Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ tăng cường cạnh tranh tại khu vực Nam Á

Ấn Độ tăng cường cạnh tranh tại khu vực Nam Á

Ấn Độ tiếp tục triển khai các biện pháp và xem xét cách thức thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực Nam Á, nhất là Sri Lanka và Maldives, để cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.

05:03 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Theo báo The Hindustan Times số ra ngày 4/12/2020, Ấn Độ tiếp tục triển khai các biện pháp và xem xét những cách thức nhằm thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng trong khu vực Nam Á, nhất là Sri Lanka và Maldives, để cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc trong khu vực này.

Báo trên cho biết, cuộc gặp ba bên cấp Cố vấn an ninh quốc gia giữa Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives được tổ chức tại Thủ đô Colombo của Sri Lanka vào tuần trước cho thấy sự cấp thiết mới đối với hợp tác trong khu vực.

Trước cuộc gặp, một số nhà bình luận chính trị Ấn Độ cho rằng, trong bối cảnh của ba bên, điều quan trọng là phải xem xét các cách thức cụ thể nhằm tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và các nước láng giềng khu vực Ấn Độ Dương.

Một cách để thực hiện điều này là tăng cường chính sách hợp tác phát triển và ngoại giao kinh tế của Ấn Độ trong khu vực so với đường lối cam kết của Trung Quốc. Hợp tác phát triển của Ấn Độ là một nỗ lực ngoại giao xuyên suốt của nước này trong nhiều thập kỷ qua và dựa trên bốn lĩnh vực chiến lược quan trọng sau:

Một là tăng cường hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực Nam Á dựa trên nền tảng về truyền thống văn hóa, địa lý, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng các dự án phát triển cộng đồng liên quan đến an sinh, xã hội như nhà cửa, đường xá với quy mô lớn của các địa phương.

Hai là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục chất lượng cao theo sáng kiến xây dựng kỹ năng như Hợp tác kinh tế và kỹ thuật Ấn Độ (ITEC) và Dự án áp dụng công nghệ được chính phủ Ấn Độ tài trợ hoàn toàn, cùng với sự hỗ trợ của hơn 68 tổ chức hàng đầu của Ấn Độ.

Ba là đẩy mạnh triển khai các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ chính sách an ninh và tăng trưởng cho người dân trong khu vực (SAGAR) và nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với các nước láng giềng trên biển. Một số dự án trọng điểm của Ấn Độ tại Sri Lanka là cảng Kankesanthurai ở phía Bắc Sri Lanka và Colombo. Tương tự, đối với Maldives, Ấn Độ đang hỗ trợ Dự án Kết nối Male Greater.

Bốn là Ấn Độ cũng cam kết cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng và giúp đối phó với sự biến đổi khí hậu trong khu vực, với sự hỗ trợ chuyên môn về lĩnh vực năng lượng Mặt Trời.

Trên thực tế, các khoản đầu tư của Ấn Độ đã tập trung vào phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ triển khai phần lớn trong các lĩnh vực sử dụng nhiều việc làm. Điều này trái ngược với nỗ lực của Bắc Kinh.Trung Quốc đã phát triển mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với các chính phủ cầm quyền trước đây ở Sri Lanka và Maldives.

Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa và Maithripala Sirisena, Sri Lanka đã cam kết tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường". Khi đó Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Sri Lanka và một trong những dự án của nước này, Cảng biển nước sâu Hambantota, đã được cho Trung Quốc thuê trong 99 năm dẫn đến khoản nợ nước ngoài lớn của Sri Lanka.

Tương tự, ở Maldives, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Abdullah Yameen (2013-2018), Maldives được coi là có mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc. Trung Quốc đã đầu tư phát tiển nhiều dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng của Maldives.

Vì phần lớn các khoản đầu tư của Trung Quốc là vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng với thời gian lâu dài và đều là những khoản viện trợ phát triển dưới dạng các khoản vay không ưu đãi, do đó Sri Lanka và Maldives đã rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Đối với Maldives, hiện nước này đang gánh khoản nợ 1,3 tỷ USD của Trung Quốc, (tương đương 25% GDP của Maldives). Chính vì vậy, mức nợ lớn này khiến chính phủ hiện nay của cả hai nước đang rất thận trọng khi xem xét cho các đối tác Trung Quốc tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Tuy nhiên, Ấn Độ có thể tìm cách tăng cường sự tham gia của mình lên gấp ba lần. Thứ nhất, New Delhi có thể đóng một vai trò lớn hơn nhiều thông qua ngoại giao khí hậu với Maldives và Sri Lanka, vì Ấn Độ đã đi đầu trong việc thúc đẩy hai sáng kiến trên toàn cầu là Liên minh năng lượng Mặt Trời quốc tế và Liên minh cơ sở hạ tầng chống thiên tai (CDRI).

Thứ hai, Ấn Độ có thể sử dụng tương tự chính sách ngoại giao “sắc bén” của Trung Quốc và tận dụng sức mạnh, ưu thế về truyền thông của mình để triển khai hợp tác với các sáng kiến toàn cầu.

Và cuối cùng, vai trò, tầm ảnh hưởng của nhóm "Bộ tứ" gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc tăng cường hợp tác với Sri Lanka và Maldives nhằm cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.

Trong đó, từng nước Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Autralai đang hiện diện ở cả hai nước trên với tư cách là các quốc gia tài trợ độc lập và có thể làm được nhiều hơn nữa thông qua các hành động phối hợp nhằm thúc đẩy quyền lực mềm và ngoại giao kinh tế./.

Nguồn: https://bnews.vn/an-do-tang-cuong-canh-tranh-tai-khu-vuc-nam-a/180252.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục