Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ tăng cường cạnh tranh hải quân với Trung Quốc

Ấn Độ tăng cường cạnh tranh hải quân với Trung Quốc

New Delhi cần đến các đối tác để bù đắp các cơ hội bị mất.

05:40 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sreeram Chaulia*

Việc ký kết một thỏa thuận quân sự giữa Ấn Độ và Pháp cho phép hai bên tiếp cận với các căn cứ hải quân của nhau là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Ấn Độ đang tăng cường ngoại giao quốc phòng nhằm ứng phó với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Thỏa thuận ngày 10/3/2018 đã được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ca ngợi là "bước đi vàng", và chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một mốc quan trọng để ngăn không cho Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương "trở thành khu vực của bá quyền".

Điều này mở đường cho Lực lượng vũ trang Ấn Độ sử dụng hệ thống phòng thủ của Pháp ở Djibouti, Abu Dhabi và đảo Reunion, tất cả các vị trí quan trọng ở Ấn Độ Dương.

Sau nhiều năm hạn chế chính sách của Ấn Độ đã cho phép Trung Quốc xâm nhập và thiết lập sự hiện diện hàng hải mạnh mẽ trong khu vực mà New Delhi xem là khu vực chiến lược, ông Modi đang đẩy mạnh các yêu sách của Ấn Độ ở vùng biển rộng lớn, nơi có các tuyến đường biển và điểm xung yếu chiếm 80% lượng dầu được vận chuyển trên thế giới.

Nhưng cùng với việc các cảng chính bị mất vào tay Bắc Kinh và ngân sách quốc phòng nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, New Delhi phải phụ thuộc nhiều vào các quan hệ đối tác nhằm tạo ra sự khác biệt.

Chỉ vài tuần trước, khi tàu chiến Ấn Độ được phép vào lãnh thổ của Pháp, thông qua thỏa thuận quân sự với Oman hồi tháng 2, Modi đã đặt chân vào cảng Duqm, nơi cho phép các tàu quân sự của Ấn Độ vào bảo dưỡng.

Cảng Duqm sẽ giúp Ấn Độ củng cố vị trí ở Biển Ả Rập, cùng với cảng Chabahar của Iran, là những cửa ngõ của New Delhi bước vào Afghanistan và Trung Á.

Ở phía Nam giáp bờ biển Đông Phi, Ấn Độ đang nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng giám sát và quốc phòng bằng cách với Mauritius phát triển đảo Assumption và quần đảo Seychelles và Agalega . Nói chung, các cơ sở của Pháp và các thoả thuận hải quân với các nước ở Trung Đông và châu Phi giúp thúc đẩy tuyên bố của Ấn Độ trở thành "người cung cấp mạng lưới an ninh" ở Ấn Độ Dương.

Các sáng kiến ngoại giao phòng thủ chủ động dưới thời Thủ tướng Modi từ năm 2014 là một sự khởi đầu rõ ràng từ những hoài nghi về mặt lịch sử đã làm tổn hại Ấn Độ nặng nề vì đã nhượng bộ không gian địa chính trị cho các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc.

Là một quốc gia độc lập đang phát triển thời hậu thuộc địa, Ấn Độ đã từng căm ghét nền chính trị cường quyền và từ chối việc tìm kiếm các căn cứ quân sự ở nước ngoài như chủ nghĩa đế quốc. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã kịch liệt chống lại các nước Mỹ, Anh và Pháp quân sự hóa Ấn Độ Dương và tìm cách loại trừ những "cường quốc ngoài khu vực" này khỏi khu vực hàng hải của họ.

Cho dù sau thời Chiến tranh Lạnh, tư tưởng phản đối tham gia vào nền địa chính trị và sử dụng quân đội để thiết lập một phạm vi ảnh hưởng tiếp tục trói buộc New Delhi. Cảng Hambantota ở cực Nam của Sri Lanka được giao cho Trung Quốc với hợp đồng thuê 99 năm vào năm 2017, nhưng lần đầu tiên được giao cho Ấn Độ vào năm 2003. Mặc dù Chính phủ Sri Lanka đã nhiều lần đưa ra lời mời, nhưng các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã lúng túng và mất một cơ hội để hình thành nên trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương.

Sự hiện diện của Trung Quốc ở cảng Hambantota, gần mũi phía Nam Ấn Độ, đã trở thành cơn ác mộng chiến lược cho New Delhi. Năm 2017, tại Colombo, Modi đã cam kết phát triển cảng Trincomalee phía Đông của Sri Lanka để đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, cảng Hambantota đặt ra một nguy cơ đối với Ấn Độ về mối đe dọa giống như Hoa Kỳ đối mặt từ sự hiện diện của Liên Xô ở Cuba, vị trí chỉ cách Florida 90 dặm.

Trong năm 2011, Việt Nam đã cho hải quân New Delhi quyền tiếp cận độc quyền vào cảng Nha Trang, nơi có vị trí nhìn bao quát các trọng điểm hải quân và trung tâm tác chiến mạng của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Nhưng phía Ấn Độ đã không thể thúc đẩy đề xuất này. Do sức mạnh hải quân tương đối hạn chế và những lo lắng của các nước Đông Nam Á về Trung Quốc, nên New Delhi đã phải vật lộn để tìm một căn cứ cố định ở khu vực Biển Đông.

Những bước đột phá mà Trung Quốc đã thực hiện ở Ấn Độ Dương trong thập kỷ qua, và lời khẳng định của Bắc Kinh về việc không chấp nhận những vùng biển này là "sân sau" của Ấn Độ đã  đặt ra một thách thức chưa từng có đối với New Delhi. Các hoạt động hải quân thường xuyên của Trung Quốc ở Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives và Djibouti đang gây ra lo ngại cho Ấn Độ đồng thời gia tăng áp lực về một phản ứng mạnh mẽ.

Chính phủ của Modi mong muốn đưa Ấn Độ trở thành "cường quốc lãnh đạo", và tin rằng, sự lúng túng và thất bại trong việc theo đuổi các cơ hội ngoại giao quốc phòng đã làm cho New Delhi dễ bị tổn thương trước Bắc Kinh – quốc gia đã đưa ra chiến lược "chuỗi hạt ngọc trai" kéo từ Djibouti ở phía Tây đến Myanmar ở phía Đông.

Trung Quốc sở hữu đến 70% cảng Kyaukphyu của Myanmar nằm trên Vịnh Bengal, trở thành rào cản tiềm tàng cho việc mở rộng hoạt động của Hải quân Ấn Độ ở khu vực Đông Á. Mặc dù cảng Kyaukphyu là một dự án thương mại được vạch ra như một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, nhưng Ấn Độ lo ngại về tính chất sử dụng kép của hầu hết các dự án cảng của Trung Quốc.

Ấn Độ đang phản ứng bằng cách khắc phục sự chậm trễ trong việc phát triển cảng Sittwe của Myanmar, đó là câu trả lời của New Delhi đối với sự hiện diện của Trung Quốc tại cảng Kyaukphyu. Ấn Độ đang tranh thủ sự lo ngại của Myanmar về việc phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Ý tưởng này nhằm tăng cường khu vực phía Đông của Ấn Độ, giống như ở khu vực phía Tây, nơi họ đang có kế hoạch sử dụng cảng Duqm và Chabahar trong vùng biển Arab nhằm đối phó với các dự án của Trung Quốc tại cảng Gwadar ở Pakistan.

Tuy ông Modi thể hiện rõ ràng ý chí để thúc đẩy và chấm dứt sự thiếu chắc chắn về mặt chiến lược, nhưng vẫn tồn tại những nghi vấn về việc Ấn Độ có thể gánh chịu được mức chi phí cho chiến lược hải quân mở rộng  hay không. Chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ, bao gồm cả các hệ thống vũ khí tiên tiến, đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử vào năm 2018, chỉ bằng 1,58% GDP (thấp nhất kể từ năm 1962). Phúc lợi trong nước và nhu cầu phát triển xếp vị trí cao trong hoạt động bầu cử dân chủ ở Ấn Độ, và được ưu tiên hơn các chính sách đối ngoại.

Những lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở các quốc gia nghèo trong khu vực Ấn Độ Dương vượt qua bất cứ khoản tài trợ hoặc khoản vay mà Ấn Độ có thể cung cấp được. Tuy nhiên, sự thiếu hụt các khoản tiền không làm giảm lòng nhiệt tình của Ấn Độ. Ý thức được việc Ấn Độ không thể giành trong cuộc cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc giàu có hơn, Chính quyền Modi đang dựa vào mối quan hệ hợp tác thân thiện với các nước.

Các liên kết kinh tế và các chương trình hợp tác hải quân đang hình thành dưới khuôn khổ hợp tác quốc phòng bốn bên giữa các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ - một nhóm các nước với mục đích kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.

Các thỏa thuận song phương như với Pháp đã bị trì hoãn nhưng cần thiết cho New Delhi để tránh mất đi sự cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh. Sự thiếu quyết đoán trong các chính sách ngoại giao quốc phòng của Ấn Độ là chuyện đã qua. Nhưng tiếp tục duy trì cách tiếp cận mạnh mẽ hiện nay đang theo đuổi cần đến kế hoạch dài hạn và việc thực hiện tốt hơn.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://asia.nikkei.com/Viewpoints/Sreeram-Chaulia/India-belatedly-boosts-naval-competition-with-China?page=2


* GS, Hiệu trưởng Trường Jindal về các vấn đề quốc tế, Sonipat, Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục