Ấn Độ vượt Trung Quốc để trở thành siêu cường kinh tế châu Á? (Phần 1)
2015 là một cột mốc quan trọng trên con đường phát triển của Ấn Độ: GDP của quốc gia Nam Á này tăng nhanh hơn so với Trung Quốc. Để trở thành một cường quốc kinh tế, New Delhi đã chọn một hướng đi khác hẳn so với chiến lược của Bắc Kinh.
Chủ trì một hội nghị quốc tế tại New Delhi cùng với Thủ tướng Narendra Modi vào trung tuần tháng 3/2016, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, bà Christine Lagarde, một lần nữa nhấn mạnh đến thành tích rực rỡ của Ấn Độ trong năm 2015 và tuyên bố quốc gia này đang trên đường trở thành “động lực tăng trưởng của thế giới”.
Nhận xét trên không quá đáng khi kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, tỷ lệ tăng trưởng tại “xưởng sản xuất của thế giới” trong năm 2015 rơi xuống mức thấp nhất trong 25 năm trở lại đây, với chưa đầy 7%. Hậu quả kèm theo là khi nền kinh tế số 2 trên địa cầu sổ mũi thì cả thế giới bị cảm lạnh. Trong nhóm BRICS gồm 5 nền kinh tế đang trỗi dậy là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã có đến hai thành viên bị “hỏng đầu máy kinh tế” do giá dầu khí và nguyên liệu giảm mạnh.
Trong khi đó, Ấn Độ ung dung nhờ có được tỷ lệ tăng trưởng 7,4 % và đặc biệt là lạm phát đã được kìm chế ở mức 5% cho cả năm. Điều dễ hiểu khi Ấn Độ phải nhập đến 2/3 năng lượng tiêu thụ trên toàn quốc.
Trong dự báo gần đây nhất, New Delhi chờ đợi trong hai tài khóa liên tiếp 2016 và 2017, tổng sản phẩm nội địa vẫn sẽ tăng thêm 7,5% một năm. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã đem lại những thành tích tốt đẹp nói trên cho Ấn Độ. Năm 2015, hoạt động trong lĩnh vực này tăng thêm 9%, riêng dịch vụ tin học tăng thêm 30% so với tài khóa 2014.
Bên cạnh đó từ khi lên cầm quyền vào tháng 5/2014, nội các của Thủ tướng Modi đã nỗ lực thúc đẩy đầu tư cho sản xuất và công nghiệp, với chủ đích đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh bần cùng.
Sự điều chỉnh tự nhiên của một nền kinh tế thị trường
Trả lời trên đài RFI, chuyên gia về kinh tế Ấn Độ, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng thông tin quốc tế (CEPII), giáo sư Jean-Joseph Boilot, nêu cụ thể những yếu tố giải thích vì sao, lần đầu tiên tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ lại cao hơn so với nhà vô địch Trung Quốc:
“Có ba yếu tố cùng diễn ra một lúc và cả ba tạo điều kiện thuận lợi cho Ấn Độ trong năm vừa qua. Nguyên nhân đầu tiên, về cơ bản, Ấn Độ là một nền kinh tế thị trường với những sức bật dậy tự nhiên của nó. Khi Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền tháng 5/2014, ông đã xua tan được khủng hoảng niềm tin bùng lên từ năm 2013 và nhờ vậy mà tiêu thụ, đầu tư của Ấn Độ tăng nhanh trở lại.
Để so sánh, tại Ấn Độ, tiêu thụ nội địa đem về 2/3 thịnh vượng chung của cả nước. Ở Trung Quốc chỉ số đó chỉ là 1/3. Cũng chính sức mua của hơn 1 tỷ dân Ấn Độ đã tạo đà cho tăng trưởng của quốc gia Nam Á này trong năm qua và đem lại đến 4 điểm cho tăng trưởng toàn quốc. Cùng thời kỳ, chỉ số đó tại Trung Quốc chỉ là 3 điểm.
Yếu tố thứ hai tạo đà cho Ấn Độ trong năm qua là đầu tư. Như đã biết, từ năm 2009, thế giới phải đối mặt với khủng hoảng và Trung Quốc đã tìm ra giải pháp là bơm thêm rất nhiều tiền vào guồng máy sản xuất, để rồi tới nay, rơi vào tình trạng dư thừa các phương tiện sản xuất.
Ấn Độ chọn cho mình một hướng đi khác hẳn với kịch bản của Trung Quốc. Từ 2009 tới 2015 doanh nghiệp Ấn Độ đã thận trọng, đầu tư vừa phải và nhất là đã tìm cách trả bớt nợ nần. Nhờ vậy, đến năm ngoái, về mặt chi và thu, các công ty của Ấn Độ đã lấy lại cân bằng, để có thể tính tới việc mạnh dạn đầu tư hơn trước. 2015 cũng là lần đầu tiên, chỉ số đầu tư của Ấn Độ đóng góp cho tăng trưởng chung của cả nước nhiều hơn là so với của Trung Quốc.
Cuối cùng, yếu tố thứ ba là cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực sự nhận thấy rằng, Ấn Độ là một quốc gia tuy còn khép kín, nhưng lại ổn định về mặt chính trị, và với hơn một tỷ dân, quốc gia Nam Á này là một thị trường đầy hứa hẹn. Ấn Độ lại cũng là một nhà vô địch trong rất nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Nhờ đó mỗi quý, có hơn 10 tỷ đô la đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Ấn Độ, đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng mặt trời”.
Trung Quốc đương nhiên phải tăng trưởng chậm lại khi đã bắt kịp các nước công nghệ tiên tiến
Để tiếp tục so sánh Ấn Độ với Trung Quốc, nhà nghiên cứu Françoise Lemoine, cũng thuộc trung tâm CEPII, nhấn mạnh đến độ chín muồi của mô hình phát triển Trung Quốc sau ba thập niên “tăng trưởng thần kỳ”:
“Trong 30 năm liên tiếp, Trung Quốc đã tăng trưởng ở tốc độ trên dưới 10% một năm để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới, nếu tính theo mức độ tương đương về mua sắm, và thông thường thì ta chấp nhận Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Nhưng Trung Quốc không thể tăng trưởng ở nhịp độ trên dưới 10% hàng năm như vậy mãi được.
Hiện tại, tỷ lệ tăng trưởng của nước này ở vào khoảng từ 6 đến 7%, tạo ra khoảng 1/3 của cải trên thế giới. Sự tăng trưởng chậm lại này so với trước là hiển nhiên, khi mà Trung Quốc đã từng bước thu hẹp khoảng cách với nước công nghiệp tiên tiến.
Ngoài ra, dân số tại Trung Quốc cũng đang trên đà lão hóa, lực lượng lao động hùng hậu từng là đòn bẩy tại quốc gia này trước đây, nay không còn đông đảo như 20 hay 25 năm về trước nữa.
Sau cùng, nếu như so sánh với Ấn Độ, thì đúng là năm ngoái, lần đầu tiên tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ cao hơn so với Trung Quốc, nhưng cũng cần nhắc lại là trong 30 năm qua, tổng sản phẩm nội địa của Ấn Độ luôn tăng chậm hơn so với Trung Quốc, thành thử, với những yếu tố thuận lợi như giáo sư Boilot vừa trình bày ở trên, năm vừa qua, GDP của Ấn Độ đã tăng mạnh”.
Chậm mà chắc
Hai khác biệt quan trọng khác trong mô hình phát triển giữa Trung Quốc và Ấn Độ: Thứ nhất, trong lúc Bắc Kinh từ những năm dưới thời đại Đặng Tiểu Bình đã lấy sản xuất, xuất khẩu làm bàn đạp, thì ngược lại, Ấn Độ lại trông cậy vào mức tiêu thụ nội địa và mức độ hội nhập của nền kinh tế Ấn Độ với thế giới đã bị Trung Quốc bỏ xa lại phía sau. Có điều theo quan điểm của giáo sư Jean-Joseph Boilot, Trung tâm CEPII, chính nhờ chậm trễ trên con đường toàn cầu hóa, mà kinh tế Ấn Độ ít bị chao đảo vì cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 vừa qua, và cũng nhờ ít lệ thuộc vào xuất khẩu, các nhà sản xuất Ấn Độ không bị hụt hẫng khi bị khách hàng bỏ rơi.
Thứ hai, trong chiến lược phát triển của Ấn Độ và Trung Quốc là trong lúc Bắc Kinh tập trung vào khu vực sản xuất hàng hóa và công nghiệp, thì New Delhi lại hướng tới các dịch vụ và các ngành công nghệ mũi nhọn để trở thành “nhà gia công” cho thế giới trong ngành tin học, các dịch vụ ngân hàng và trong thời gian gần đây, Ấn Độ còn là “viện bào chế” dược phẩm của các nước chậm phát triển, khi dẫn đầu trong ngành sản xuất thuốc gốc. (Còn tiếp) (Xem tiếp phần 2)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục