Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

ASEAN - Ấn Độ và chính sách Hành động phía Đông: Để lời nói đi đôi với hành động (Phần 2)

ASEAN - Ấn Độ và chính sách Hành động phía Đông: Để lời nói đi đôi với hành động (Phần 2)

Dù rất tích cực can dự và hợp tác với khu vực, nhưng có một hố sâu ngăn cách giữa tham vọng và khả năng thực hiện của Ấn Độ. Nếu nghiêm túc về mở rộng ảnh hưởng về phía Đông, Ấn Độ cần thực hiện và hoàn tất nhiều việc hơn nữa.

05:46 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Hợp tác hàng hải và trật tự khu vực 

Hợp tác hàng hải 

Chủ đề của hội nghị - An ninh và hợp tác hàng hải - đã cho thấy những nỗ lực mạnh mẽ của Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN ở lĩnh vực hàng hải. Các cuộc thảo luận trên phạm vi rộng trong hội nghị và ba đoạn trong Tuyên bố Delhi về chủ đề này cho thấy sự hội tụ của những lợi ích và những quan ngại ở cấp độ cao giữa hai bên về vấn đề liên kết hàng hải và trật tự trên biển dựa trên các quy tắc, quyền tự do đi lại trên biển và trên không, thương mại không bị cản trở và các giải pháp hòa bình cho tranh chấp. 

Trong suốt Hội nghị Thượng đỉnh, cả hai bên đều đưa ra các đề xuất về một loạt các vấn đề hợp tác hàng hải từ việc quản lý thảm họa, nền kinh tế xanh và vận tải hàng hải cho đến việc chống cướp biển và nhận thức về lĩnh vực hàng hải. Ngoài sự hợp tác thiết thực đôi bên cùng có lợi, các mối quan ngại địa chiến lược và địa chính trị ở lĩnh vực hàng hải đã lộ rõ, đặc biệt có liên quan đến sự hiện diện quân sự và thái độ quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở cả Ấn Độ Dương lẫn Biển Đông. Nêu bật sự hợp tác an ninh và quyền tự do hàng hải trong số các lĩnh vực trọng điểm then chốt của sự hợp tác hàng hải ASEAN - Ấn Độ, ông Modi đã mạnh dạn đề xuất tăng cường quan hệ giữa quân đội hai bên, bao gồm các chương trình hợp tác hải quân và một hành trình vòng quanh thế giới bằng thuyền buồm với sự tham gia của các nữ hải quân ASEAN - Ấn Độ. 

Sự chú trọng hơn của Ấn Độ đến lĩnh vực hàng hải đã được phản ánh ở việc nước này đề xuất thiết lập một cơ chế cho sự hợp tác hàng hải lớn hơn với ASEAN để giải quyết các thách thức cả truyền thống lẫn phi truyền thống. Tuy nhiên, thỏa thuận về một cơ chế như vậy, như tuyên bố của Ấn Độ trong một buổi họp báo ngắn sau Hội nghị Thượng đỉnh, không được phản ánh trong Tuyên bố Delhi, vốn chỉ lặp lại “các cơ chế liên quan đang có, bao gồm cả Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) để giải quyết các thách thức chung trong các vấn đề hàng hải”. 

Mặc dù ủng hộ việc tăng cường hợp tác hàng hải, nhưng các nước ASEAN lưỡng lự hơn về việc thiết lập một cơ chế riêng mới với Ấn Độ, đặc biệt là một cơ chế mang tính chiến lược, mà có thể được hiểu là nhằm vào Trung Quốc. Hơn nữa, phạm vi làm việc của cơ chế được đề xuất này là không rõ ràng và không dễ xác định khi xét tới tính chất đa chiều của các vấn đề hàng hải. Một số nền tảng hàng hải liên khu vực của ASEAN bao gồm EAMF đang bị thả nổi do thiếu một phương hướng và chỗ đứng rõ ràng. Do vậy, ASEAN sẽ có những bước đi thận trọng đối với vấn đề thể chế hóa, mong muốn cởi mở và bao trùm hơn, và tránh sự trùng lặp với các thể chế hiện có, chẳng hạn như EAMF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). 

Trật tự khu vực mang tính cởi mở, cân bằng và bao trùm 

Ấn Độ ngày càng coi chính sách Hành động phía Đông của mình như một sự chấp nhận mạnh mẽ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. New Delhi coi ASEAN là một chiếc cầu tự nhiên để vươn đến Thái Bình Dương - bằng con đường ngoại giao thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn đầu và cụ thể thông qua các dự án liên kết. Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã làm rõ trong bài phát biểu của ông vào ngày 11/7/2017 ở Singapore: “Thiếu vắng ASEAN, sự biến đổi của châu Á - Thái Bình Dương thành Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hẳn sẽ không bao giờ xảy ra”. 

Thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được Modi nhắc đến trong suốt Hội nghị thượng đỉnh nhưng không được nhắc đến trong Tuyên bố Delhi. Vào lúc này, ASEAN miễn cưỡng chấp nhận khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn còn mới mẻ mà có thể có những ý nghĩa khác nhau đối với những bên tham gia khác nhau. Trong số các nước ASEAN, Indonesia - quốc gia này nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và là một thành viên tích cực của Hiệp hội vành đai Ấn Độ Dương (IORA) - có lẽ là nước dễ chấp nhận thuật ngữ này nhất. Tuy nhiên, Indonesia vẫn giữ lập trường rằng khái niệm này cần được phát triển hơn nữa “dựa trên tính cởi mở, bao trùm và tinh thần hợp tác”. Về đề xuất của Mỹ về “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” đã được Nhật Bản, Ấn Độ và Úc chấp thuận, ASEAN vẫn rất cẩn trọng. Bất chấp những nhập nhằng của nó, đề xuất này rõ ràng loại trừ Trung Quốc và có khả năng loại bỏ cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm để ủng hộ sự liên kết dựa vào các cường quốc lớn dưới hình thức Bộ tứ. Do vậy, ASEAN chắc chắn rằng Tuyên bố Delhi nhắc lại mức độ liên quan của các khuôn khổ và các cơ chế đang tồn tại do ASEAN dẫn đầu. 

Mặc dù thái độ của họ đối với khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” là khác nhau, nhưng có một sự nhất trí giữa Ấn Độ và ASEAN trong việc đảm bảo một cấu trúc khu vực mang tính cởi mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên các quy tắc”. Tham dự Hội nghị thượng đỉnh và bình luận về sự kiện này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - đồng chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh - nhấn mạnh rằng “ASEAN và Ấn Độ chia sẻ những lợi ích chung trong một cấu trúc khu vực mang tính cởi mở, cân bằng và bao trùm”. “Cân bằng” không được thường xuyên sử dụng trong danh mục các thuật ngữ về cấu trúc khu vực của ASEAN, do đó, việc đưa thuật ngữ này vào giờ đây tiết lộ rằng các nước ASEAN không muốn có một trật tự khu vực chịu sự sai khiến của bất kỳ một bá chủ nào, cho dù đó là Mỹ, Trung Quốc hay một cường quốc nào khác. 

Yếu tố Trung Quốc 

Yếu tố Trung Quốc đã lộ rõ ở cả Hội nghị Thượng đỉnh lẫn trong các mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ nói chung. Mô tả của Modi về các mối quan hệ này là “không có những tranh giành và yêu sách” trong bài bình luận của ông là sự tương phản tinh vi với quan hệ ASEAN - Trung Quốc vốn đã xấu đi bởi những căng thẳng theo chu kỳ do các tranh chấp ở Biển Đông cho dù những liên kết sâu sắc về thương mại và đầu tư. Cũng bằng việc đưa ra “một tầm nhìn chung về tương lai, được xây dựng dựa trên cam kết về sự dung nạp và hội nhập, và niềm tin vào sự bình đẳng về chủ quyền của tất cả các quốc gia bất kể kích thước”, ông Modi rõ ràng đã đánh đúng tâm lý của các nước ASEAN về hình thái của trật tự kinh tế - an ninh khu vực, lợi dụng sự lo lắng thâm căn cố đế của các nước ASEAN về ảnh hưởng ngày càng tăng và cách tiếp cận đôi khi độc đoán của Trung Quốc khi khẳng định các lợi ích ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Biển Đông.

Có những sự tương phản và tương đương khác trong bài bình luận của Modi mà miêu tả Ấn Độ như một sự lựa chọn hay thế cho mô hình phát triển và hội nhập khu vực của Trung Quốc. Sự quả quyết của ông Modi về “những con đường tự do và cởi mở dẫn đến thương mại và sự can dự” rất giống với “nhiều vành đai, nhiều con đường” đã được Ấn Độ và các nước có cùng quan điểm (Nhật Bản và Mỹ) tán thành nhằm đối phó với BRI của Trung Quốc. Và vì Trung Quốc đang cố gắng xây dựng một cộng đồng Trung Quốc - ASEAN chung vận mệnh gần gũi hơn, nên Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh một cộng đồng Ấn Độ - ASEAN lớn hơn dựa trên sự chia sẻ các giá trị và vận mệnh chung, như đã được phản ánh trong chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh. 

Nhiều tin tức truyền thông, đặc biệt là ở Ấn Độ, đã tập trung một cách khác thường vào yếu tố Trung Quốc trong Hội nghị Thượng đỉnh, mô tả nó như là “sự phản đòn về mặt ngoại giao của Ấn Độ nhằm vào Trung Quốc”, hay một “dịp để Ấn Độ tự phô trương như là một sự lựa chọn hấp dẫn thay thế cho Trung Quốc” và “để làm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực”. Một mô tả kép như vậy hứng chịu sự chỉ trích từ phía phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, người đã lưu ý đến nỗi ám ảnh ở những phương tiện truyền thông nhất định của Ấn Độ về việc phải “ngay lập tức gắn mọi động thái của chính phủ và các lãnh đạo Ấn Độ với Trung Quốc”. 

Chắc chắn là sự thay đổi của cán cân quyền lực ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và những mối lo lắng chung về sức mạnh vượt trội của Trung Quốc và sự sao nhãng của Mỹ trong thời đại của Trump đã đưa ASEAN với Ấn Độ xích lại gần nhau hơn. Đối với nhiều nước ASEAN, Ấn Độ là một đối trọng chiến lược với Trung Quốc và là một đối tác kinh tế có lợi trong tương lai để họ từ bỏ sự phụ thuộc ngày càng tăng của mình vào Trung Quốc. Tăng cường sự can dự với Ấn Độ và các cường quốc khác giúp tối đa hóa các lựa chọn của ASEAN, phù hợp với việc nước này theo đuổi một trạng thái cân bằng đa chiều năng động ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, quan điểm nhìn nhận sự tiến bộ của quan hệ ASEAN - Ấn Độ hoàn toàn thông qua tham vọng chống lại Trung Quốc là quá đơn giản. Sự miêu tả này không xét tới các giá trị thực chất của quan hệ ASEAN - Ấn Độ vốn “mang tính độc lập” như tuyên bố của Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran. Không có bất kỳ lời phủ nhận nào đối với sự cạnh tranh và cán cân quyền lực đang tồn tại trong các vấn đề giữa 3 bên ASEAN - Ấn Độ - Trung Quốc, nhưng không theo suy nghĩ cũ rằng các thuật ngữ này được sử dụng thường xuyên vì ASEAN không có khả năng cũng như mối quan tâm đến việc kiềm chế Trung Quốc. Điều ASEAN luôn cố gắng đạt được khi chìa tay ra với cả các đối tác bên ngoài là duy trì một trật tự mang tính cởi mở, cân bằng và bao trùm ở Đông Nam Á. 

Kết luận 

Hội nghị Thượng đỉnh kỉ niệm quan hệ ASEAN - Ấn Độ đã mang lại cho ASEAN và Ấn Độ một cơ hội có giá trị để chứng tỏ ý chí chính trị của họ trong việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên thông qua các sáng kiến cụ thể và có ý nghĩa. 

Về phần Ấn Độ, Thủ tướng Modi và chính phủ của ông đã đầu tư đáng kể vào Hội nghị thượng đỉnh để mang lại hiệu quả cho chính sách Hành động phía Đông của họ, vốn được nhìn nhận công khai là phù hợp với sự kiện này và các sáng kiến khác được tạo ra để chứng minh cho mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Ấn Độ. Thông qua Hội nghị thượng đỉnh, người ta có thể thấy rằng Ấn Độ đã trở nên chủ động và toàn diện hơn trong việc tăng cường sự can dự nhiều mặt và mang tính chiến lược với ASEAN. Được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và các cải cách trong nước, Ấn Độ giờ đây đang chìa tay ra với ASEAN một cách tự tin và hăng hái hơn. 

Tuy vậy, có một hố sâu ngăn cách giữa tham vọng và khả năng thực hiện của Ấn Độ. Thương mại vẫn là một điểm nhức nhối. Việc hiện thực hóa RCEP là hết sức quan trọng về mặt tài chính và chiến lược đối với cả ASEAN lẫn Ấn Độ, vì thế cần phải đưa ra những đề xuất mang tính đổi mới để thuyết phục Ấn Độ tham gia. Về vấn đề liên kết, chống khủng bố và hợp tác hàng hải, các hành động trên thực địa vẫn không gây được ấn tượng. Nếu Ấn Độ nghiêm túc về mở rộng ảnh hưởng của họ về phía Đông và thể hiện bản thân là một đối tác chiến lược đáng tin cậy của ASEAN, thì họ cần thực hiện và hoàn tất nhiều việc hơn nữa.

Hoàng Thị Hà và Termsak Chalermpalanupap là hai nhà Nghiên cứu hàng đầu (về An ninh Chính trị) tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) – Yusof Ishak Institute. Bài viết được đăng trên ISEAS, số 8 năm 2018.

Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/6917-asean-an-do-chinh-sach-hanh-dong-phia-dong-de-loi-noi-di-doi-voi-hanh-dong

Nguồn:

Cùng chuyên mục