Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cạnh tranh quyền lực nước lớn ở Á-Âu và cơ hội của Ấn Độ

Cạnh tranh quyền lực nước lớn ở Á-Âu và cơ hội của Ấn Độ

Sự biến động xuất phát từ sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của ở chiến trường châu Âu và châu Á, đi kèm với sự nổi lên của các cường quốc tầm trung có ảnh hưởng. Ấn Độ có thể tận dụng cơ hội này để tăng cường sức mạnh quốc gia.

08:00 05-07-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Triều Tiên và Việt Nam vào tuần trước và cuộc tranh luận tổng thống tuần này ở Mỹ giữa đương kim tổng thống Joe Biden và ứng cử viên Donald Trump đã nêu bật mối liên kết phức tạp và sâu sắc giữa an ninh châu Âu và châu Á, mang đến những cơ hội chiến lược mới cho các cường quốc tầm trung như Ấn Độ.

Môi trường địa chính trị Á-Âu mới

Thứ nhất, châu Á không còn là một phần "phụ kiện" thụ động cho sân khấu châu Âu; mà nó đóng góp tích cực vào địa chính trị của châu Âu. Trong thời kỳ thuộc địa, các nguồn tài nguyên của châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc định hình vận mệnh kinh tế và địa chính trị của các đế quốc châu Âu. Ví dụ như đóng góp to lớn của nguồn lực quân sự Ấn Độ trong việc củng cố ưu thế của Vương quốc Anh ở Ấn Độ Dương từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Điều quan trọng hơn nữa là lực lượng vũ trang Ấn Độ đã có những đóng góp to lớn vào thành công quân sự của Anh và các đồng minh phương Tây trong Thế chiến thứ nhất và thứ hai. Một triệu binh sĩ Ấn Độ tham gia thế chiến thứ nhất và hai triệu binh sĩ tham gia thế chiến thứ hai.

Không giống như thời kỳ đế quốc, khi các lãnh đạo châu Âu quyết định việc sử dụng tài nguyên thuộc địa, các quốc gia châu Á giờ đây có thể đưa ra những lựa chọn định hình cán cân quyền lực ở châu Âu. Hãy lưu ý rằng, cả Nga và Tây Âu đều đang lôi kéo châu Á trong việc định hình câu chuyện về cuộc chiến ở Ukraine. Hội nghị hòa bình Ukraine tháng trước là một nỗ lực lớn của Kiev và những người ủng hộ phương Tây nhằm giành được sự đồng cảm về chính trị và hỗ trợ ngoại giao từ thế giới ngoài phương Tây trong cuộc chiến với Nga. Ngược lại, Moscow lại kêu gọi các quốc gia chủ chốt Nam bán cầu tránh tham dự hội nghị.

Ngoại giao hội nghị và việc huy động dư luận ngoài phương Tây thực sự đã trở nên quan trọng trong cuộc chiến lớn đầu tiên ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai. Điều quan trọng hơn nữa là, trên thực tế châu Á hiện đã nổi lên như một nhà cung cấp vũ khí chính trong một cuộc xung đột ở châu Âu.

Hãy xem xét vai trò mới của bán đảo Triều Tiên ở Ukraine. Trong khi Triều Tiên đã trở thành nhà cung cấp đạn dược chính cho Nga thì vũ khí của Hàn Quốc lại đang hướng tới Ukraine. Mặc dù Trung Quốc không được cho là đang gửi vũ khí cho Nga nhưng nước này được cho là đang hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Moscow theo những cách khác. Washington đang thúc ép Tokyo tăng cường sản xuất tên lửa chung và tự do hóa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để vũ khí sản xuất tại Nhật Bản có thể được chuyển tới Ukraine và các khu vực tranh chấp khác.

Thứ hai, năng lực của châu Á trong việc đối phó với các cường quốc đã phát triển hơn trong cuộc xung đột hiện nay. Không có bằng chứng nào tốt hơn chuyến thăm của Putin tới Bình Nhưỡng và Hà Nội. Moscow đã rút lui khỏi quan hệ đối tác sâu rộng với Bình Nhưỡng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và tập trung vào việc cải thiện quan hệ với Seoul, quốc gia đang nổi lên như một cường quốc kinh tế. Nga hiện đang mong muốn xây dựng lại mối quan hệ với miền Bắc. Putin đã tới Triều Tiên vào tuần trước, lần đầu tiên sau 24 năm, và ký một hiệp ước về hỗ trợ an ninh song phương và một số thỏa thuận khác để ủng hộ Kim Jong-un. Đương nhiên có thể lập luận rằng Putin đã chơi “Lá bài Triều Tiên” để thách thức phương Tây.

Và chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, Kim Jong-un đã chơi “Lá bài Nga” để cải thiện đáng kể dư địa giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Ngược lại, điều này có thể khiến Hàn Quốc trở thành đối tác thậm chí còn quan trọng hơn đối với Mỹ và châu Âu. Nếu Nga giúp Triều Tiên tăng cường kho vũ khí hạt nhân,  Mỹ cũng sẽ giảm ép buộc một Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong vài năm gần đây, Chính quyền Biden đã tập trung vào việc tăng cường liên minh song phương với Hàn Quốc và phát triển một thỏa thuận ba bên mới với Seoul và Tokyo. Trong khi đó, Trung Quốc đã khôi phục lại sự hợp tác ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự tự chủ của châu Á còn được thể hiện rõ trong quyết định đón tiếp Tổng thống Putin của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia duy nhất đón tiếp Joe Biden, Tập Cận Bình và Vladimir Putin trong các chuyến thăm song phương trong 9 tháng qua.

Thứ ba, khi tính chủ động và tự chủ của châu Á tăng lên, những tình thế tiến thoái lưỡng nan của phương Tây ngày càng trở nên rõ ràng. Một trong những chia rẽ chính trong cuộc tranh luận của Mỹ về chính sách đối ngoại là cân bằng nhu cầu cạnh tranh ở châu Âu và châu Á.

Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ thống trị cả sân khấu châu Âu và châu Á. Tuy nhiên chỉ vài ngày trước khi khai màn cuộc chiến Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Nga và Trung Quốc đã công bố mối quan hệ "không giới hạn" - một hình thức khác của quan hệ "chuẩn đồng minh", và quy mô thách thức mà hai cường quốc ở châu Âu và châu Á mang lại, khiến Mỹ phải chịu áp lực trong việc xác định nguồn gốc của thách thức chính của mình.

Một bộ phận quan trọng trong cơ chế chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hòa lập luận rằng, Mỹ không nên lãng phí năng lượng vào cuộc chiến Ukraine và tập trung sức mạnh quân sự ở châu Á. Chính quyền Biden đồng ý rằng, Trung Quốc là thách thức chính nhưng không ở vị thế có thể thoát khỏi việc hỗ trợ Ukraine. Những lập luận về vấn đề này có thể được nghe thấy trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa Trump và Biden tuần vừa rồi.

Thứ tư, câu trả lời thực sự cho câu hỏi nằm ở việc châu Âu phải chịu trách nhiệm lớn hơn cho việc phòng thủ của chính mình - một nguyên tắc mà cả Biden và Trump đều nhất trí. Nói cách khác, Washington muốn các quốc gia Á-Âu làm nhiều hơn nữa để cân bằng Nga và Trung Quốc, đồng thời giảm bớt một số gánh nặng cho Mỹ. Trong khi châu Âu đang nỗ lực thống nhất hành động phòng thủ, nhiều quốc gia châu Á, bao gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa vào việc tái thiết trật tự an ninh khu vực.

Châu Âu hết sức lo lắng về Nga nhưng lại chia rẽ về cách đối phó với Trung Quốc. Châu Âu không đồng quan điểm với Mỹ về những phản ứng chiến lược tốt nhất trước thách thức Trung Quốc. Mặc dù châu Âu cảnh giác trước sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga nhưng họ cũng hy vọng rằng có thể thuyết phục được Bắc Kinh để kiềm chế Moscow. Mối liên kết kinh tế sâu sắc được phát triển trong bốn thập kỷ qua giữa châu Âu và trung tâm công nghiệp của Trung Quốc ở rìa phía đông Á-Âu khiến các nhà lãnh đạo nước này do dự trong việc đối đầu với Bắc Kinh. Tuy nhiên, châu Âu không thể phớt lờ lời kêu gọi của Mỹ giữ vững lập trường trước sự khẳng định ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á và đóng góp cho an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Về phần mình, Washington cũng đang khuyến khích các đồng minh thân cận ở châu Á là Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đóng góp cho an ninh châu Âu.

Sự biến động xuất phát từ sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của ở chiến trường châu Âu và châu Á, đi kèm với sự nổi lên của các cường quốc tầm trung có ảnh hưởng. Mỹ mong muốn xây dựng quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ với các cường quốc bậc trung để cân bằng Trung Quốc và Nga. Sự nhấn mạnh mới của Mỹ vào “răn đe tổng hợp” mang lại cho các cường quốc tầm trung như Ấn Độ một cơ hội chưa từng có để nâng cao sức mạnh quốc gia toàn diện, bao gồm cả khả năng quân sự.

Cửa sổ chiến lược này khó có thể mở ra mãi mãi. Câu hỏi đặt ra là liệu bộ máy của Ấn Độ có thể hành động đủ nhanh để nắm bắt các khả năng quốc tế hiện tại nhằm hiện đại hóa khẩn cấp cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ và mở rộng nhanh chóng sản xuất vũ khí trong nước hay không. Xét cho cùng, khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất vũ khí là bản chất của “quyền tự chủ chiến lược” được ca ngợi nhiều.

Cùng chuyên mục