Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bàn về vị trí và ảnh hưởng của “Chính sách Hướng đông” trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ (Phần 4)

Bàn về vị trí và ảnh hưởng của “Chính sách Hướng đông” trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ (Phần 4)

Từ khi độc lập cho đến nay, Ấn Độ coi việc thực hiện lý tưởng cường quốc là mục tiêu chính của chính sách ngoại giao nước này. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dựa trên sự thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế, Ấn Độ đã thực hiện cải cách kinh tế và điều chỉnh chính sách ngoại giao. Trong chính sách ngoại giao đa phương toàn diện đó,“Chính sách hướng Đông” với trọng tâm hướng về khu vực Đông Nam Á đã đạt được sự tiến triển to lớn. “Chính sách hướng Đông” nhằm phục vụ cho chiến lược cường quốc của Ấn Độ sẽ giúp cho sức ảnh hưởng của Ấn Độ mở rộng đến khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, từ đó thực hiện mơ ước từ cường quốc châu Á trở thành cường quốc thế giới.

05:36 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 3)

TS. Dư Phương Quỳnh**

2.1.2. Phản ứng của Nhật Bản đối với chính sách hướng Đông của Ấn Độ và ảnh hưởng của nó đối với chiến lược nước lớn của Ấn Độ

Từ vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương, eo biển Malacca, Biển Đông đến “tuyến đường vận chuyển năng lượng” của Nhật Bản đều vô cùng quan trọng đối với nước Nhật. Nhật Bản là quốc gia sử dụng nguồn năng lượng lớn thứ hai thế giới, là quốc gia nhập khẩu dầu thô và khí hóa lỏng lớn nhất, đa phần lượng nhập khẩu đều đến từ khu vực Trung Đông, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca đến Nhật Bản. Nếu sự cung ứng dầu mỏ này bị đứt đoạn thì nền kinh tế Nhật sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, vì thế, tuyến vận chuyển trên biển này được Nhật Bản gọi là “tuyến đường sống của nền kinh tế Nhật”. Trên tuyến đường này, Ấn Độ nằm ở vị trí phía Bắc Ấn Độ Dương, án ngữ đúng vị trí xung yếu vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông. Ấn Độ đồng thời lại là quốc gia có tiềm lực quân sự lớn nhất trên bờ biển Thái Bình Dương, chiến lược Ấn Độ Dương chính là khống chế Ấn Độ Dương, đồng thời thông qua chính sách hướng Đông để mở rộng thế lực sang biển Đông và khu vực Thái Bình Dương. Nếu thực lực của Ấn Độ phát triển đến mức như mong muốn, có thể khống chế hữu hiệu khu vực này, thì nền kinh tế Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Trong thời kỳ hòa bình, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác, cùng nhau đảm bảo sự an toàn cho tuyến đường vận chuyển năng lượng, điều này có thể dự đoán được sự ảnh hưởng đối với nền kinh tế Nhật. Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc là quốc gia uy hiếp lớn nhất, nên tích cực hợp tác với Ấn Độ để khống chế Trung Quốc. Trên thực tế, về lâu dài thì sự uy hiếp của Ấn Độ đối với Nhật Bản không hề thấp hơn Trung Quốc, đặc biệt trong thời đại dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu, cho nên sự hợp tác Ấn - Nhật cũng chỉ trong hạn độ nhất định. Để đảm bảo an toàn cho “tuyến đường sống” của bản thân, Nhật Bản sẽ lợi dụng thực lực kinh tế to lớn của bản thân để cạnh tranh với Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời mở rộng ảnh hưởng ra khu vực Ấn Độ Dương, hạn chế thế lực của Ấn Độ để bảo vệ lợi ích của bản thân.

Sau sự kiện 11 tháng 9, Nhật Bản đã lợi dụng danh nghĩa chống khủng bố để cử hạm đội hỗn hợp của lực lượng phòng vệ để tiến vào Ấn Độ Dương thông qua khu vực biển Đông Nam Á, để ủng hộ Mỹ trong hành động quân sự tại Afghanistan. Trước khi nước Mỹ phát động cuộc chiến Iraq, Chính phủ Nhật Bản đã mượn cớ cung cấp hậu cần cho quân Mỹ để cử khu trục hạm lớp Aegis mới nhất đến Ấn Độ Dương vào tháng 12 năm 2002. Tháng 2 năm 2002, Nhật Bản chính thức cử tàu tuần tiễu cỡ lớn đến khu vực Biển Đông Nam Á để tiến hành tuần tra trên tuyến đường hàng hải eo biển Malacca, Philippines và duyên hải Indonesia. Tháng 10 năm 2003, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Bali, Nhật Bản và ASEAN đã ký kết “văn kiện khung về xây dựng quan hệ đối tác kinh tế toàn diện”. Ngoài ra, Nhật Bản còn đề xuất “Hiến chương ASEAN - Nhật Bản” với hình thức văn kiện chính trị mang tính nền tảng “quy định nguyên tắc hợp tác cơ bản cũng như có thể phản ánh hành động cụ thể của việc đoàn kết nhất trí giữa Nhật Bản và ASEAN”, nhằm bảo vệ vị trí quốc gia đầu tư và nhập khẩu lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á[1].

Ấn Độ và Nhật Bản đều muốn trở thành cường quốc thế giới, đều muốn trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đều muốn được các quốc gia Đông Nam Á ủng hộ. Đối với Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á là khu vực nền tảng năng lượng và thị trường sản phẩm của Nhật, đồng thời cũng là thị trường chủ yếu của đầu tư nước ngoài và khu vực quan trọng của việc mở rộng viện trợ, là khu vực mà nước Nhật có thể tranh thủ nhận được sự ủng hộ. Đối với Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á là khu vực ảnh hưởng truyền thống. Ấn Độ và Nhật Bản đều xem việc trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an làm tiêu chí của cường quốc chính trị. Trong vấn đề cải cách Liên Hợp Quốc, từ năm 1992, Ấn Độ và Nhật Bản cùng với 22 quốc gia khác đệ trình đề án cải cách Hội đồng Bảo an, đến năm 2005, bốn quốc gia Ấn, Nhật, Đức và Brazil cùng nhau liên minh, trong đề xuất “Phương án bốn quốc gia” về cải cách Hội đồng Bảo an có thể thấy: Hai nước Ấn và Nhật luôn ủng hộ lẫn nhau. Nhưng do đều là các quốc gia châu Á, nên nếu trong cải cách Hội đồng Bảo an chỉ được một suất cho khu vực châu Á, vậy sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Ấn Độ đặc biệt là sự cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á sẽ vô cùng kịch liệt. Trong giai đoạn hiện nay, Nhật Bản lợi dụng ưu thế của bản thân trong hợp tác với Ấn Độ nên tất nhiên sẽ có sự khống chế nhất định đối với Ấn Độ.

2.1.3. Phản ứng của Trung Quốc đối với chính sách hướng Đông của Ấn Độ và ảnh hưởng của nó đối với chiến lược nước lớn của Ấn Độ

Trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ, Trung Quốc là “kẻ thù tiềm tàng” của Ấn Độ, chiến dịch hướng Đông của Ấn Độ thể hiện rõ suy nghĩ khống chế Trung Quốc. Tương quan sức mạnh giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc có sự chênh lệch khá xa, nên phổ biến tâm lý phòng chống nhất định đối với Trung Quốc, vì thế các nước này thi hành chính sách ngoại giao cân bằng nước lớn để khống chế ảnh hưởng kinh tế, chính trị không ngừng lớn mạnh của Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á đều thể hiện sự hoan nghênh đối với chiến lược hướng Đông của Ấn Độ, tích cực tham gia hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa giáo dục khoa học với Ấn Độ, nên quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN phát triển một cách nhanh chóng. Sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực Đông Nam Á thực sự mang lại biến số mới trong an ninh khu vực quanh Trung Quốc.

Trước hết, hợp tác quân sự Ấn Độ - ASEAN đã tăng thêm áp lực xung quanh khu vực biên giới trên bộ ở khu vực Tây Nam Trung Quốc. Việt Nam - Ấn Độ là “đồng minh thân thiết” từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nay mượn cơ hội Đông tiến để tăng cường hơn nữa hợp tác quân sự giữa hai nước. Các nhà phân tích Ấn Độ chỉ ra rằng, sự phối hợp giữa hai nước Ấn Độ, Việt Nam sẽ mang lại uy hiếp đối với an toàn khu vực Tây Nam và Nam của Trung Quốc, đồng thời tạo nên ảnh hưởng bất lợi đối với Trung Quốc trên phương diện chiến lược lâu dài. Ấn Độ tích cực cải thiện quan hệ với Myanmar và xem quốc gia này là trọng điểm của “chính sách hướng Đông” nhằm khắc chế sự phát triển của mối quan hệ mật thiết giữa Trung Quốc và Myanmar. Năm 2000, Ấn Độ cùng năm quốc gia ASEAN (Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Lào, Thái Lan) thành lập “Tổ chức hợp tác khu vực sông Mê Công - sông Hằng”, điều này thể hiện rõ ý đồ cạnh tranh với Trung Quốc. Trước đó, Ấn Độ và Myanmar đều tích cực tham gia tổ chức “Hội nghị Hợp tác khu vực và phát triển kinh tế” tại Côn Minh, đồng thời thành lập “Diễn đàn Trung - Ấn -Myanmar”, nhưng sau khi thành lập “Tổ chức Hợp tác khu vực sông Mê Công - sông Hằng” thì Ấn Độ và Myanmar không còn hứng thú với “Diễn đàn Trung - Ấn - Myanmar”[2]. Các nhà phân tích cho rằng, “Tổ chức này rõ ràng muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ văn hóa truyền thống Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời gạt Trung Quốc sang một bên”.

Hai là, hợp tác trên biển giữa Ấn Độ và các nước ASEAN cũng như sự phát triển của lực lượng hải quân đã tăng thêm độ khó trọng việc giải quyết vấn đề Biển Đông của Trung Quốc, và tạo nên mầm tai họa đối với an ninh biển Trung Quốc. Khu vực biển phía Nam Trung Quốc nằm ở ngã tư thông ra các đại dương: Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, liên kết châu Á với châu Đại Dương, và mang giá trị chiến lược trọng yếu. Đồng thời khu vực này còn ẩn chứa nguồn dầu mỏ khí đốt, tài nguyên khoáng sản và tài nguyên ngư nghiệp phong phú. Trong các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei đều đang tồn tại các tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, trong đó Việt Nam, Philippines đã nhiều lần xảy ra va chạm đối kháng cùng Trung Quốc, nhưng “vẫn không có một quốc gia Đông Nam Á nào có năng lực đánh bại sự tấn công của Trung Quốc”[3]. Cho nên các nước Đông Nam Á có khuynh hướng liên hợp nhau gây sức ép lên Trung Quốc, đồng thời nỗ lực lôi léo các cường quốc bên ngoài về phía mình nhằm tìm phương thức giải quyết có lợi cho bản thân. Ấn Độ cũng mượn cơ hội này tăng cường hợp tác hải quân với các nước Đông Nam Á, nhằm mở rộng sức ảnh hưởng ở khu vực biển phía Nam Trung Quốc. Các cuộc diễn tập quân sự liên tiếp giữa Ấn Độ và các quốc gia ASEAN tại khu vực Biển Đông nhằm tăng cường sức mạnh hải quân và mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực, hành động này không những tạo nên uy hiếp về lãnh hải của Trung Quốc trên vùng biển phía Nam Trung Quốc, và cũng tạo nên độ khó trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông đối với Trung Quốc.

Ba là, việc Đông tiến của Ấn Độ cũng ảnh hưởng đến an toàn của tuyến đường vận chuyển dầu trên biển của Trung Quốc. Từ năm 1993, Trung Quốc bắt đầu trở thành quốc gia nhập khẩu hoàn toàn dầu mỏ. Dầu mỏ thông qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca đến Trung Quốc vẫn là nguồn cung chủ yếu, nếu Ấn Độ và các nước Đông Nam Á liên kết khống chế tuyến đường vận chuyển dầu mỏ vô cùng quan trọng này của Trung Quốc thì sẽ tạo nên ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Ngoài ra, sự mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ đối với Đông Nam Á cũng tạo nên sự cạnh tranh kịch liệt trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài nguyên năng lượng, v.v. với Trung Quốc.

Nhưng chúng ta cũng phải nhìn thấy việc Ấn Độ bước vào khu vực Đông Nam Á, cũng như tích cực tham gia vào các công việc của ASEAN đã tạo nên tác dụng tích cực trong việc điều hòa và hợp tác giải quyết các sự việc tại khu vực này của hai nước Ấn Độ và Trung Quốc. Hai bên có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực và cơ chế, điều này có lợi cho cả ba bên Ấn Độ, Trung Quốc và ASEAN. Hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN đã tăng cường việc xây dựng mạng lưới giao thông giữa Ấn Độ với Myanmar, Thái Lan và Malaysia, điều này cũng có lợi cho việc xây dựng đường kết nối quốc tế giữa khu vực Tây Nam Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á và Nam Á. (Xem tiếp phần 5)

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ


[1] Vương Lộ, “Các cường quốc cạnh tranh mở rộng quan hệ hợp tác với ASEAN”, Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, 2004, số 1, tr.27.

[2] Phó Tiểu Cường, “Chính sách hướng Đông của Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ”, Thời báo Hoàn Cầu, 17/05/2004.

[3] Zalmay Khalilzad, Nước Mỹ và châu Á: Chiến lược mới tình hình binh lực của nước Mỹ, Nhà xuất bản Tân Hoa, Bắc Kinh, 2001, tr.175.


** Khoa Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đại học Nhân dân Quý Châu, Trung Quốc.

Nguồn:

Cùng chuyên mục