Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Căng thẳng Ukraine-Nga có ý nghĩa như thế nào đối với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

Căng thẳng Ukraine-Nga có ý nghĩa như thế nào đối với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ

Chính quyền Biden đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới vào ngày 12 tháng 2 năm 2022, ngay khi tình hình đang căng thẳng ở Ukraine, buộc Mỹ phải tập trung sức mạnh vào Nga và châu Âu một lần nữa.

05:50 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chúng ta đang ở trong thời kỳ căng thẳng kéo dài giữa một bên là Đông Âu không an toàn, được hậu thuẫn bởi NATO do Mỹ dẫn đầu và một bên là nước Nga không bình yên.

Tài liệu Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (USIPS) mới phát hành của Mỹ đã chỉ ra rằng, cách tiếp cận của chính quyền Biden là một phần của chuỗi hành động liên tục bắt nguồn từ chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng châu Á” của chính quyền Obama. Chính sách đó đã bị mắc kẹt trên các bãi cạn của địa chính trị Tây Á. Rõ ràng rằng, chính sách này nhằm kiềm chế hoặc hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng nó hầu như không được công bố trong nhiều tài liệu và tuyên bố công khai.

Vào năm 2010, cựu ngoại trưởng Hilary Clinton phát biểu trước Diễn đàn khu vực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hà Nội, khẳng định mối quan tâm của Mỹ đối với tự do hàng hải, phản đối các hình thức ép buộc, và thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với các dàn xếp thương lượng trong khu vực. Tiếp theo, bà xuất bản bài báo “Thế kỷ Thái Bình Dương của Châu Mỹ” trên tập san Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy) vào năm 2011, bàn về sự xoay trục của chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Á.

Nhưng đó cũng là năm cuộc nội chiến Syria và Libya nổ ra, và Vladimir Putin đã khôn khéo khai thác điều này để đưa Nga trở lại chính trường toàn cầu. Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan và Iraq cũng không đạt được kết quả như mong đợi với sự trỗi dậy của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Vì vậy, chính quyền Trump gánh vác sứ mạng đặc biệt là đưa ra chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Một mặt, chính quyền Mỹ nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn đề bằng cách đổi tên “Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương” thành “Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Mặt khác, Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 rõ ràng đã đặt ra một chính sách mới là đối đầu với Trung Quốc, thay vì tham dự với Trung Quốc. Chỉ trong vòng một năm sau ngày Mỹ tung ra chính sách mới, nó đã tạo ra động lực cần thiết để hồi sinh ý tưởng về Nhóm tứ giác (Quad), vốn đã không còn hoạt động năng động từ năm 2008.

Vài tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ, chính quyền Trump đã giải mật chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó đưa ra quan điểm của Mỹ một cách rõ ràng. Tài liệu khẳng định, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ là duy trì “ưu thế chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và ngăn Trung Quốc “thiết lập các phạm vi ảnh hưởng mới, phi tự do” trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu này, chiến lược mới của Mỹ đã tìm cách xây dựng mối quan hệ với “một Ấn Độ mạnh mẽ, hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng, [mà] sẽ đóng vai trò làm đối trọng với Trung Quốc”. Mỹ biết rằng, không quốc gia nào khác trong nhóm Quad hoặc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể đóng vai trò mà Ấn Độ có thể thực hiện trong việc duy trì chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cùng với điều này, tài liệu của Trump tuyên bố rằng, lợi ích của Mỹ là “đẩy nhanh sự trỗi dậy và năng lực của Ấn Độ để phục vụ như một nhà cung cấp đối tác an ninh và quốc phòng lớn”. Nó cũng nói rõ rằng, nó đã tìm cách “tạo ra một khuôn khổ an ninh gồm 4 trụ cột với Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ là những thành viên chính”.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Biden không quá khác biệt so với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Trump. Điều này thể hiện rõ ràng khi cả hai bản chiến lược đều tập trung vào Trung Quốc, quốc gia đang “kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ” để hình thành một thế lực có ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và “trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới”.

USIPS tuyên bố rằng, trong khi “sự ép buộc và gây hấn” của Trung Quốc trải dài trên toàn cầu, thì nó “gay gắt nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, nơi nó có tác động từ sự ép buộc kinh tế lên Úc, tới xung đột dọc theo Ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) với Ấn Độ, gây áp lực lên Đài Loan và “bắt nạt các nước láng giềng ở vùng biển phía Đông và phía Nam Trung Hoa”.

USIPS lưu ý rằng, thế giới cần có những nỗ lực tập thể để đảm bảo rằng, Bắc Kinh không thể hình thành các quy tắc và chuẩn mực của thế giới để có lợi cho riêng mình. Tuy nhiên, mục tiêu của Mỹ ở đây là “không phải thay đổi Trung Quốc, mà là định hình môi trường chiến lược mà nước này hoạt động”.

USIPS có chương trình gồm năm điểm:

1) Thúc đẩy khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) bằng cách cung cấp hỗ trợ cho các xã hội và chính phủ cởi mở “có thể đưa ra các lựa chọn chính trị độc lập, không bị ép buộc”.

2) Tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác hiện có, như nhóm Bộ tứ (QUAD), nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, công nghệ quan trọng và mới nổi, cơ sở hạ tầng, mạng, giáo dục và năng lượng sạch.

3) Đề xuất “khuôn khổ mới sáng tạo” để chuyển đổi nền kinh tế khu vực với lưu ý rằng, ngay cả tại thời điểm ngày hôm nay, FDI từ Mỹ vào các nước ASEAN còn lớn hơn cả ba đối tác đầu tư tiếp theo của nhóm cộng lại.

4) Để thúc đẩy an ninh truyền thống thông qua “răn đe tổng hợp”; có nghĩa là Mỹ sẽ kết nối chặt chẽ khả năng chiến đấu của các đồng minh và đối tác của mình. Đổi mới sẽ diễn ra để đảm bảo hoạt động tốt trong không gian đang phát triển, không gian mạng và các lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi.

5) Phát triển “khả năng phục hồi của khu vực đối với các mối đe dọa xuyên quốc gia trong thế kỷ 21”. Điều này bao gồm công việc hướng tới cuộc khủng hoảng khí hậu, giúp chấm dứt đại dịch COVID-19 và củng cố hệ thống y tế để đối phó với những cú sốc trong tương lai.

Để đối phó với chương trình nghị sự này, USIPS đã đề xuất kế hoạch hành động gồm 10 điểm sẽ được triển khai trong hai năm tới kể từ năm 2022. Trong số các đó có điểm nổi bật là tầm quan trọng của việc hỗ trợ “sự vươn lên không ngừng và vai trò lãnh đạo khu vực” của Ấn Độ.

Theo chiến lược này, Mỹ sẽ tìm cách làm việc thông qua các nhóm khu vực (có lẽ là Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á SAARC) để thúc đẩy sự ổn định ở Nam Á và hợp tác trong các lĩnh vực mới như y tế, vũ trụ, không gian mạng và phát triển kinh tế sâu rộng, và hợp tác công nghệ. Chiến lược tuyên bố rằng, Mỹ coi Ấn Độ là một “đối tác cùng chí hướng”, một “nhà lãnh đạo ở Nam Á và Ấn Độ Dương” và là “động lực của nhóm Bộ tứ Quad và các diễn đàn khu vực khác”.

Ngoài ra, Mỹ có kế hoạch cung cấp thêm nguồn lực cho các nước trong khu vực, bao gồm cả các thành viên ASEAN; củng cố khả năng răn đe quân sự thông qua các phương tiện quân sự, trong đó bao gồm liên minh mới Úc Anh Mỹ (AUKUS); củng cố Bộ tứ Quad với tư cách là nhóm hàng đầu trong khu vực về các vấn đề như vắc xin, công nghệ quan trọng và mới nổi, hợp tác chuỗi cung ứng; và các vấn đề khác.

Một vấn đề với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dưới thời Trump là chính Tổng thống đã cắt bỏ nó khi đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. TPP là một hiệp định thương mại đầy tham vọng nhằm giảm sự phụ thuộc của các bên ký kết vào Thương mại của Trung Quốc và kéo họ đến gần Mỹ.

Cách tiếp cận thay thế của chính quyền Trump là đề xuất Mạng lưới Biển xanh (Blue Dot Network - BDN) để chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm dồn ép Trung Quốc. BDN đã tìm cách khuyến khích các quan hệ đối tác công tư để phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối và đóng góp vào môi trường sạch hơn để cung cấp giải pháp thay thế cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Các dự án do BDN tài trợ được thực hiện thông qua Nhóm 7 (G-7), vào tháng 6 năm 2021, chính quyền Biden đã công bố sáng kiến ​​cơ sở hạ tầng toàn “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W)”. Người Mỹ cho rằng, đây là một sáng kiến ​​“định hướng giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch” nhằm thúc đẩy nguồn vốn tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng toàn cầu và tập trung vào khí hậu, sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số, công bằng giới và bình đẳng.

Số phận của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Biden hiện là con tin bị ảnh hưởng bởi hai diễn biến. Thứ nhất, sự không chắc chắn và nguy hiểm đã xuất hiện ở châu Âu do xung đột Ukraine-Nga. Thứ hai, tình trạng của bản thân nhiệm kỳ tổng thống Biden sẽ trở nên rõ ràng hơn vào cuối năm 2022, khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra ở Mỹ vào cuối năm.

Tổng thống Mỹ có thể không gặp vấn đề gì trong việc đưa ra các khía cạnh quân sự trong chương trình, nhưng liệu ông có thể tìm được tiền để thúc đẩy B3W hay không là một câu hỏi cần tranh luận. Ông Biden đã thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội Mỹ cấp cho số tiền mà theo ông là cần thiết cho kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trong nước của Mỹ.

Tác giả: Manoj Joshi, nghiên cứu viên cao cấp tại ORF, Ấn Độ. Ông đã từng là nhà báo và chuyên gia bình luận về tình hình chính trị trong nước và quốc tế.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/research/what-ukraine-russia-tensions-mean/

 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục