Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Băng thông rộng ở Ấn Độ

Băng thông rộng ở Ấn Độ

Dữ liệu gần đây cho thấy Ấn Độ gần đạt được mức cung cấp băng thông rộng cho tất cả mọi người. Nhưng tốc độ kết nối chậm vẫn là một thách thức lớn đối với Ấn Độ.

05:33 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Vào tháng 8 năm 2021, số lượng kết nối băng thông rộng ở Ấn Độ đã vượt mốc 808 triệu sau khi số lượng thuê bao mới tăng đột biến. Rõ ràng, Ấn Độ hiện đang tiến một bước gần hơn đến việc thực hiện mục tiêu cung cấp băng thông rộng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, sự vui mừng trước cột mốc quan trọng này có thể đã bị kìm hãm bởi những kết quả của bảng xếp hạng toàn cầu hàng năm về Chỉ số Chất lượng Cuộc sống Kỹ thuật số 2021 (DQL), được công bố vào tháng 9 năm 2021.

Ấn Độ đứng thứ 59 trong số 110 quốc gia theo chỉ số DQL, đã giảm hai bậc so với năm ngoái. Trong số nhiều thông số được sử dụng để đánh giá chất lượng trải nghiệm trực tuyến của người dùng, sự thiếu đồng nhất giữa tốc độ băng thông rộng và độ ổn định ở Ấn Độ là đặc biệt dễ thấy. Theo Chỉ số DQL, quốc gia này dường như được hưởng kết nối băng thông rộng tương đối ổn định nhưng tốc độ vẫn còn vấn đề. Nhìn chung, điều này đặt chỉ số “Chất lượng Internet” của Ấn Độ ở vị trí thứ 67, và xếp ở nửa cuối bảng xếp hạng.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Ấn Độ đã coi tốc độ băng thông rộng cao là điểm mạnh nhất trong sản phẩm của họ; tuy nhiên, tốc độ tiếp tục là một mối quan tâm lớn và là chủ đề của nhiều nghiên cứu. Các bên liên quan trong hệ sinh thái kết nối băng thông rộng ngày càng có ý thức cấp bách về sự cần thiết phải có một cách tiếp cận toàn diện hơn, ưu tiên chất lượng, độ tin cậy và trải nghiệm người dùng. Ví dụ, Diễn đàn Ấn Độ băng thông rộng đã tuyên bố rằng, đến năm 2025, Ấn Độ phải hướng tới mục tiêu nằm trong tốp 10 quốc gia cung cấp trải nghiệm người dùng băng thông rộng tốt nhất. Đây là sự định hướng lại các ưu tiên kịp thời và cần thiết. Mức độ tiếp cận cao và chất lượng được cải thiện của băng thông rộng có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho những nỗ lực của Ấn Độ nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Băng thông rộng, tăng trưởng kinh tế xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững 

Kết nối băng thông rộng có mối tương quan chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế xã hội. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, cứ mỗi mức tăng 10 điểm phần trăm trong mức độ thâm nhập băng thông rộng của một quốc gia sẽ giúp tăng thêm 1,38 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của quốc gia đó. Do đó, Mục tiêu 9.c của các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) mang tính chiến lược trong việc thúc đẩy các quốc gia “tăng cường đáng kể khả năng tiếp cận với CNTT-TT và phổ cập truy cập Internet với giá cả phải chăng ở các nước kém phát triển nhất vào năm 2020”. Thời hạn của mục tiêu này ngắn hơn đáng kể so với toàn bộ Chương trình nghị sự 2030. Điều này phản ánh quan điểm rằng, việc mọi người được kết nối trực tuyến sớm là rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu và mục tiêu khác của SDGs.

Một cơ quan nghiên cứu toàn cầu đã có những bằng chứng chứng minh những nghiên cứu trên là đúng, rõ ràng là băng thông rộng ở Ấn Độ sẽ có tác động làm thay đổi sự phát triển xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực quản trị, giáo dục và chăm sóc sức khỏe; tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng việc làm và GDP; và củng cố nền kinh tế tri thức. Những ý tưởng này và các giả định cốt lõi nằm trong Mục tiêu 9.c đã định hình Chính sách Truyền thông Kỹ thuật số Quốc gia (NDCP) của Ấn Độ, và kế hoạch chi tiết nhằm mục đích “kết nối Ấn Độ” bằng cách “thúc đẩy băng thông rộng cho tất cả mọi người như một công cụ để phát triển kinh tế xã hội đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ” vào năm 2022.

Nguyên tắc về chất lượng dịch vụ phải được coi là tiêu chí nổi bật và có tính quyết định nếu Ấn Độ muốn dẫn đầu về băng thông rộng. Nhưng trong khi Cơ quan quản lý viễn thông của Ấn Độ (TRAI) đã đưa ra một số khuyến nghị để cải thiện chất lượng băng thông rộng, thì phần lớn những khuyến nghị này vẫn chưa được thực hiện hoặc lồng ghép vào diễn ngôn về CNTT-TT để phát triển. Các khuôn khổ quy chuẩn chính cũng lộ ra những khoảng trống cần lời giải đạp. Khung Chỉ số Toàn cầu, một phần của SDGs, không nói về nhu cầu định lượng trải nghiệm sống của các cộng đồng tham gia băng thông rộng và CNTT-TT. Chỉ số cho Mục tiêu 9.c chỉ đơn giản là “tỷ lệ dân số được tiếp cận với công nghệ mạng di động”. Ở cấp quốc gia, một số chỉ số SDG được NITI Aayog điều chỉnh cũng có thiếu sót tương tự. Các chỉ số của Ấn Độ cho Mục tiêu 9.c là “số lượng kết nối Internet trên 100 người” và “số lượng kết nối di động trên 100 người”. Những con số này không có khả năng cung cấp nhiều thông tin chi tiết mức độ hài lòng của người dân với công nghệ kỹ thuật số.

Chi phí nhân lực của chất lượng băng thông rộng

Nhu cầu lớn về băng thông rộng và sự gia tăng đột biến trong việc sử dụng băng thông rộng từ khi bùng phát COVID-19 đã cho thấy sự bất ổn định của chất lượng Internet trong khi số lượng người dùng tiếp tục tăng lên. Kết nối kém rõ ràng đã làm cho chi phí nhân lực tăng lên.

Tất nhiên, giáo dục là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do kết nối kém khi sinh viên và giáo viên chuyển đổi ngay lập tức sang các phương thức học tập trực tuyến. Một cuộc khảo sát với 2.200 giáo viên ở Gujarat nhằm thăm dò ưu và nhược điểm của giáo dục trực tuyến cho thấy, hơn 56% giáo viên tin rằng kết nối Internet kém là yếu tố chính cản trở giáo dục. Trong số nhiều câu chuyện về học tập trực tuyến của Ấn Độ, truyền thông chú ý đến câu chuyện về học sinh ở một ngôi làng ở Mizoram, các em đã phải leo lên trên đỉnh núi trong rừng để học và thi trực tuyến, vì đây là nơi duy nhất có sóng điện thoại di động kết nối băng thông rộng, mặc dù kết nối liên tục bị ngắt quãng.

Các đơn vị quản lý địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi chất lượng Internet thấp. Và trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, quá trình tiêm chủng COVID-19 ở nông thôn đã chịu ảnh hưởng của một loạt các yếu tố bao gồm kết nối yếu và thiếu truy cập Internet. Dự án băng thông rộng nông thôn BharatNet hướng đến việc lắp đặt điểm phát Wifi ở 2,5 triệu ngôi làng, nhưng chỉ hoàn thành tại gần một nửa số làng trong danh sách, và hiện chỉ có 65.000 điểm đang hoạt động. Một trưởng làng ở Rae Bareli cho biết, điểm phát sóng mới được lắp đặt trong làng này nhưng nó không hoạt động được.

Tuy nhiên, các chỉ số trong Mục tiêu 9.c của chính phủ sẽ tính nhiều thành viên trong cộng đồng này là những người thụ hưởng các nỗ lực quốc gia nhằm cung cấp băng thông rộng cho tất cả mọi người.

Hướng tới tương lai

Khi số lượng kết nối băng thông rộng ở Ấn Độ tiến tới mốc 900 triệu, quốc gia này dường như đang trên đà đạt được mức cung cấp băng thông rộng cho tất cả mọi người. Tuy những con số đáng khích lệ nhưng còn nhiều bất bình đẳng kỹ thuật số do khu vựa địa lý, thu nhập và giới tính. Cần điều chỉnh ngay để xóa bỏ những bất bình đẳng này.

Đồng thời, vấn đề chất lượng băng thông rộng phải được giải quyết trực tiếp. TRAI gần đây đã sửa đổi ngưỡng tốc độ tải xuống tối thiểu của Internet ở Ấn Độ từ 512 kbps lên 2 mbps. Nhưng do hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Internet đã hoạt động trên ngưỡng này, có lẽ đã đến lúc định nghĩa lại về băng thông rộng và thống nhất ý kiến về nhu cầu nâng cao tốc độ Internet. Ngay cả dung lượng tải lên cũng cần được xem xét lại theo nhu cầu mới hậu đại dịch. Cần tăng cường các thỏa thuận “Chất lượng dịch vụ” (QoS) với các nhà cung cấp mạng, phát triển hệ thống mạnh mẽ hơn để giám sát việc tuân thủ các tiêu chí QoS và đảm bảo rằng người tiêu dùng nhận được chất lượng dịch vụ như cam kết.

Quan trọng nhất, phải áp dụng cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm để cải tiến chất lượng. Các nhu cầu và kinh nghiệm của cộng đồng địa phương phải được tìm hiểu rõ hơn và việc triển khai băng thông rộng được áp dụng và đánh giá chất lượng của dịch vụ. Phải xây dựng mối quan hệ đối tác sâu rộng với các cơ quan hướng tới cộng đồng và các bên phát triển, cùng với việc tạo các diễn đàn để lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng nhằm tác động đến thiết kế mạng băng thông rộng, quy trình hoạch định chính sách và điều chỉnh chính sách.

Ấn Độ chưa đạt được Mục tiêu 9.c như đã định vào năm 2020. Một số tiềm năng khác có thể đạt được trong tương lai. Khi Ấn Độ nỗ lực hướng tới đạt được các tiêu chí của NDCP vào năm 2022, Mục tiêu của Ủy ban vận động chính sách Băng thông rộng vào năm 2025 và SDGs vào năm 2030, Ấn Độ không chỉ chú ý tới tăng số lượng người dùng băng thông rộng mà bỏ qua chất lượng băng thông rộng. Việc trao quyền thực sự cho người dùng, chứ không phải chỉ quyền truy cập đơn thuần, phải được đặt ở vị trí trung tâm.

Tác giả: Anirban Sarma, nghiên cứu viên cao cấp tại ORF, chuyên nghiên cứu về phương tiện truyền thông, CNTT-TT, và học tập có sự hỗ trợ của công nghệ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/quantity-over-quality-towards-universal-broadband-in-india/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục