Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ phát huy sức mạnh mềm trong trật tự thế giới mới (Phần 2)

Ấn Độ phát huy sức mạnh mềm trong trật tự thế giới mới (Phần 2)

05:09 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

TS Hồ Văn Chiểu*

Quảng bá văn hóa truyền thống và hiện đại

Người Ấn Độ muốn chấm dứt mô hình kinh tế thiếu tính cạnh tranh của mình, và hướng tới một nền kinh tế năng động, họ đã chọn một người hướng tới cải cách như ông Modi vào vị trí Thủ tướng.

Ấn Độ cũng đang tham gia tích cực hơn vào các vấn đề quốc tế như một cách nâng cao ảnh hưởng của mình. Đó là lý do vì sao người Ấn Độ đang lao vào cuộc chiến quyền lực mềm một cách kiên quyết nhất, khi mà quyền lực mềm đang thực sự trở thành một dấu hiệu không thể thiếu để nâng cao vị thế và ảnh hưởng của quốc gia. Vấn đề truyền bá ảnh hưởng về văn hóa ra ngoài thế giới đã là một điều được nhắc đến từ lâu ở Ấn Độ.

Ấn Độ là một trong những trung tâm khởi phát của nền văn minh châu Á, và là một trong những nền văn minh lớn nhất trên thế giới. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trên thế giới rất rộng lớn. Sự phát triển của Phật giáo được xem như mối dây liên kết thế giới với văn hóa Ấn Độ, và giúp văn hóa Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng của mình ra toàn thế giới. Vì thế, chẳng có lý do gì để Ấn Độ không tham gia vào cuộc chiến mở rộng quyền lực mềm trên thế giới ở thời điểm hiện tại.

Và thực tế là văn hóa Ấn Độ đã có một mức độ ảnh hưởng rộng lớn trên khắp thế giới một cách tự phát, mà không cần đến sự hỗ trợ của chính phủ bằng những chính sách cụ thể.

Môn Yoga là một ví dụ, khi mà môn này đang có mặt tại 170 quốc gia trên toàn cầu, sự hiện diện và ảnh hưởng của Yoga lớn đến mức Liên hợp quốc đã ra một nghị quyết công nhận ngày 21 tháng 6 hàng năm là ngày Yoga.

Đó được xem là một chiến thắng dành cho những giá trị của văn hóa Ấn Độ, nhất là khi chính phủ nước này chẳng cần động tay động chân trong sự kiện này.

Ngoài Yoga, các giá trị của văn hóa Ấn Độ cũng đang ngày càng được biết đến nhiều hơn ở châu Á và trên thế giới, bao gồm phim ảnh, các tôn giáo đặc trưng như Phật giáo và Hindu, các món ăn và thậm chí là những nguyên tắc dân chủ của nền chính trị Ấn Độ.

Những đặc trưng văn hóa Ấn Độ như Yoga hay Phật giáo thường lan tỏa ra khắp thế giới một cách tương đối tự do và thường do những cá nhân và tổ chức phi chính phủ thực hiện.

Nó giúp cho những người tiếp xúc được trực tiếp cảm nhận những giá trị tự thân của các đặc trưng văn hóa này, thay vì truyền bá theo kiểu nhồi nhét và vô cảm như người Trung Quốc đang làm với các viện Khổng Tử trên khắp thế giới.

Hiệu quả giữa hai hình thức quảng bá văn hóa này cũng đang có sự khác biệt rõ nét.

Trong khi các viện Khổng tử trên khắp thế giới đang dần trì trệ và có không ít nơi đã phải đóng cửa, thì những đặc trưng văn hóa Ấn Độ như Yoga hay Phật giáo lại đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình trên thế giới.

Do những đặc điểm riêng về lịch sử, Ấn Độ thường chọn cách truyền bá văn hóa của mình một cách ôn hòa, như Phật giáo là một ví dụ. Chỉ trong vài trăm năm, các tu sĩ Ấn Độ chỉ bằng những lời rao giảng đã truyền bá Phật giáo ra khắp miền Đông Á, và sau đó lan ra khắp thế giới. Cách tiếp cận dựa trên sự ôn hòa và hướng tới các giá trị phổ quát mà dân tộc nào cũng biết đến là chìa khóa để Ấn Độ quảng bá các đặc trưng văn hóa của mình một cách vô cùng hiệu quả. Chính đặc trưng này đang được xem là một vũ khí lợi hại để Ấn Độ mở rộng quyền lực mềm của mình trên thế giới hiện nay. Nó có những ưu điểm gần như vượt trội, khi tự động mở rộng ảnh hưởng của các đặc trưng văn hóa mà gần như không cần đến sự hỗ trợ từ phía Chính phủ Ấn Độ.

Những ưu thế vượt trội của văn hóa Ấn Độ được Thủ tướng Narendra N. Modi triệt để khai thác.

N. Modi đã bắt đầu làm Thủ tướng vào năm 2014 với một sự bứt phá mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao. Ông đã tăng cường các cam kết của Ấn Độ với các nước láng giềng. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông là tới Bhutan; ông đến thăm Nepal hai lần trong bốn tháng; và ông đã cố gắng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ với Bangladesh. Đồng thời, ông đã thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Khắc phục thiếu hụt về nhân lực ngoại giao, N. Modi triệt để khai thác  sức mạnh mềm: Bollywood, Yoga, Phật giáo, và một truyền thống triết học thâm thúy, những nhà trí thức tầm cỡ thế giới từ Amartya Sen tới Salman Rushdie, đặc biệt là cộng đồng người Ấn Độ rộng khắp, giàu có, và ngày càng tham chính ở các trung tâm chính trị và kinh tế của thế giới.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tiềm năng sức mạnh mềm của nước này phần lớn vẫn chưa được khai thác.  Để giải quyết  vấn đề này, Ông N. Modi có trong tay một số những biện pháp. Đầu tiên, ông đã tiếp cận với cộng đồng 25 triệu người Ấn Độ trong các chuyến thăm chính ở nước ngoài. Nhiều trong số những người di cư tương đối giàu có, có nhiều quan hệ kết nối, và - không giống như người Trung Quốc hải ngoại - tham gia vào chính trị ngày càng nhiều.

Thật vậy, có những hội Ấn Độ hoạt động trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ, và người Mỹ gốc Ấn Độ đóng một vai trò ngày càng nổi bật trong tài trợ vận động bầu cử. Phát biểu bằng tiếng Hindi, Ông Modi gần đây đã kêu gọi 18.000 Ấn kiều tập họp tại Madison Square Garden hãy “Nối vòng tay và phục vụ nước mẹ Ấn Độ”. Ông đã yêu cầu họ giúp tăng cường hình ảnh quốc tế của Ấn Độ và khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông cũng đã gửi thông điệp tương tự tới người Ấn Độ ở nước ngoài tại Nhật Bản và Úc. Còn quá sớm để nói liệu những sáng kiến đó sẽ thành công hay không, nhưng với hàng chục ngàn người Ấn Độ ở nước ngoài chào đón ông Modi trong những chuyến đi này đã cho thấy ông ít nhất đã thành công trong việc chiếm được vị trí trong tâm trí của cộng đồng hải ngoại.

Cùng với việc tìm cách tăng cường vị thế quốc tế của Ấn Độ bằng cách cải tạo các công cụ được sử dụng để giao tiếp với thế giới, ông Modi đã bắt đầu cập nhật việc truyền tải thông điệp của quốc gia. Ông mong muốn biến Ấn Độ thành một nước lãnh đạo tư tưởng toàn cầu, như một vị giáo trưởng Vishwa, hoặc giáo trưởng của thế giới. Trong một phát biểu gần đây tại Đại học Banaras Hindu, ông Modi nói với các giáo viên rằng: “Trong thời đại hiện nay, có thể được coi là một kỷ nguyên của kiến thức, vai trò và trách nhiệm của chúng ta đã tăng lên. Chúng ta phải nổi lên như một guru Vishwa, không chỉ để cung cấp hướng đi mới cho thế giới, mà còn để bảo vệ di sản của chúng ta”. Ý tưởng là để làm nổi bật cách Ấn Độ kết nối giữa lịch sử cổ xưa và hiện đại. Như ông lập luận trong chuyến thăm của ông tới New York, “Ấn Độ là quốc gia trẻ nhất và cũng cố xưa nhất của thế giới.” Như vậy, ông Modi đã dựa trên cả hai nền văn hóa cổ xưa và hiện đại của Ấn Độ để hồi sinh hình ảnh quốc tế của mình.

Nhìn lại quá khứ, ông Modi đã cố gắng tận dụng các truyền thống triết học và tôn giáo của Ấn Độ phục vụ cho chính sách đối ngoại của mình. Yoga đã đi đầu trong các nỗ lực của ông. Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9, ông Modi mô tả Yoga là “món quà của Ấn Độ cho thế giới” và đã vận động thành công để diễn đàn này tuyên bố ngày 21/6 là Ngày Yoga thế giới. Tất cả có 177 quốc gia ủng hộ, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Thủ tướng Modi cũng đã có những lập luận tương tự về y học cổ truyền Ấn Độ, Ayurveda, với mục đích để xếp ngang hàng với y học cổ truyền Trung Quốc. Trong một cuộc họp với các quan chức ngoại giao tháng 6, ông Modi thuyết giảng về tầm quan trọng của việc đúc kết và trình bày Ayurveda cho thế giới một cách có hiệu quả hơn. Ông cũng đã thử nghiệm sử dụng lịch sử Phật giáo của Ấn Độ để tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar và Nepal bằng cách nhấn mạnh các liên kết tâm linh và triết học của Ấn Độ với phần còn lại của châu Á. Theo đó, ông đã lấy Phật giáo làm một chủ đề nói chuyện chính trong các cuộc gặp tháng 9 của mình với ông Tập, nhấn mạnh tầm quan trọng của nó trong chuyến đi tới Nepal, và đã đến thăm các ngôi chùa Phật giáo ở Nhật Bản. Được biết, Bộ Văn hóa và Du lịch Ấn Độ cũng đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới để phát triển một con đường du lịch Phật giáo ở Ấn Độ.

Văn hóa đương đại của Ấn Độ cũng đã được chú ý - mặc dù ít nổi bật hơn - trong ngoại giao quyền lực mềm của ông Modi. Trên mặt trận văn hóa, điểm khởi đầu rõ ràng là Bollywood. Trong chuyến thăm của ông Tập đến Ấn Độ, Trung Quốc và Ấn Độ đã ký một bản ghi nhớ về hợp tác sản xuất phim, trong đó bộ phim đầu tiên được công bố gần đây là Kung Fu Yoga, với diễn viên Jackie Chan. Ấn Độ cũng đã ký kết một thỏa thuận với Việt Nam về hợp tác phát sóng giữa “Prasar Bharti” của Ấn Độ và Đài “Tiếng nói Việt Nam.” Về mặt chính trị, ông Modi đã phát huy được những nỗ lực của các vị tiền nhiệm để làm nổi bật bản sắc dân chủ của Ấn Độ, đưa nó vào các cuộc nói chuyện trong tiếp xúc với các nước láng giềng của Ấn Độ, Bhutan và Nepal, cũng như Úc, Nhật Bản và Mỹ.

Thủ tướng Ấn Độ N. Modi hy vọng rằng, những nỗ lực này sẽ đưa lại cho Ấn Độ một vị trí tại bàn hàng đầu của chính trị quốc tế, đảm bảo an ninh, có bạn bè, đầu tư và công nghệ nước ngoài. Những nỗ lực này cũng có mục tiêu chính trị trong nước. Phát biểu bằng tiếng Hindi trước khán giả nước ngoài làm ngoại giao của Ấn Độ trở nên dễ tiếp cận với người Ấn Độ, những người có thể sẽ không để ý nếu không nói tiếng Hindi. Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để khuếch trương các chuyến đi nước ngoài cho phép N. Modi khắc họa mình như là một chính khách quốc tế, làm sống lại niềm tự hào về Nhãn hiệu Ấn Độ và thu hút đầu tư.

Cho đến nay, việc khai thác quyền lực mềm tràn đầy sinh lực của ông N. Modi đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo thế giới. Chắc chắn, những sáng kiến này đã tác động đến sự thay đổi quan điểm của công chúng toàn cầu, các nhà lãnh đạo dư luận và các nhà đầu tư và vị thế chính trị của Ấn Độ. Các con đường phát huy ảnh hưởng của Ấn Độ ở nước ngoài một cách sáng tạo là cần thiết khi Chính phủ mới tìm cách xây dựng nền kinh tế của Ấn Độ và các nguồn lực ngoại giao truyền thống của nó. Điều rõ ràng là Chính phủ Modi đã  khai thông mối quan hệ giữa tiềm năng quyền lực mềm của Ấn Độ và chính sách đối ngoại của mình. Lần đầu tiên, nhà nước Ấn Độ đang bắt đầu sử dụng một cách có hệ thống các nguồn tài nguyên con người và văn hóa giàu có mà trước đây đã phát triển khá độc lập với các chính sách của nhà nước./.


* Nguyên Vụ trưởng vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục