Bàn về vị trí và ảnh hưởng của “Chính sách Hướng đông” trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ (Phần 5)
Từ khi độc lập cho đến nay, Ấn Độ coi việc thực hiện lý tưởng cường quốc là mục tiêu chính của chính sách ngoại giao nước này. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dựa trên sự thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế, Ấn Độ đã thực hiện cải cách kinh tế và điều chỉnh chính sách ngoại giao. Trong chính sách ngoại giao đa phương toàn diện đó,“Chính sách hướng Đông” với trọng tâm hướng về khu vực Đông Nam Á đã đạt được sự tiến triển to lớn. “Chính sách hướng Đông” nhằm phục vụ cho chiến lược cường quốc của Ấn Độ sẽ giúp cho sức ảnh hưởng của Ấn Độ mở rộng đến khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, từ đó thực hiện mơ ước từ cường quốc châu Á trở thành cường quốc thế giới.
TS. Dư Phương Quỳnh**
Vì thế, đối diện với tình hình Đông tiến tích cực của Ấn Độ, Trung Quốc phải tăng cường phát triển hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á, tiếp tục thúc đẩy chính sách ngoại giao hòa bình hữu hảo, láng giềng thân thiện. Trong cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á, Chính phủ Trung Quốc đã kiên trì không phá giá đồng Nhân dân tệ với thái độ có trách nhiệm, đồng thời ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á, quan tâm đến mối quan hệ giữa hai bên, đồng thời xác lập cơ chế 10+1 và 10+3. Tháng 11 năm 2002, tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, lãnh đạo Trung Quốc và các nước ASEAN đã cùng nhau ký kết “Hiệp ước khung về hợp tác kinh tế toàn diện Trung Quốc - ASEAN”, quyết định xây dựng khu vực tự do mậu dịch Trung Quốc - ASEAN trong mười năm. Tháng 10 năm 2003, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - ASEAN được tổ chức tại đảo Bali, Indonesia, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố gia nhập “Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á” (TAC), trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Đông Nam Á tham gia hiệp ước này, đồng thời ký kết tuyên bố gia nhập tuyên ngôn chung “Quan hệ đối tác chiến lược hướng đến hòa bình và phồn vinh” với ASEAN, về thực chất là nâng cao mối quan hệ giữa hai bên. Việc xây dựng khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN và Ấn Độ - ASEAN có lợi cho việc phát triển mối quan hệ Trung - Ấn, mối quan hệ chiến lược tay ba Trung - Ấn - ASEAN, và hợp tác khu vực Đông Á. Hành động tích cực của Trung Quốc ở Đông Nam Á, một mặt, khống chế sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực, tăng thêm độ khó trong việc Ấn Độ hướng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua khu vực Đông Nam Á, mặt khác, cũng có lợi cho việc nhất thể hóa châu Á và sự trỗi dậy chung của hai nước Trung - Ấn.
2.1.4. Phản ứng của ASEAN đối với chính sách hướng Đông của Ấn Độ và ảnh hưởng của nó đối với chiến lược nước lớn của Ấn Độ
ASEAN thực thi chính sách ngoại giao cân bằng giữa các cường quốc, trong đó xem Ấn Độ là một sức mạnh quan trọng trong việc cân bằng với Trung Quốc, vì thế tổ chức này đã hoan nghênh và phối hợp tích cực với chính sách hướng Đông của Ấn Độ, nên “Đông tiến” của Ấn Độ vì thế đạt được bước tiến triển to lớn. Tuy nhiên, nhìn từ lợi ích lâu dài thì mục tiêu của Ấn Độ và ASEAN có sự khác biệt, ASEAN hy vọng thông qua sự cân bằng giữa các cường quốc để đảm bảo quyền chủ đạo trong các công việc của Đông Nam Á, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực, nhưng Ấn Độ lại hy vọng thông qua bàn đạp ASEAN để mở rộng tầm ảnh hưởng sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành cường quốc thế giới. Sự khác biệt về mục tiêu này quyết định mức độ của sự hợp tác.
Các quốc gia ASEAN có sự cảnh giác với việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ. Họ hy vọng mượn sức mạnh của Ấn Độ để cân bằng các nước Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng không muốn vì thế mà gây nên mâu thuẫn và xung đột giữa các cường quốc trong khu vực này. Đối với các nước ASEAN, Ấn Độ là một nước lớn, có sức ảnh hưởng nhất định trong các vấn đề quốc tế, ASEAN lo rằng, việc để Ấn Độ tham gia quá nhiều vào công việc nội khối có thể làm giảm bớt địa vị và sức ảnh hưởng của bản thân trong các vấn đề quốc tế, vì thế, trong hợp tác với Ấn Độ, ASEAN sẽ càng cẩn thận trong việc thúc đẩy chiến lược cân bằng các cường quốc, với hạn độ hợp tác không phá vỡ sự cân bằng giữa các cường quốc trong khu vực Đông Nam Á. Điều này càng làm tăng độ khó trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực này.
Sự theo đuổi địa vị cường quốc thế giới của Ấn Độ cũng khiến các quốc gia ASEAN lo lắng nghi ngờ. Các quốc gia ASEAN đã lần lượt phản đối việc Ấn Độ thử nghiệm vũ khí hạt nhân năm 1998 để thực hiện ước mơ cường quốc. Họ cho rằng, việc Ấn Độ thử vũ khí hạt nhân đã ngăn cản nỗ lực ASEAN trở thành khu vực phi hạt nhân. ASEAN cho rằng, việc Ấn Độ từ chối phê chuẩn “Điều ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” là sự phá hoạt tổ chức này thành lập “Khu vực Đông Nam Á phi hạt nhân”. ASEAN càng có sự đề phòng đối với việc Ấn Độ được cho là có hoài bão trở thành cường quốc quân sự lớn thứ tư thế giới và trở thành cường quốc thế giới. Hành vi bá quyền ở khu vực Nam Á của Ấn Độ đã làm các quốc gia ASEAN càng phòng bị hơn.
Sự nghi ngờ phòng bị của các quốc gia ASEAN tất nhiên ảnh hưởng đến việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ tại khu vực này, từ đó ảnh hưởng đến việc nước này bước vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng dù sao thực lực các nước ASEAN vẫn còn hạn chế, hơn nữa hai bên đều có nhu cầu, vì thế ASEAN không thể ngăn cản sự hướng Đông của Ấn Độ.
Kết luận
Từ phản ứng và sự phòng bị của các cường quốc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN, chúng ta có thể thấy được một cách rõ ràng các nhân tố bất lợi trong việc thúc đẩy chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Sự cân bằng động của sức mạnh các cường quốc quyết định sự thay đổi và phát triển của cục diện chính trị và an ninh của các nước Đông Nam Á, mối quan hệ tam giác Mỹ - Nhật Bản – Trung Quốc đang chi phối sự phát triển của cục diện Đông Nam Á. Tuy thế lực của ASEAN không ngừng được tăng lên, tầm ảnh hưởng không ngừng được mở rộng, nhưng trong các vấn đề quốc tế, ASEAN vẫn chịu sự chi phối của các cường quốc. Các nước Mỹ hay Nhật vì khống chế Trung Quốc nên đã để Ấn Độ lợi dụng cơ hội ở khu vực này, nhưng các nước này cũng không để Ấn Độ làm tổn hại lợi ích thiết thân của họ tại khu vực Đông Nam Á, vì thế việc Ấn Độ bước vào khu vực Đông Nam Á khá dễ dàng, nhưng việc mở rộng tầm ảnh hưởng lại không hề dễ dàng.
Hơn nữa, thực lực bản thân Ấn Độ cũng khống chế một cách nghiêm trọng việc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á của Ấn Độ. Về thực lực hiện tại, Ấn Độ chỉ có thể là một quốc gia đang phát triển. Về phương diện kinh tế thương mại với các nước ASEAN và phương diện thu hút đầu tư từ khu vực này, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh rất mạnh của Ấn Độ, năm 2004, kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN đã vượt qua con số 100 tỷ USD, trong khi Ấn Độ chưa đạt đến con số 16 tỷ USD; đến năm 2006, kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN đã đạt đến mốc 160 tỷ USD, nhưng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ - ASEAN ở mức 23 tỷ USD. Các nước ASEAN là nguồn quan trọng trong đầu tư nước ngoài của hai nước Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng hiện tại, kim ngạch đầu tư nước ngoài từ ASEAN mà Trung Quốc thu hút được vượt xa Ấn Độ, vì thế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực ASEAN sẽ khống chế sự mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực này.
Ảnh hưởng không tốt về tình hình chính trị nội bộ, xung đột giữa Ấn Độ giáo và Hồi giáo, cũng như các vấn đề nội khối ASEAN và sự nghi kị đối với Ấn Độ cũng hạn chế việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực ASEAN. ASEAN không hy vọng mâu thuẫn Ấn Độ - Pakistan sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ của khối này và những nước Nam Á khác. Sự xung đột giữa các tôn giáo ở Ấn Độ gây nên mối quan ngại của các quốc gia có dân số phần đông theo đạo Hồi như Indonesia, Malaysia và Brunei, khiến cho khoảng cách giữa các nước này và Ấn Độ ngày càng kéo xa.
Tuy nhiên, những nhân tố có lợi cho việc thúc đẩy chính sách hướng Đông của Ấn Độ là rất rõ ràng, chủ yếu bao gồm các phương diện như lịch sử văn hóa lâu đời giữa Ấn Độ và các nước ASEAN, tiềm lực của thị trường Ấn Độ thu hút các nước ASEAN, cũng như tính bổ trợ lẫn nhau về mặt kinh tế của hai bên, sự nâng cao về sức mạnh tổng hợp quốc gia của Ấn Độ, hai bên không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, trong lịch sử chưa từng xảy ra xung đột quân sự trên quy mô lớn, và có sự nghi kị chung về sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Từ năm 1991 khi Ấn Độ thực hiện cải cách kinh tế cho đến nay, thực lực quốc gia này tăng tốc một cách mạnh mẽ, tỉ số tăng trưởng kinh tế trong cả thập niên 1990 đều duy trì trên mức 6%, tính toán dựa trên sức mua bình quân, nền kinh tế Ấn Độ vào năm 2002 đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và được cho là “siêu cường quốc phần mềm của thế kỷ XXI”. Tỷ số tăng trường GDP bình quân của Ấn Độ trong khoảng thời gian 2005 - 2008 luôn đạt mức trên 8%. Tổng thể thực lực khoa học kỹ thuật của Ấn Độ mạnh hơn hẳn ASEAN, nhưng tổng thể thực lực kinh tế của ASEAN lại mạnh hơn Ấn Độ, từ đó hình thành nên sự bổ sung cho nhau, điều này đã thúc đẩy một cách tích cực sự phát triển của mối quan hệ hợp tác giao lưu thương mại, khoa học kỹ thuật đôi bên cùng có lợi.
Từ những nhân tố bất lợi và có lợi trong việc thực thi chính sách hướng Đông của Ấn Độ có thể thấy rằng, sức mạnh tổng hợp quốc gia của Ấn Độ là nhân tố mang tính then chốt, quyết định sự thành bại của chính sách ngoại giao của nước này, cũng là nhân tố mang tính quyết định liệu Ấn Độ có thể thực hiện thành công chiến lược cường quốc hay không. “Nước yếu không có ngoại giao”, nhằm thúc đẩy chính sách hướng Đông một cách tốt hơn, để thực hiện lý tưởng cường quốc, Ấn Độ sẽ khắc phục mọi nhân tố bất lợi, áp dụng mọi cách thức để phát triển sức mạnh tổng hợp của đất nước. Chỉ cần chính trị nội bộ ổn định, kinh tế tiếp tục duy trì mức phát triển cao, việc Ấn Độ thúc đẩy chính sách hướng Đông thành công là điều có thể, từ đó ấp ủ ngoại giao bước ra châu Á - Thái Bình Dương thông qua khu vực Đông Nam Á, từ đó hướng ra toàn thế giới sẽ có thể thành công.
Tóm lại, chính sách hướng Đông, với tư cách là trọng điểm ngoại giao ở thế kỷ XXI của Ấn Độ sẽ khiến thực lực của quốc gia này bước ra khỏi khu vực Nam Á, mở rộng đến khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ cũng sẽ dần bước ra thế giới từ một cường quốc khu vực Nam Á. Cùng với sự tăng cường về sức mạnh tổng hợp, chính sách hướng Đông trong chiến lược cường quốc của Ấn Độ sẽ giúp Ấn Độ thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc thế giới./.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
** Khoa Chủ nghĩa Mác - Lênin, Đại học Nhân dân Quý Châu, Trung Quốc.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục