Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bầu cử hạ viện Ấn Độ 2019: Sự kiện chính trị quan trọng của đất nước

Bầu cử hạ viện Ấn Độ 2019: Sự kiện chính trị quan trọng của đất nước

05:59 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguyễn Tuấn Quang*

Cơ quan lập pháp

Ngày 15/8/1947, Thực dân Anh trao trả độc lập cho Tiểu lục địa Ấn Độ, đồng thời tách thành hai nước lớn nhất khu vực Nam Á là Ấn Độ và Pakistan. Ngày này được coi là ngày Độc lập của Ấn Độ. Vào ngày 26/1/1950, Hiến pháp mới được soạn thảo của Ấn Độ đã được thực thi thay thế cho Đạo luật Chính phủ Ấn Độ năm 1935. Kể từ đó, ngày này được gọi là Ngày Cộng hòa và được tổ chức kỷ niệm hàng năm như một sự kiện quốc gia với một kỳ nghỉ lễ chung ở tất cả các bang của đất nước.

Nhà nước Ấn Độ được tổ chức theo hình thức liên bang và theo thể chế dân chủ đại nghị. Ấn Độ có 29 Bang và 7 Lãnh thổ trực thuộc Trung ương với sự cùng tồn tại và hoạt động của nhiều đảng phái chính trị. Quốc hội Liên bang gồm 2 viện: Thượng viện (Rajya Sahba) và Hạ viện (Lok Sahba).

Hiến pháp Ấn Độ quy định Thượng viện có 250 ghế, trong đó 12 ghế do Tổng thống chỉ định. Những người này được lựa chọn trong số những người có trình độ hiểu biết cao và nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, nghệ thuật và dịch vụ xã hội. Tối đa 238 đại diện còn lại là từ các Bang và các Lãnh thổ trực thuộc Trung ương.

Thượng viện được bầu gián tiếp. Các thành viên đại diện cho các Bang được bầu bởi các thành viên được bầu của Hội đồng lập pháp của Bang phù hợp với cơ cấu lãnh thổ và dân số từng Bang. Với các vùng Lãnh thổ trực thuộc trung ương, cách tiến hành cũng tương tự như các Bang.

Thượng viện không bao giờ giải tán, một phần ba trong số các thành viên sẽ nghỉ hưu vào năm thứ 2. Hiện nay, Thương viện có 245 thành viên, gồm 233 thành viên từ các Bang và Lãnh thổ trực thuộc và 12 thành viên do Tổng thống chỉ định.

Hạ viện bao gồm các thành viên đại diện cho các tầng lớp xã hội, được bầu trực tiếp và thông qua phổ thông đầu phiếu. Số thành viên tối đa của Hạ viện được quy định theo Hiến pháp là 552 đại biểu (530 đại diện cho các Bang và 20 cho các Lãnh thổ trực thuộc Trung ương và không quá 2 thành viên của Cộng đồng Anglo-Indian). Số ghế Hạ viện được phân cho các Bang và Lãnh thổ trên cơ sở cơ cấu về diện tích và số dân.

Hiện nay, Hạ viện có 545 Đại biểu, trong đó 530 Đại biểu được bầu trực tiếp từ các Bang, 13 Đại biểu được bầu trực tiếp từ các Lãnh thổ trực thuộc Trung ương và 2 Đại biểu do Tổng thống chỉ định đại diện cho Cộng đồng Anglo-Indian. Nhiệm kỳ của Hạ viện, nếu không bị giải tán sớm, là 5 năm kể từ ngày của phiên họp thứ nhất theo quy định của Hiến pháp.

Nghị sĩ của Nghị viện Ấn Độ phải là người có quốc tịch Ấn Độ, tuổi không thấp hơn 30 đối với thành viên Thượng viện và không thấp hơn 25 đối với thành viên Hạ viện.

Đảng hoặc Liên minh các đảng nào dành được tối thiểu 272 ghế tại Hạ viện sẽ được quyền đứng ra thành lập chính phủ. Thủ tướng là người đứng đầu nội các, do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở kết quả bầu cử Hạ viện trong toàn quốc, nhiệm kỳ 5 năm.

Ấn Độ là nước có thể chế đa đảng chính trị. Tuy nhiên, kể từ khi giành được độc lập 1947 đến nay, chỉ có hai đảng chính trị lớn là Đảng Quốc đại (I/Congress, thành lập năm 1885) và Đảng Nhân dân Ấn Độ (Bharatya Janata/BJP, thành lập năm 1980) là tự đứng ra hoặc liên kết với các đảng khác để thành lập chính phủ sau các cuộc bẩu cử Hạ viện. Liên minh của Đảng Quốc đại là Liên minh tiến bộ thống nhất (United Progressive Alliance /UPA) và của BJP là Liên minh dân chủ quốc gia (National Democratic Alliance (NDA).

Hạ viện Ấn Độ trong những năm gần đây

Trong cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 14 vào tháng 5/2004, Đảng Quốc đại liên minh với 19 đảng giành đa số ghế (219/545, trong đó Đảng Quốc đại có 142 ghế) và đứng ra lập Chính phủ. BJP  và các đảng liên minh giành được 188 ghế, riêng BJP được 135 ghế.

Tại cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 15 năm 2009, UPA được 262 ghế, trong đó Đảng Quốc đại 206 ghế và đứng ra lập Chính phủ. NDA được 159 ghế, trong đó BJP 116 ghế.

Năm 2014, Đảng BJP đối lập giành được thế đa số tại Hạ viện với 282/543 ghế. Liên minh NDA do BJP dẫn đầu có được tới 336 ghế để lập chính phủ mới. Đây là chiến thắng vang dội nhất của BJP trong một cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ trong vòng 30 năm qua. Đảng BJP đã chiếm được đa số, giúp đảng này không phải đàm phán liên minh với các đảng nhỏ và thành lập chính phủ liên hiệp, do đó có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tự quyết định các chính sách. Đây là lần đầu tiên trong vòng 25 năm một chính đảng tại Ấn Độ giành đủ đa số tuyệt đối để có thể thành lập chính phủ độc lập. Liên minh UPA do Đảng Quốc đại dân đầu chỉ giành được 60 ghế, trong đó Đảng Quốc đại 44 ghế.

Thất bại nặng nề của UPA sau 10 năm liên tục cầm quyền tại Ấn Độ được lý giải rằng Chính phủ đang trong nhiều vụ bê bối lớn về tham nhũng, bối cảnh kinh tế Ấn Độ liên tục giảm sút, tỷ lệ lạm phát, thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai tăng, đồng rupee mất giá trong vài năm qua, khiến cử tri mong muốn có một chính phủ mạnh và ổn định để phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Liên minh NDA được cử tri cả nước cổ vũ bởi những thắng lợi của ông Narendra Modi kể từ khi ông này làm Thủ hiến Bang Gujarat từ năm 2001 đến 2014, khi ông tập trung thực thi các biện pháp cải tổ kinh tế, đưa bang này phát triển với tốc độ chóng mặt, trở thành bang có cơ cầu kinh tế công, nông nghiệp và dịch vụ hiện đại toàn diện. Trong cuộc vận động tranh cử năm 2014, ông Modi vẫn tập trung khai thác khía cạnh kinh tế, nhấn mạnh rằng ông và chính phủ của mình sẽ làm thay đổi nền kinh tế Ấn Độ như những gì đã làm với bang Gujarat, đồng thời đề cao mục tiêu chống tham nhũng trong chính quyền.

Nhũng thành tựu của Ấn Độ giai đoạn 2014 – 2019

Chính sách đối ngoại là một trong những điểm sáng của chính phủ Ấn Độ nhiệm kỳ 2014 – 2019. Quan hệ với các nước láng giềng được chú trọng đẩy mạnh, đặc biệt là với Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Afghanistan. Nước này cũng tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Canada… Ấn Độ cũng trợ giúp tài chính cho các nước như Nepal, Bangladesh, Bangladesh và Maldives để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Dưới sự lãnh đạo của ông Modi, người theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa Hindu, Chính phủ nước này đã có những biện pháp cứng rắn và khá hiệu quả để đáp trả Pakistan trong những vụ tranh chấp xảy ra tại Kashmir và với Trung Quốc trong những tranh chấp biên giới. Cũng trong những năm qua, số lượng các vụ khủng bố từ bên ngoài nhằm vào lãnh thổ Ấn Độ giảm đi đáng kể và trật tự an ninh trong nước nhờ đó được củng cố.

Với các nước châu Á, chính sách “Hành động ở phía Đông” đã thay cho “Chính sách hướng Đông” năm 1991 của chính phủ tiền nhiệm. Điều này đã được thực hiện thành công, thể hiện sự chủ động, tích cực và có mục đích để thể hiện vai trò lớn hơn, xứng đáng hơn của Ấn Độ với vị thế của một cường quốc ở khu vực và trên trên thế giới.

Chính phủ cũng đã đưa ra và thực thi sáng kiến “Make in India” nhằm tăng cường năng lực của các ngành sản xuất và chế tạo, đồng thời thu hút FDI từ nước ngoài và thu hút lao động trong nước. Mục tiêu là đưa nước này trở thành một công xưởng mới của thế giới sau Trung Quốc. Vai trò của Ấn Độ ngày càng nổi bật tại khu vực, châu lục và thế giới.

Sáng kiến “Digital India” nhằm đưa các dịch vụ của chính phủ đến với các công dân thông qua công nghệ tin học với các hạ tầng công nghệ tin học tiên tiến và kết nối mạnh mẽ giữa công dân với công dân và công dân với chính phủ. Dự kiến đến năm 2020, kết nối bang thông rộng sẽ có mặt tại tất cả các làng của Ấn Độ.

Chính phủ được coi là có hình ảnh tương đối trong sạch đối với nạn tham nhũng so với chính phủ tiền nhiệm. Nông thôn và nông dân được chú trọng nhằm giải quyết các vấn đề như nghèo đói tại nông thôn, cung cấp điện, nước sạch và vệ sinh môi trường. Gần đây, Ấn Độ đã điện khí hóa toàn bộ nông thôn rộng lớn, được đánh giá là một thành tựu quan trọng của nước này kể từ khi giành được độc lập. Con số này càng có ý nghĩa hơn vì trước năm 2014, còn đến 18.000 ngôi làng chưa được cấp điện.

Trong năm năm qua, kinh tế Ấn Độ đạt mức tăng bình quân 7,3%/năm so với mức 6,7% cùng kỳ trước đó thuộc chính phủ UPA, trở thành nền kinh tế xếp thứ sáu của thế giới và định hướng trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD năm 2024 và 10.000 tỷ USD vào năm 2030 hoặc 2031.

Tỷ trong GDP quốc gia trong GDP thế giới tăng từ 2,43% năm 2014 lên 3,08% năm 2018. Dự trữ ngoại tệ tăng từ 300 tỷ USD lên 420 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng gần gấp đôi từ 36 tỷ lên 66 tỷ USD. Lạm phát chỉ còn dưới 2,3% so với mức trước đây 10,1% vào năm 2014. Thâm hụt ngân sách được kiểm soát. Thu nhập bình quân đầu người tăng 45% từ 86.647 Rupee lên 125.397 Rupee năm 2018.

Đương kim Thủ tướng Narendra Modi sẽ tái đắc cử ?

Sáng 11/4/2019, cử tri Ấn Độ đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử Hạ viện lần thứ 17 trong cuộc bầu cử có số lượng cử tri đông nhất thế giới. Cuộc bầu cử Hạ viện của Ấn Độ sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng, chia thành 7 đợt. Đợt 1 bắt đầu từ ngày 11/4, các cử tri sẽ bỏ phiếu bầu 91 ghế tại Hạ viện. 6 đợt bầu cử tiếp theo sẽ lần lượt diễn ra trong tháng 4 và tháng 5 và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 23/5/2019.

Theo Ủy ban Bầu cử Ấn Độ (ECI), cả nước có 1 triệu điểm bầu cử và 2,33 triệu đơn vị bỏ phiếu, được phụ trách bởi trên 11 triệu nhân viên. Tổng chi phí dự kiến cho sự kiện này là 10 tỷ USD, lớn hơn bất cứ chi phí cho cuộc tổng tuyển cử nào khác trên thế giới.

Đương kim Thủ tướng Modi và Chính phủ NDA đang có nhiều lợi thế trên cơ sở những thành tựu đạt được trong năm năm qua. Về nhiệm kỳ tới, ông Modi đã thông báo: Mục tiêu của NDA là phát triển, phát triển hơn nữa và tất cả cùng phát triển.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử sắp tới cũng sẽ là thách thức với Thủ tướng Narendra Modi. Chính phủ của ông Modi đang đối diện với khá nhiều vấn đề, từ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp không như mục tiêu tới các vấn đề quốc tế như quan hệ với Trung Quốc và gần đây là căng thẳng ở khu vực Kashmir với Pakistan. Khảo sát cho thấy, khoảng cách giữa đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền (BJP) của Thủ tướng Modi đã bị rút ngắn lại so với các đảng đối lập. Giới phân tích lo ngại, đây là một lý do có thể khiến khu vực Kashmir vốn là địa bàn tranh chấp luôn nóng giữa Ấn Độ và Pakistan khó giảm nhiệt, đặc biệt khi chính phủ Ấn Độ đang chịu sức ép từ tư luận. Hơn nữa, trong các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp địa phương trong tháng 11 và tháng 12 năm 2018, diễn ra tại một số bang chủ chốt như Rajasthan, Madhya Pradesh và Chhattisgarh, BJP đã thất bại nặng nề trước Đảng Quốc đại, do cử tri không hài lòng với Chính phủ về tình trạng thất nghiệp, nông dân sống trong cảnh nợ nần, thu nhập thấp... 

Ấn Độ là nước lớn thứ bảy thế về diện tích và thứ hai về dân số, đa sắc tộc, tôn giáo và văn hóa. Đây là điểm mạnh cho các chính sách kinh tế phù hợp, nhưng cũng là thách thức nan giải với bất kỳ đảng phải và cá nhân lãnh đạo nào. Liên minh UPA đã tập hợp lại lực lượng, lợi dụng sự bất mãn của tầng lớp nông dân với một số chính sách của chính phủ đương nhiệm, sự phân liệt giầu nghèo trong xã hội, nhằm vào những điều chưa được thực hiện trong cương lĩnh tranh cử năm 2014 của BJP để giành lại sự ủng hộ của các cử tri, nhất là cử tri tại các bang lớn như Uttar Pradesh (được coi như Bang nhà với 200 triệu dân cuả Đảng Quốc đại), Bang miền Tây Maharastra, Bang miền Đông Tây Bengal…

Thủ tướng Modi được nhiều người kỳ vọng sẽ giữ một tỉ lệ ủng hộ cao để thành lập được chính phủ mới sau cuộc bầu cử. Nhưng có thể, kết quả bầu cử năm nay sẽ không là một thắng lợi áp đảo như năm 2014 cho Đảng BJP vì không giành được số phiếu đa số mà buộc phải thành lập liên minh.

Nếu dự đoán trên trở thành hiện thực, Chính phủ nhiệm kỳ tới của ông Modi tuy không hoàn toàn thuận lợi như nhiềm kỳ vừa qua, nhưng vẫn có sức mạnh trong việc tiếp tục duy trì nền kinh tế tăng trường, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng hiện đại, đưa Ấn Độ trở thành đất nước có vị trí và tiếng nói xứng đáng trên trường quốc tế./.

Nguồn tài liệu tham khảo:

+ India 2008 Publication

+ Election Commision of India (ECI)

+ India Budget 2018 –2019

+ Press Trust of India (PTI)


* Nguyên Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục