Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

DeepSeek và sự thay đổi nhận thức của Ấn Độ trong cuộc đua AI toàn cầu

DeepSeek và sự thay đổi nhận thức của Ấn Độ trong cuộc đua AI toàn cầu

DeepSeek đã tạo ra một bước ngoặt trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu, thay đổi cách nhìn nhận từ một cuộc cạnh tranh song phương giữa Trung Quốc và Mỹ sang một cuộc cạnh tranh rộng hơn, đặc biệt giữa các cường quốc mới nổi ở khu vực Nam Bán Cầu. Sự thay đổi này thể hiện rõ nét trong trường hợp của Ấn Độ.

03:00 26-03-2025 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

DeepSeek và sự định hình lại nhận thức của Ấn Độ về cuộc đua AI

Sự thành công nhanh chóng của DeepSeek đã tác động mạnh mẽ đến cách New Delhi nhìn nhận bối cảnh AI toàn cầu, thúc đẩy hàng loạt động thái cụ thể nhằm củng cố vị thế của Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh này. Ấn Độ đã điều chỉnh chiến lược và sáng kiến để phát triển hệ sinh thái đổi mới AI trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nhân cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.

Từ sau sự kiện DeepSeek, một làn sóng thảo luận mới đã nổ ra tại Ấn Độ, đặt ra câu hỏi quan trọng đó là: Vì sao Ấn Độ bị tụt lại so với Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực AI? Vì sao Ấn Độ chưa thể tạo ra một sản phẩm AI tương đương với DeepSeek của Trung Quốc hay ChatGPT của Mỹ?

Những câu hỏi này nhanh chóng trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận chính sách AI của Ấn Độ. Nói cách khác, DeepSeek đã làm dấy lên những hoài nghi sâu sắc hơn về vị thế của Ấn Độ trong hệ sinh thái AI toàn cầu. Mối lo ngại ngày càng gia tăng về việc Ấn Độ có thể tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc khi cả hai nước này đang dẫn đầu về công nghệ AI, từ đó định hình cảnh quan công nghệ của Ấn Độ. Nhà hoạch định chính sách Amitabh Kant[i], cựu CEO của tổ chức tư vấn chính sách công hàng đầu NITI Aayog và là đại diện G-20 của Ấn Độ, đã cảnh báo rằng, DeepSeek tượng trưng cho sự tiến bộ của Trung Quốc trong AI, ChatGPT phản ánh năng lực công nghệ của Mỹ, trong khi Ấn Độ chủ yếu vẫn là bên sử dụng các hệ thống AI này. Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng về chủ quyền AI của Ấn Độ và khả năng phát triển các công nghệ AI nội địa phù hợp với ưu tiên văn hóa và kinh tế của nước này.

Hơn nữa, DeepSeek đã thúc đẩy Ấn Độ chuyển từ chiến lược AI hướng nội sang một cách tiếp cận có tham vọng địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Trước đây, Ấn Độ xem AI chủ yếu như một công cụ phục vụ tăng trưởng kinh tế nội địa, đặc biệt để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 10% vào năm 2023 và xây dựng nền kinh tế số trị giá 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, những mục tiêu này chỉ tập trung vào việc ứng dụng AI sẵn có hơn là cạnh tranh hoặc đổi mới công nghệ. Giờ đây, Ấn Độ đang mở rộng kế hoạch nhằm cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu, xem AI như một ngành công nghiệp chiến lược không chỉ về kinh tế mà còn về địa kinh tế.

Chính phủ Ấn Độ: Nhà đầu tư chiến lược

Sau sự kiện DeepSeek, chính phủ Ấn Độ đã gia tăng vai trò lãnh đạo trong việc hỗ trợ đổi mới AI quốc gia để có thể cạnh tranh với các cường quốc công nghệ khác. Ngân sách mới nhất được trình lên Quốc hội đã tăng đáng kể mức đầu tư cho "Sứ mệnh AI Ấn Độ" – từ 66 triệu USD trong năm tài khóa 2024-2025 lên 240 triệu USD trong năm tài khóa 2025-2026[ii], tức gần gấp bốn lần.

Ngoài ra, chính phủ đã công bố hàng loạt biện pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân. Các chính sách mới bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng AI trọng điểm và cung cấp trợ cấp cho các công ty khởi nghiệp để tăng tốc phát triển. Những động thái này phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của nhà nước như một nhà tài trợ chính cho sự phát triển AI ở Ấn Độ.

Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ cũng chính thức cam kết xây dựng mô hình AI nền tảng nội địa thông qua việc mời các doanh nghiệp khởi nghiệp và tập đoàn Ấn Độ nộp đề xuất phát triển các mô hình AI đa phương thức, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), và mô hình ngôn ngữ nhỏ (SLM) phù hợp với nhu cầu của quốc gia. Chính phủ cam kết hỗ trợ tài chính, cung cấp dữ liệu chất lượng cao, và hạ tầng AI như sức mạnh tính toán được trợ giá.

Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với công cuộc khởi nghiệp AI đang tạo ra một mô hình khác biệt so với Mỹ  và Đông Á, đó là: Khác với mô hình doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt của Mỹ, chính phủ Ấn Độ tích cực hỗ trợ tài chính, dữ liệu và hạ tầng cho các công ty khởi nghiệp. Tuy có điểm tương đồng với mô hình nhà nước dẫn dắt ở Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), Ấn Độ vẫn duy trì sự độc lập cho các công ty khởi nghiệp thay vì khuyến khích họ hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn.

Hơn nữa, chính phủ Ấn Độ đang áp dụng chiến lược đầu tư vào AI không chỉ dưới dạng tài trợ mà còn có khả năng nắm cổ phần trong các công ty khởi nghiệp AI, đồng thời cho phép họ kêu gọi vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm và các chính quyền bang. Ngoài tài chính, nhà nước cũng cung cấp tài nguyên tính toán với chi phí trợ cấp đáng kể.

Ngoài ra, việc đảm bảo nguồn cung GPU là yếu tố quan trọng trong cuộc đua AI. Sau DeepSeek, Ấn Độ đã tăng cường nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng GPU với cam kết mua hơn 18.000 GPU, tăng đáng kể so với con số 10.000 trước đây. Chính phủ cũng cam kết trợ giá GPU cho các công ty khởi nghiệp Ấn Độ với mức giá chỉ khoảng 1,2 USD/đơn vị, thấp hơn nhiều so với giá thị trường toàn cầu (2-3 USD). Một cổng điện toán AI tập trung – IndiaAI Compute – cũng đã được ra mắt để tối ưu hóa phân bổ tài nguyên.

Hơn nữa, việc tiếp cận dữ liệu chất lượng cao là yếu tố quyết định trong cuộc đua AI toàn cầu. Trước bối cảnh đó, chính phủ Ấn Độ đã triển khai AIKosha[iii] vào ngày 6/3/2025, một nền tảng trung tâm cung cấp bộ dữ liệu lớn phi cá nhân cho cộng đồng nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức học thuật trong nước.

DeepSeek đã khiến Ấn Độ nhìn nhận lại vị thế của mình trong cuộc đua AI, dẫn đến hàng loạt thay đổi chính sách quan trọng. Tuy nhiên, để đạt được thành công bền vững, Ấn Độ cần một chiến lược dài hạn, kết hợp giữa hỗ trợ nhà nước và đổi mới khu vực tư nhân – tương tự cách Đông Á đã làm với AI và công nghiệp bán dẫn. Nếu duy trì định hướng này, Ấn Độ có thể định hình lại vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh AI toàn cầu.[i] https://indianexpress.com/article/opinion/columns/in-the-ai-race-what-india-needs-to-do-9823962/
[ii] https://www.ibef.org/news/government-to-develop-custom-ai-model-for-indian-use-us-240-2-million-rs-2-000-crore-allocated
[iii] https://pib.gov.in/PressReleasePage.aspx?PRID=2108961

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục