Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các tầng lớp trung lưu Ấn Độ: Văn hóa chính trị và kinh tế mới nổi (Phần 1)

Các tầng lớp trung lưu Ấn Độ: Văn hóa chính trị và kinh tế mới nổi (Phần 1)

Tầng lớp trung lưu đã trở thành một phạm trù lịch sử và xã hội học quan trọng ở Ấn Độ hiện đại. Ý tưởng Ấn Độ là một quốc gia dân tộc và dân chủ hiện đại đã được hình dung và đặt nền tảng bởi các tầng lớp trung lưu mới nổi trong giai đoạn cuối thời kỳ thực dân Anh cai trị khu vực tiểu lục địa. Sự lãnh đạo của tầng lớp trung lưu trong phong trào dân tộc của Ấn Độ cũng tạo các giá trị nền tảng cho đất nước mới độc lập sau khi chế độ thực dân kết thúc. Trong hai thập kỷ qua, tầng lớp trung lưu Ấn Độ đã được tán dương bởi những thành tựu kinh tế của nó trong nền kinh tế toàn cầu mới. Nó cũng đã được mở rộng về quy mô, cung cấp cơ sở thị trường quan trọng cho quá trình tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị dân chủ.

05:40 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Các tầng lớp trung lưu Ấn Độ: Văn hóa chính trị và kinh tế mới nổi*

Surinder S. Jodhka / Aseem Prakash**

Bối cảnh kinh tế vĩ mô

          Với dân số gần 1,2 tỷ, Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới hiện nay. Bất chấp vị trí của nó trong cái gọi là Thế giới Thứ ba, một phần miền Nam đang phát triển, Ấn Độ đã nổi lên như một trong những nền kinh tế sôi động nhất và phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đều đặn từ 7-9%. Ngay cả khi các nền kinh tế phương Tây gặp phải suy thoái kinh tế trong những năm gần đây thì kinh tế Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn 5%. Việc Ấn Độ hiện nay đang ngày càng bắt kịp với các nước như Trung Quốc, Brazil hoặc Nam Phi và các cường quốc kinh tế mới nổi của thế giới là điều không phải ngạc nhiên.

          Ấn Độ đương đại cũng là vùng đất của những mâu thuẫn. Mặc dù nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và chính trị dân chủ mạnh mẽ nhưng nó vẫn là quê hương của một số lượng rất lớn người dân nghèo, lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác về số lượng tuyệt đối. Mặc dù quá trình tăng trưởng kinh tế đã cho phép Ấn Độ giảm nghèo, cả về tuyệt đối cũng như tương đối, nhưng bất bình đẳng xã hội vẫn tiếp tục gia tăng tại Ấn Độ.

          Giữa tất cả những điều này, Ấn Độ cũng nhìn thấy một sự mở rộng dần dần số lượng những người có thể được mô tả như là tầng lớp trung lưu hoặc các nhóm có thu nhập trung bình. Các chuyên gia cho rằng, quá trình tăng trưởng kinh tế, về cơ bản, đã làm thay đổi cơ cấu xã hội của Ấn Độ, từ một xã hội đặc trưng bởi “sự tương phản rõ nét giữa một nhóm ưu tú nhỏ và một số lượng lớn người nghèo khó, trở thành một xã hội với các tầng lớp trung gian đáng kể”[1]. Mặc dù không có sự thay đổi đột ngột nào, nhưng tầng lớp trung lưu Ấn Độ đã phát triển về kích thước trong các thế kỷ qua, đặc biệt là sau khi giành độc lập, thoát khỏi sự cai trị thuộc địa. Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu Ấn Độ cũng đã chứng kiến ​​một sự thay đổi về chất đầu những năm 1990 với sự ra đời của cải cách kinh tế và hội nhập ngày càng cao của nền kinh tế Ấn Độ vào thị trường toàn cầu. Cải cách kinh tế cùng quá trình toàn cầu hóa đã làm thay đổi khá cơ bản định hướng của nền kinh tế Ấn Độ. Từ một vùng đất được biết đến như là cộng hòa làng xã và cộng đồng nông nghiệp, Ấn Độ bắt đầu mọc lên các thành phố xunh quanh, cùng với sự năng động đầy sức sống và các tầng lớp trung lưu. Các thành viên có học vấn và tay nghề của tầng lớp này được so sánh với những cá nhân ưu tú nhất trên thế giới ngày nay về mặt thành tích và năng lực thể hiện của họ trong nền kinh tế "mới". Thậm chí nếu họ chỉ là một tỉ lệ nhỏ trong tổng dân số, thì con số tuyệt đối của tầng lớp trung lưu Ấn Độ sẽ vượt quá tổng dân số của nhiều quốc gia phát triển phương Tây. Họ tạo ra một nền tảng thị trường và không gian văn hóa khả thi cho tư bản toàn cầu hoạt động và phát triển ở Ấn Độ.

          Đánh giá về kích thước của tầng lớp này có sự thay đổi đáng kể. Tùy thuộc vào phương pháp tính toán, kích thước của nó dao động từ 10 đến 30% dân số Ấn Độ. Tuy nhiên, mặc dù có những thay đổi trong phương pháp luận nhưng không ai phủ nhận một thực tế là, trong những năm qua, tầng lớp trung lưu Ấn Độ đã phát triển cả về quy mô và ảnh hưởng, và giờ đây số lượng tuyệt đối của họ là khá lớn. Ví dụ, theo một cuộc khảo sát mẫu thực hiện bởi Hội đồng Quốc gia về nghiên cứu kinh tế ứng dụng trong các năm 2007-2008, Ấn Độ có 126 triệu hộ gia đình (không phải người) thuộc loại thu nhập trung bình, những hộ kiếm được khoảng từ 3.830 đến 22.970 USD hàng năm[2]. Theo một ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á năm 2005, Ấn Độ đã có 214 triệu người có mức chi tiêu mỗi ngày từ 2-4 USD, 43,5 triệu người khác có chi tiêu mỗi ngày từ 4 đến 10 USD và 4,7 triệu người có mức chi tiêu trong khoảng 10 đến 20 USD [3]. Một ước tính gần đây của Kannan và Raveendran đã đưa ra con số những người thu nhập tầm trung của Ấn Độ rơi vào khoảng 19% tổng dân số Ấn Độ[4]. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra những khác biệt khu vực đáng kể trong sự phân bố mật độ dân số có thu nhập trung bình.

          Câu chuyện tăng trưởng của Ấn Độ chủ yếu là tập trung vào các đô thị. Khu vực đô thị đóng góp tới hơn hai phần ba các hoạt động sản xuất. Đồng thời, Ấn Độ cũng chứng kiến một sự suy giảm trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 15% vào GDP. Mặc dù việc di chuyển từ việc làm nông nghiệp và nông thôn sang việc làm khu vực dịch vụ đô thị và công nghiệp diễn ra khá chậm ở Ấn Độ, nhưng con số tầng lớp trung lưu Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng lên.

Khái niệm tầng lớp trung lưu và sự phát triển của nó ở Ấn Độ

          Tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ đã tăng trưởng ở thời điểm chuyển giao giữa chủ nghĩa thực dân, nhà nước dân chủ và phát triển kinh tế (tư bản). Giai đoạn đầu tiên của sự phát triển tầng lớp trung lưu có thể được đặt trong thời kỳ thuộc địa. Động lực cho việc này đến từ các thuộc địa Anh. Trong hai thế kỷ cai trị của mình, họ đã đem đến cho Ấn Độ nền kinh tế công nghiệp hiện đại, giáo dục thế tục và một khuôn khổ hành chính mới. Anh mở trường học và cao đẳng ở các phần khác nhau của Ấn Độ, đặc biệt là ở các thành phố thuộc địa Calcutta, Bombay và Madras. Năm 1911, đã có 186 trường cao đẳng ở các vùng khác nhau của Ấn Độ với 36.284 sinh viên. Con số này đã lên đến 231 trường và 59.595 sinh viên vào năm 1921 và năm 1939 đã có 385 trường cao đẳng dạy 144.904 [5].

          Trong nhiều năm, có một tầng lớp mới nổi lên ở Ấn Độ. Ngoài những người làm các công việc hành chính trong Chính phủ Anh ra, họ còn bao gồm các chuyên gia như luật sư, bác sĩ, giáo viên và các nhà báo. Họ đến từ các nền tảng tương đối được ưu tiên, chủ yếu là đẳng cấp trên, và “từ gia đình thoải mái về tài chính, nhưng không đủ giàu để không phải làm việc kiếm sống. Đây là một yếu tố phân biệt họ với tầng lớp giàu có nhất của xã hội Ấn Độ như các chủ đất có di sản lớn hay những hậu duệ của một tầng lớp quý tộc bản địa. Nó cũng đặt họ rõ ràng ở trên đại đa số người nghèo” của Ấn Độ[6].  

          Tầng lớp trung lưu mới chớm có được nền giáo dục hiện đại trong nước Ấn Độ và nước ngoài, bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng mới của chủ nghĩa tự do và dân chủ đã trở nên phổ biến ở phương Tây sau cuộc Cách mạng Pháp. Họ đã khởi xướng “phong trào cải cách xã hội” trong cộng đồng của họ và huy động người Ấn Độ đấu tranh cho tự do để thoát khỏi chế độ thực dân. Tuy nhiên, mặc dù tầng lớp này là “hiện đại”, nhưng nó cũng tham gia vào các phong trào quyền con người và đóng một vai trò tích cực trong việc tăng cường các ranh giới tôn giáo và cộng đồng.

          Giai đoạn thứ hai của tầng lớp trung lưu bắt đầu với việc Ấn Độ độc lập thoát khỏi sự cai trị thuộc địa vào năm 1947. Mặc dù bộ phận lãnh đạo chính trị dân chủ chủ yếu bao gồm các thành viên của tầng lớp trung lưu, và nhà nước bắt đầu đóng một vai trò kinh tế tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi kinh tế xã hội, tầng lớp trung lưu lại một lần nữa trở thành một phạm trù quan trọng nằm giữa nhà nước và xã hội. Nhà nước dân chủ Ấn Độ không chỉ giữ lại bộ máy quan liêu cũ, mà còn mở rộng nó với nhiều nhóm người và với mức tăng trưởng ổn định của nhà nước phát triển[7].

          Trong thời đoạn mười lăm năm, từ 1956 đến 1970, khu vực công (trung ương, nhà nước, địa phương và các cơ quan nửa chính phủ) đã có thêm 5,1 triệu lao động. Trong thập kỷ tới, mức tăng trưởng thậm chí còn ấn tượng hơn. Trong khuôn khổ nền kinh tế hỗn hợp, khu vực tư nhân cũng đóng một vai trò nhỏ nhưng rất quan trọng trong nền kinh tế. Trong khu vực tư nhân có tổ chức, đã gia tăng 1,7 triệu lao động vào giữa những năm 1960 và 1970. So với các khu vực công, tăng trưởng việc làm trong thập kỷ tiếp theo là chậm chạp, chỉ tăng thêm nửa triệu lao động[8].

          Như vậy, bản chất của tầng lớp trung lưu trong những thập kỷ sau độc lập là điển hình của một tầng lớp làm công ăn lương chuyên nghiệp, không có bất kỳ tham gia sáng tạo trực tiếp nào trong buôn bán, thương mại và công nghiệp, "ít về tiền nhưng nhiều bổng lộc chế độ"[9]. Nguồn gốc quyền lực của nó chủ yếu từ quyền tự chủ tương đối của nhà nước trong giai đoạn này. Thông qua việc kiểm soát hệ thống quan liêu, các tầng lớp trung lưu thường xuyên khống chế bộ máy và chính sách nhà nước cho lợi ích riêng của mình. Các quan chức cấp cao hơn cũng nắm sức mạnh từ mô hình phát triển kinh tế mà Ấn Độ đã thông qua sau khi độc lập, trong mô hình đi theo mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa của Liên Xô này, nhà nước Ấn Độ đã tham gia trực tiếp, mặc dù cùng với khu vực tư nhân, trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. (Còn tiếp)

(Xem tiếp phần 2)


* Báo cáo quốc tế KAS 12/2011.

** Aseem Prakash, Phó giáo sư và Phó phụ trách, Trường Chính phủ và Chính sách công Jindal, Đại học Toàn cầu Jindal, Ấn Độ

Tiến sĩ Surinder S. Jodhka, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ.

[1] E. Sridharan, “The Growth and Sectoral Composition of India's Middle Class: Its Impact on the Politics of Economic Liberalization”, India Review, Vol. 3 & 4, 2004, 405.

[2] Rajesh Shukla and Roopa Purusothaman, “The Next Urban Frontier: Twenty Cities to Watch”, National Council of Applied Economic Research (NCAER) and Future Capital Research (FCH), New Delhi, 2008.

[3] Asian Development Bank (ADB), “Asia s Emerging Middle Class: Past, Present, And Future”, in: Key Indicators for Asia and the Pacific, Manila, 2010.

[4] K.P. Kannan and G. Raveendran, “India’s Common People: The Regional Profile”, Economic and Political Weekly, Vol. XLVI, No. 38, September 17-24, 2011, 60-73.

[5] B.B. Mishra, The Indian Middle Class, Delhi, Oxford University Press, 1961, 304.

[6] Sanjay Joshi, The Middle Class in Colonial India, New Delhi,Oxford University Press, 2011, 91.

[7]Developmental state implies state-led macro-economic planningfor socio-economic development of the country.

[8] Government of India (GOI), Economic Survey, Ministry ofFinance Government of India, 1971; cf. Reserve Bank of India (RBI), Handbook of Statistics on Indian Economy, Mumbai, 2000.

[9] William Mazzarella, Middle Class, 1, http://anthropology.chicago.edu/pdfs/mazz_middleclass.pdf (accessed September 10, 2011).

Người dịch: ThS Phùng Thị Thanh Hà
Hiệu đính: TS Nguyễn Thị Phương Thảo

Nguồn:

Cùng chuyên mục