Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cải cách kinh tế và sự phát triển toàn diện của giáo dục đại học ở Ấn Độ (Phần 2)

Cải cách kinh tế và sự phát triển toàn diện của giáo dục đại học ở Ấn Độ (Phần 2)

Ở Ấn Độ, có tồn tại sự chênh lệch lớn về trình độ học vấn giữa các vùng và các bang, giữa nam và nữ, giữa người nghèo và người giàu, chủng tộc, tôn giáo, đẳng cấp và các nhóm nghề nghiệp. Sự tăng trưởng toàn diện bằng cách giảm những bất bình đẳng kêu gọi gia tăng phân bổ nguồn lực chính phủ như đã được thực hiện tại các nước châu Á có sự phát triển thần kỳ (Asia Miracle countries); chứ không phải bằng cách rút khỏi lĩnh vực giáo dục đại học và đưa ra một vài trợ cấp. Trong bối cảnh này, bài viết này nhằm thảo luận về cải cách kinh tế và tăng trưởng toàn diện giáo dục đại học ở Ấn Độ, dưới ánh sáng của những đề xuất Kế hoạch 5 năm lần thứ mười hai.

05:19 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Cải cách kinh tế và sự phát triển toàn diện của giáo dục đại học ở Ấn Độ

TS A. Abdul Salim*

Cải cách kinh tế và tài chính cho Giáo dục Đại học

          Để tăng trưởng toàn diện bằng cách giảm những bất bình đẳng này cần phải kêu gọi gia tăng các nguồn lực chính phủ như đã được thực hiện trong trường hợp của các nước châu Á; chứ không phải bằng cách rút khỏi các lĩnh vực giáo dục đại học và cung cấp một vài trợ cấp. Tuy nhiên, sau sự ra đời của chính sách điều chỉnh cơ cấu, một sự siết chặt tài chính đã được thử nghiệm trong tất cả các lĩnh vực đầu tư xã hội ở nhiều nước đang phát triển, bao gồm cả Ấn Độ. Việc này đã ảnh hưởng đến chi tiêu công cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Với những cải cách kinh tế, việc cắt giảm ngân sách công cho giáo dục đại học trở nên rất nhanh, làm suy yếu nghiêm trọng sự phát triển của giáo dục đại học. Khi quá trình toàn cầu hóa được dẫn dắt bởi công nghệ và kiến thức, thì chính thành công của chính sách cải cách kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào năng lực của nguồn nhân lực. Nhưng những gì được quan sát là ngược lại.

          Vấn đề kinh phí cũng có rất nhiều sai lệch, với hầu hết các khoản chi sẽ dành cho một số ít các trường đại học trung ương trong khi nhiều trường đại học bang thiếu thốn kinh phí nghiêm trọng và hầu hết các trường đại học tư nhân đang phải tự lo cho bản thân (Agarwal, 2009). Các biện pháp cải cách ở Ấn Độ đều kêu gọi giảm trợ cấp giáo dục nhiều hơn nữa. Nó cũng kêu gọi thực hiện một phần đóng góp lớn hơn từ sinh viên.

          Không nghi ngờ gì nữa, các biện pháp này sẽ làm giảm các cam kết tài chính của chính phủ. Tuy nhiên, giải phóng nguồn lực thị trường trong lĩnh vực giáo dục đại học là rất nguy hiểm cho Ấn Độ với sự bất bình đẳng kinh tế - xã hội rộng lớn và tỷ lệ tuyển sinh rất thấp. Các chính sách tiếp cận giáo dục cao hơn phụ thuộc vào khả năng chi trả có thể dẫn đến việc loại trừ những trẻ em thuộc tầng lớp kinh tế xã hội thấp, những người có tiềm năng trí tuệ và năng lực góp phần đáng kể vào phát triển xã hội.

          Những thay đổi chính sách gần đây tại Ấn Độ thường có xu hướng ưu tiên chuyển đổi các nguồn từ bậc cao học xuống bậc tiểu học; chúng cũng ưu tiên cho việc sinh viên hoàn trả toàn bộ chi phí, thậm chí ngay trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Các biện pháp thu hồi chi phí bao gồm cả tăng phí, các khoản vay của sinh viên hiện đang được điều hành bởi các ngân hàng thương mại và tư nhân sẽ làm duy trì sự bất bình đẳng trong xã hội. Tăng sự phụ thuộc vào các biện pháp này mà không xem xét đến các nhóm thu nhập thấp sẽ tạo ra hiệu ứng thụt lùi trong xã hội. Ví dụ, không có bất cứ quy định đặc biệt nào dành cho các bộ phận yếu thế hơn liên quan đến các vấn đề an ninh, bảo lãnh Chính phủ, tỷ lệ lãi suất thấp hơn, thời hạn trả nợ, trả nợ phù hợp với thu nhập và miễn trừ. Do đó, các biện pháp này không tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, không giống như ở nhiều nước khác. Với kinh nghiệm thế giới về chương trình cho sinh viên vay, chương trình mới này ở Ấn Độ là không nhạy cảm với nhu cầu của người nghèo và không quan tâm đến khía cạnh công bằng vì không có bất cứ quy định đặc biệt nào cho các bộ phận yếu thế hơn trong xã hội (Rani, 2003).

Thiếu sót trong chính sách trợ cấp

          Các học giả cho rằng, chính sách trợ cấp của Ấn Độ còn nhiều thiếu sót. Đó là sự không phân biệt đối xử, rằng tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo được đối xử như nhau. Tại Ấn Độ, giáo dục đại học chủ yếu là giáo dục chuyên nghiệp và kỹ thuật được cung cấp với giá thấp hơn nhiều so chi phí của nó. Ví dụ, các sinh viên trong các tổ chức chính phủ/được hỗ trợ như IITs, IIMS, các trường cao đẳng, đại học kỹ thuật và y tế thanh toán số tiền rất thấp bằng cách thu học phí và các khoản thu ngoài học phí. Trợ cấp công cộng này là dành cho tất cả sinh viên bất kể khả năng trả tiền của họ. Đối với những người giàu có, trợ cấp này là không cần thiết; còn đối với người nghèo thì thế là không đủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chi phí của cha mẹ hàng năm của sinh viên y khoa ngay cả trong các trường chính phủ / được hỗ trợ cao hơn so với thu nhập hộ gia đình hàng năm của nhóm có thu nhập thấp.

          Vậy thì càng không thể nghĩ đến khả năng chi trả của các nhóm có thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp tại các trường tự chủ về tài chính! Học bổng và ưu đãi dành cho các nhóm sinh viên có thu nhập thấp không đủ trang trải thậm chí là các chi phí học tập trực tiếp (Salim, 2008; Kumar và George, 2009). Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy rằng, 10% những người Ấn Độ giáo dục tốt nhất nhận được 61% các nguồn tài nguyên giáo dục, cao hơn so với mức 36% trên toàn khu vực châu Á. Nhưng lợi ích của trợ cấp chủ yếu được phân cho các bộ phận đặc quyền đặc lợi của xã hội. Nó cho thấy rằng, hầu hết các chi phí giáo dục đại học của tầng lớp tinh hoa đang được trợ cấp từ khoản thu thuế của những người nghèo chiếm đa số ở Ấn Độ (Salim, 1997; Altbach, 2009; Tilak, 2013). Như vậy, có một sự chuyển động tiêu cực các nguồn lực từ người nghèo cho người giàu. Nhiều “chính sách phân biệt đối xử tích cực” chủ yếu đã được sắp đặt trước là không có hiệu quả trong việc nâng cao vị thế của các nhóm mà nó định hỗ trợ (Mahajan, 2007).

Sự công bằng trong giáo dục và vấn đề tư nhân hóa

          Giảm tốc trong chi tiêu của chính phủ cho giáo dục đại học dẫn đến tư nhân hóa ngày càng tăng trong ngành này. Do thiếu nguồn lực, thậm chí các hình thức thông tục, tầm thường của tư nhân cũng có được sự phê duyệt của chính phủ và xã hội. Mặc dù các tổ chức tự chủ về tài chính có làm giảm gánh nặng tài chính cho chính phủ, nhưng các phí tổn kinh tế và phi kinh tế lâu dài cho xã hội là rất lớn. Nó dẫn đến một hệ thống kép của giáo dục đại học - một cho người giàu và một cho người nghèo.

          Mặt khác, việc gia tăng vai trò của thị trường cản trở sự tham gia của sinh viên xứng đáng từ các nhóm bất lợi về kinh tế, phụ nữ và dân tộc thiểu số. Một lần nữa, đầu tư tư nhân trong giáo dục đại học là không tối ưu về mặt xã hội. Đó là bởi vì các cá nhân và gia đình không hướng đến việc đầu tư vào các khóa học theo định hướng phi thị trường trong giáo dục đại học và nghiên cứu và phát triển. Hơn nữa, thị trường có thể chèn lấn các cơ hội và nhiệm vụ quan trọng của giáo dục UNESCO, 2000).

          Hơn nữa, điều quan trọng phải nhận thấy rằng, các khóa học tự chủ về tài chính cơ bản thường là ngắn hạn và việc phụ thuộc quá nhiều vào chúng sẽ có ảnh hưởng đến tính công bằng, sự cân bằng và chất lượng của hệ thống giáo dục về lâu dài. Điều này cũng sẽ dẫn đến thiếu giáo viên và các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực cốt lõi và cơ bản trong tương lai gần, điều đang diễn ra tại Vương quốc Anh. Do đó, dưới những làn sóng mạnh mẽ của toàn cầu hóa và cạnh tranh, cơ sở kinh tế quan trọng cho tài trợ chính phủ, đặc biệt dành cho giáo dục đại học đang bị bỏ quên. Ngoài việc sống trong một xã hội có nền tảng tri thức ra, thì hỗ trợ công cho giáo dục đại học vẫn là điều cần thiết để đảm bảo kết quả cân bằng của các cơ quan giáo dục và xã hội. (Rani, 2002). (Xem tiếp phần 3)

* Phó Giáo sư, Khoa Kinh tế, Đại học Kerala

Người dịch: Phùng Thị Thanh Hà

Nguồn:

Cùng chuyên mục