh Mỹ đang tiếp cận Iran và giải ngân tại Afghanistan, Pakistan có mọi lý do để khẳng định rằng, các hành động chống lại Iran - nước đang có vị thế địa chính trị ngày càng tăng, sẽ gây phản tác dụng chiến lược. Trên thực tế, việc tái thiết lập quan hệ Pakistan với Iran là kết quả của một chiến lược đã được suy tính. Để giữ vững thái độ trung lập trong cuộc đối đầu giữa Iran và Saudi, Islambad đã quyết định rút khỏi cuộc triến tranh sắc tộc trong khu vực. Các vấn đề ổn định ở Afghanistan đã đưa Iran và Pakistan lại gần nhau hơn: Iran bày tỏ sự ủng hộ cho quá trình hòa giải ở Afghanistan, nơi mà Pakistan đóng vai trò là người hòa giải. Các mối đe dọa xuất phát từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được xem như là thử thách đối với Iran và Pakistan. Trong chuyến thăm Pakistan vào tháng 8, Ngoại trưởng, Iran Javad Zarif, đã kêu gọi Islamabad hành động nhất quán để tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa bè phái, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Do đó, cả hai nước đều muốn ngăn chặn sự hồi sinh của các thế lực thù địch trước đây tuy không được hưởng lợi từ nó.

Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc đã trở thành một nguồn kinh tế lớn cho Iran. Việc tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước đã phản ánh thực tế này. Trung Quốc chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô và 10% nhập khẩu năng lượng nước ngoài từ Iran. Sự phát triển vượt bật trong quan hệ năng lượng giữa Tehran và Bắc Kinh đã thúc đẩy một liên kết chiến lược sâu sắc hơn.

Từ khi Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra tranh chấp biên giới, những người theo chủ nghĩa hiện thực đã dự đoán khả năng xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc (nước có ảnh hưởng ở khắp các khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Ấn Độ Dương và Trung Á) vẫn còn tồn tại, khi Trung Quốc vẫn tiếp tục can thiệp vào phía Đông Bắc của Ấn Độ và Kashmir, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp sử dụng Pakistan như một đối trọng với Ấn Độ. Nhu cầu về nguồn tài nguyên năng lượng  cũng là một tác nhân gây ra mâu thuẫn lợi ích giữa hai nước, cũng như tạo ra nhiều sự cạnh tranh hơn để tiếp cận nguồn năng lượng ở các nước giàu tài nguyên

Iran trong vai trò là một mạng lưới xuất khẩu năng lượng, mong muốn tận dụng tài nguyên của mình để tạo sức ảnh hưởng đến quan hệ của quốc gia này với các nước Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc mà không bị cản trở bởi những khác biệt song phương. Sự sâu sắc trong quan hệ chiến lược giữa Pakistan và Trung Quốc  là rất rõ ràng.

Tuy Pakistan là một thị trường năng lượng lớn và ngày càng phát triển, nhưng Trung Quốc lại là thị trường rộng lớn hơn rất nhiều. Đoán trước việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Iran, Trung Quốc đã hồi sinh tuyến đường ống Iran - Pakistan. Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận với Islamabad vào tháng 4 năm 2015 để xây dựng một tuyến đường ống từ cảng Gwadar của Pakistan đến Nawabshah. Tuyến đường ống Iran - Pakisran được kỳ vọng sẽ cung cấp đủ lượng khí đốt để tạo ra 4,500 MW điện từ mỏ khí South Pars của Iran, cũng như để bù đắp sự thiếu hụt hiện nay trong sản xuất điện của Pakistan.

Hợp tác năng lượng giữa Iran và Pakistan đã đi một chặng đường đủ dài để giảm bớt những nghi ngờ trong lịch sử, điều mà đã gây ra sự chia rẽ giữa người Shia ở Iran và đông đảo người Sunni ở Pakistan. Các dự án năng lượng không chỉ giảm bớt sự bất ổn thiếu hụt năng lượng ở Iran mà còn tạo ra tiền tệ cho nền kinh tế sôi động của Iran. Iran sẽ xây dựng 80 km còn lại của đoạn đường ống dẫn từ Gwander đến biên giới Iran ngay khi lệnh trừng phạt Iran được gỡ bỏ.

Các chiến lược mà Trung Quốc đang theo đuổi đều được tính toán kỹ lưỡng. Bắc Kinh đặc biệt để ý đến tuyến đường ống Iran - Pakistan vì tiềm năng địa chính trị của nó. Đường ống dẫn khí này chắc chắn sẽ trở nhành nhân tố then chốt trong tham vọng “Vành đai Kinh tế Con đường tơ lụa” và sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển” (OBOR) của Trung Quốc. Thỏa thuận Đường ống dẫn khí đốt Iran - Pakistan cũng là một phần của gói cơ sở hạ tầng 46 tỉ USD nhằm thiết lập Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) do Bắc Kinh tài trợ và xây dựng. CPEC với mục đích xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu để khởi động sự tăng trưởng kinh tế, sẽ mở rộng Cảng biển Ả Rập ở Gwadar của Pakistan đến Thành phố Kashgar ở Tỉnh Tân Cương của Trung Quốc - đây chính là một trong những điểm khởi đầu quan trọng trong sáng kiến OBOR của Trung Quốc. Iran cũng bày tỏ sự quan tâm của mình trong việc mở rộng đường ống dẫn khí Pakistan đến Trung Quốc. Như vậy, Ấn Độ sẽ làm thế nào để có thể thỏa hiệp với các đối thủ của họ trong CPEC khi các bang Punjab, Jammu và Kashmir của Ấn Độ luôn bị tấn công bởi các tay súng  đến từ Pakistan?

Lựa chọn của Ấn Độ

Đối với Ấn Độ, các đường ống dẫn năng lượng luôn là một triển vọng hấp dẫn, lợi ích mà nó đem lại dễ dàng nhận thấy nhưng khó có thể đạt được. Ấn Độ cảm thấy bị ép buộc khi không có con đường nào dẫn đất nước này vào vùng Trung Á giàu năng lượng, bởi vây quanh nó là Trung Quốc và Pakistan. Với việc đường ống dẫn khí Iran - Pakistan - Ấn Độ (IPI) vẫn bị mắc kẹt và đường ống dẫn khí Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ (TAPI) vẫn chưa dỡ bỏ do các nước đã thất bại trong việc bổ nhiệm người đứng đầu liên doanh để xây dựng và duy trì tuyến đường ống này, Ấn Độ đang mong muốn khởi động một dự án đường ống dẫn khí dưới biển, dự án này sẽ đưa khí đốt của Iran đến Ấn Độ thông qua biển Ả Rập mà không đi qua Pakistan. Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho rằng: “Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran đã mở ra một cơ hội lớn cho Ấn Độ trong việc vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Iran đến cảng Porbandar, không qua Pakistan - đó là điểm gắn kết chính cho các dự án đa phương khác của Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ (TAPI) và Iran – Pakistan - Ấn Độ (IPI).”

Vị trí địa lý của Iran mang lại một cơ hội tuyệt vời cho các đường ống dẫn dầu và dẫn khí chạy từ biển Caspian đến vịnh Ba Tư và vịnh Oman. Trên thực tế, chỉ có tuyến đường của Iran mới cung cấp cho Ấn Độ một sự thay đổi cho những xung đột không giải quyết được và căng thẳng với Pakistan, cũng như cơ hội để vượt qua sự cô lập về địa lý của Ấn Độ với khu vực Trung Á giàu tài nguyên. Đó là lý do vì sao, thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, trong suốt chuyến thăm gần đây đến Turkmenistan, như một phần của chuyến viếng thăm Trung Á của mình, đã đề xuất một tuyến đường kết hợp biển và đất liền đi qua Iran để phục vụ vận chuyển khí đốt từ Turkmen đến Ấn Độ. Tuyến đường này có thể là một bước ngoặt đối với vấn đề an ninh năng lượng của Ấn Độ. Nỗ lực của New Delhi trong việc bảo vệ tuyến đường ống dẫn khí đốt Iran – Oman - Ấn Độ được xem như một hành động ngoại giao khôn khéo nhằm hướng đến một thỏa thuận mới nhất của Trung Quốc với Pakistan để xây dựng hầu hết các đoạn đường ở Pakistan của tuyến đường ống Iran - Pakistan, cũng như mong muốn đảo ngược lại những thất bại về kinh tế và chiến lược mà khiến New Delhi bị trì trệ khi rút khỏi dự án tuyến đường ống Ấn Độ - Pakistan.

 New Delhi có lẽ đã nhận ra, Trung Á sẽ trở thành vở kịch tranh giành quyền lực lớn, và Ấn Độ phải hành động, không phải như một người xem đơn thuần, mà trong vai trò một diễn viên chính. Tuy nhiên, sự tính toán này có thể thay đổi và bị lệ thuộc vào mối quan hệ của Ấn Độ với các cường quốc khác, đặc biệt với Iran. Chuyến thăm gần đây nhất của Tổng thống Modi đến Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng nhấn mạnh thực tế rằng, Ấn Độ đang chơi một trò chơi tương xứng trong khu vực và được chú ý như một nhân tố chủ chốt.

Trong những năm tới đây, Pakistan và Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng cường nỗ lực để đưa Iran vào tầm nhìn chiến lược trong trật tự khu vực đang nổi lên, và điều này sẽ giáng đòn chiến lược vào Ấn Độ. Mặc dù Iran đang ngày càng tỏ ra thân thiện với Pakistan và Trung Quốc, Ấn Độ vẫn phải giữ mối liên hệ gần gũi với Iran và kiên quyết theo đuổi quan hệ ngoại giao cũng như kinh tế với quốc gia này. Ấn Độ cũng cần phải nhắc nhở Iran rằng, sự ổn định chính trị ở Pakistan vẫn còn rất mong manh. Mặc dù Pakistan đang được cai trị bởi một chính phủ được bầu cử một cách dân chủ, nhưng an ninh và chính sách đối ngoại lại bị chi phối tuyệt đối bởi quân đội.

Ấn Độ không cần thiết phải hỏi Tehran có tin vào Pakistan như một đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố hay không, khi mà quân đội Pakistan có ý thiên về các nhóm thánh chiến và bạo lực cực đoan như một công cụ làm đối trọng với Ấn Độ, và như công cụ để chống lại sự rút lui của Mỹ ở Afghanistan. Việc xác thực cái chết của nhà lãnh đạo tối cao của Taliban, Mullah Omar, đã dấy lên sự lo ngại về một kịch bản hỗn loạn ở Afghanistan, nơi mà phe đối địch của Taliban đang chiến đấu cho quyền lực tối cao, và việc ủng hộ trong khu vực cho quá trình hòa giải đang bị gác qua một bên. Taliban vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định và an ninh khu vực. Thực tế, Iran không thể tránh khỏi những hậu quả nguy hiểm của việc những kẻ chống lại người Shia ở Taliban đang trở lại nắm quyền ở nước láng giềng Afghanistan, đặc biệt khi Pakistan không thực hiện được lời hứa quan trọng với Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani.

*http://thediplomat.com/2015/09/india-iran-relations-challenges-and-opportunity/

**Giáo sư dự khuyết, Khoa Quan hệ quốc tế và nghiên cứu an ninh, Điều phối viên tại Trung tâm Nghiên cứu hòa bình và xung Đột, Đại học Cảnh sát, an ninh và tư pháp hình sự Sardar Patel, Jodhpur, bang Rajasthan, Ấn Độ.

Người dịch: Nguyễn Thị Thu Hiền
Hiệu đính: ThS. Phùng Thị Thanh Hà

Nguồn:

Cùng chuyên mục