Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Bình luận về quan điểm sai lệch của Thủ tướng Singapore về vai trò của Việt Nam tại Campuchia

Bình luận về quan điểm sai lệch của Thủ tướng Singapore về vai trò của Việt Nam tại Campuchia

05:11 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS, TS Lê Văn Toan*

Ngày 31/5/2019, trong bức điện chia buồn gửi tới đám tang cố Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Thái Lan, tướng Prem Tinsulanonda, Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long viết:

Sự lãnh đạo của tướng Prem có lợi cho cả khu vực. Trong thời gian Ngài làm Thủ tướng có thời điểm năm quốc gia khu vực Đông Nam Á cùng tập hợp lại thành nhóm ASEAN để cương quyết chống lại việc Việt Nam xâm lược Campuchia và dựng lên Chính quyền Campuchia thay thế cho Khmer Đỏ. Thái Lan đã ở điểm đầu chiến tuyến, đối đầu với các lực lượng Việt Nam triển khai dọc biên giới của Thái Lan với Campuchia. Tướng Prem kiên quyết không chấp nhận việc đó. Được sự ủng hộ của Ngoại trưởng và Thủ lĩnh không quân tài năng Marshal Siddhi Savetsila, Tướng Prem đã làm việc với các đối tác ASEAN để hỗ trợ các đội quân của Liên minh Chính phủ Kampuchea Dân chủ từ địa phận Thái Lan, và dùng diễn đàn quốc tế này để lên tiếng chống lại sự chiếm đóng của Việt Nam[1].

Bức điện chia buồn còn được đăng tải trên trang Facebook của cá nhân Thủ tướng Lý Hiển Long vào cùng ngày. Nghiêm trọng hơn, thông điệp này còn được nhắc lại tại Diễn đàn định hướng chiến lược An ninh (IISS) Đối thoại Shangri-La vào ngày 31/5/2019, như sau:

Trước đó, Việt Nam đã xâm lược Campuchia, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các quốc gia láng giềng không theo chế độ cộng sản[2].     

Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ quan điểm nêu trên. Trước hết, điện chia buồn không nên bị lợi dụng để chính trị hóa cho dù người quá cố là một nguyên thủ hay một người dân thường. Thứ hai, việc lên án kết tội quốc gia khác, cũng là một quốc gia thành viên ASEAN khi quốc gia này không có động thái kích động, và việc đào bới lại lịch sử bằng quan điểm một chiều không phản ánh thiện ý của Thủ tướng Singapore.

Hà Nội phản đối mạnh mẽ các nhận xét nói trên của nguyên thủ quốc gia Singapore, và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ phản đối quan điểm sai lệch trong lời phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long về vai trò của Việt Nam tại Campuchia vì một số lý do như sau.

Thứ nhất, Thủ tướng Lý Hiển Long đã hoàn toàn phớt lờ sự thật lịch sử rằng, chế độ Khơme Đỏ tại Campuchia là một mối nguy hại cho an ninh, an toàn của người dân Campuchia và là một thách thức đối với an ninh và sự ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Chế độ diệt chủng Khơme Đỏ đã hành quyết 3 triệu người[3] và nhiều người khác bị chết vì lao động khổ sai, bệnh tật, đói khát và những hành động vô nhân tính xa lạ với phẩm giá loài người.

Thứ hai, thay vì cần phải cảm ơn vai trò của Việt Nam trong việc cứu hàng triệu mạng sống của người dân Campuchia trong thập niên 1970, Thủ tướng Singapore lại lên giọng buộc tội. Cần phải xét lại vai trò của Singpore trong các hành vi diệt chủng của Khơme Đỏ. Cần lưu ý một khía cạnh quan trọng rằng cơ quan Liên hợp quốc đã có các hành động pháp lý phù hợp để luận tội Khơme Đỏ

Sự thật là, năm 1997, Chính phủ Campuchia đã thành lập tòa án Khơme Đỏ dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (ECCC) để điều tra tội ác do Khơme Đỏ gây ra. Tòa án này có sự tham gia của các thẩm phán Campuchia và quốc tế và hoàn toàn không thiên vị. Sau rất nhiều phiên làm việc kéo dài, tòa đã xem xét từng sự kiện trong chuỗi hành vi tội ác chống lại loài người do Khơme Đỏ gây ra ở Campuchia.

Vào ngày 16/11/2018, tòa ECCC đã ra phán quyết, công bố tội ác của Khơme Đỏ gây ra đối với người Campuchia và cả dân thường Việt Nam. Phán quyết buộc tội Nuon Chea, Phó tổng bí thư Đảng Cộng sản Campuchia, và Khieu Samphan, Chủ tịch quốc gia dân chủ Kampuchea thời Khơme Đỏ, với tội danh chống lại loài người. Tòa đã kết luận các thủ lĩnh của chế độ đó đã trực tiếp tham gia vào các hành vi tội ác[4]. Phán quyết của tòa đã trả lại công bằng cho hàng triệu nạn nhân, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thứ ba, Việt Nam đưa quân tình nguyện tới Campuchia để tự vệ chống lại Khơme Đỏ. Từ năm 1975 đến 1978, Khơme Đỏ đã gây ra hàng loạt những cuộc đột kích để thảm sát dân thường trên toàn tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam. Sau khi bị lực lượng vũ trang Việt Nam tiêu diệt, tàn quân Khơme Đỏ rút chạy về biên giới giữa Thái Lan và Việt Nam. Sự hiện diện của lực lượng vũ trang Việt Nam tại vùng biên giới Thái Lan là nhằm mục đích truy đuổi tàn quân Khơme Đỏ, và không nhằm mục đích tấn công Thái Lan và người Thái Lan. Quân tình nguyện Việt Nam đóng tại Campuchia cho tới năm 1989 để bảo vệ người dân Campuchia, và sau đó chuyển giao cho Chính quyền Tiếp quản do Liên hợp quốc điều hành từ năm 1992.

Thứ tư, lãnh đạo và nhân dân Campuchia đánh giá cao vai trò của Việt Nam. Tướng Hun Many, con trai của cực Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đồng thời là Nghị sĩ quốc hội Campuchia, phát biểu vào ngày 1/6/2019 như sau: “Trong khi các nước khác đứng ngoài vì lý do chính trị, Campuchia chỉ còn biết cầu nguyện sự giúp đỡ. Chúng tôi muốn được cứu thoát khỏi chế độ diệt chủng Khơme Đỏ, không cần biết ai sẽ giúp và giúp thế nào. Cuối cùng sự giúp đỡ đến từ Đảng Nhân dân Campuchia, với sự hỗ trợ của người láng giềng Việt Nam”[5].

Vào ngày 3/6/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, tướng Tea Banh nói: “Chúng tôi coi việc họ [Việt Nam] đến đây là để cứu chúng tôi…Ông ta [Lý Hiển Long] nói Việt Nam xâm lược Campuchia là hoàn toàn sai. Chúng tôi muốn ông ấy [Lý Hiển Long] phải cải chính”[6].

Lời nói của lãnh đạo Singapore đã làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Chúng tôi mong chờ Ngài Thủ tướng Lý hiển Long sẽ có lời xin lỗi và cải chính. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói ngày 4/6/2019 rằng, Việt Nam lấy làm tiếc vì Thủ tướng Singapore đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận. Bà nhấn mạnh “Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cùng các thành viên khác làm hết sức mình vì mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh, thống nhất, đoàn kết và có vai trò trung tâm tại khu vực"[7].

Trong khi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định chính trị, và hòa bình trong khu vực, những nhận xét của Thủ tướng Singapore không đóng góp cho những mục tiêu này. Các cơ hội phát triển luôn đi kèm với những thách thức trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quan điểm xuyên tạc lịch sử của Thủ tướng Singapore tạo ra những rắc rối không đáng có trong khối ASEAN, gây ra những mối xung đột tiềm tàng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự thật và lịch sử cần được tôn trọng để làm cơ sở xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại, kiến tạo hòa bình cho khu vực.

Cộng đồng quốc tế cần có cái nhìn đúng đắn về các hoạt động quân sự của Việt Nam chống lại chế độ diệt chủng Khơme Đỏ tại Campuchia trong giai đoạn từ 1978 đến 1989. Mọi dữ liệu cần được kiểm chứng và phân tích thấu đáo trước khi đưa ra bất cứ một bình luận hay tuyên bố nào./.


* Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] https://www.pmo.gov.sg/Newsroom/Condolence-Letter-on-the-Passing-of-Former-Thai-PM-General-Prem-Tinsulanonda

[2] https://www.pmo.gov.sg/Newsroom/PM-Lee-Hsien-Loong-at-the-IISS-Shangri-La-Dialogue-2019

[3] William Shawcross, The Quality of Mercy: Cambodia, Holocaust, and Modern Conscience (Touchstone, 1985), p115-6.

[4] https://www.eccc.gov.kh/en/articles/trial-chamber-eccc-sets-16-november-2018-pronouncement-judgement-case-00202

[5] https://www.phnompenhpost.com/national/hun-many-surprised-singapore-leaders-remarks

[6] https://www.theonlinecitizen.com/2019/06/04/cambodias-defence-minister-cpp-lawmaker-rebut-pm-lees-vietnamese-invasion-remark/

[7] https://tuoitre.vn/viet-nam-lay-lam-tiec-phat-ngon-cua-thu-tuong-ly-hien-long-ve-van-de-campuchia-20190604205840863.htm?fbclid=IwAR338uv4RdjyxiVFOKi7whYejCs0MQyYOSmKGGAZ8g-x5WIVI5gZz6X3g9M

Nguồn:

Cùng chuyên mục