Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Câu chuyện sử thi về tàu ngầm Ấn Độ

Câu chuyện sử thi về tàu ngầm Ấn Độ

05:09 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chính phủ Ấn Độ vừa thông qua đề xuất mua 6 tàu ngầm thông thường thuộc Đề án 75 (I). Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã đăng dòng tweet rằng, Hội đồng Mua sắm quốc phòng (DAC) “đã phê duyệt vấn đề RFP [yêu cầu đề xuất] để chế tạo 6 tàu ngầm thông thường thuộc Đề án 75 (I) theo Mô hình Đối tác chiến lược (SP).”

Việc chế tạo các tàu ngầm này ước tính trị giá khoảng 5,9 tỷ USD. Ông Singh gọi đây là “một sự chấp thuận mang tính bước ngoặt” vì đây là trường hợp đầu tiên được xử lý trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược cho các dự án “Sản xuất tại Ấn Độ”. Ông nói thêm rằng, điều này sẽ dẫn đến một "hệ sinh thái công nghiệp theo cấp độ để chế tạo tàu ngầm ở Ấn Độ." Một điều rõ ràng là, sự chậm trễ không đáng có của dự án là do bước đi này chỉ thể hiện sự chấp thuận của RFP cho một thương vụ mua sắm ban đầu vào những năm 1990.

Mô hình Đối tác chiến lược (SPM) là một phương pháp được thiết lập theo Quy trình Mua sắm quốc phòng năm 2020 (DAP) của Ấn Độ với mục tiêu khuyến khích khu vực quốc phòng tư nhân của Ấn Độ sản xuất bốn loại thiết bị quốc phòng chính: tàu ngầm, máy bay chiến đấu, trực thăng và xe chiến đấu bọc thép/ xe tăng chiến đấu chủ lực. SPM là nỗ lực mới nhất của chính phủ Ấn Độ nhằm tăng cường và chuyển đổi khả năng sản xuất quốc phòng trong nước của Ấn Độ, đồng thời là một bước tiến khác hướng tới mục tiêu theo đuổi tự lực quốc phòng kéo dài hàng thập kỷ. Theo SPM, hợp đồng được cho là sẽ được trao cho “một tập đoàn” bao gồm một nhà chế tạo tàu ngầm Ấn Độ và một Nhà sản xuất thiết bị gốc nước ngoài (OEM).

Ấn Độ có khoảng 15 tàu ngầm thông thường đang hoạt động, nhiều tàu trong số đó cần phải thay thế ngay lập tức vì đã lỗi thời. Hải quân Ấn Độ cũng có hai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, INS Chakra (thuê từ Nga, dường như đang được trả lại) và INS Arihant được đóng trong nước. Các kế hoạch mua tàu ngầm của Ấn Độ thông qua Dự án 75 trước đó, được cho là đã hoàn thành vào khoảng năm 2017, cũng đã bị trì hoãn đáng kể. Ba chiếc cuối cùng trong số sáu chiếc tàu ngầm lớp Kalvari (Scorpene) thuộc Đề án 75 dự kiến sẽ chỉ đi vào hoạt động trong hai năm tới.

Các kế hoạch thuộc Đề án 75 (I) nhằm giúp Ấn Độ hợp tác với một nhà sản xuất nước ngoài đóng sáu tàu ngầm thông thường tiên tiến khác. Vào cuối năm 2019, Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering của Hàn Quốc đã tham gia cuộc đua giành hợp đồng với bốn đối thủ khác gồm: Naval Group (Pháp), Navantia (Tây Ban Nha), Rosoboronexport (Nga) và TKMS (Đức). Công ty quốc phòng Thụy Điển SAAB ban đầu cũng là một đối thủ cho hợp đồng, nhưng đã quyết định rút lui vì các điều kiện phiền phức và không thực tế kèm theo giá thầu, đặc biệt là khi họ có khả năng phải từ bỏ quyền kiểm soát liên doanh cho đối tác Ấn Độ.

Vào đầu năm nay, chính phủ Ấn Độ đã chọn Larsen & Toubro (L&T) và Mazagon Dock Limited (MDL) là đối tác sản xuất tàu ngầm của SPM, nhưng khu vực tư nhân không hài lòng với quyết định bao gồm MDL vì đây là một công ty trong lĩnh vực công đã tham gia vào lĩnh vực đóng tàu. Trong các bước tiếp theo, L&T và MDL phải xác định các đối tác nước ngoài của họ cũng như đưa ra các đề xuất kỹ thuật và thương mại. Theo chính sách mua sắm mới nhất, cả L&T và MDL đều có thể gửi nhiều đề án bằng cách hợp tác với nhiều OEM nước ngoài. Điều này tạo nên một quá trình hỗn loạn và không đạt yêu cầu, với xung đột lợi ích rõ ràng đang gia tăng giữa hai công ty Ấn Độ và nhiều đối tác (tiềm năng) của họ.

L&T được cho là lạc quan về quyết định của chính phủ và cách tiếp cận SPM mang lại một sân chơi bình đẳng cho ngành công nghiệp tư nhân trong nước. Các công nghệ hải quân rất phức tạp và liên quan đến đầu tư R&D đáng kể, và do năng lực chế tạo hải quân trong nước còn thấp, một số ít đã đầu tư nhất quán vào R&D như L&T có thể thu được lợi nhuận từ việc mở cửa lĩnh vực này.

Nỗ lực bản địa hóa chế tạo tàu ngầm của  Ấn Độ phải đối mặt với những vấn đề khác. Hai tàu ngầm cuối cùng được phát triển thuộc Dự án 75 lớp Kalvari (hoặc lớp Scorpene) trước đó được cho là sẽ được trang bị hệ thống AIP. Hệ thống AIP cho phép tàu ngầm diesel có thể lặn trong nước lâu hơn nữa. Điều này loại bỏ một lỗ hổng quan trọng của các tàu ngầm diesel: nhu cầu phải nổi lên định kỳ. Nhưng sự phát triển chậm chạp của hệ thống do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đã đồng nghĩa với sự chậm trễ đáng kể đối với các kế hoạch tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ.

Sau những trì hoãn tương đối dài, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Vật liệu Hải quân (NMRL) của DRDO đã ra mắt hệ thống AIP được phát triển nội địa vào tháng 3 năm nay. Nhưng sự kiện ra mắt diễn ra trên một “nguyên mẫu đất loeenf” và DRDO hiện phải phát triển một hệ thống AIP “hải dương hóa”, có thể được triển khai trên tàu ngầm để hoạt động trong các tình huống dưới nước. Đây là một sự phát triển công nghệ quan trọng nhưng theo các báo cáo trích dẫn các nguồn tin hải quân, hệ thống NMRL’s AIP chỉ có thể được đưa vào sử dụng vào năm 2023-2024. Điều này có nghĩa là sáu tàu ngầm sẽ được phát triển theo Đề án 75 (I) không thể được trang bị hệ thống AIP sản xuất trong nước. Các nguồn tin hải quân cho biết, sáu tàu ngầm mới có thể sẽ được trang bị các hệ thống AIP của nước ngoài, và hệ thống do DRDO phát triển sẽ được "cải trang thành sáu tàu ngầm Scorpene kể từ năm 2024-2025" được phát triển theo Đề án 75 cũ.

Các kế hoạch của hải quân Ấn Độ cũng phải đối mặt với sự chậm trễ khác. Cây bút chuyên về quân sự Rahul Bedi chỉ ra rằng, Hải quân Ấn Độ còn những thiếu sót đáng kể khác, bao gồm năng lực thiết yếu như “thiết bị cảm biến thủy âm (sonars) mảng kéo phía đuôi tiên tiến (ATAS) để phát hiện tàu ngầm đối phương, ngư lôi hạng nặng để vô hiệu hóa đối thủ, và các hệ thống phòng không, tất cả không chỉ quan trọng đối với khả năng sống sót mà còn cả khả năng tấn công tổng thể của chúng".

Với những sự chậm trễ này, có rất ít khả năng những khó khăn trong việc chế tạo tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ sẽ sớm kết thúc. Đây cũng không phải là điều mà các đối tác của Ấn Độ muốn nghe, vì sức mạnh hải quân của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc.

Tiến sĩ Rajeswari (Raji) Pillai Rajagopalan là Giám đốc Trung tâm An ninh, Chiến lược & Công nghệ (CSST) tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát-ORF, New Delhi.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/research/indias-submarine-saga/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục