Ấn Độ sẽ hưởng lợi gì từ thỏa thuận hạt nhân Iran?
Chẳng có gì phải nghi ngờ khi New Delhi sẽ là một trong những nước thu lợi lớn nhất từ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1.
Thỏa thuận khung đã đạt được giữa Iran và Mỹ cùng nhiều nước lớn khác có nhiều ý nghĩa về mặt địa chính trị đối với Trung Đông và Nam Á. Theo thỏa thuận này, Iran vừa chấp thuận hạn chế làm giàu uranium đối với một cơ sở duy nhất là Natanz, hai cơ sở còn lại vẫn hoạt động bình thường. Iran cũng đồng ý thiết kế lại lò phản ứng nước nặng ở Arak, việc này sẽ ngăn cản Iran sản xuất nhiên liệu ở cấp độ vũ khí. Cùng với đó, Iran sẽ chuyển khu vực làm giàu uranium Fordo thành một cơ sở phục vụ công tác nghiên cứu hạt nhân tiên tiến đồng thời sản xuất các đồng vị y tế. Điều đáng nói là, người dân Iran cũng nhất trí cắt giảm số lượng máy ly tâm làm giàu uranium từ 19.000 xuống còn khoảng 6.000 và hạn chế việc làm giàu xuống chỉ còn 3,67%. Thời gian để đạt được đủ nhiên liệu phân hạch nhằm sản xuất vũ khí sẽ được kéo dài từ hai đến ba tháng như hiện nay lên thành ít nhất một năm theo thỏa thuận khung. Iran cũng chấp nhận sự kiểm tra nghiêm ngặt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Những hạn chế được quy định trong hiệp định khung là bắt buộc. Đổi lại, các lệnh trừng phạt của Mỹ, EU và Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đối với Iran sẽ được dỡ bỏ một khi IAEA xác nhận Iran đang tiến hành các bước nhằm thực thi cam kết của mình theo hiệp định khung.
Thỏa thuận khung lần này đại diện cho đỉnh cao những nỗ lực của chính quyền Barack Obama và các cuộc đối thoại khác với lãnh đạo Iran kể từ cuộc bầu cử ông Hassan Rouhani vào năm 2013. Về mặt này, những nỗ lực của Vương quốc Hồi giáo Oman trong việc đưa Mỹ và Iran tiến lại gần nhau là rất đáng khen ngợi. Tổng thư ký của Bộ trưởng Ngoại giao Oman, Sayyid bin Hamid al-Busaidi đã ca ngợi hiệp định này là một bước đột phá lịch sử và có ý nghĩa quan trọng… và là một thắng lợi cho hòa bình và cho nền ngoại giao vì hòa bình. Các quốc gia khác ở Trung Đông tỏ ra kém lạc quan hơn. Họ cho rằng, hiệp định này sẽ mang đến khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân cho Iran.Thủ tướng Israel Benjamin Netayanhu phát biểu rằng, thỏa thuận “sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước theo dòng Sunni, một cuộc chạy đua hạt nhân ở Trung Đông… là cơn ác mộng đối với cả thế giới”. Tuyên bố của Saudi có vẻ tế nhị và thận trọng, họ hy vọng “việc đạt được một thỏa thuận ràng buộc cuối cùng sẽ thúc đẩy ổn định và an ninh cho khu vực và thế giới.” Các nước khác như Liên đoàn Ả-rập, cùng với những nước có tranh chấp lãnh thổ với Iran không đưa ra bình luận nào về hiệp định.
Những lợi ích Iran thu được khi trở về với xu hướng thương mại toàn cầu là rất lớn. Các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Iran và việc giảm giá dầu đã buộc nước này phải bòn rút quỹ thịnh vượng của đất nước để hoàn trả tiền cho các nhà thầu trong nhiều dự án đang hoạt động.
Dự kiến, các quan chức không chỉ bàn về đường ống trị giá 4 tỷ USD mà còn một đường ống dẫn khí từ Turkmenistan qua Afghanistan. Dự án này bị ngưng trệ từ lâu do tình trạng bất ổn tại đất nước Trung Á.
Đối với Iran, các lệnh trừng phạt khiến nước này phải nhận một lượng đáng kể tiền thanh toán hàng xuất khẩu bằng đồng rupi Ấn Độ. Điều đó dẫn đến việc Iran phải chấp nhận một số tiền dự trữ lớn, không sử dụng đến. Thỏa thuận khung nhận được phản ứng tích cực ở Ấn Độ. Thực vậy, nhiều nguồn tin cho rằng, hai tập đoàn năng lượng Ấn Độ là Dầu Essar và Nhà máy lọc hóa dầu Mangalore đang lên kế hoạch nhập khẩu dầu từ Iran vào tháng này.
Thời điểm đạt được thỏa thuận hạt nhân cũng trùng vào lúc Afghanistan đang ở trong giai đoạn quan trọng. Mỹ và các đồng minh giảm dần sự xuất hiện ở nước này, trong khi, Tổng thống Ashraf Ghani, người đứng đầu chính phủ đoàn kết mới đang cố gắng cân bằng các nước trong khu vực và đi đến một thỏa thuận với Taliban.
Để làm được việc này, ông cần đến sự giúp đỡ của Pakistan. Cựu Tổng thống Hamid Karzai vừa chỉ trích cách tiếp cận hòa giải của Ghani đối với cả Taliban và Pakistan. Cách tiếp cận này nói đến khả năng Quân đội Quốc gia Afghanistan được đào tạo ở Pakistan. Ông Hamid Karzai cho rằng, Afghanistan “không nên gửi quân đội ra bất kỳ nước láng giềng nào để đào tạo, đặc biệt là khi các nước đó lại đang gửi nhiều quả bom tự sát trở lại Afghanistan. Sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng, Taliban đã kiên trì chống lại Mỹ và chính phủ Afghanistan trong suốt 15 năm qua chỉ là để đạt được thỏa thuận nào đó với chính phủ Ghani. Mục tiêu của Taliban là Kabul và với việc quân đội nước ngoài rút đi một cách chậm chạp, dù sớm hay muốn, nhiều khả năng họ sẽ tăng cường ưu thế của mình.
Cả Iran và Ấn Độ đều có lợi ích khi Afghanistan không trả lại Pakistan vùng đất do Taliban kiểm soát từ những năm 1990. Do đó, Ấn Độ và Iran phải hợp tác cùng nhau để tăng cường kiểm soát chính quyền Kabul. Hơn nữa, nếu các bên đạt được một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng thì Mỹ có thể hợp tác nhiều hơn nữa với người Iran trong vấn đề Afghanistan, đây là tín hiệu tốt cho Ấn Độ. Nói rộng ra, cả Mỹ hay Iran đều không cảm thấy thỏa mái với sự nổi lên của Taliban ở Afghnistan trong tương lai.
Cuối cùng, thỏa thuận này có thể mang đến những động lực cần thiết cho Ấn Độ và Iran nhằm thúc đẩy hợp tác vì sự phát triển cảng nước sâu Chabahar. Vị trí chiến lược của Chabahar sẽ khiến nơi đây trở thành một điểm trung chuyển quan trọng đối với thương mại không chỉ giữa Ấn Độ, Iran và Afghanistan mà còn đem đến sự kết nối đến Trung Á và châu Âu thông qua Hành lang vận tải quốc tế Bắc Nam (INSTC), rút ngắn 40% quãng đường và giảm 30% chi phí vận chuyển so với việc giao thương trên lộ trình Biển Đỏ - Kênh đào Suez – Địa Trung Hải.
Chabahar cũng sẽ đem đến cho Ấn Độ giải pháp để theo đuổi thương mại với Afghanistan mà không phải đi qua Pakistan. Mặc dù là một bên ký kết thỏa thuận thương mại và vận chuyển với Afghanistan nhưng Pakistan lại đang làm khó người dân Afghanistan trong việc tiếp cận thị trường Ấn Độ. Việc đến Ấn Độ thông qua biên giới giữa Wagah và Attari vẫn bị hạn chế. Với việc Ấn Độ vừa khánh thành một con đường dài 200 km nối liền thị trấn Zaranj của Iran với Delaram ở Afghanistan, Chabahar chứng tỏ là con đường an toàn và tiết kiệm chi phí hơn cho Ấn Độ và Afghanistan trong việc trao đổi thương mại so với các sự lựa chọn đang có hiện nay. Bởi vì những lối đi đó đều phải sử dụng đến các tuyến đường qua Pakistan.
(Theo Diplomat)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục