Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Biển Đông trong hợp tác Ấn Độ - Việt Nam: Tiếp cận từ lý thuyết viễn cảnh (Phần 2)

Biển Đông trong hợp tác Ấn Độ - Việt Nam: Tiếp cận từ lý thuyết viễn cảnh (Phần 2)

Từ góc nhìn của lý thuyết viễn cảnh, tác giả lập luận rằng có ba nhân tố quy định sự gắn kết Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, bao gồm: (i) sự “trỗi dậy” của Trung Quốc tại Biển Đông, (ii) lợi ích của Ấn Độ tại Biển Đông, và (iii) tầm quan trọng của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Qua lý thuyết viễn cảnh, triển vọng hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng có thể được gợi mở.

05:45 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

NCS Huỳnh Tâm Sáng*

1.2 Lợi ích của Ấn Độ tại Biển Đông

Những lợi ích nổi bật của Ấn Độ tại Biển Đông bao gồm tự do giao thương hàng hải, nguồn lợi tài nguyên và lợi ích chiến lược. Về tự do giao thương hàng hải, an ninh Biển Đông được đảm bảo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến đường thương mại trên biển của Ấn Độ đến các quốc gia Đông Á. Nếu tự do hàng hải tại Biển Đông bị đe dọa, khả năng Ấn Độ tiếp cận với Đông Nam Á - khu vực mà Ấn Độ vốn có truyền thống “định hướng hải dương hơn là lục địa”[1] sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Biển Đông là vùng biển mở có vai trò trung gian kết nối Ấn Độ và châu Á – Thái Bình Dương. Các hoạt động thương mại của Ấn Độ đến châu Á – Thái Bình Dương và qua Thái Bình Dương để đến Bắc và Nam Mỹ cũng thông qua Biển Đông. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế và ngoại giao với ASEAN cũng giúp thúc đẩy chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Như vậy, an ninh tuyến đường biển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương chỉ thuận lợi khi an ninh Biển Đông được đảm bảo. Biển Đông không chỉ là một liên kết hàng hải chiến lược giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà còn là cửa ngõ cho vận chuyển hàng hải tại Đông Á. Nếu Trung Quốc kiểm soát Biển Đông thì Ấn Độ sẽ bị giới hạn về khả năng tiến hành các hoạt động kinh tế - thương mại với các quốc gia Đông Á[2].

Về nguồn tài nguyên, dầu mỏ và khí đốt tại Biển Đông đang thuộc vào mối quan tâm đặc biệt của Ấn Độ. Thực tế, Ấn Độ đã tiến hành các dự án khai thác năng lượng xa bờ ở Biển Đông với Việt Nam từ cuối thập niên 80 khi Tập đoàn ONGC Videsh Limited (OVL) hợp tác với PetroVietnam và khai thác ở Biển Đông vào năm 1992 và 1993, phát hiện được mỏ khí Lan Đỏ và Lan Tây, ước tính có trữ lượng khoảng 58 tỉ mét khối và có thể khai thác khoảng 3 tỉ mét khối khí đốt một năm[3]. Năng lượng đang là một trong những nguồn lợi chủ yếu của Ấn Độ. Theo tính toán của Trung tâm nghiên cứu năng lượng Tata (Tata Power) thì trong 20 năm tới, Ấn Độ cần nhiều dầu mỏ và khí đốt để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đến năm 2030, 90% dầu mỏ và khí đốt của Ấn Độ đến từ nước ngoài[4]. Nguồn tài nguyên và khí đốt phong phú tại Biển Đông - vốn không quá xa cách về địa lý với Ấn Độ đã tạo nên tính tin cậy và ổn định cho việc khai thác.

Về vấn đề lợi ích chiến lược, Biển Đông nằm ở sườn chiến lược của Ấn Độ, ở điểm nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa là trung tâm chiến lược nối liền Đông Á, Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, Nam Á và Trung Đông, vừa là khu vực Ấn Độ buộc phải đi qua để tiến vào châu Á – Thái Bình Dương. Ấn Độ có thể coi Biển Đông là “vùng đệm” để ngăn chặn nước lớn bên ngoài tấn công, vừa có thể làm cho vùng biển này trở thành “bàn đạp” quan trọng để mở rộng ảnh hưởng chiến lược sang Tây Thái Bình Dương[5]. Hay nói cách khác, Biển Đông có thể được xem như “lá chắn phía đông” giúp Ấn Độ cân bằng ảnh hưởng với các cường quốc khu vực. Với việc tạo điều kiện cho một lộ trình hội nhập kinh tế mạnh mẽ hơn, Biển Đông ngày càng có tầm quan trọng đặc biệt đối với Ấn Độ.

Đồng thời, Biển Đông còn là cửa ngõ chiến lược trong chính sách hướng Đông (Look East Policy) (sau này là hành động hướng Đông – Act East Policy)[6] của Ấn Độ. Biển Đông không những giúp Ấn Độ mở rộng không gian chiến lược mà còn là vùng biển thể nghiệm khả năng của Ấn Độ trong việc thúc đẩy an ninh khu vực. Vào tháng 4/2000, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes nhấn mạnh khu vực lợi ích biển của Ấn Độ đang mở rộng “từ phía Bắc của biển Arab sang Biển Đông”[7]. Một khi an ninh Biển Đông bị đe dọa thì “việc nhìn nhận Ấn Độ với tư cách là một phần của châu Á”[8] như một trong những ý tưởng cơ bản của chính sách hướng Đông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thật vậy, Biển Đông có vai trò quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế và mở rộng không gian quyền lực của Ấn Độ. Hay nói cách khác, Biển Đông là vùng biển thử thách tư duy chiến lược và nỗ lực của Ấn Độ trong việc chủ động kết nối Ấn Độ với một khu vực năng động của châu Á – Thái Bình Dương.

Có thể khẳng định, những diễn biến gần đây tại Biển Đông đều được Ấn Độ quan tâm sâu sắc. Biển Đông có vai trò quan trọng trong chiến lược của Ấn Độ, cụ thể: (i) Các hoạt động hàng hải chủ yếu của Ấn Độ đều phải đi qua Biển Đông. Những tuyến đường biển này quyết định sự phát triển của nền kinh tế Ấn Độ; (ii) Ấn Độ có lợi ích trong việc khai thác năng lượng (chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt) trong khu vực; (iii) Từ tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” (core interest), Trung Quốc có thể tiến xa hơn đến việc gộp cả khu vực tranh chấp ở biên giới phía Bắc của Ấn Độ.

1.3 Tầm quan trọng của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam

Trong lịch sử, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam gắn kết rõ nét nhất trong chặng đường sát vai kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống là cơ sở để hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972. Đến năm 2007, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được nâng lên tầm đối tác chiến lược. Đáng chú ý là Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á và thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương (sau Nhật Bản) chính thức thiết lập quan hệ chiến lược với Ấn Độ[9]. Nếu so với quan hệ Ấn Độ - ASEAN thì quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được thiết lập sớm hơn đến 20 năm. Tính lịch sử đã kèm theo sự hiểu biết và giúp quan hệ giữa Ấn Độ - cường quốc ôn hòa (benign power) và Việt Nam - cường quốc tầm trung tiềm năng (potential middle power) trở nên gắn kết với nhận thức tương đồng về tầm nhìn khu vực và quốc tế. Nỗ lực của Ấn Độ và Việt Nam là sự tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ truyền thống tốt đẹp, cả trong phạm vi quan hệ song phương và các quan hệ phối hợp trên phạm vi khu vực và quốc tế[10].

Kể từ khi gia nhập ASEAN (1995) đến nay, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc thúc đẩy sự đoàn kết và chia sẻ giữa các thành viên. Tính năng động và sáng tạo của Việt Nam đã và đang khẳng định uy tín của Việt Nam trong nhận thức của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Chính trong bối cảnh mà những đóng góp của Việt Nam trong ASEAN ngày càng được khẳng định thì Ấn Độ xem Việt Nam như một cầu nối hòa bình để thúc đẩy quan hệ Ấn Độ - ASEAN.

Trong vấn đề Biển Đông, Ấn Độ tích cực ủng hộ quan điểm của Việt Nam về tầm quan trọng của an ninh hàng hải tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Đặc biệt, đối với Ấn Độ thì “đa phương trên biển” là công cụ hữu ích cho việc giải quyết các thách thức xuyên quốc gia và thúc đẩy các hoạt động kinh tế ở Biển Đông[11]. Biên bản ghi nhớ hợp tác dầu khí giữa ONGC Videsh Ltd (OVL) và PetroVietnam (PVN) khẳng định tầm nhìn về hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh khu vực với việc đồng thuận rằng “tự do hải ở Biển Đông không nên bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, bao gồm UNCLOS”[12]. (Xem tiếp phần 3)


[1] Baru, Sanjaya, “The Problem” Seminar [New Delhi], No. 487 [Issue on Looking East], March 2000, p. 14.

[2] Saloni Salil (2012), China’s Strategy in the South China Sea - Role of the United States and India, Centre for Air Power Studies, Kalpana Shukla KW Publishers Pvt Ltd, India, pp. 14-15.

[3] Subramanian, “The Vietnam connection”, Frontier, Vol. 20, No. 01, 2003, pp. 18 - 31.

[4] Thông tấn xã Việt Nam, Các vấn đề quốc tế, Tài liệu tham khảo đặc biệt, tháng 6/2013, tr. 18.

[5] Thông tấn xã Việt Nam, Các vấn đề quốc tế, Tlđd, tháng 6/2013, tr. 17.

[6] Chính sách “Hành động phía Đông” ra đời trong bối cảnh Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) do Thủ tướng Narendra Modi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2014. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Narendra Modi đã quyết định đổi tên “Hành động phía Đông” thay cho “Chính sách hướng Đông” - chính sách đối ngoại được đưa ra từ những năm 90 của thế kỷ 20 dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn cho việc xúc tiến kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á. Address by Anil Wadhwa - Secretary (East), Ministry of External Affairs, Government of India at the Inaugural Session of the International Relations Conference on “India’s Look East - Act East Policy: A Bridge to the Asian Neighbourhood”, Symbiosis Institute of International Studies, The International Relations Conference, 2014, p. 13.

[7] Zheng Zemin, “The Influence of Great States in the South China Sea Issue - U. S., Japan, India, Russia and the South China Sea Issue”, World Affairs Press, Beijing, 2010, p. 153.

[8] Shubhashree Sen (2006), Sino-Indian Relations in the Context of India’s Look East Policy, Thesis submitted for the Degree of Master of  Social  Sciences, Department of Political Science, National University of Singapore, pp. 44-45.

[9] Vo Xuan Vinh (2013), Vietnam – India Relation in the light of India's Look East Policy, Indian Council of World Affairs, New Delhi, pp. 19-21.

[10] Đỗ Đức Định, “Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, từ hữu nghị gắn bó hướng tới hợp tác toàn diện đối tác chiến lược” trong Ngô Xuân Bình (chủ biên) (2012), Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, NXB Từ điển Bách Khoa, Hà Nội, tr. 73.

[11] Vijay Sakhuja, “Security in the Maritime Commons Indian Perspective” in Ashley J. Tellis and Sean Mirski (ed.) (2013), Crux of Asia China, India and The Emerging Global Order, Carnegie Endowment for International Peace, pp. 155-163.

[12] Ministry of External Affairs, “Joint Statement on the occasion of the State Visit of the General Secretary of the Communist Party of Vietnam to India”, November 20, 2013, tại địa chỉ: http://mea.gov.in/incoming-visit-detail.htm?22510/Joint+Statement+on+the+occasion+of+the+State+Visit+of+the+General+Secretary+of+the+Communist+Party+of+Vietnam+to+India,  truy cập ngày 22/6/2015.


* Trường Đại học Thủ Dầu Một

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục