Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bài học cho Ấn Độ trong một thế giới bị chia rẽ: Làm thế nào không để tình bạn cũ cản trở tình bạn mới

Bài học cho Ấn Độ trong một thế giới bị chia rẽ: Làm thế nào không để tình bạn cũ cản trở tình bạn mới

Hai trích dẫn của nhà sử học Toynbee có liên quan đến các sự kiện hiện tại - các nền văn minh chết do tự sát, và phương Tây đã thực hiện 'hành động xâm lược không thể tha thứ' đối với các quốc gia không thuộc châu Âu.

05:02 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Hai trích dẫn của nhà sử học Arnold Toynbee, thu thập được một cách ngẫu nhiên có liên quan đến các sự kiện hiện tại. Trích dẫn đầu tiên nói rằng, các nền văn minh chết bởi tự sát, không phải bị mưu sát. Liệu đó có phải là điều mà Nga đang thực hiện hay không? Nước này đã tràn vào Ukraine, và đang bị liên minh phương Tây dồn vào chân tường với một cuộc xâm lược địa kinh tế chưa từng có.

Hai vấn đề trên có liên quan với nhau, nhưng phải được xem xét riêng biệt. Về mặt quân sự, các lực lượng Nga hiện chiếm đóng khoảng 1/4 lãnh thổ Ukraine, nó đặt Moscow vào vị trí thuận lợi để đàm phán về sự trung lập của Ukraine và một số vùng lãnh thổ. Việc Tổng thống Vladimir Putin vẫn chưa đàm phán cho thấy rằng (bất luận đúng hay sai) việc giải mã tình hình quân sự của ông không quá đáng sợ như các nhà phân tích phương Tây nhận định.

Vấn đề nghiêm trọng hơn đối với Nga là sự cô lập địa kinh tế mà phương Tây đã áp đặt lên nước này thông qua các lệnh trừng phạt, điều này có thể không được dỡ bỏ ngay cả khi một thỏa thuận được ký kết với Ukraine. Nói cách khác, ý định của phương Tây có thể là giảm thiểu vĩnh viễn mối đe dọa chiến lược của Nga bằng cách cắt đứt thị trường dầu khí ở châu Âu. Rốt cuộc, một thượng nghị sĩ Mỹ đã cho rằng Nga là “một trạm xăng ngụy trang thành một quốc gia”!

Nga có thể tìm thấy những khách hàng khác, như Trung Quốc và thậm chí cả Ấn Độ với các mức chiết khấu. Nhưng Moscow sẽ phải trả giá. Ông Putin phản đối các lệnh trừng phạt là một lời tuyên chiến, nhưng ông đã triển khai chiến thuật địa kinh tế tương tự để chống lại các nước nhỏ ở vùng Caucasus - như Robert Blackwill và Jennifer Harris đã trình bày chi tiết trong cuốn sách năm 2016 có tên "Cuộc chiến của các thủ đoạn khác: Địa kinh tế và thuật trị quốc" (War by Other Means: Geoeconomics và Statecraft).

Các tác giả cũng chỉ ra rằng, các biện pháp trừng phạt tài chính hoạt động tốt hơn các biện pháp trừng phạt thương mại vì dòng tài chính là bội số của thương mại. Vì vậy, mặc dù đúng là đồng rúp đã phục hồi, nhưng nó dựa trên một mức lãi suất không bền vững là 20%. Chỉ có một cách duy nhất mà Nga sẽ vươn ra khỏi điều này: Trở thành một nền kinh tế suy yếu và một cường quốc suy thoái (không có chiến tranh hạt nhân).

Điều đó dẫn đến khẳng định thứ hai của Toynbee, trong Buổi tọa đàm ở Reith năm 1952, rằng phương Tây đã thực hiện “hành động xâm lược không thể tha thứ” đối với các nước không thuộc châu Âu. Ký ức của phương Tây về điều này là có thể chọn lọc một cách dễ dàng, nhưng ở các quốc gia từng bị xâm lược, điều này không hề như thế. Điều đó giải thích cho việc nhiều người trong số họ, bao gồm cả Ấn Độ, chống lại các luận điệu của phương Tây về nền tảng đạo đức cao, đặc biệt khi bàn đến thói đạo đức giả thể hiện rõ ràng trong việc đối xử với dầu nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga khác với các mặt hàng nhập khẩu tương tự của châu Âu. Đặc biệt là Mỹ khiến mọi người khó hiểu một cách đáng ngạc nhiên rằng, thế giới có thể trông khác ở New Delhi so với Washington DC, cũng như ở Berlin.

Như Ian Morris, một nhà sử học người Anh khác, đã viết hơn một thập kỷ trước trong cuốn "Tại sao phương Tây thống trị - Đối với hiện tại" (Why the West Rules - For Now), sự thống trị của phương Tây năm 2000 ít chiếm ưu thế hơn so với năm 1900. Sự suy giảm quyền lực tương đối này sẽ tiếp tục do sự trỗi dậy của Trung Quốc, cùng với khả năng chứng kiến một thế giới ngày càng đa cực. Việc vũ khí hóa địa kinh tế hiện tại sẽ chỉ thúc đẩy quá trình chuyển đổi bằng cách khuyến khích thiết lập các giải pháp thay thế cho các tổ chức có trụ sở tại phương Tây như SWIFT, hàng rào dữ liệu quốc gia và tạo ra các nền tảng kỹ thuật số quốc gia, và những thách thức đối với quyền tối cao duy nhất của đồng đô la - như nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nhận xét.

Ý thức đảo ngược của phương Tây hiện tại về sự suy giảm tương đối xuất phát từ nhận thức rằng các nền dân chủ tự do đã khẳng định sức mạnh tập thể của họ. Đúng là như thế, nhưng các sức mạnh đã được giải phóng chỉ ra những gì Martin Wolf đã viết trên Financial Times vào giữa tháng 3 rằng: “Một đợt lạm phát đình trệ kéo dài dường như là điều chắc chắn… Trong dài hạn, sự xuất hiện của hai khối với sự chia rẽ sâu sắc giữa chúng có khả năng xảy ra, bởi vì sự đảo ngược nhanh chóng của toàn cầu hóa và hy sinh lợi ích kinh tế cho địa chính trị".

Không có gì để ăn mừng ở đây. Và câu hỏi đặt ra đối với Ấn Độ, với tư cách là một cường quốc tầm trung và sự phụ thuộc lâu dài từ bên ngoài vào năng lượng và khí tài quân sự, là làm thế nào để không để tình bạn cũ cản trở việc vun đắp những mối quan hệ mới.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://theprint.in/opinion/lesson-for-india-in-a-divided-world-how-to-not-let-old-friendships-come-in-the-way-of-new-ones/898420/

Nguồn:

Cùng chuyên mục