Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ và Trung Quốc: Cạnh tranh hải quân ở Ấn Độ Dương

Ấn Độ và Trung Quốc: Cạnh tranh hải quân ở Ấn Độ Dương

India and China at Sea: Competition for Naval Dominance in the Indian Ocean. David Brewster chủ biên. New Delhi: Oxford University Press, 2018. Bìa cứng: 256 trang.

05:51 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Năm 2017, Hải quân Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA-N) chính thức khai trương cảng hải quân tại nước ngoài đầu tiên dưới dạng một trạm tiếp tế ở Djibouti. Cho tới gần đây, Bắc Kinh luôn kiên quyết cho rằng, họ sẽ không áp đặt ảnh hưởng quân sự trên trường quốc tế giống như Mỹ và các cường quốc khác đã làm. Tuy nhiên, giữa những năm 2000, người ta bắt đầu lo ngại về “chuỗi ngọc trai”, tên gọi của chuỗi các cảng có thể được dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự được Trung Quốc xây hoặc đầu tư ở Ấn Độ Dương. Mặc dù có thể những mối lo ngại này hơi bị thổi phồng nhưng nó vẫn có cơ sở. Ngoài Djibouti, việc Trung Quốc phát triển các cơ sở hạ tầng cảng khác ở những khu vực do Trung Quốc kiểm soát, cũng như sự tăng cường hoạt động của PLA-N ở khu vực Ấn Độ Dương, đã khiến nhiều nơi, trong đó có New Delhi, quan ngại về ý định của Bắc Kinh.

Sự gia tăng hoạt động kinh tế và quân sự của Trung Quốc tạo ra tình trạng cạnh tranh quân sự với Ấn Độ tới mức nào? Và nếu cạnh tranh Trung - Ấn gia tăng ở Ấn Độ Dương, tương quan quân sự của cả hai ra sao? Trong một tập sách mới, học giả người Australia David Brewster đã tập hợp một đội ngũ chuyên gia tài ba từ Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác để trả lời cho hai câu hỏi này.

Với câu hỏi thứ nhất, nhìn chung, tất cả đều đồng ý rằng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương chắc chắn sẽ gia tăng. Chuyên gia kì cựu về Trung Quốc John Garver cho rằng Trung Quốc là một “cường quốc tự kỷ” (trang 75) vì họ không thể hiểu được những lo ngại của các nước láng giềng, đặc biệt là Ấn Độ và Nhật Bản. Chuyên gia Jingdong Yuan cũng đồng ý là Trung Quốc có thể làm nhiều hơn để giảm bớt mối lo ngại an ninh chính đáng của Ấn Độ, trong đó có việc minh bạch hơn về hoạt động hải quân. Brewster cũng nhắc đến sự khác biệt về cách Trung Quốc và Ấn Độ đánh giá nhau. Điều này được thể hiện trong hai chương sách về Con đường Tơ lụa Trên biển (MSR) của Trung Quốc, một thành phần then chốt trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Mặc dù chuyên gia người Trung Quốc Zhu Li dẫn quan điểm của Chính phủ Trung Quốc cho rằng Sáng kiến chỉ có mục đích kinh tế và bác bỏ mối quan ngại của Ấn Độ; học giả người Ấn Độ Jabin Jacob cho rằng, tính toán chiến lược và chính trị trong nước của Trung Quốc là động cơ chính của MSR. Trong khi đó, You Ji đồng ý rằng Trung Quốc có tính toán quân sự rõ ràng ở Ấn Độ Dương. You Ji lý luận rằng, Trung Quốc đang lên kế hoạch tạo “ảnh hưởng và răn đe toàn cầu",… và Ấn Độ Dương là một chiến trường tiềm năng mới” (trang 91). Kế hoạch này bao gồm việc sử dụng các học thuyết quân sự tấn công chủ động vốn giúp giải quyết kịch bản xung đột trên hai mặt trận với Ấn Độ. Quan điểm này của You Ji được chia sẻ bởi nhà phân tích người Ấn Độ Srikanth Kondapalli, người nhấn mạnh nhiều hoạt động chuyển giao vũ khí và phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. Những phân tích này đều tỏ ra quan ngại về nguy cơ xung đột của khu vực trong tương lai.

Với câu hỏi thứ hai - cán cân quân sự Trung - Ấn ở Ấn Độ Dương - các học giả đều đồng ý rằng, mặc dù Trung Quốc đang phát triển mạnh về khả năng quân sự, Ấn Độ vẫn giữ nhiều lợi thế. Phóng viên người Ấn Độ Pramit Pal Chaudhuri cho rằng, Ấn Độ đang có sự thay đổi trong tiếp cận đối với Ấn Độ Dương, biến Ấn Độ Dương thành một ưu tiên đối với New Delhi, nhưng cảnh báo rằng quá trình thực hiện sự thay đổi này sẽ khó khăn và mất thời gian. Cựu Đô đốc Hải quân Ấn Độ Raja Menon cho rằng Trung Quốc vẫn kém về khả năng do thám, liên lạc và hậu cần, khả năng tấn công và yểm trợ chiến thuật từ trên không. Sự thiếu hụt này sẽ giới hạn khả năng viễn chinh của Trung Quốc. You Ji phần nào đồng ý với quan điểm của Menon khi nói về các tàu sân bay của Trung Quốc như là một công cụ viễn chinh hữu hiệu trong thời bình. Cụ thể, các máy bay từ tàu sân bay và phi công vẫn còn những hạn chế như thiếu kinh nghiệm bay đêm, thiếu tầm hoạt động tác chiến và thiếu các loại vũ khí tân tiến. Trong khi đó, Darshana Baruah đánh giá cao khả năng trinh sát biển và mạng lưới các đối tác ngày càng lớn của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Abhijit Singh lập luận rằng, mặc dù sự hiện diện của Hải quân Ấn Độ ở Tây Thái Bình Dương vẫn còn hạn chế, Ấn Độ đã tăng cường đáng kể tần suất hoạt động ở Đông Nam Á. Các hoạt động này bao gồm các chuyến thăm cảng, phối hợp tuần tra và tập trận hải quân với Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Việt Nam. Tuy nhiên, Iskander Rehman phản bác lại quan điểm rằng Ấn Độ có lợi thế tương đối so với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Ông cảnh báo rằng tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có lợi thế cả về số lượng lẫn chất lượng so với tàu ngầm Ấn Độ. Rehman cũng chú ý đến việc PLA-N đang tập trung khả năng kiểm soát mặt biển trong khi Hải quân Ấn Độ đang tập trung khả năng chống tiếp cận xâm nhập bằng tàu ngầm.

Nhìn chung, khó có thể phủ nhận kết luận của Rory Medcalf rằng sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương sẽ không khiến Ấn Độ hoảng sợ, nhưng không có nghĩa là Ấn Độ nên hài lòng. Trung Quốc đã và đang hoạt động mạnh ở các nước ven Ấn Độ Dương. Sự phát triển về năng lực và hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cũng sẽ góp phần gia tăng cạnh tranh chiến lược với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, trái với lập luận của Li. Brewster, Garver và Jacob cho rằng những lời khuyên của Yuan nhằm giảm căng thẳng cạnh tranh sẽ không được Bắc Kinh lắng nghe do sự bất đối xứng thông tin, vấn đề tư duy nhận thức của Trung Quốc và các đòi hỏi xuất phát từ mục tiêu đối nội. Mặc dù Chaudhuri, Rehman và Singh đã chỉ ra những điểm yếu của Ấn Độ như thiếu chú ý tới hạm đội tàu ngầm hay hạn chế nguồn lực, Menon và Baruah cũng chỉ ra những điểm mạnh sẵn có của Ấn Độ như vị trí địa lí, diện tích và ngoại giao. Cuốn sách mà Brewster chủ biên dù khó đọc nhưng đã tổng hợp đầy đủ và kịp thời các quan điểm về sự cạnh tranh hải quân đang nổi lên giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Dhruva Jaishankar là Nghiên cứu viên chính về Nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings Ấn Độ, New Delhi.

Nguồn bài điểm sách bằng tiếng Anh: Contemporary Southeast Asia, Vol. 40, No. 2 (2018), pp. 346–48.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2018/11/06/an-do%CC%A3-va-trung-quoc-ca%CC%A3nh-tranh-ha%CC%89i-quan-o%CC%89-an-do%CC%A3-duong/​

Nguồn:

Cùng chuyên mục