Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ - Người bạn truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam

Ấn Độ - Người bạn truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặng Đình Quý, đã có bài phát biểu “Ấn Độ - Người bạn truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam” đăng trên Phụ san của Tạp chí Hữu Nghị - số 126/2016 nhân dịp chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (07/01/1972-07/01/2017), 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (06/07/2007-06/07/2017), 35 năm thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (11/11/1982-11/11/2017).Website của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

05:01 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ - Người bạn truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam

Đặng Đình Quý

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam

Năm 2017 là một mốc son trong quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Ấn Độ, đánh dấu chặng đường 45 năm Ngày thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược và là năm đầu tiên triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta vui mừng nhận thấy, dù trong hoàn cảnh nào, Ấn Độ luôn là người bạn tin cậy, gần gũi và gắn bó của Việt Nam.

Quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ toàn diện và có bề dày lịch sử

Quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ có chiều dài lịch sử gần 2000 năm, bắt nguồn từ các mối quan hệ buôn bán, giao lưu văn hóa và tư tưởng triết học. Bước sang thế kỷ XX, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ càng trở nên gắn bó khi hai nước luôn ủng hộ, sát cánh bên nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong suốt quá trình đó, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ luôn dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam sự ủng hộ chính trị, sự động viên và giúp đỡ quý báu cả về vật chất và tinh thần. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh những người anh em Ấn Độ hô vang khẩu hiệu “Amar Nam, Tomar Nam, Viet Nam” (tên chúng tôi, tên các bạn, tên chúng ta đều là Việt Nam) trên những đường phố của Calcutta vào đầu những năm 1960. Trong thời kỳ Việt Nam bị bao vây cấm vận, Ấn Độ tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác nhiều mặt và trở thành một trong các “cửa ngõ” của Việt Nam với thế giới bên ngoài. Là một trong những sáng lập viên của Phong trào Không liên kết, Ấn Độ luôn tích cực ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu: mối quan hệ hai nước “trong sáng như bầu trời không gợn bóng mây”.

Việt Nam và Ấn Độ đã sớm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặt nền móng chính trị vững chắc cho quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng Jawaharlal Nehru là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Hà Nội ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (tháng 10/1954). Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958, đã được Thủ tướng J. Nehru chào đón như “một nhà cách mạng vĩ đại và một người anh hùng huyền thoại”. Từ chỗ ủng hộ nhau về chính trị, Việt Nam và Ấn Độ đã nhanh chóng mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác. Từ khi Việt Nam bắt đầu Đổi mới (1986) đến nay, quan hệ hai nước không ngừng phát triển trong các lĩnh vực quan trọng như chính trị kinh tế, quốc phòng – an ninh, văn hóa – giáo dục, khoa học – công nghệ,…

Tăng cường tin cậy chính trị, triển khai hiệu quả các lĩnh vực hợp tác chiến lược, đưa quan hệ hai nước ngày càng sâu rộng và thực chất.

Mối quan hệ hữu nghị thủy chung, trong sáng, tình bạn vĩ đại và cao đẹp của nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J.Nehru đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản vô giá và là nền tảng để Việt Nam - Ấn Độ có những bước đi chiến lược mới trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều biến động và phức tạp hiện nay.

Đặc biệt, việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ năm 2007 là bước ngoặt lịch sử, tạo nền tảng cho việc tăng cường tin cậy, chính trị, tạo sự chuyển biến cả về chất và lượng, đưa hợp tác hai nước phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, cả trên bình diện song phương và đa phương.

Về chính trị: đó là số lượng trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp tăng lên, quan hệ hợp tác giữa các cơ quan, địa phương ngày càng chặt chẽ, các cơ chế hợp tác song phương được triển khai hiệu quả, qua đó giúp tăng cường hiểu biết và phối hợp hành động, góp phần tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ hai nước.

Các lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư, quốc phòng – an ninh, khoa học – công nghệ, văn hóa, giáo dục, đào tạo, năng lượng, kết nối, … cũng có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ trao đổi gia tăng; quy mô, lĩnh vực và phương thức hợp tác đi vào chiều sâu và mở rộng; chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao; gắn kết về văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng phát triển chặt chẽ, sâu đậm,….

Ấn Độ hiện là một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng từ 50 triệu USD (1980) lên trên 1 tỷ USD (2006) và đạt hơn 5 tỷ USD vào năm 2015. Lãnh đạo hai nước đều khẳng định, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ rất lớn, hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Ấn Độ đứng thứ 28/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; có tiềm năng trở thành một trong 10 nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam sau khi tập đoàn Tata của Ấn Độ triển khai dự án nhà máy Nhiệt điện Long Phú II tại Sóc Trăng trị giá 2 tỷ USD. Hợp tác quốc phòng – an ninh đang trở thành một trụ cột chiến lược vững chắc trong quan hệ hai nước. Ấn Độ tiếp tục cam kết dành các khoản đầu tư, tín dụng ưu đãi và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Hai bên cũng đang nỗ lực hợp tác trên các lĩnh vực giàu tiềm năng khác như điện, khí, năng lượng tái tạo, hạ tầng, nông nghiệp, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, du lịch, kết nối,… nhằm tăng cường sự gắn kết và tính bổ trợ chiến lược giữa hai nền kinh tế. Năm 2017, cả hai nước sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Về đối ngoại và hợp tác quốc tế: quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được xây dựng trên nền tảng của lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Châu Á – Thái Bình Dương và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Từ khi Ấn Độ bắt đầu triển khai “Chính sách Hướng Đông” vào thập niên 90 và hiện nay là “Chính sách Hành động Phía Đông”, Ấn Độ luôn khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong việc triển khai thành công chính sách này; coi trọng vai trò của Việt Nam trong hợp tác tổng thể với ASEAN nói riêng và với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung; dành ưu tiên cao cho quan hệ với Việt Nam. Về phần mình, lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán coi trọng và dành ưu tiên cao cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Ấn Độ; ủng hộ chính sách “Hướng Đông”/”Hành động Phía Đông”; sẵn sàng hợp tác hỗ trợ các chương trình kết nối về mọi mặt của Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á (nhất là trên cương vị Điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015-2018); ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc khi được mở rộng và mong muốn Ấn Độ có vai trò, vị thế cao hơn nữa ở khu vực và trên thế giới. Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam và Ấn Độ chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng và luôn dành cho nhau sự ủng hộ tối đa, đặc biệt là trên các vấn đề an ninh, phát triển khu vực.

Với nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang tầm vóc “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã mở ra một chương mới khi hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” (trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, tháng 9/2016). Quyết định này mang nhiều ý nghĩa quan trọng: Một là, phản ánh những bước tiến dài, vượt bậc, toàn diện và sâu sắc của quan hệ hai nước với nền tảng vững chắc của mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và quan hệ Đối tá Chiến lược. Hai là, khẳng định quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã được nâng lên tầm cao mới; tạo phương hướng và xung lực mới cho việc tăng cường tin cậy chính trị và chia sẻ mẫu số chung về lợi ích hợp tác trên các lĩnh vực (nhất là an ninh, quốc phòng, kinh tế,…) ở tầm khu vực và quốc tế. Ba là, phản ánh tầm quan trọng về địa chính trị chiến lược của Việt Nam và Ấn Độ trong chính sách của mỗi nước. Bốn là, phù hợp với chủ trương và đường lối đối ngoại của Việt Nam nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XII về việc đưa các mối quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.

Hiện hai bên đang phối hợp chặt chẽ để sớm hoàn thiện Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhằm thực hiện hóa các mục tiêu đã được Lãnh đạo cấp cao đề ra, đưa quan hệ Việt Nam - Ấn Độ phát triển tương xứng với lợi thế và tiềm năng sẵn có. Với đà phát triển mạnh mẽ như hiện nay và với quyết tâm, nỗ lực của cả hai bên, chắc chắn rằng, chặng đường 45 năm qua của quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ được tiếp nối bởi sự gắn bó ngày càng bền chặt giữa hai dân tộc. Quan hệ đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, phù hợp với nguyện vọng và đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh ở khu vực và trên thế giới. 

Nguồn:

Cùng chuyên mục