Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và trật tự toàn cầu mới

Ấn Độ và trật tự toàn cầu mới

Delhi cần cân bằng cẩn thận giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế, một hệ thống phân cấp ưu tiên toàn cầu được xác định rõ ràng để thúc đẩy hơn nữa vai trò lãnh đạo của mình

02:00 16-01-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói của Nam bán cầu (The Voice of the Global South summit) mà Delhi triệu tập tuần trước đã không tạo ra bất kỳ thành quả ngoạn mục nào. Tuy nhiên, diễn đàn này đánh dấu một nỗ lực quan trọng của Ấn Độ nhằm giúp các quốc gia đang phát triển phát huy vai trò trong quản trị toàn cầu, những quốc gia mà các mối quan tâm của họ có xu hướng bị phớt lờ trong các diễn đàn quốc tế. Diễn đàn trực tuyến lần này đã cung cấp thông tin đầu vào có giá trị từ khu vực các nước Nam bán cầu, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tham vọng của Ấn Độ nhằm lèo lái hội nghị thượng đỉnh G20 ở Delhi đến thành công vào cuối năm nay. Diễn đàn này cũng bàn về việc Ấn Độ kết nối lại với một nhóm quốc gia đã không còn nằm trong tầm ngắm của chính sách đối ngoại Ấn Độ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong ba thập kỷ qua, trọng tâm ngoại giao của Ấn Độ là tái điều chỉnh các mối quan hệ với các cường quốc, mang lại sự ổn định cho khu vực lân cận và phát triển các thể chế khu vực trong khu vực lân cận mở rộng. Hơn 120 quốc gia đã tham dự cuộc họp thể hiện sự sẵn sàng để hỗ trợ sự lãnh đạo của Ấn Độ trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu có tác động lớn đến tình trạng của nhiều nước đang phát triển. Cuộc khủng hoảng kép do đại dịch Covid-19 và cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra đã có tác động mang tính tàn phá và không tương xứng đối với Nam bán cầu.

Tuy tương lai của diễn đàn cụ thể này không rõ ràng, nhưng ý tưởng rằng Ấn Độ phải giành lại vai trò lãnh đạo của thế giới đang phát triển dường như đã thu được nhận thức chung ở Delhi. Mặc dù chính phủ có thể nhận thức được sự nguy hiểm về việc vượt quá tầm với, nhưng diễn ngôn về chính sách đối ngoại ở Delhi đang hướng tới sự sôi nổi về kế hoạch của Ấn Độ nhằm định hướng lại G20 và nắm quyền kiểm soát Nam bán cầu. Bối cảnh quốc tế ngày nay không phù hợp với các sáng kiến toàn cầu lớn. Chủ nghĩa đa phương hiện đang gặp khó khăn do căng thẳng quân sự ngày càng tăng giữa các cường quốc - giữa một bên là Nga và Trung Quốc và bên kia là Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản. Xung đột cường quyền đã được củng cố bởi sự phá vỡ các quy tắc thương mại thế giới và vũ khí hóa tài chính toàn cầu.

Kinh nghiệm trong quá khứ của chính Ấn Độ với Phong trào Không liên kết và các quốc gia đang phát triển Nhóm 77 chỉ ra khó khăn thực sự trong việc thống nhất Nam bán cầu để theo đuổi các mục tiêu chung. Ngày nay, việc đại diện cho các lợi ích tập thể được cho là của Nam bán cầu đã trở nên khó khăn hơn do sự khác biệt sâu sắc về kinh tế và sự chia rẽ chính trị gay gắt giữa các quốc gia đang phát triển. Những người hoài nghi trong nước sẽ nhắc nhở Delhi về những thách thức phát triển lâu dài của chính Ấn Độ, bất chấp tổng GDP ấn tượng và năng lực kinh tế, công nghiệp và công nghệ đang phát triển của Ấn Độ. Với quy mô dân số của mình, những người chỉ trích sẽ nhấn mạnh rằng, việc đưa Ấn Độ hướng tới sự thịnh vượng hơn và phát triển bền vững hơn sẽ tự động cải thiện tình trạng của Nam bán cầu. Tuy nhiên, là một quốc gia rộng lớn và là một cường quốc đang trỗi dậy như Ấn Độ không thể đơn giản tự coi mình là trung tâm. Nó cũng không nên từ bỏ các cổ phần lâu đời của mình ở Nam bán cầu. Delhi chắc chắn cần đóng góp theo những cách quan trọng hơn để hiện đại hóa và dân chủ hóa trật tự toàn cầu. Điều mà Delhi cần là sự cân bằng một cáchc ẩn trọng giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quốc tế, ý thức thực tế về những gì khả thi trong thế giới ngày nay và một hệ thống phân cấp ưu tiên của Ấn Độ được xây dựng rõ ràng trên vũ đài toàn cầu.

 

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục