Bốn thách thức lớn của Thủ tướng Modi
Ít ai ở Ấn Độ lại không ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Narendra Modi đưa quốc gia này trở thành một cường quốc công nghiệp. Tuy nhiên, Thủ tướng Modi sẽ phải vượt qua 4 thách thức lớn để đạt được mục tiêu tạo ra hàng triệu việc làm và thúc đẩy nền kinh tế.
Thách thức đầu tiên của ông, được kế thừa từ chính phủ tiền nhiệm, là giải quyết khoản thâm hụt trầm trọng trong hạ tầng điện và giao thông, mà theo ước tính của chính phủ tiền nhiệm thì phải cần đến 1.000 tỉ USD đầu tư mới. Cho dù tăng trưởng kinh tế đang ở mức khiêm tốn 5%/năm, song hệ thống đường sắt, đường bộ, cảng và sân bay của Ấn Độ đang bị quá tải bởi lưu lượng giao thông lớn và quản lý tồi. Các nhà xuất khẩu phải chi trả gấp đôi mức họ phải trả tại Trung Quốc để chuyển một côngtennơ từ nhà máy tới tàu.
Một hình ảnh đã trở thành "chuyện thường ngày" ở Ấn Độ là cảnh hàng nghìn côngtennơ hàng hóa nằm chờ tới lượt được chuyển từ miền Bắc Ấn Độ tới các cảng biển miền Tây để xuất khẩu, trong khi có thêm 40.000 - 50.000 côngtennơ hàng nhập khẩu chất đống gần các bến cảng vì thiếu tàu hỏa đưa chúng vào sâu trong đất liền. Tình trạng quá tải ngày một trầm trọng bởi nhu cầu nhập khẩu thêm hàng triệu tấn than do sự yếu kém của công ty than Coal India do nhà nước quản lý cùng những tranh chấp về chính sách với các thợ mỏ tư nhân.
Thách thức thứ hai của ông Modi là sự thiếu lòng tin của các nhà đầu tư vào khả năng hay quyết tâm của Chính phủ Ấn Độ và giới lãnh đạo nước này trong việc duy trì các chính sách một cách nhất quán và tuân thủ cam kết hợp đồng. Sự thiếu nhất quán về chính sách đã được thể hiện qua vụ truy thu thuế hàng tỉ USD đối với hãng cung cấp mạng viễn thông di động Vodafone của Anh. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã hủy một thỏa thuận về thương mại thế giới và liên tục đình hoãn việc thực hiện tăng giá trả cho các nhà sản xuất khí đốt thiên nhiên như đã được nhất trí trước đó. Ông Rajat Kathuria, đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu các mối quan hệ kinh tế quốc tế, nói rằng chính quyền của Thủ tướng Modi cần vượt qua "sự mất lòng tin rất lớn giữa chính phủ và khu vực tư nhân".
Thách thức thứ ba của ông Modi, cũng là một vấn đề lịch sử để lại, là chất lượng giáo dục. Theo ông, nếu Ấn Độ đầu tư cải thiện chất lượng giáo dục trong vòng 25 năm qua như những gì Hàn Quốc đã làm từ năm 1962 thì nước này sẽ giàu gấp bốn lần so với hiện nay.
Các nhà phê bình đồng ý rằng ông Modi nhận thức được những trở ngại này và đang cố gắng vượt qua. Về cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Modi nói hệ thống đường sắt sẽ cần đầu tư hàng tỉ USD, trong khi các nhà tư vấn giao thông chờ đợi chính phủ sẽ thông qua các hợp đồng xây dựng 10.000 km đường mới vào tháng 1/2015. Về chính sách, ông Modi nói trong chuyến thăm Mỹ vừa qua rằng ông hiểu tầm quan trọng của việc "ổn định thuế" và coi phán quyết của Tòa án Tối cao về ngành than là một cơ hội để "làm trong sạch quá khứ" và tiến về phía trước. Về giáo dục, ông đã nhiều lần nói đến việc đầu tư vào các trường học và trường dạy nghề.
Thách thức thứ tư và cũng là cuối cùng nằm ở chất lượng chính phủ của ông và cách ra quyết định, vốn tập trung chủ yếu ở văn phòng thủ tướng.
Thủ tướng Modi vẫn đang truyền niềm tin và hy vọng vào giới doanh nghiệp. Nhưng hẳn nhiên ông sẽ phải dồn mọi nhiệt huyết và kỹ năng chính trị của mình để bắt đầu thực hiện giấc mơ biến Ấn Độ thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm cuối trong nhiệm kỳ 5 năm của mình.
(Theo "Thời báo Tài chính", Anh - baotintuc.vn)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục