Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bàn về vị trí và ảnh hưởng của “Chính sách Hướng đông” trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ (Phần 3)

Bàn về vị trí và ảnh hưởng của “Chính sách Hướng đông” trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ (Phần 3)

Từ khi độc lập cho đến nay, Ấn Độ coi việc thực hiện lý tưởng cường quốc là mục tiêu chính của chính sách ngoại giao nước này. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dựa trên sự thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế, Ấn Độ đã thực hiện cải cách kinh tế và điều chỉnh chính sách ngoại giao. Trong chính sách ngoại giao đa phương toàn diện đó,“Chính sách hướng Đông” với trọng tâm hướng về khu vực Đông Nam Á đã đạt được sự tiến triển to lớn. “Chính sách hướng Đông” nhằm phục vụ cho chiến lược cường quốc của Ấn Độ sẽ giúp cho sức ảnh hưởng của Ấn Độ mở rộng đến khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, từ đó thực hiện mơ ước từ cường quốc châu Á trở thành cường quốc thế giới.

05:38 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

TS. Dư Phương Quỳnh**

Trong quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ đã đạt được lợi ích kinh tế như dự kiến, thực lực kinh tế được tăng cường. Các quốc gia Đông Nam Á là một trong những đối tượng chủ yếu trong việc thu hút vốn FDI của Ấn Độ. Năm 1993, Thái Lan trở thành quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong năm tại Ấn Độ với con số 300 triệu USD, năm 1995, ASEAN trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Ấn Độ. Năm 2000, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ ASEAN chiếm 30% FDI của toàn bộ Ấn Độ. Đầu tư của ASEAN có tác dụng thúc đẩy rất lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Ấn Độ, có lợi cho việc nâng cao thực lực tổng hợp của Ấn Độ. Tăng trưởng thương mại song phương Ấn Độ - ASEAN cũng tăng trưởng tương đối nhanh, tuy Ấn Độ luôn ở vị trí nhập siêu, nhưng mức nhập siêu đang dần thu nhỏ, hơn nữa, mức đầu tư trực tiếp nước ngoài của ASEAN tại Ấn Độ vượt xa mức đầu tư trực tiếp của Ấn Độ tại ASEAN. Tóm lại, Ấn Độ là bên được lợi trong mối quan hệ kinh tế song phương Ấn Độ - ASEAN.

Ngoài ra, lợi ích bên ngoài hợp tác kinh tế Ấn Độ - ASEAN ngày càng vượt xa lợi ích về kinh tế. Hợp tác với các nước ASEAN không chỉ khiến Ấn Độ có thể khắc phục những khó khăn không thể lợi dụng Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) để tăng cường hợp tác kinh tế khu vực này, hơn nữa, còn có thể mở rộng kinh tế theo mô hình hướng ngoại trên phạm vi rộng lớn hơn. Kể từ sau khi giành được độc lập, Ấn Độ đã áp dụng mô hình kinh tế thay thế nhập khẩu làm mục tiêu nên mức độ dựa dẫm vào thương mại bên ngoài rất thấp, quan hệ thương mại với các nước ASEAN chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng thương mại. Trong cả thập niên 70 của thế kỷ trước, xuất khẩu của Ấn Độ vào các nước ASEAN không vượt quá 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ, và nhập khẩu cũng tương tự; tỷ lệ này vào thập niên 1980 là 6%, tỷ lệ nhập khẩu cũng không vượt quá 9%. Nhưng con số xuất nhập khẩu từ sau thập niên 1990 đã có sự thay đổi lớn. Năm 1998, lần đầu tiên tỷ lệ nhập khẩu của Ấn Độ từ các nước ASEAN đạt mức 13,5%, sau đó, tỷ lệ này mỗi năm đều vượt trên con số 10%[1]. Sự thay đổi này không chỉ là kết quả của việc thúc đẩy cải cách kinh tế, mở rộng đổi mới đối ngoại, chuyển hướng kinh tế hướng nội sang kinh tế hướng ngoại, cũng là kết quả của việc thực hiện chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Ngoài ra, mối quan hệ hợp tác Ấn Độ - ASEAN còn giúp Ấn Độ thay đổi quan niệm quản lý kinh tế lỗi thời, có lợi cho việc thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước. Cho nên hiệu ứng mẫu và hiệu ứng khuếch tán trong hợp tác với ASEAN không thể đo đếm bằng lợi ích kinh tế một cách đơn giản.

Hiệu ứng mẫu trong hợp tác giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á đã giảm thiểu trở lực trong hợp tác khu vực với Ấn Độ, thúc đẩy hợp tác khu vực SAARC, tăng cường tính cấp thiết trong việc nhấn mạnh hợp tác khu vực của các quốc gia Nam Á. Sự phát triển của liên minh hợp tác khu vực Nam Á được thành lập năm 1985 với vai trò chủ đạo của Ấn Độ luôn bị chậm lại do sự đan xen phức tạp về chính trị và kinh tế khu vực. Cùng với sự tăng tốc trong tiến trình hợp tác Ấn Độ - ASEAN, đặc biệt là việc thành lập “Tổ chức hợp tác sông Hằng - sông Mê Công” vào năm 2000, năm 2003, Khu vực mậu dịch tự do Ấn Độ - ASEAN được chính thức khởi động, xu thế hợp tác kinh tế Ấn Độ - ASEAN từng bước được tăng cường. Điều này đã kích thích các nước Nam Á thúc đẩy việc nhất thể hóa khu vực, khiến cho hợp tác các nước SAARC được tăng tốc. Tháng 1 năm 2004, Hội nghị lãnh đạo cao cấp các nước SAARC lần thứ 12 đã thông qua “Tuyên ngôn Islamabad”, “Hiệp tịnh tự do thương mại SAARC”,v.v. kế hoạch từ đầu năm 2006 sẽ bắt đầu từng bước xóa bỏ thuế quan nội khối, đến năm 2006, mức thuế sẽ bằng không. Thái độ tích cực của Ấn Độ cũng như sự phối hợp của các quốc gia Nam Á khác trong hợp tác khu vực SAARC có lợi cho việc thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa kinh tế khu vực Nam Á, cải thiện môi trường khu vực của Ấn Độ, củng cố hơn nữa địa vị của Ấn Độ trong khu vực. Sự phát triển trong việc nhất thể hóa kinh tế khu vực SAARC, sự hình thành khu vực mậu dịch tự do Ấn Độ - ASEAN sẽ nâng cao quyền phát ngôn trong các vấn đề quốc tế của Ấn Độ một cách to lớn. Cùng với sự mở rộng về sức ảnh hưởng, sự tham gia của Ấn Độ vào tổ chức hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ trở  thành một khả năng, lúc đó Ấn Độ sẽ thật sự trở thành một thành viên quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ châu Á bước ra thế giới, giấc mơ cường quốc của Ấn Độ sẽ có thể trở thành hiện thực.

2.2. Phản ứng của các nước về chính sách hướng Đông của Ấn Độ và ảnh hưởng của nó đối với chiến lược cường quốc của Ân Độ

Ngoại trưởng Ấn Độ Shinha cho rằng: “Sự trỗi dậy của Ấn Độ không chỉ dựa vào hành động của Ấn Độ, mà còn dựa vào phản ứng của các nước trên thế giới về tiến trình đó, cũng như môi trường khách quan của mấy mươi năm về sau”1. Trong quá trình trở thành cường quốc thế giới, phản ứng của các cường quốc hiện hữu là vô cùng quan trọng. Chính sách ngoại giao có được thực thi một cách hiệu quả hay không, ngoại trừ thực lực tự thân ra, còn có mối liên quan chặt chẽ với hoàn cảnh thế giới, trong 18 năm thực thi chính sách hướng Đông, tiến trình được tiến hành nhanh chóng, các tổ chức quốc tế và các quốc gia như ASEAN, Mỹ và Nhật Bản đều biểu thị sự hoan nghênh Ấn Độ như là “sức mạnh cân bằng với Trung Quốc”. Nhưng do khu vực Đông Nam Á nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, là khu vực giao thoa lợi ích giữa các thế lực trên thế giới, cùng với sự mở rộng sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, nên tất nhiên sẽ đụng chạm đến lợi ích đặc biệt của những cường quốc khác. Chúng tôi sẽ tiến hành phân tích phản ứng và đề phòng của ba quốc gia Mỹ, Nhật và Trung Quốc có tác dụng quyết định đến thế cục của khu vực Đông Nam Á đối với kế hoạch “Đông tiến” của Ấn Độ, cũng như những hoài nghi lo lắng và cách ứng phó đối với sự theo đuổi mục tiêu trở thành cường quốc thế giới của Ấn Độ.

2.2.1. Phản ứng của Mỹ đối với chính sách hướng Đông của Ấn Độ và ảnh hưởng của điều này đến chiến lược cường quốc của Ấn Độ

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, do nhu cầu hỗ trợ lẫn nhau trên các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, v.v.. hai nước Mỹ và Ấn Độ đã không ngừng tăng cường hợp tác, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược. Để khắc chế cái gọi là “đối thủ” Trung Quốc, nước Mỹ phải cần đến Ấn Độ. Bởi vì Ấn Độ “có năng lực giúp đỡ bảo vệ Ấn Độ Dương rộng lớn và an ninh cho khu vực xung quanh”, “Ấn Độ, Mỹ có lợi ích chung trong việc quan tâm đặc biệt đến việc Bắc Kinh không ngừng mở rộng năng lực quân sự và khắc chế ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc”[2]. Đối với chiến lược hướng Đông của Ấn Độ, nước Mỹ cho rằng, điều này có lợi cho việc giúp khắc chế ảnh hưởng không ngừng được mở rộng của Trung Quốc trong khu vực. Sau sự kiện 11 tháng 9, Ấn Độ và ASEAN đã hợp tác một cách chặt chẽ trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ấn Độ và ASEAN đều là bên bị hại của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, vì thế, hai bên đã thảo luận một cách sâu rộng vấn đề này tại Hội nghị Bali năm 2003, đồng thời đã ký kết tuyên ngôn liên minh chống khủng bố, Ấn Độ nhấn mạnh đến việc bắt tay cùng ASEAN tấn công chủ nghĩa khủng bố, cùng nhau mở ra chiến tuyến mới trong việc chống khủng bố toàn cầu. Việc hợp tác chống khủng bố của Ấn Độ và ASEAN có lợi cho mục tiêu nước Mỹ thực hiện chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế trên phạm vi toàn cầu, phù hợp với chiến lược toàn cầu của Mỹ, vì thế nhận được sự ủng hộ của Mỹ.

Căn cứ vào thái độ của Mỹ, Ấn Độ đã lợi dụng tình hình có lợi để tăng cường hợp tác với Mỹ và ASEAN, ra sức mở rộng ảnh hưởng từ Ấn Độ Dương sang Đông Nam Á và khu vực Biển Đông, xây dựng hình tượng và danh tiếng cường quốc của Ấn Độ, phá vỡ thành kiến truyền thống xem Ấn Độ là cường quốc Ấn Độ Dương và khu vực Nam Á, từ đó hướng đến mục tiêu cường quốc thế giới.

Nhưng mục tiêu chiến lược của Mỹ và Ấn Độ tồn tại sự xung đột về cơ bản. Ấn Độ muốn trở thành cường quốc thế giới, nhưng chiến lược ngoại giao của Mỹ là ngăn chặn các quốc gia có thể chống đối lại bản thân trên phạm vi toàn cầu. Ấn Độ và các nước Đông Nam Á tăng cường hợp tác quân sự, tăng cường ảnh hưởng đối với đường biển phía Đông Ấn Độ Dương, đặc biệt là eo biển Malacca, nhằm đạt đến mục đích khống chế Ấn Độ Dương, nhưng nước Mỹ có lợi ích chiến lược trọng yếu tại khu vực Ấn Độ Dương và khu vực Biển Đông. Từ khi bắt đầu mở rộng ngoại giao biển từ thế kỷ XIX, nước Mỹ đã xem việc khống chế vùng biển mang ý nghĩa chiến lược và những yết hầu trên biển là chìa khóa cho địa vị cường quốc biển, nhằm đoạt lấy điều kiện tiên quyết của địa vị bá quyền thế giới. Để duy trì địa vị này, nước Mỹ vô cùng xem trọng việc khống chế tuyến đường thông thương trên biển. Hơn nữa, những năm gần đây “chủ nghĩa can thiệp mới” của Mỹ ngóc đầu trỗi dậy, liên tục đưa quân ra nước ngoài can thiệp lần lượt ở Afghanistan và Iraq, cho nên việc khống chế tuyến hàng hải chủ yếu từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương có lợi cho hành động quân sự trên biển ở nước ngoài của Mỹ, vì thế nước Mỹ quyết không cam lòng chứng kiến tuyến hàng hải này rơi vào tay nước khác.

Trước mắt, tuy Ấn Độ chưa có thực lực khống chế tuyến hảng hài này, nhưng nước này lại có quyết tâm đó. Thủ tướng Rajiv Gandhi từng công khai tuyên bố rằng, trên nền tảng phải khống chế eo biển Malacca, eo biển Hormuz, eo biển Mandab, eo biển Sunda và eo biển Palk, Ấn Độ từ đó sẽ “khống chế tình hình từ Địa Trung Hải cho đến Thái Bình Dương”. Nguyên tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ tuyên bố rằng, “chiến lược biên giới của Ấn Độ bao gồm cả khu vực Thái Bình Dương, từ phía Tây cho đến Tây Á bao gồm vịnh Ba Tư, biển Đỏ và khu vực duyên hải phía Tây, phía Đông đến khu vực Biển Đông ở Thái Bình Dương”. Tham vọng của Ấn Độ là sự uy hiếp đối với lợi ích của nước Mỹ. Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ D. Rumsfeld cho rằng, Ấn Độ là “một quốc gia có sự uy hiếp đến dân tộc các quốc gia bao gồm nước Mỹ, Tây Âu và Tây Á”[1]. Sự mở rộng của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á được giới hạn ở mức độ không làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ, nếu không sẽ chịu sự bao vây của Mỹ. Với tư cách là siêu cường duy nhất trên thế giới, nước Mỹ sẽ quyết định, liệu Ấn Độ có thể bước vào hệ thống các cường quốc một cách thuận lợi hay không dựa trên thái độ của Ấn Độ. (Xem tiếp phần 4)

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ


[1] Siddharth Varadarajan, “Mỹ yêu cầu Nga: Ngừng cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho Ấn Độ”, Thời báo Chủ nhật (The Sunday Times), 18/02/2001.


[1] Fumio Koizumi, Quan hệ kinh tế ngoài khu vực của các nước ASEAN: Trung Quốc và Ấn Độ, Nhà xuất bản dịch thuật tư liệu Nam Dương, 2006, tr.14.

[2] Mã Gia Lực, “Phân tích về sự thay đổi trong tam giác quan hệ Mỹ, Ấn Độ và Pakistan”, Quan hệ quốc tế hiện đại, số 11, 2001, tr.14.


** Khoa Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đại học Nhân dân Quý Châu, Trung Quốc.

Nguồn:

Cùng chuyên mục