Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và hành trình trở lại thị trường vaccine ngừa COVID-19

Ấn Độ và hành trình trở lại thị trường vaccine ngừa COVID-19

Ấn Độ mới đây thông báo sẽ nối lại xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 trong tháng 10/2021, chủ yếu là sang thị trường châu Phi, trong bối cảnh đa số người trưởng thành ở nước này đã hoàn tất tiêm chủng.

05:04 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cách đây vài tháng, Ấn Độ thiếu vaccine ngừa COVID-19 đến mức các chuyên gia máy tính đã viết ra những phần mềm giúp người dân tìm kiếm những vị trí tiêm chủng vốn rất khan hiếm.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ khi đó đã liên tục phải đối mặt với những lời chỉ trích và phản đối trên mạng xã hội.

Vị Bộ trưởng sau đó đã nghỉ việc và một chính trị gia ít được biết đến là ông Mansukh Mandaviya trở thành người đứng đầu Bộ Y tế Ấn Độ.

Theo đánh giá từ một nguồn thân cận với ông, Bộ trưởng Mandaviya đã liên lạc với các nhà sản xuất vaccine gần như hàng ngày và cố gắng tháo gỡ khó khăn cho họ kịp thời để thúc đẩy nguồn cung vaccine.

Và những nỗ lực này đã được đền đáp khi nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 tại Ấn Độ đã tăng mạnh trở lại.

Thậm chí Ấn Độ mới đây thông báo sẽ nối lại xuất khẩu vaccine  ngừa COVID-19 trong tháng Mười, chủ yếu là sang thị trường châu Phi, trong bối cảnh đa số người trưởng thành ở nước này đã hoàn tất tiêm chủng.

Sự đảo chiều ngoạn mục

Cung cấp vaccine ngừa COVID-19 sản xuất tại Ấn Độ ra khắp thế giới là một phần trong chính sách ngoại giao vaccine của Thủ tướng Narendra Modi. Nhưng làn sóng dịch thứ hai quá thảm khốc đã không chỉ làm đình trệ chính sách ngoại giao của New Delhi mà còn ảnh hưởng tới các quốc gia trông đợi vào nhập khẩu vaccine ở châu Á - Thái Bình Dương.

Thông thường, Ấn Độ có khả năng cung cấp khoảng 60% tổng nguồn cung vaccine toàn cầu. Trước khi ngừng xuất khẩu vào tháng Tư, họ đã cung cấp khoảng 66,4 triệu liều vaccine  ngừa COVID-19 cho hơn 90 quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào và Myanmar. Nhưng đại dịch bùng phát mạnh trong nước đã làm "chệch hướng" những kế hoạch này.

Khi các ca nhiễm COVID-19 hàng ngày của Ấn Độ tăng vọt trong tháng Tư, nhu cầu trong nước đối với vaccine cũng tăng vọt. Vào đỉnh điểm của đợt dịch thứ hai hồi tháng Năm, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 400.000 ca lây nhiễm mỗi ngày.

Vào thời điểm đó, chính phủ của Thủ tướng Modi đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tiêm chủng đầy đủ cho toàn bộ dân số trưởng thành trên 940 triệu người vào cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa hoạt động sản xuất vaccine phải chuyển hướng sang phục vụ nhu cầu quốc gia.

Giới quan sát khi đó khá lo ngại về mục tiêu trên khi khả năng tăng tốc sản xuất vaccine của Ấn Độ bị đặt dấu hỏi.

Năng lực sản xuất hàng tháng của Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) chỉ khoảng 70 triệu liều vào tháng Ba, còn công suất của Bharat Biotech, nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nội địa đầu tiên của Ấn Độ Covaxin chỉ 10 triệu liều vào tháng Tư.

Nhưng sang tháng Chín, giới chức Ấn Độ cho biết họ tự tin về việc tiêm chủng đầy đủ cho gần như tất cả người lớn tại nước này vào tháng 12/2021, tạo niềm tin cho tuyên bố bắt đầu dần nối lại xuất khẩu vaccine từ tháng Mười tới.

Điều đó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, vốn đang chậm tiến độ so với cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine trong năm nay do các vấn đề về nguồn cung và hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ.

Tình trạng khó khăn về nguồn cung đã buộc Liên minh vaccine GAVI, tổ chức tài trợ cho chương trình COVAX cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) phải cắt giảm mục tiêu cung cấp vaccine của COVAX gần 30% xuống còn 1,425 tỷ liều trong tháng này.

Sau thông tin nối lại xuất khẩu của Ấn Độ, người phát ngôn của GAVI cho hay điều này có thể mang tới tác động tích cực to lớn đến cả an ninh y tế ở Ấn Độ cũng như toàn cầu. GAVI nhấn mạnh ưu tiên của họ hiện là tham gia với chính phủ Ấn Độ và SII để tìm hiểu tác động của quyết định trên đối với lịch trình cung cấp vaccine của COVAX.

Sự đảo chiều này chủ yếu là nhờ SII, vốn đang tăng lượng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca nhiều hơn so với chính dự báo lạc quan nhất của chính phủ Ấn Độ.

Thêm nhiều dây chuyền sản xuất mới

Một nguồn tin chính phủ giấu tên cho biết SII sẽ cung cấp 200 triệu liều vaccine Covishield cho Ấn Độ trong tháng này, so với khoảng 150 triệu liều của tháng Tám.

Trước đó hồi tháng Năm, chính phủ Ấn Độ cho biết sản lượng Covishield có thể đạt 750 triệu liều trong khoảng thời gian từ tháng 8-12/2021. Nhưng hai nguồn khác có tiếp xúc trực tiếp về vấn đề này cho biết sản lượng thực tế có thể lên tới hơn 900 triệu liều.

Một trong những nguồn tin cho biết SII đã thêm các dây chuyền sản xuất mới, đồng thời được phê duyệt nhanh chóng để chuyển hướng một dây chuyền vốn dành cho các loại vaccine khác.

SII hiện có năm dây chuyền sản xuất Covishield, tăng từ hai dây chuyền hồi tháng Tư. Người này cho biết sản lượng hàng tháng của SII có thể lên tới 215 triệu liều.

SII cũng nhận được tài trợ và sự giúp đỡ ngoại giao từ chính phủ nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô từ Mỹ, sau khi đưa ra lời kêu gọi trên mạng xã hội và nhiều kênh truyền thông khác.

Ngoài SII, Bharat Biotech cho hay rằng sản lượng hàng tháng của họ sẽ tăng gần gấp ba lên 100 triệu liều vào cuối năm nay.

Những động thái tăng sản lượng đó cho phép Ấn Độ, quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trên thế giới sau Mỹ, tăng cường chiến dịch tiêm chủng. Ấn Độ có thể tiêm ít nhất một liều cho 65% trong số 944 triệu người trưởng thành của nước này, cũng như đảm bảo liều thứ hai cần thiết cho 22% dân số.

Bộ trưởng Y tế Mandaviya nói với các phóng viên rằng sản lượng vaccine trong nước có thể sẽ vượt 1 tỷ liều trong giai đoạn từ tháng 10-12/2021, đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới và các công ty của họ bao gồm SII, Bharat Biotech và Biological E (bên hiện đang đóng chai cho vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson), đã tăng gấp 3 lần công suất để sản xuất gần 3 tỷ liều vaccine mỗi năm.

Phần lớn trong số này có thể được xuất ra nước ngoài từ năm sau. Bộ trưởng Mandaviya cam kết Ấn Độ sẽ tiếp tục sản xuất nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu vaccine trong nước và cũng có thể xuất khẩu ra thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/an-do-va-hanh-trinh-tro-lai-thi-truong-vaccine-ngua-covid19/742472.vnp

 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục