Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ khẳng định tự chủ chiến lược trong xung đột Ukraine-Nga

Ấn Độ khẳng định tự chủ chiến lược trong xung đột Ukraine-Nga

Washington đã thất bại trong việc thúc đẩy Ấn Độ có lập trường chống lại Moscow trong cuộc đối đầu Mỹ-Nga đang diễn ra, trong đó Ukraine là nạn nhân của cả hai siêu cường.

05:25 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việc Nga can thiệp quân sự vào Ukraine là không thể chối cãi, và dùng vũ lực quân sự như một phương tiện giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận được. Ở phía ngược lại, Mỹ và phương Tây do Mỹ đứng đầu dùng Ukraine làm mồi nhử để giăng bẫy gấu Nga gây chiến, mà Nga hiện đã mắc bẫy.

Thật là khủng khiếp khi Ukraine trở thành bia đỡ đạn trong một cuộc chiến hoàn toàn có thể tránh được, chỉ để nhận ra rằng cả Mỹ và châu Âu đều không có ý định tham gia cùng Ukraine trong cuộc kháng chiến quân sự chống lại Nga; và cũng chưa sẵn sàng đón nhận Ukraine với tư cách là một thành viên của NATO. Châu Âu đang bị chia rẽ mạnh mẽ về vấn đề Ukraine trở thành thành viên EU. Ukraine không còn ảo tưởng là thành viên của nhóm châu Âu hay là quốc gia trên tuyến đầu của “cộng đồng quốc tế”. Thế giới cũng không còn ảo tưởng các nền dân chủ bắt buộc phải đứng lên chống lại “Con gấu xấu xa”, đó là Nga.

Ở khoảng cách xa, Ấn Độ có thể thấy sự vô nghĩa của việc Ukraine không lùi bước trước bờ vực, điều mà Kyiv có thể đã làm bằng cách tỏ rõ ý định đứng ngoài NATO. Đất nước này bị biến thành mồi nhử trong các trò chơi địa chính trị do Mỹ dẫn đầu chống lại Nga. Không đời nào Vladimir Putin hoặc bất kỳ nhà lãnh đạo Nga nào khác thay thế ông ta lại yên tâm khi Ukraine, chỉ cách Moscow khoảng 300 km, nổi lên như một quốc gia tuyến đầu thuộc khối NATO và do đó, trở thành căn cứ quân sự của Mỹ.

Ấn Độ bỏ phiếu trắng về bất kỳ nghị quyết nào liên quan đến Ukraine tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại hội đồng và Hội đồng Nhân quyền để khẳng định đường lối độc lập và lợi ích của Ấn Độ trong việc đảm bảo giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột thông qua đối thoại. Ấn Độ có lý do chính đáng để bỏ phiếu trắng ở cả ba phiếu bầu tại Liên hợp quốc, bao gồm cả an ninh và sự ổn định của khu vực bị chiến tranh tàn phá, và những lý do này đã được trình bày rõ ràng. Tuy nhiên, giống như Trung Quốc, Ấn Độ không phản đối rõ ràng các biện pháp trừng phạt do Mỹ đứng đầu đối với Nga. Do đó, Ấn Độ không đứng về phía Mỹ cũng như không đứng về phía Nga. 

Trong trường hợp này, sự khẳng định mạnh mẽ của Ấn Độ về quyền tự chủ chiến lược dường như đã làm dấy lên những lời bàn tán của các nhà vận động hành lang có ảnh hưởng ở Ấn Độ và quốc tế. Không có gì đáng ngạc nhiên khi New Delhi được nhìn nhận là “nghiêng” về phía Mỹ, đặc biệt là sau khi ký kết hiệp định hậu cần, Mỹ nhiều lần đề cập đến Ấn Độ như một “nước lớn” và đồng minh quốc phòng “quan trọng nhất” ngoài NATO của Mỹ. Cũng có ý kiến đánh giá New Delhi tỏ ra thận trọng quá mức trong các giao dịch với Iran và Venezuela vì lo sợ sẽ làm Washington e ngại.

(Có một điều nghịch lý là chính Mỹ hiện đang thuyết phục Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hợp tác trong vấn đề dầu mỏ, chưa đầy hai năm sau khi Venezuela bị cản trở nhằm lật đổ chính ông Maduro).

Ngoài Ấn Độ, các quốc gia lớn khác đã từ chối đồng hành với Mỹ trong cuộc xung đột với Nga bao gồm Trung Quốc, Iran, Saudi Arabia, UAE và Israel. Điều này được cho là do Mỹ nỗ lực cô lập Nga, bao gồm cả việc tiến hành chiến tranh kinh tế, để duy trì vị thế tối cao của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu; và, xung đột này có trước khi Nga xâm lược Ukraine.

Mỹ có nhiều điểm cần giải quyết với Nga, và không phải tất cả các đồng minh của họ ở châu Âu đều đồng ý với Washington về những vấn đề này. Ví dụ, châu Âu đã từ chối tham gia với Mỹ về các lệnh trừng phạt chống lại việc nhập khẩu dầu từ Nga, mặc dù châu lục này đã nhất trí lên án cuộc xâm lược Ukraine. Châu Âu, cũng như Ukraine, không muốn bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh giành quyền lực tối cao của Mỹ trước Nga.

Các quốc gia không chọn bên nào trong cuộc xung đột Mỹ-Nga gây ra cuộc xâm lược Ukraine này có cùng tư duy rằng, có cơ hội tốt hơn để dàn xếp giải pháp có thể chấp nhận được để tránh tình huống nước lớn sa lầy giống như từng gặp ở Afghanistan, mà nay xảy ra ngay trong lòng châu Âu.

Tác giả: Shastri Ramachandaran, Cố vấn biên tập, WION TV.

Chú thích ảnh: TS Tirumurti, đại diện thường trực của Ấn Độ tại Liên hợp quốc, cho biết Ấn Độ chọn bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Hội đồng bảo an trong xung đột Nga-Ukraine.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.indepthnews.net/index.php/the-world/south-asia/5144-ukraine-russia-conflict-india-re-asserts-strategic-autonomy

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục