Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ vượt Trung Quốc để trở thành siêu cường kinh tế châu Á? (Phần 2)

Ấn Độ vượt Trung Quốc để trở thành siêu cường kinh tế châu Á? (Phần 2)

2015 là một cột mốc quan trọng trên con đường phát triển của Ấn Độ: GDP của quốc gia Nam Á này tăng nhanh hơn so với Trung Quốc. Để trở thành một cường quốc kinh tế, New Delhi đã chọn một hướng đi khác hẳn so với chiến lược của Bắc Kinh.

05:01 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Không có tăng trưởng thần kỳ

Hai yếu tố trên khiến giáo sư Boilot, Trung tâm CEPII tin rằng, kinh tế Ấn Độ đang được đặt trên bệ phóng để trở thành một siêu cường khu vực. Theo ông, vì quá cồng kềnh, Ấn Độ đã khởi động chậm hơn so với Trung Quốc, nhưng “chậm mà chắc”:

“Tôi nghĩ là những lợi thế của Ấn Độ sẽ có tác động lâu dài. Kiến tha lâu cũng đầy tổ. New Delhi cần có thời gian để tìm cho mình một hướng đi riêng. Giờ đây quốc gia này đã đạt được mục tiêu đó, cả về kinh tế lẫn chính trị. Thực tình, tôi không thấy có lý do gì để nghi ngờ về tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ trong 30 năm sắp tới.

Dù vậy, tôi nghĩ, Ấn Độ sẽ không đạt được thành tích như Trung Quốc, nghĩa là kinh tế tăng thêm hơn 10% một năm. Thành tích tăng trưởng 10% một năm như vậy cũng có nhiều tác động tiêu cực về mặt xã hội, đối với con người, môi trường. Đó không hẳn là tấm gương sáng tuyệt đối để Ấn Độ phải noi theo.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến nhiều khác biệt giữa mô hình phát triển của hai nước Á châu này. Trung Quốc đã đi theo chủ nghĩa toàn cầu hóa, lấy xuất khẩu làm chủ đạo, và do vậy, tăng trưởng của ông khổng lồ này tùy thuộc vào sức mua ở ‘bên ngoài’.

Trong khi đó Ấn Độ tới nay vẫn bị chỉ trích là một vùng đất còn quá khép kín, nhưng cũng nhờ vậy mà Ấn Độ ít bị khủng hoảng tài chính thế giới tác động hơn so với Trung Quốc.

Đơn cử hai thí dụ cụ thể để minh họa cho điều này: thứ nhất, trong bối cảnh giá dầu hỏa, nguyên nhiên liệu giảm mạnh như hiện tại, thì cán cân thương mại của Ấn Độ được cải thiện rõ rệt, lạm phát giảm. Trong khi đó Bắc Kinh lo lắng vì các nước xuất khẩu dầu hỏa và nguyên nhiên liệu cũng là những khách hàng quan trọng của Trung Quốc.

Thứ hai, New Delhi có được là vào lúc Trung Quốc tập trung nỗ lực vào khu vực sản xuất hàng hóa để xuất khẩu cho thế giới, thì Ấn Độ mở rộng mảng dịch vụ, đặc biệt là trong các lĩnh vực tin học, ngân hàng,… như chúng ta đã biết. Khi kinh tế toàn cầu chựng lại, người ta giảm nhập hàng hóa của Trung Quốc nhưng vẫn duy trì các hoạt động với các công ty cung cấp dịch vụ của Ấn Độ. Trong những năm gần đây, dù kinh tế thế giới bị khủng hoảng, nhưng Ấn Độ vẫn phải đầu tư thêm để nâng cấp các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng nước ngoài”.

Nhiều cơ hội và thử thách

Cơ quan Tư vấn tài chính PwC trong nghiên cứu mang tựa đề “Future of India” được công bố vào mùa xuân 2015, ghi nhận: sau nhiều năm bị Trung Quốc phủ bóng, ông khổng lồ Ấn Độ đang vươn vai thức dậy để trở thành một trong những cường quốc kinh tế và công nghiệp của thế giới.

Trong hai thập niên, từ 1994 đến 2014, tổng sản phẩm nội địa của Ấn Độ tăng thêm được 1.000 tỷ USD, để đạt 1.800 tỷ vào năm 2014. Theo thẩm định của PwC, đến khoảng năm 2034, GDP của Ấn Độ tăng lên thành 10.000 tỷ nhờ có được nhịp độ tăng trưởng trung bình 9% một năm. Vậy làm thế nào để trong thời gian chưa đầy 50 năm, GPD của Ấn Độ có thể nhân lên gấp 10 ?

Vẫn theo nghiên cứu này, New Delhi đang có trong tay nhiều lợi thế. Lá chủ bài đầu tiên có lẽ là số lượng 1,2 tỷ dân, trong đó có tới 65% dưới 35 tuổi. Mỗi năm, có thêm từ 10 đến 12 triệu đôi tay tham gia vào thị trường lao động.

Để so sánh, nguồn lực lao động hùng hậu của Trung Quốc từng làm nên phép lạ kinh tế cho công xưởng của thế giới này bắt đầu giảm sụt. Tuy nhiên, để nguồn nhân lực dồi dào của Ấn Độ thực sự có hiệu quả, New Delhi cần đẩy mạnh đầu tư về giáo dục.

PwC thẩm định, quê hương của thánh Gandhi cần xây dựng thêm 500.000 trường học, và mới chỉ có 22% thanh niên học hết phổ thông cấp 3.

Ngoài ra, Ấn Độ trước mắt, vẫn cơ bản là một quốc gia nghèo. Theo Ngân Hàng Thế Giới năm 2013, 37% dân số quốc gia này sống dưới ngưỡng nghèo khó, 1/3 người nghèo trên thế giới sống tại Ấn Độ.

Do vậy theo cơ quan tư vấn về tài chính PwC, yếu tố dân số vừa là đòn bẩy, vừa là thách thức trong chiến lược phát triển của Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc đã tương đối làm chủ được vấn đề này.

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Françoise Lemoine, Ấn Độ là một trường hợp đầy mâu thuẫn: đây là nơi nạn mù chữ vẫn còn thuộc vào hàng cao nhất nhì thế giới, nhưng điều đó không cản Ấn Độ hàng năm đào tạo được thêm từ 300.000 đến 500.000 kỹ sư tin học, đã có những trung tâm công nghệ tin học “techno pôle” tại Hyderabad hay Bangalore ngang tầm với thung lũng Silicon Valley của Hoa Kỳ.

Trên thị trường phần mềm, Ấn Độ đã thực thụ trở thành một nguồn cạnh tranh đáng ngại của các ông trùm Mỹ.

Trong lĩnh vực công nghệ không gian, tháng 10/2008, New Delhi từng phóng vệ tinh lên Mặt Trăng. Cho dù có ngân sách chẳng thấm vào đâu với cơ quan NASA của Mỹ, nhưng Ấn Độ không mặc cảm và vẫn đề ra kế hoạch đưa người lên thám hiểm sao Hỏa trong tương lai không xa.

Do vậy, theo nhà nghiên cứu Françoise Lemoine, nếu Ấn Độ khắc phục được những nhược điểm về mặt nhân sự, thì quốc gia Nam Á này sẽ tiến rất xa

“Tại Ấn Độ, lĩnh vực tin học và công nghệ tân tiến đã phát triển rất mạnh. Từ công nghệ phát triển phần mềm, đến các dịch vụ tin học, từ công nghệ sinh học đến dược phẩm, y khoa, … Nhưng phải nói đó là những hải đảo trong một đại dương của cảnh bần cùng.

Ấn Độ còn là một quốc gia nghèo, thiếu cơ sở hạ tầng; còn rất nhiều trẻ em chưa học hết cấp 1, tỷ lệ mù chữ còn cao. Trong hoàn cảnh đó, nếu chỉ có một vài lĩnh vực ‘mũi nhọn’ vươn lên được đã là điều rất đáng mừng, nhưng chưa đủ sức để tạo đà cho toàn bộ cỗ máy kinh tế đồ sộ của Ấn Độ cất cánh.

Chính vì những trở ngại vừa nói mà việc tuyển chọn nhân viên tại Ấn Độ không được như mong muốn, và Ấn Độ tuy có đông dân nhưng vẫn ráo riết đi tìm nhân viên có chuyên môn và kinh nghiệm trong những lĩnh vực công nghiệp tiên tiến, và, theo tôi, đây là một trở ngại không nhỏ đối với quốc gia Nam Á này”.

Chưa thể nói là Ấn Độ qua mặt Trung Quốc để trở thành một siêu cường kinh tế của châu Á và có lẽ cũng còn quá sớm để cho rằng, thập kỷ tới sẽ là thời đại của Ấn Độ. Nhưng rõ ràng, New Delhi đang thu hẹp khoảng cách với Bắc Kinh để củng cố vị thế kinh tế trong khu vực. Trong cuộc chạy đua này, Ấn Độ có lá bài tốt trong tay.  (Theo RFI)

Nguồn:

Cùng chuyên mục