Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Ấn Độ xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng với Mỹ

Ấn Độ xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng với Mỹ

Sự trỗi dậy của Ấn Độ với vai trò là một cực trong khu vực Ấn Độ Dương là một bước phát triển chiến lược quan trọng của thế kỷ này.

03:41 08-05-2023 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Trong chuyến thăm gần đây tới một nước Đông Á, tôi có cơ hội gặp một vị bộ trưởng cao cấp, ông đã hỏi tôi một câu hỏi thú vị: “Liệu Ấn Độ có thể lãnh đạo các nước khác không?” Đây là một câu hỏi bất thường với vị thế của quốc gia đó. Nhưng nó đã chứng minh tầm vóc và sự liên quan ngày càng tăng của Ấn Độ trong khu vực.

Sự trỗi dậy của Ấn Độ với vai trò là một cực trong khu vực Ấn Độ Dương, nơi mà nhiều quốc gia trong khu vực sẽ hướng tới, là một bước phát triển chiến lược quan trọng của thế kỷ này. Tôi lịch sự nói với bộ trưởng rằng thời đại của “người lãnh đạo và người được lãnh đạo” đã qua.

Ấn Độ không xây dựng bất kỳ liên minh quân sự nào trong khu vực. Tuy nhiên, Ấn Độ đã quản lý chính sách đối ngoại một cách siêng năng đến mức đã giúp tạo ra hy vọng và niềm tin trong tâm trí của nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực láng giềng của Ấn Độ. Ngay cả hai khối cường quốc đứng đầu là Mỹ và Nga-Trung cũng muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ.

Thế kỷ trước chứng kiến nền chính trị lưỡng cực của các liên minh quân sự do Liên Xô và Mỹ đứng đầu thống trị cục diện địa chiến lược thế giới. Nhưng thế kỷ mới đã mang đến những thực tế mới. Lưỡng cực nhường chỗ cho đa cực và các cực trái nhau. Một số quốc gia và nhóm tiểu đa phương nổi lên như những cực quan trọng. Mặt khác, ảnh hưởng ngày càng tăng của các cường quốc phi nhà nước như công nghệ lớn và các tổ chức phi chính phủ toàn cầu đã dẫn đến sự trỗi dậy của một trật tự thế giới với các cực trái nhau.

Giới cầm quyền ở Washington DC, từ Tổng thống Joe Biden đến Cố vấn an ninh Jake Sullivan đến Ngoại trưởng Antony Blinken, đều hiểu rằng Ấn Độ là một cường quốc khu vực quan trọng và là đối tác nhưng không phải đồng minh để quản lý trật tự thế giới mới có nhiều cực trái nhau. Nhưng một số người trong nhóm think-tank dường như không thoát ra khỏi hội chứng thế kỷ đã qua. Lập trường độc lập của Ấn Độ đối với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã mời gọi những lời chỉ trích của một số học giả như vậy. Họ tuyên bố rằng Ấn Độ đã từ bỏ yêu sách của mình đối với chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an khi không phản đối Nga. Viện dẫn sự mơ hồ về vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông, một số người hiện chỉ trích mối quan hệ Mỹ-Ấn là “vụ cá cược tồi tệ của Mỹ vào Ấn Độ”.

Trong hai thập kỷ qua, quan hệ Mỹ-Ấn đã vượt qua nhiều do dự trong lịch sử và đạt được đà trưởng thành. Công lao vượt qua những vất vả thủa ban đầu để phục hồi mối quan hệ nên thuộc về các chính quyền của các ông Vajpayee/Manmohan Singh và George Bush Jr trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Chính phủ Modi đã cung cấp một sự tăng tốc có tính quyết định cho mối quan hệ này trong chín năm qua.

Từ 20 tỷ USD năm 2000 lên 128 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023, thương mại song phương Ấn Độ-Mỹ đã tăng hơn sáu lần trong hai thập kỷ qua. Thương mại quốc phòng song phương đã vượt mốc 20 tỷ USD vào năm 2022.

Một số người trong giới think-tank hiểu nhầm đây là lòng nhân từ của Mỹ. Đó là một mối quan hệ thương mại đúng đắn giữa hai nước có lợi cho cả hai. Từ bỏ các biện pháp trừng phạt thời Clinton, chế độ Bush chuyển sang ký kết thỏa thuận hạt nhân, cái giá mà Ấn Độ phải trả là chia đôi cơ sở hạt nhân của mình và cho phép các thanh sát viên Mỹ tiếp cận một số nhà máy. Mười lăm năm sau, Ấn Độ mua các hệ thống vũ khí công nghệ cao từ Mỹ không phải để làm từ thiện mà trả tiền song phẳng.

Mỹ cũng được hưởng lợi từ mối quan hệ này. Ngoài các dịch vụ CNTT và lĩnh vực quốc phòng, Ấn Độ đã đầu tư lớn với các công ty Mỹ trong các lĩnh vực như hàng không. “Tự hào” ca ngợi “thỏa thuận lịch sử giữa các hãng hàng không thuộc sở hữu của Tata và Boeing”, về việc mua 200 máy bay, Tổng thống Biden tuyên bố rằng “việc mua bán này sẽ mang lại hơn một triệu việc làm cho người Mỹ trên 44 tiểu bang và nhiều người trong số đó sẽ không cần có bằng cấp bốn năm đại học”. Như ông đã chỉ ra, nó phản ánh “sức mạnh của quan hệ đối tác kinh tế Mỹ-Ấn” cần được nhìn từ lăng kính của thực tế mới.

Có thể có sự khác biệt về quan điểm trong ngắn hạn. Từ Doha đến Ukraine, Mỹ không thấy cần thiết phải biến Ấn Độ thành một bên liên quan trong quá trình ra quyết định và đưa ra các quyết định thay vì coi như chuyện đã rồi. Trong khi không có cuộc thảo luận nào với Ấn Độ khi các lực lượng dân chủ bị lật đổ và Afghanistan được bàn giao cho Taliban, có một kỳ vọng ám ảnh rằng Ấn Độ sẽ đứng về phía phương Tây dưới danh nghĩa bảo vệ nền dân chủ ở Ukraine.

Ấn Độ là một quốc gia văn minh với một hệ thống giá trị riêng biệt. Duy trì chủ quyền quốc gia và pháp quyền là không thể thiếu đối với hệ thống giá trị đó, dù ở Ukraine hay Đài Loan. Nhưng điều đó cũng ngăn cản Ấn Độ trở thành một bên trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Ấn Độ tin tưởng vào việc phấn đấu vì hòa bình trên nguyên tắc bao trùm. Mỹ, với truyền thống phong phú về chủ nghĩa hợp hiến và cam kết tuân thủ luật pháp, là một đối tác tự nhiên của Ấn Độ trong nỗ lực thúc đẩy hệ thống giá trị đó phát triển.

Sự tham gia của Ấn Độ trong nhóm Quad cũng nên được hiểu từ góc độ phù hợp. Một quốc gia không tham gia NATO hoặc CENTO trong thế kỷ trước sẽ không bao giờ tham gia bất kỳ “NATO Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” nào trong thế kỷ này. Ấn Độ có mặt trong Quad vì Ấn Độ theo đuổi tầm nhìn dài hạn chung với các thành viên Quad về xây dựng một trật tự thế giới tự do và bao trùm.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là một khu vực đơn lẻ với trật tự phân hạng quyền lực bá quyền. Nó là nơi hợp lưu của hai vùng đại dương quan trọng—Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi Mỹ, Nhật Bản và Úc đại diện cho Thái Bình Dương (Perth ở Úc là một cảng xa xôi thuộc Ấn Độ Dương), Ấn Độ là cường quốc Ấn Độ Dương duy nhất trong Quad. Ấn Độ ghi nhận sự tích cực của các hoạt động của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Biển Đông. Ba đối tác Quad ở Thái Bình Dương cũng nên đánh giá cao thực tế rằng với tư cách là cường quốc duy nhất đại diện cho khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn, nơi có hàng chục quốc gia sinh sống, Ấn Độ có những ưu tiên và mối quan tâm riêng liên quan đến các thách thức khu vực.

Trung Quốc vẫn là một thách thức chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Nhưng bản chất của việc chống lại thách thức đó khác nhau giữa các khu vực. Mỹ cần đánh giá cao và duy trì ưu thế hàng đầu của Ấn Độ trong việc quản lý các ưu tiên ở Ấn Độ Dương trước khi kỳ vọng Ấn Độ tham gia vào các nhiệm vụ cấp thiết của khu vực Thái Bình Dương.

Đánh cược không phải lúc nào cũng được đặt dựa trên các giả thuyết ngắn hạn. Đôi khi chúng cần được đặt ra trong tầm nhìn dài hạn.

Tác giả: Ram Madhav, India Foundation

Nguồn: https://www.rammadhav.in/articles/building-a-partnership-of-equals-with-the-us/

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục