Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ-Việt Nam: Quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển mạnh mẽ (Phần 3)

Ấn Độ-Việt Nam: Quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển mạnh mẽ (Phần 3)

Những xu hướng gần đây trong mối quan hệ Ấn Độ-Việt Nam đã được ban lãnh đạo chính trị hai nước cam kết thúc đẩy mạnh mẽ. Đây chính là động lực giúp mối quan hệ hai nước tiếp tục phát triển vững mạnh hơn trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị, kinh tế khu vực và quốc tế đang có sự điều chỉnh.

05:48 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Hai nước đều có lợi ích trong việc đảm bảo an ninh trên các tuyến đường biển và chia sẻ các mối quan ngại về quyền tiếp cận của Trung Quốc tới Ấn Độ Dương và Biển Đông. Do đó, Ấn Độ đang giúp đỡ Việt Nam xây dựng năng lực sửa chữa và bảo dưỡng các phương tiện quốc phòng của nước này. Đồng thời, lực lượng vũ trang hai nước đã bắt đầu hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin và đào tạo tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam. Hai nước có một nước bè bạn chung tiềm năng là Mỹ. Việc Ấn Độ chìa tay ra với Hà Nội diễn ra vào thời điểm Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán trang thiết bị quân sự gây sát thương cho Việt Nam vốn có từ lâu. Quan hệ giữa New Delhi và Washington đang phát triển nhanh chóng, với việc 2 bên ký kết một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần vào năm 2016, trong khi Việt Nam đã và đang tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ khi Biển Đông trở thành một điểm nóng. Trong khi suy ngẫm về cách kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc, 3 nước này đã xích lại gần nhau hơn về mặt chiến lược. Với cán cân quyền lực đang nổi lên, cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều mong muốn định hướng lại quan hệ của mình với Mỹ khi các mối quan ngại về Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Hợp tác hàng hải giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn là trọng tâm, với việc Việt Nam cấp cho Ấn Độ quyền sử dụng cảng ở Nha Trang, nằm ở gần vịnh Cam Ranh vốn có ý nghĩa đáng kể về mặt chiến lược. Hải quân Ấn Độ thường xuyên có các chuyến thăm tới cảng biển miền Nam Việt Nam này. Việt Nam thậm chí đã đề nghị Ấn Độ phát triển cơ sở hải quân này. Thực tế rằng, ngay cả Mỹ cũng không được trao đặc quyền này đã nhấn mạnh nhận thức của Việt Nam về tính cấp thiết của sự hợp tác quốc phòng với Ấn Độ. Từ năm 2011, Hà Nội đã yêu cầu New Delhi huấn luyện cho các thủy thủ của mình về tác chiến tàu ngầm và cho các phi công của mình về cách vận hành máy bay Sukhoi 30, và chuyển giao các tàu chiến hải quân cỡ vừa và tên lửa hành trình. Ấn Độ đã phản ứng tích cực. Hải quân Ấn Độ hiện đang huấn luyện khoảng 500 thủy thủ Việt Nam về tác chiến toàn diện dưới mặt nước tại cơ sở tàu ngầm INS Satavaham của nước này, trong khi Không quân Ấn Độ tiến hành huấn luyện chuyển đổi cho phi công thuộc Không quân Việt Nam.

Quan hệ đối tác an ninh của Việt Nam với Mỹ đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua. Giống như Ấn Độ, mặc dù hoan nghênh sự tái cân bằng chiến lược của Mỹ hướng tới châu Á-Thái Bình Dương, nhưng Việt Nam vẫn tỏ ra quan ngại. Là một nước nhỏ, Việt Nam luôn phải đối mặt với mối đe dọa của việc bị sử dụng như một quân tốt trong hoạt động chính trị nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc. Hơn nữa, giống như New Delhi, Hà Nội cũng lo sợ sự xuất hiện của một chế độ công quản nước lớn giữa Washington và Bắc Kinh trong những năm đầu của Chính quyền Obama. Những bất đồng giữa Washington và Hà Nội về hồ sơ nhân quyền của Hà Nội đã không cho phép bán vũ khí gây sát thương cho các lực lượng quốc phòng Việt Nam tới tháng 5/2016, qua đó kiềm chế phạm vi của quan hệ đối tác an ninh Việt-Mỹ. Do đó, Việt Nam đã tìm đến Ấn Độ để lấp đầy chỗ trống. Tóm lại, sự trỗi dậy của Trung Quốc và quá trình chuyển giao quyền lực hiện tại ở châu Á đã làm dấy lên những mối quan ngại tương đồng giữa hai nước này.

Thương mại và các lĩnh vực khác

Cùng với các mối quan hệ quốc phòng và chiến lược, Ấn Độ đã cố gắng thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam. Sự chuyển hướng chính sách của Modi từ "Hướng Đông" sang "Hành động phía Đông", mà về cơ bản nhắm tới việc củng cố quan hệ với vùng lân cận mở rộng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và việc mở rộng quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam lên mức "Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện", khiến cho Việt Nam trở nên vô cùng trọng yếu trong tầm với hướng Đông của Ấn Độ. Về phần mình, Việt Nam đã tích cực ủng hộ chính sách Hành động phía Đông vì nó tạo điều kiện thuận lợi cho vai trò lớn hơn của Ấn Độ trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam là nước điều phối của ASEAN về quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015-2018, điều có thể được tận dụng để tăng cường hơn nữa sự hợp tác này. Ấn Độ giờ đây thuộc nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, và trong chuyến thăm năm 2016 của Modi, hai nước đã nhất trí thăm dò các biện pháp thực chất và thực tiễn, như Tiểu ban chung về thương mại, nhằm đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD từ nay đến năm 2020. Hai nước cũng đã ký kết một thỏa thuận hạt nhân dân sự vào năm 2016, điều được trông đợi sẽ thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương giữa hai nước.

Quan hệ kinh tế Ấn Độ-Việt Nam bắt đầu từ năm 1978 khi 2 quốc gia ký kết một thỏa thuận thương mại song phương. Đến năm 1982, Ủy ban chung Ấn Độ-Việt Nam đã được thành lập cho việc hợp tác kinh tế, kỹ thuật và khoa học. Những năm đầu đã chứng kiến thương mại ở mức hạn chế giữa 2 quốc gia mà từ đó, Ấn Độ đã tạo điều kiện thiết lập hạn mức tín dụng trị giá 400 triệu USD cho Việt Nam. Khoản đầu tư lớn đầu tiên của Ấn Độ đến từ OVL vào năm 1989 ở ngoài khơi Vũng Tàu, phía Đông thành phố Hồ Chí Minh. Thương mại song phương trong những năm đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, được đánh dấu bởi sự giảm tốc của nền kinh tế Việt Nam.

Đến năm 1999, xuất khẩu Ấn Độ đã đóng góp đến 90% tổng kim ngạch thương mại song phương trị giá 150 triệu USD, với việc các công ty thuộc khu vực tư nhân của Ấn Độ như Ranbaxy và Godrej mở rộng chỗ đứng của họ ở Việt Nam. Một bước ngoặt lớn đã đến cùng với việc thành lập Phòng kinh doanh Ấn Độ - cơ quan này chính thức được cấp phép vào tháng 2/1999. Thương mại song phương chạm mốc 1 tỷ USD vào năm 2006, vượt ngưỡng 2 tỷ USD vào năm 2009, và đạt mức 7,8 tỷ USD vào năm 2016. Một động lực mạnh mẽ cho các quan hệ kinh tế đã đến cùng với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN vào tháng 8/2009. Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu dược phẩm, nhựa, kim loại và hóa chất sang Việt Nam, trong khi Việt Nam xuất khẩu thép, cao su và linh kiện điện tử sang Ấn Độ. Nhưng quy mô của thương mại Ấn Độ-Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với thương mại Trung-Việt.

Hai quốc gia cũng đã mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như thăm dò không gian và an ninh mạng. New Delhi và Hà Nội đã ký kết Thỏa thuận khung liên chính phủ về khai thác và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình, và nhất trí ký kết Thỏa thuận thực hiện giữa Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ và Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam về việc xây dựng Trạm theo dõi và tiếp nhận dữ liệu và Cơ sở xử lý dữ liệu ở Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác không gian Ấn Độ-ASEAN. Một biên bản ghi nhớ về an ninh mạng cũng được ký kết giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Điện tử và công nghệ thông tin Ấn Độ; và 2 quốc gia cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao trang thiết bị cho Phòng thí nghiệm tội phạm công nghệ cao Indira Gandhi do Ấn Độ tài trợ. Ấn Độ cũng đã thiết lập một cơ sở theo dõi vệ tinh ở thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù được gọi là một cơ sở dân sự, song nó có thể đem lại các lợi ích chiến lược như theo dõi hoạt động của Trung Quốc trên biển, đề phòng trường hợp xuất hiện mối đe dọa. Việc này đã được Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ lên kế hoạch và thực hiện.

Kết luận

Hợp tác về an ninh khu vực, quốc phòng và các cam kết thương mại, Ấn Độ và Việt Nam đã tìm cách xây dựng mối quan hệ đối tác vững mạnh trong vài năm qua. Khi xét đến sự hội tụ chung giữa hai nước, có khả năng mối quan hệ này sẽ chỉ phát triển vững mạnh hơn. Vẫn còn nhiều việc cần làm, chẳng hạn như Ấn Độ có thể giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực quốc phòng của nước này thông qua đầu tư và nỗ lực hướng tới cùng sản xuất. Việt Nam cũng là một thị trường tiềm năng đối với xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ, vốn vẫn chưa được khai thác đúng mức. Ngoài ra, phạm vi cho việc thăm dò địa hạt kinh tế trong các lĩnh vực như năng lượng, khai khoáng, chế biến nông sản, chăm sóc sức khỏe, công nghệ thông tin và giáo dục, trong số các lĩnh vực khác, là đáng kể, và điều này sẽ giúp thúc đẩy quan hệ hiện có. Các cuộc trao đổi văn hóa và trao đổi nhân dân cần được củng cố thêm, khi thiện chí mà hai nước có thể tận dụng là đáng kể. Nhìn chung, đây là một mối quan hệ đang ở vào thế sẵn sàng cất cánh trong những năm tới, được dẫn dắt bởi ban lãnh đạo chính trị của 2 quốc gia với quyết tâm dẫn dắt mối quan hệ này theo hướng quan hệ chiến lược thực sự.

http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/6960-an-do-viet-nam-moi-quan-he-doi-tac-chien-luoc-dang-phat-trien-manh-me

Nguồn:

Cùng chuyên mục