Ẩn ý của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Giải thích hàm ý của Chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đưa ra khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quan chức Mỹ khẳng định, đây là thời điểm thúc đẩy thực hiện chiến lược này.
Tại buổi gặp gỡ báo chí tuần qua, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Alex N. Wong, đã giải thích hàm ý của Chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Nếu nhìn vào năm đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump, thì đây là một năm quan trọng về chính sách Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tổng thống Trump, ngay cả trước khi nhậm chức, đã có mối quan hệ sâu sắc với các lãnh đạo đồng minh của Mỹ trong khu vực. Ông đã tiếp đón một số lãnh đạo tại Mar-a-Lago và các chuyến thăm cấp quốc gia. Mỹ đã cử Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng và nhiều viên chức chính phủ trong các chuyến đi đến khu vực và đã kết thúc năm qua bằng chuyến đi lịch sử của Tổng thống Donald Trump đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đây là chuyến công du dài nhất đến khu vực của Tổng thống Mỹ. Và trong chuyến đi này, Tổng thống Mỹ Trump đã trình bày khái niệm về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong bài phát biểu của ông tại Đà Nẵng, Việt Nam.
2 điểm khác biệt
Nhấn mạnh rằng Mỹ đã theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong khu vực trong ít nhất 70 năm, kể từ Thế Chiến II, ông Wong cũng lưu ý 2 điều khác biệt trong chính sách mới này.
Khác biệt đầu tiên, khi sức nặng về dân số và kinh tế của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phát triển, thì trọng tâm và nỗ lực trong khu vực phải tăng theo tương xứng.
Khác biệt thứ hai, trước đây, người ta sử dụng thuật ngữ châu Á - Thái Bình Dương, hay chỉ đơn giản là châu Á, nhưng Chính quyền Trump đã chọn cụm từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì 2 lý do quan trọng.
Thứ nhất, nó xác nhận thực tế lịch sử và thực tế hiện tại rằng Nam Á, cụ thể là Ấn Độ, đóng vai trò quan trọng tại Thái Bình Dương, Đông Á và Đông Nam Á. Đây là sự thật trong hàng ngàn năm và vẫn là sự thật cho đến hôm nay. Thứ hai, đây là lợi ích Mỹ, cũng như lợi ích của khu vực, rằng Ấn Độ đóng vai trò rất lớn trong khu vực. Ấn Độ là quốc gia được đầu tư theo kiểu tự do và rộng mở. Đây là chế độ dân chủ. Đây là quốc gia có thể bảo vệ và gắn liền với tự do và mở cửa tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và chính sách của Mỹ là bảo đảm Ấn Độ đóng vai trò này, trở thành quốc gia có nhiều ảnh hưởng hơn theo thời gian trong khu vực.
Thời điểm thúc đẩy chiến lược
Theo ông Wong, nếu như năm đầu tiên được xem là năm giới thiệu khái niệm chiến lược, thì năm thứ hai và các năm tiếp theo của Chính quyền Trump là những năm hình thành và thực hiện chiến lược. "Đây là giai đoạn tôi, Vụ Các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, và những vị khác khắp liên cơ quan thực sự tham gia khi chúng tôi thúc đẩy chiến lược này" - ông khẳng định.
Về khả năng trở lại TPP
Trả lời câu hỏi về việc Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin gần đây nói rằng Mỹ vẫn có thể trở lại Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Wong cho rằng, thỏa thuận thương mại phải mang lại lợi ích kinh tế cho các nhân viên và doanh nghiệp Mỹ, và đây là trọng tâm của Tổng thống Mỹ D. Trump. Trọng tâm của Bộ trưởng Mnuchin là thực hiện chính sách của Tổng thống Mỹ D. Trump.
"Do vậy nếu đây là lợi ích của tất cả, như Tổng thống nói, xem xét CPTPP 11, xem xét các thỏa thuận đa phương hay thỏa thuận khác trong khu vực, nếu đó là lợi ích của tất cả, và cụ thể là lợi ích của các nhân viên Mỹ - cho lợi ích của các nhân viên và doanh nghiệp Mỹ, thì rất đáng để xem xét"- ông nói.
Hàm ý khi nói đến Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở thể hiện ở 2 điểm mới: tự do và rộng mở .
Tự do, trước hết là vùng bay quốc tế
Mở cửa, trước tiên và trên hết là giao thông đường biển và hàng không mở rộng. Giao thông đường biển mở rộng thực sự là nguồn sống của khu vực. "Khi nhìn vào thương mại thế giới với 50% đi qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dọc theo đường biển, đặc biệt đi qua Biển Đông, thì đường biển và đường hàng không mở rộng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang dần trở nên thiết yếu và quan trọng cho thế giới" - ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mở cửa cũng hàm ý cơ sở hạ tầng mở rộng hơn nhằm khuyến khích hội nhập khu vực và phát triển kinh tế mạnh hơn. "Chúng tôi muốn giúp khu vực thực hiện cơ sở hạ tầng theo cách phù hợp, cơ sở hạ tầng thực sự hội nhập và tăng GDP của các nền kinh tế lập hiến, chứ không phải ép đè họ xuống" - Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói.
Mở rộng cũng có ý là đầu tư mở rộng hơn, cấu trúc luật lệ minh mạch hơn. Thương mại mở rộng cửa hơn, tự do, công bằng và có đi có lại.
Mỹ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông
Tại Hội nghị Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 31 diễn ra từ 2 đến 3-4/2018 tại Malaysia, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, bà Susan Thornton, đã chia sẻ ý tưởng của Mỹ về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cho rằng triển khai chiến lược này, Mỹ mong muốn cùng ASEAN và các đối tác ở khu vực xây dựng một trật tự cân bằng, bình đẳng, tự do thương mại, đầu tư, dựa trên luật lệ. Mỹ cũng hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đi vào đàm phán thực chất về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, và khẳng định ủng hộ việc giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng chủ quyền và không quân sự hoá.
Trước băn khoăn Ấn Độ có thể đóng vai trọng yếu trong khu vực không, ông Wong cho rằng, Ấn Độ chắc chắn có khả năng và tiềm năng để thực hiện vai trò này và nhiều hơn nữa, trên tất cả các mặt, an ninh, kinh tế và ngoại giao. Một ví dụ gần đây là Thủ tướng Modi đã mời các nhà lãnh đạo của các quốc gia ASEAN đến Delhi trong Ngày Quốc khánh. Đây chỉ là lần thứ hai các nhà lãnh đạo nước ngoài được mời tham dự sự kiện đó và là một dấu hiệu thực sự quan trọng về mối quan hệ ngày càng tăng mà Ấn Độ đang theo đuổi ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, không chỉ Ấn Độ đang có sự tham gia tích cực hơn với Đông Á và Đông Nam Á. Có một số chiến lược qua lại trong toàn khu vực: Chính sách Đông Nam của Ấn Độ, Chính sách Nam mới của Hàn Quốc, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở ở Nhật Bản, Chính sách Đối ngoại của Úc, Chính sách hướng Nam,… "Các đối tác trong khu vực đều tìm cách tăng cường quan hệ chính trị, an ninh và kinh tế, đặc biệt với các quốc gia ASEAN. Nếu chúng ta có thể có những mối quan hệ qua lại này, tạo nên một tổ chức mạnh mẽ cho một trật tự tự do và dựa trên luật lệ, điều đó chỉ có thể làm tăng sự thịnh vượng của khu vực, tăng cường sự ổn định trong khu vực và là điều chúng ta cùng ủng hộ" - Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Nguồn: https://nld.com.vn/chinh-tri/an-y-cua-my-trong-chien-luoc-an-do-duong-thai-binh-duong-20180408133809527.htm
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục