ASEAN - Ấn Độ và chính sách Hành động phía Đông: Để lời nói đi đôi với hành động (Phần 1)
Dù rất tích cực can dự và hợp tác với khu vực, nhưng có một hố sâu ngăn cách giữa tham vọng và khả năng thực hiện của Ấn Độ. Nếu nghiêm túc về mở rộng ảnh hưởng về phía Đông, Ấn Độ cần thực hiện và hoàn tất nhiều việc hơn nữa.
Tóm tắt
- Hội nghị Thượng đỉnh kỉ niệm quan hệ ASEAN - Ấn Độ diễn ra vào ngày 25/1/2018 là một dịp để Ấn Độ nhấn mạnh vai trò của mối quan hệ đối tác chiến lược của họ với ASEAN tại trọng tâm chính sách Hành động phía Đông của nước này.
- Mặc dù Ấn Độ đã đệ trình các đề xuất khác nhau nhằm tăng cường sự can dự về mặt an ninh, kinh tế và văn hóa với ASEAN, nhưng rõ ràng, thương mại là một liên kết yếu trong quan hệ ASEAN - Ấn Độ và sự hợp tác trong các lĩnh vực khác vẫn không có gì ấn tượng.
- Hợp tác hàng hải là ưu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh, phản ánh sự hội tụ lợi ích của cả hai bên trong lĩnh vực hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
- Mặc dù ASEAN miễn cưỡng chấp nhận khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ đã giới thiệu và được Ấn Độ ủng hộ, nhưng có một sự đồng thuận giữa hai bên khi nhất trí hành động hướng đến “một cấu trúc khu vực có tính cởi mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên các nguyên tắc”.
- Trung Quốc là một nhân tố quan trọng trong quan hệ ASEAN - Ấn Độ. Bằng việc tăng cường quan hệ đối tác của mình với Ấn Độ, ASEAN tìm cách giảm bớt khả năng dễ bị tổn thương trước Trung Quốc, và có một đối tác khác để duy trì một trật tự khu vực có tính cởi mở, cân bằng và bao trùm ở Đông Nam Á.
Mở đầu
Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN -Ấ N Độ được tổ chức vào ngày 25/1/2018 ở New Delhi với chủ đề “Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh”. Văn kiện về kết quả của hội nghị, Tuyên bố Delhi, cho thấy quyết tâm và các sáng kiến cụ thể của cả hai bên nhằm tăng cường và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược của họ. Hội nghị Thượng đỉnh được diễn ra cùng với nhiều hoạt động kỷ niệm, đáng chú ý nhất là sự hiện diện của 10 nhà lãnh đạo ASEAN với tư cách là những khách mời chính tại lễ diễu binh chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ, Lễ trao giải thưởng Thanh niên ASEAN - Ấn Độ, Diễn đàn và triển lãm đầu tư và kinh doanh ASEAN - Ấn Độ, lễ khánh thành công viên hữu nghị Ấn Độ - ASEAN ở New Delhi, và lễ trao giải thưởng Padma Shri cho 10 công dân ASEAN.
Hội nghị Thượng đỉnh được truyền thông Ấn Độ và khu vực đưa tin rộng rãi. Trong quá khứ, Thủ tướng Narendra Modi đã đóng góp nỗ lực đáng kể vào việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với các nhà lãnh đạo ASEAN. Ông cũng đã nhấn mạnh vai trò của Hội nghị Thượng đỉnh, và thể hiện cam kết của Ấn Độ đối với quan hệ đối tác nhiều mặt và chiến lược với ASEAN thông qua nhiều dòng tweet của ông và một bài bình luận với nội dung được viết theo yêu cầu của mỗi nước ASEAN trên các nhật báo tiếng Anh riêng của họ.
Ngoài những nỗ lực công khai chứng tỏ “quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN tại trọng tâm chính sách Hành động phía Đông của Ấn Độ”, New Delhi đã giới thiệu một số các sáng kiến riêng biệt để tăng cường sự hợp tác ASEAN - Ấn Độ trên diện rộng, tập trung vào hợp tác hàng hải, chống khủng bố và 3C - thương mại, liên kết và văn hóa. Bài viết này khảo sát các cuộc thảo luận và kết quả của Hội nghị thượng đỉnh để xem Ấn Độ đã làm cho chính sách Hành động phía Đông của họ phù hợp đến đâu với các hành động cụ thể khi thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược của mình với ASEAN và mở rộng ảnh hưởng của họ về phía Đông.
3-C và chống khủng bố
Liên kết yếu nhất trong công thức 3-C có lẽ là thương mại mà ở đó việc sớm ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) do ASEAN lãnh đạo sẽ là một phép thử then chốt. Ông Modi vẫn không cam kết bất chấp những lời kêu gọi mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc ký kết RCEP vào năm 2018, chú trọng vào việc đạt được một “thỏa thuận cân bằng và công bằng”. Trong khi các lãnh đạo ASEAN mong chờ một “RCEP chất lượng cao”, thì ông Modi lại nêu bật các cấp độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia để bảo vệ một thỏa thuận ít tham vọng hơn nhiều.
Việc Ấn Độ “rút chân” khỏi các cuộc đàm phán RCEP đa phần là do lo sợ về các khoản thâm hụt thương mại lớn hơn với các nước tham gia ngoài ASEAN, đặc biệt là Trung Quốc. Nền chính trị trong nước là một yếu tố khác vì “Ấn Độ đang hướng đến vài cuộc bầu cử cấp bang vào năm 2018 và một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2019”. Các xu hướng bảo hộ của Ấn Độ làm xói mòn cơ hội thúc đẩy RCEP để gia tăng khối lượng thương mại ASEAN - Ấn Độ. Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) cấp thấp, bất chấp quy mô dân số rất lớn của cả hai bên là 1,8 tỷ người, đã thất bại trong việc tạo ra một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho thương mại song phương vốn dĩ chỉ đạt đến 58,5 tỷ USD vào năm 2016 (khoảng 2,6% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN), tụt lại đằng sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản. Sự hiện diện hạn chế về kinh tế của Ấn Độ ở Đông Nam Á là một trở ngại cho việc tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn của nước này trong khu vực. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nêu bật điều này trong bình luận của ông sau Hội nghị thượng đỉnh: “Khi bạn ký kết một hiệp định thương mại như thế này, rất hiếm khi hiệp định đó chỉ về kinh tế hoặc thương mại. Nó luôn có một khía cạnh khác như hợp tác song phương, tình hữu nghị và sự toan tính chiến lược”.
Trái ngược với lập trường của họ về thương mại, Ấn Độ chủ động hơn về vấn đề liên kết, được thúc đẩy bởi các lợi ích kinh tế mà có thể có được từ các nước ASEAN, nhất là những nước nằm ở Đông Nam Á lục địa, và bởi sự lo lắng về Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc đang thâm nhập cả Đông Nam Á lẫn các nước láng giềng của Ấn Độ như Pakistan và Sri Lanka. Hội nghị thượng đỉnh đã thúc đẩy việc ký kết nhanh chóng các thỏa thuận giữa ASEAN và Ấn Độ về vận tải đường không và đường biển, và sớm hoàn thành đường cao tốc giữa ba nước Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan vốn đã bị trì hoãn. Ấn Độ cũng chú ý tới liên kết số và liên kết giữa nhân dân các nước. Modi đã đề xuất các dự án thí điểm thành lập các ngôi làng số ở các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, tổ chức Lễ hội khởi nghiệp ASEAN - Ấn Độ vào năm 2018, và chọn năm 2019 là Năm du lịch ASEAN - Ấn Độ.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều tồn đọng phần nào do sự trì trệ của bộ máy quan liêu của Ấn Độ. Một bài bình luận gần đây trên Jakarta Post khi nói về các dự án cơ sở hạ tầng đã nhận xét: “Nói một cách ẩn dụ, Ấn Độ bị xem là di chuyển một cách chậm chạp như một chiếc xe bò; Trung Quốc thì đã lao lên phía trước như một xe đua Công thức 1”. Tài chính là một “nút cổ chai” nghiêm trọng khác. Không như Trung Quốc, Ấn Độ rõ ràng không có nhiều tiền. Nhưng ngay cả trong những tình huống viết séc thì Ấn Độ cũng không nhất thiết phải thể hiện ra thành hành động trên thực địa. Ví dụ, mức tín dụng 1 tỷ USD thường đươc trích dẫn mà Ấn Độ đã áp dụng cho các dự án liên kết ASEAN-Ấn Độ vẫn chưa được thực hiện bởi lãi suất không hấp dẫn.
Văn hóa là điểm nổi bật trong Hội nghị thượng đỉnh với việc cả hai bên đều chú trọng vào những liên kết văn hóa và văn minh cổ xưa giữa họ, các đề xuất trao học bổng khác nhau của Ấn Độ và các đề xuất của Modi về việc thiết lập các mạng lưới ảo gồm các trường đại học và bảo tàng của ASEAN và Ấn Độ. Điều này đã được nhấn mạnh tại nhiều sự kiện giáo dục và văn hóa trong suốt Hội nghị thượng đỉnh như các chương trình trao đổi sinh viên và truyền thông ASEAN-Ấn Độ, Lễ hội Ramayana, Liên hoan phim ASEAN - Ấn Độ và Lễ hội văn hóa ở Goa. Các sáng kiến này chỉ rõ một cách tiếp cận toàn diện hơn trong chính sách Hành động phía Đông mà ngày càng nhấn mạnh vào sự hiện diện của văn hóa Ấn Độ ở Đông Nam Á như một phần của “quyền lực mềm” của nước này - một lĩnh vực mà Trung Quốc cũng đang có sự tiến triển trong khuôn khổ BRI.
Ngoại giao văn hóa của Ấn Độ chưa được thuận buồm xuôi gió. Một ví dụ thích hợp là việc khôi phục trường Đại học Nalanda, một sáng kiến được Ấn Độ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 3 vào năm 2007 mà đã được các nhà lãnh đạo EAS hoàn toàn ủng hộ. Điều bắt đầu như một ví dụ điển hình của sự hợp tác EAS đã dần dần trở thành nạn nhân của nền chính trị quan liêu. Vào tháng 11/2016, ông George Yeo - cựu Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, một đối tác quan trọng trong dự án này - đã từ chức Hiệu trưởng trường Đại học Nalanda khi Chính phủ Ấn Độ cải tổ ban lãnh đạo của trường mà không báo trước cho ông. Động thái của ông Yeo đã diễn ra chưa đầy 2 năm sau khi Giáo sư đoạt giải Nobel Amartya Sen từ chức Hiệu trưởng với lý do tương tự. Ví dụ về trường Đại học Nalanda là một nhắc nhở đáng lo ngại về hoạt động chính trị trong nước và bộ máy quan liêu của Ấn Độ mà có thể gây ra những sự trì hoãn và hiểu sai về các dự án khu vực và thậm chí làm xói món quan hệ hữu nghị và sự thiện chí mà các dự án này có ý muốn thúc đẩy.
Ngoài 3-C, việc chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan đang nổi lên như một lĩnh vực trọng điểm mới của hợp tác ASEAN - Ấn Độ. So với kế hoạch hành động để thực thi quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ (2016-2020) được thông qua vào năm 2015, Tuyên bố Delhi đã thể hiện mức độ quan tâm cao hơn của cả hai bên đến việc làm sâu sắc thêm sự hợp tác chống lại các hoạt động khủng bố ở cả khía cạnh cứng rắn lẫn mềm mỏng, bao gồm tài trợ và tuyển mộ khủng bố, phát tán các câu chuyện và tuyên truyền về khủng bố, cực đoan hóa thanh niên thông qua các phương tiện truyền thông xã hội và sự lạm dụng Internet.
Quả thực, Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm và những cách làm tốt nhất để chia sẻ với ASEAN, đặc biệt là về hoạt động xuyên biên giới của khủng bố, và việc ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa, khi xét tới sự kiên cường đầy ấn tượng của số lượng lớn thanh niên nước này trước phong trào thánh chiến toàn cầu. Như một số nước ASEAN, Ấn Độ cũng phải đối phó với chủ nghĩa ly khai sắc tộc và các cuộc nổi loạn trong nước mà có khả năng có liên kết với các mạng lưới khủng bố quốc tế. Về mặt này, việc Ấn Độ đóng góp 500.000 USD để ủng hộ những nỗ lực tái thiết của Philippines ở Marawi đã được hoan nghênh là một ví dụ cụ thể cho chính sách Hành động phía Đông của nước này. Tuy nhiên, sự hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố trong phạm vi Hội nghị tham vấn giữa các quan chức cấp cao của ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) với Ấn Độ vẫn trì trệ so với các đối tác tích cực hơn như Nhật Bản, Mỹ và Nga. Đề nghị gần đây của Ấn Độ về việc chủ trì một hội nghị về chống cực đoan hóa trong năm 2018 là một bước khởi đầu đúng hướng, nhưng cần phải làm nhiều hơn để biến những điều khoản của Tuyên bố Delhi thành hành động. (Xem tiếp phần 2)
Nguồn: Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/6917-asean-an-do-chinh-sach-hanh-dong-phia-dong-de-loi-noi-di-doi-voi-hanh-dong
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục