Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Biển Đông trong hợp tác Ấn Độ - Việt Nam: Tiếp cận từ lý thuyết viễn cảnh (Phần 3)

Biển Đông trong hợp tác Ấn Độ - Việt Nam: Tiếp cận từ lý thuyết viễn cảnh (Phần 3)

Từ góc nhìn của lý thuyết viễn cảnh, tác giả lập luận rằng có ba nhân tố quy định sự gắn kết Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, bao gồm: (i) sự “trỗi dậy” của Trung Quốc tại Biển Đông, (ii) lợi ích của Ấn Độ tại Biển Đông, và (iii) tầm quan trọng của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Qua lý thuyết viễn cảnh, triển vọng hợp tác Ấn Độ - Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng có thể được gợi mở.

05:42 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

NCS Huỳnh Tâm Sáng*

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang tại Biển Đông, Ấn Độ vẫn kiên trì hợp tác với Việt Nam, không tỏ thái độ nhún nhường những hành động khiêu khích và đe doạ từ phía Trung Quốc. Hợp tác dầu khí Ấn Độ - Việt Nam cũng ngày càng được thắt chặt[1]. Bởi lẽ, nhìn từ góc độ chiến lược thì phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ đang có khả năng thu hẹp dần do sự bao vây từ các căn cứ hải quân trong “chiến lược chuỗi ngọc trai” ('string-of-pearls' strategy) mà Trung Quốc xây dựng tại vùng Đông Bắc Ấn Độ Dương. Hơn nữa, cũng cần chú ý rằng “vùng biển Đông Nam Á nhìn từ Ấn Độ Dương là ‘sân sau’ nhưng nhìn từ Ấn Độ lại là ‘tiền sảnh’ của Ấn Độ Dương”[2]. Để đảm bảo những lợi ích chiến lược không bị tổn thương thì cách tiếp cận linh hoạt của Ấn Độ bao gồm ủng hộ và tích cực phối hợp với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Với những lợi ích chính đáng và ngày càng trực tiếp tại Biển Đông, Ấn Độ và Việt Nam cùng chia sẻ mối quan ngại trước tham vọng của Trung Quốc. Mối đe dọa từ Trung Quốc là nhân tố giúp gia tăng mức độ tương đồng về lợi ích trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ và Việt Nam đối với Trung Quốc[3]. Những căng thẳng gia tăng và phức tạp giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là lợi ích và vị thế của Việt Nam tại Đông Dương đã giúp Việt Nam trở thành đối tác tự nhiên (natural partner) của Ấn Độ trong chiến lược cân bằng quyền lực với Trung Quốc[4]. Kiên trì nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh Biển Đông, Ấn Độ và Việt Nam ngày càng xích lại gần nhau trên tinh thần hợp tác vì hòa bình và phồn vinh khu vực. Bên cạnh những động thái ngoại giao và duy trì cam kết hợp tác năng lượng, hai nước đang chú ý nhiều hơn đến lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã chuyển hướng mạnh mẽ khi vào năm 2000 Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ George Fernandes đã ký bản nghị định thư mới về quốc phòng, mở ra một cơ chế toàn diện hơn cho các cuộc thảo luận thường xuyên giữa các Bộ trưởng Quốc phòng, tập trận chung giữa hải quân và lực lượng phòng vệ bờ biển hai nước, cũng như Ấn Độ sẽ giúp đào tạo phi công cho Việt Nam[5]. Ấn Độ cam kết hiện đại hóa lực lượng an ninh quốc phòng cho Việt Nam thông qua mở rộng các chương trình đào tạo, tập trận chung, chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp các trang thiết bị quốc phòng[6]. Hải quân Ấn Độ cũng mong muốn tăng cường sự hiện diện tại khu vực, trước tiên là thúc đẩy những cơ sở để các tàu chiến Ấn Độ hiện diện tại Nha Trang[7].

Theo thời gian, cả ba nhân tố quy định sự can dự của Ấn Độ tại Biển Đông đều có xu hướng gia tăng rõ rệt. Cụ thể, Trung Quốc ngày càng làm phức tạp an ninh Biển Đông (cả về phạm vi và tần suất) thông qua liên tục duy trì những tuyên bố chủ quyền phi pháp (ngoại giao), tấn công với quy mô nhỏ qua các tàu cá được trang bị vũ khí và thiết bị công nghệ tiên tiến (quân sự) và đơn phương thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng tranh chấp (kinh tế). Bên cạnh đó, Trung Quốc còn gây sức ép với các tập đoàn dầu khí quốc tế (trong đó có ONGC) nhằm ngăn chặn các quốc gia khai thác tài nguyên, sử dụng đòn bẩy kinh tế và ngoại giao để chia rẽ ASEAN và gần đây nhất là không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc (tháng 7/2016). Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc tại Biển Đông đang tạo áp lực rõ rệt lên lợi ích lẫn quan hệ quốc tế của Ấn Độ tại khu vực.

Bên cạnh đó, bối cảnh Ấn Độ triển khai chính sách “Hành động phía Đông” cho thấy Ấn Độ ngày càng có lợi ích thiết thực và cụ thể hơn tại Đông Nam Á. Trên biển, chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc đã đặt Biển Đông vào vòng ảnh hưởng trực tiếp. Hiện nay Biển Đông là vùng biển hội tụ lợi ích chiến lược và đồng thời là không gian sinh tồn và phát triển của Ấn Độ. Trong đó, lợi ích tại Biển Đông là một bộ phận quan trọng cấu thành lợi ích chung của Ấn Độ. Trải qua thời gian, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ - Việt Nam ngày càng đi vào thực chất. Trong chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ, Việt Nam là một trục chiến lược về an ninh và kinh tế. Với tư cách là quốc gia điều phối cho đối thoại ASEAN - Ấn Độ (2015-2018), Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Trong bối cảnh mới, quan hệ hữu nghị, tin cậy là nền tảng và động lực để hai nước vững bước tiến tới tương lai.

2. Kết luận

Lý thuyết viễn cảnh cung cấp cơ sở giải thích quyết định của quốc gia trong việc tham gia vào một vấn đề quốc tế cụ thể (rõ nét nhất là các “điểm nóng”) trên cơ sở xem xét hai nhân tố lợi ích và thiệt hại. Trong trường hợp Biển Đông, lợi ích chiến lược ngày càng cụ thể của Ấn Độ tại vùng biển này đã quyết định đến tính chất can dự của Ấn Độ. Nếu lựa chọn giải pháp đứng ngoài cuộc thì lợi ích của Ấn Độ sẽ bị thiệt hại. Cơ sở này giúp hiểu rõ hơn về quyết định khá mạo hiểm của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông. Trong thực tiễn can dự để thúc đẩy an ninh Biển Đông, Ấn Độ sớm nhận thức rằng quan điểm của Việt Nam về an ninh khu vực và cách tiếp cận pháp lý để giải quyết vấn đề Biển Đông là phù hợp với định hướng của Ấn Độ. Quan hệ hữu nghị truyền thống trong quá khứ là chất xúc tác để hai nước gia tăng tính chất tin cậy trong quá trình hợp tác. Trong bối cảnh một số quốc gia trong và ngoài khu vực đã “né tránh” can dự vào vấn đề Biển Đông hoặc hợp tác hạn chế với Việt Nam trong những lĩnh vực liên quan đến Biển Đông thì sự nhất quán và kiên quyết về phương châm lẫn hành động của Ấn Độ là rất đáng hoan nghênh. Trong vấn đề Biển Đông, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam thể hiện tính “đối đẳng” - hòa bình và cùng có lợi. Với Ấn Độ là chiến lược thúc đẩy quan hệ với ASEAN và đồng thời là giải tỏa áp lực ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Với Việt Nam là nhu cầu thúc đẩy cơ chế cân bằng đa phương trong quan hệ với các nước lớn[8]. Trong tương lai, Ấn Độ có nhiều khả năng hiện diện tích cực hơn tại Biển Đông; và việc thắt chặt quan hệ Ấn Độ - Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với khả năng đáp ứng những lợi ích chiến lược của Ấn Độ và Việt Nam tại Biển Đông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ashley J. Tellis and Sean Mirski (ed.) (2013), Crux of Asia China, India and The Emerging Global Order, Carnegie Endowment for International Peace.
  2. Barbara Farnham (Ed.) (1994), Avoiding Losses/Taking Risks: Prospect Theory and International Conflict, MI: The University of Michigan Press.
  3. Danielle Rajendram, “India’s new Asia-Pacific strategy: Modi acts East”, The Lowy Institute for International Policy, 2014.
  4. Daniel Kahneman and Amos Tversky, “Prospect Theory: An Analysis of Decision under Risk”, Econometrica, Vol. 47, No. 2, 1979.
  5. Jack S. Levy, “An Introduction to Prospect Theory”, Political Psychology, Vol. 13, No. 2, 1992.
  6. Jeffrey W. Taliaferro (2004), Balancing Risks: Great Power Intervention in the Periphery, Cornell University Press.
  7. Nguyễn Hoàng Giáp (chủ biên) (2013), Cạnh tranh chiến lược ở khu vực Đông Nam Á giữa một số nước lớn hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  8. Phạm Thái Quốc (chủ biên) (2013), Trung Quốc và Ấn Độ trỗi dậy: Tác động và đối sách của các nước Đông Á, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  9. Saloni Salil (2012), China’s Strategy in the South China Sea - Role of the United States and India, Centre for Air Power Studies, Kalpana Shukla KW Publishers Pvt Ltd, India.
  10. Vo Xuan Vinh (2013), Vietnam – India Relation in the light of India's Look East Policy, Indian Council of World Affairs, New Delhi.

[1] Phạm Thái Quốc (chủ biên) (2013), Trung Quốc và Ấn Độ trỗi dậy: Tác động và đối sách của các nước Đông Á, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 309.

[2] Nguyễn Hoàng Giáp (chủ biên) (2013), Cạnh tranh chiến lược ở khu vực Đông Nam Á giữa một số nước lớn hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 169-171.

[3] Praful Adagale, “India And Vietnam: Four Decades Of Cooperation And Partnership – Analysis”, Eurasia Review, 22/2/2012, tại địa chỉ: http://www.eurasiareview.com/22022012-india-and-vietnam-four-decades-of-cooperation-and-partnership-analysis/, truy cập ngày 14/6/2015.

[4] Danielle Rajendram, “India’s new Asia-Pacific strategy: Modi acts East”, The Lowy Institute for International Policy, 2014, pp. 8-9.

[5] Jyoti, “India’s Look East Policy: In its Second Phase”, Global Journal of Pharmaceutical Sciences and Education, Research India Publications, Vol. 2, No. 1, 2013, p. 8.

[6] Press Information Bureau, Government of India, Prime Minister's Office, “English Rendering of the Prime Minister's Media Statement during the visit of Prime Minister of Vietnam to India”, 28-October-2014, tại địa chỉ: http://pib.nic.in/newsite/PrintRelease.aspx?relid=110863, truy cập ngày 16/12/2016.

[7] P K Ghosh, “India’s Strategic Vietnam Defense Relations”, The Diplomat, 11/11/2014, tại địa chỉ: http://thediplomat.com/2014/11/indias-strategic-vietnam-defense-relations/, truy cập ngày 14/6/2015.

[8] Carl Thayer, “India and Vietnam Advance Their Strategic Partnership”, The Diplomat, 11/12/2014, tại địa chỉ: http://thediplomat.com/2014/12/india-and-vietnam-advance-their-strategic-partnership/, truy cập ngày 20/6/2015.


* Trường Đại học Thủ Dầu Một

Nguồn:

Cùng chuyên mục