Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ-Việt Nam: Quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển mạnh mẽ (Phần 2)

Ấn Độ-Việt Nam: Quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển mạnh mẽ (Phần 2)

Những xu hướng gần đây trong mối quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đã được ban lãnh đạo chính trị hai nước cam kết thúc đẩy mạnh mẽ. Đây chính là động lực giúp mối quan hệ hai nước tiếp tục phát triển vững mạnh hơn trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị, kinh tế khu vực và quốc tế đang có sự điều chỉnh.

05:50 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Những thực tế chiến lược đang tiến triển

Một trong những tác nhân chi phối đáng kể nhất đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam đi vào chiều sâu là việc giữa họ có cùng chung mối e ngại trước một Trung Quốc hung hăng, mà sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc được phản ánh qua việc tăng cường các hệ thống vũ khí, trong đó có các hệ thống chống máy bay và phòng thủ tên lửa, trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng ở Biển Đông. Ở Việt Nam, thái độ quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc là một vấn đề gây quan ngại trực tiếp về an ninh, trong khi Ấn Độ đã và đang xem xét kỹ lưỡng sự bành trướng trên biển của Trung Quốc vào khu vực Ấn Độ Dương. Ấn Độ cũng đang phải chịu gánh nặng của một Trung Quốc đang trỗi dậy, mà chính sách của nước này gần đây nhất đã được biểu hiện trong cuộc đối đầu giằng co kéo dài 73 ngày giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ở cao nguyên Doklam gần ngã ba Ấn Độ-Bhutan-Trung Quốc. Để đáp trả, trong thời gian gần đây, Ấn Độ đã tích cực tìm cách can dự với các nước trong khu vực có chung các nhận thức tương tự về Trung Quốc.

Trung Quốc đã và đang phản đối các dự án của Ấn Độ, khẳng định rằng, vùng lãnh thổ này thuộc chủ quyền của mình. Ấn Độ tiếp tục giữ vững lập trường rằng các dự án thăm dò trong khu vực này mang tính thương mại thuần túy, trong khi Trung Quốc coi các hoạt động như vậy là vấn đề về quyền chủ quyền. Những động thái của Ấn Độ đã khiến Trung Quốc bất an và nhìn nhận sự can dự ngày càng gia tăng của nước này ở Đông Á và Đông Nam Á với con mắt nghi ngờ.

Việc Ấn Độ thâm nhập khu vực Biển Đông bị tranh chấp thông qua Việt Nam nói lên nhiều điều. Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận với Việt Nam vào tháng 10/2011 nhằm mở rộng và thúc đẩy hoạt động thăm dò dầu mỏ ở Biển Đông và bảo vệ quyết định của mình, bất chấp việc Trung Quốc thách thức tính hợp pháp của sự hiện diện của Ấn Độ. Sau khi yêu cầu các quốc gia "bên ngoài khu vực" tránh xa Biển Đông, Trung Quốc đã gửi một công hàm ngoại giao tới Ấn Độ vào tháng 11/2011, nhấn mạnh rằng việc thăm dò các lô 127 và 128 phải được sự cho phép của Bắc Kinh. Nếu không có sự cho phép này, các hoạt động của Công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd. (OVL), công ty dầu mỏ lớn thứ hai Ấn Độ, sẽ bị coi là bất hợp pháp. Trong khi đó, Việt Nam đã nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 nhằm khẳng định quyền chủ quyền của nước này đối với 2 lô đang được thăm dò. Ấn Độ đã quyết định thuận theo các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và phớt lờ những sự phản đối của Trung Quốc.

Vì Hà Nội đã công khai tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Đông - nơi mà trung Quốc đang xâm lấn và quân sự hóa, sự phản ứng của Việt Nam như vậy là cần thiết. Tuy nhiên, điều mới mẻ là sự quyết liệt của New Delhi trong việc chống đối Trung Quốc. New Delhi, vốn thường thích đứng ở bên lề và tránh về phe với bất kỳ ai, dường như đang nhận ra rằng, họ không thể duy trì thái độ khoanh tay đứng nhìn đầy xa xỉ nếu muốn bảo toàn uy tín với tư cách là một bên tham gia đáng kể ở cả Đông Á lẫn Đông Nam Á. Bằng việc ủng hộ các tuyên bố của Hà Nội và chấp nhận lời mời của Việt Nam tới thăm dò 2 lô dầu này, Ấn Độ không chỉ bày tỏ mong muốn của mình làm sâu sắc thêm tình hữu nghị với Việt Nam, mà còn phớt lờ lời cảnh báo “hãy tránh xa” của Trung Quốc.

Tháng 6/2012, Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) thuộc sở hữu nhà nước đã mở thầu cho hoạt động thăm dò đối với 9 lô thuộc vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Lô dầu mỏ 128, mà Việt Nam lập luận là thuộc Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được trao cho nước này theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển, là một phần trong 9 lô được CNOOC mời thầu trên phạm vi toàn cầu.

Bằng việc mời thầu trên phạm vi toàn cầu đối với một lô dầu mỏ của Việt Nam, vốn đang được một công ty dầu khí Ấn Độ thăm dò, Trung Quốc đã dồn Ấn Độ vào thế bí. Việc Ấn Độ không bị đe dọa bởi những thủ đoạn của Trung Quốc được thể hiện rõ trong Diễn đàn khu vực ASEAN 2012 ở Phnom Penh, tại đây, New Delhi đã đưa ra lập luận mạnh mẽ ủng hộ không chỉ quyền tự do hàng hải, mà cả quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Bất chấp việc phát đi tín hiệu chính trị, ngay cả Hải quân Ấn Độ, vốn tỏ ra ngắn gọn súc tích trong các trường hợp khác, cũng cam kết bảo vệ các lợi ích thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông.

Tháng 11/2013, OVL và Petro Vietnam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thúc đẩy thăm dò và khai thác chung các tài nguyên dầu mỏ của Việt Nam. Quyết định của OVL thăm dò dầu mỏ với Việt Nam được đưa ra sau sự việc vào tháng 7/2011 khi một tàu chiến không xác định của Trung Quốc yêu cầu Tàu hải quân Ấn Độ (INS) Airavat, một tàu tấn công đổ bộ, tự trình báo danh tính và giải thích sự hiện diện của mình ở Biển Đông sau khi rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Tàu chiến Ấn Độ này đã ở trong vùng biển quốc tế sau khi hoàn thành chuyến thăm cảng theo lịch trình tại Việt Nam.

Ở Biển Đông và Đông Thái Bình Dương, Ấn Độ đang từng bước đối đãi với Việt Nam như cách Trung Quốc nhìn nhận Pakistan ở Nam Á: là một nguồn tạo ra sức ảnh hưởng chiến lược. Các chiến lược gia Ấn Độ từ lâu đã đề xuất rằng, New Delhi nên tận dụng những xung đột của Việt Nam với Bắc Kinh để phục vụ cho lợi ích của mình. Từ khi 2 quốc gia ký kết Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 11/2007, nâng quan hệ song phương của hai nước lên tầm quan hệ đối tác chiến lược, sự hợp tác an ninh Ấn Độ-Việt Nam đã được đẩy nhanh.

Việt Nam đang từng bước trở thành nhân tố cốt yếu của động thái hướng Đông của Ấn Độ. Từng đối đầu với Bắc Kinh trong một cuộc chiến chóng vánh vào năm 1979, Hà Nội đã trở nên thận trọng trước sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Đây là lý do giải thích tại sao đối với một số nhóm người ở New Delhi, Việt Nam đã được nhìn nhận như một đối trọng, phần lớn giống với vai trò của Pakistan đối với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn mở rộng sự hiện diện của nước này ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, thì tình cảm ở New Delhi là Ấn Độ có thể làm điều tương tự ở Đông Á. Nếu Trung Quốc có thể có quan hệ đối tác chiến lược với Pakistan và phớt lờ các mối quan ngại của Ấn Độ, thì Ấn Độ có thể phát triển mạnh mẽ quan hệ với các nước thuộc vùng ngoại vi của Trung Quốc như Việt Nam mà không cho Trung Quốc cơ hội bác bỏ các mối quan hệ như vậy.

Điều này có nghĩa là New Delhi đã sẵn sàng thách thức Bắc Kinh ở sân sau của họ. Ít nhất là cho đến nay, lập trường này đang nhận được sự hoan nghênh từ các quốc gia như Việt Nam, vốn lo sợ trước thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

Hợp tác quốc phòng

Hợp tác quốc phòng là trụ cột thứ hai của mối quan hệ đối tác song phương này. Ấn Độ và Việt Nam đã ký kết Nghị định thư về hợp tác quốc phòng chính thức vào năm 2000, trong đó bao hàm việc mua bán các máy bay trực thăng quân sự, trang thiết bị cho việc sửa chữa máy bay của Việt Nam và các sáng kiến huấn luyện cho quân nhân Việt Nam. Sau sự kiện này, một số lĩnh vực hợp tác đã trở thành chuẩn mực. Các lĩnh vực này bao gồm "việc thường xuyên trao đổi thông tin tình báo, hoạt động huấn luyện chung của lực lượng cảnh sát biển nhằm chống cướp biển, hoạt động huấn luyện về chiến tranh rừng rậm và chống nổi dậy cho quân đội Ấn Độ, việc sửa chữa các máy bay và trực thăng của Việt Nam, hoạt động huấn luyện phi công Việt Nam và sự hỗ trợ của Ấn Độ trong sản xuất vũ khí nhỏ và vừa".

Việt Nam cũng tham gia cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia MILAN của Ấn Độ. Hàng năm, Ấn Độ cấp học bổng cho 50 quân nhân của Việt Nam theo chương trình Hợp tác kỹ thuật và kinh tế Ấn Độ (ITEC). Nước này đã cung cấp cho Việt Nam hạn mức tín dụng ưu đãi trị giá 100 triệu USD cho việc mua sắm trang thiết bị quốc phòng. Trong một sự kiện chưa từng có trước đây, nước này đã bán 4 tàu tuần tra ngoài khơi cho Việt Nam, mà có khả năng được sử dụng để củng cố hệ thống phòng thủ của nước này ở vùng Biển Đông giàu năng lượng.

Xét tới việc Việt Nam và Ấn Độ cùng sử dụng các phương tiện của Nga và của Liên Xô trước đây, có sự hội tụ đáng kể giữa hai nước này trong lĩnh vực quốc phòng. Việt Nam đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Ấn Độ trong việc hiện đại hóa vũ khí quân dụng hạng nặng của nước này. Năm 2016, Chính quyền Modi đã yêu cầu công ty hàng không vũ trụ BrahMos, một liên doanh Ấn-Nga từng phát triển tên lửa hành trình siêu thanh, xúc tiến việc bán vũ khí cho Việt Nam cũng như cho Indonesia, Nam Phi, Chile và Brazil. Tuy nhiên, mặc dù quan hệ giữa hai nước đã phát triển đáng kể trong vài năm qua, nhưng New Delhi đã do dự trước đề nghị mua tên lửa BrahMos của Hà Nội, cho rằng việc mua bán này sẽ gây ra sự đối địch với Trung Quốc. (Xem tiếp phần 3)

http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/6960-an-do-viet-nam-moi-quan-he-doi-tac-chien-luoc-dang-phat-trien-manh-me

Nguồn:

Cùng chuyên mục