Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Câu chuyện về chỉ số GDP của Trung Quốc và Ấn Độ

Câu chuyện về chỉ số GDP của Trung Quốc và Ấn Độ

TOKYO – Theo như các chỉ số kinh tế đưa ra, một vài số liệu đã thu hút sự chú ý hơn chỉ số tổng sản phẩm trong nước - GDP. Và khi nói đến GDP, chỉ có một số ít quốc gia đang được theo dõi sát sao như Trung Quốc và Ấn Độ, bởi quy mô và sức mạnh kinh tế đang phát triển của họ. Nhưng có nhiều lý do để nghi ngờ độ tin cậy của các con của những quốc gia này.

05:18 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Câu chuyện về chỉ số GDP của Trung Quốc và Ấn Độ

Yuji Kuronuma*

Để đánh giá tốt hơn sức mạnh của các nền kinh tế mới nổi, hãy nhìn vào các dữ liệu thô của chúng.

TOKYO – Theo như các chỉ số kinh tế đưa ra, một vài số liệu đã thu hút sự chú ý hơn chỉ số tổng sản phẩm trong nước - GDP. Và khi nói đến GDP, chỉ có một số ít quốc gia đang được theo dõi sát sao như Trung Quốc và Ấn Độ, bởi quy mô và sức mạnh kinh tế đang phát triển của họ. Nhưng có nhiều lý do để nghi ngờ độ tin cậy của các con của những quốc gia này.

Việc sửa đổi đáng kể các con số này không phải là chuyện hiếm, thậm chí đến mức độ phá hỏng các các quyết định chính sách và dự báo kinh tế có liên quan dựa trên các số liệu.

Trung Quốc từ lâu đã bị nghi ngờ thao túng chỉ số GDP của mình cho phù hợp với mục tiêu chính sách. Còn chỉ số của Ấn Độ cũng là trọng tâm của sự hoài nghi. Do đó, sẽ là khôn ngoan để dừng việc coi chỉ số GDP như là chỉ số chính thể hiện hoạt động kinh tế của một quốc gia.

Phương pháp mới, và những con số tốt hơn

Theo Nikkei đưa tin ngày 01/12/2016, chỉ số GDP của Ấn Độ tăng 7,3% trong năm vào quý tháng 7-9/2016. Bài báo cho biết, sau sáu tháng liên tiếp tăng trưởng vững chắc ở mức khoảng 7%, nền kinh tế của nước này có khả năng sẽ chậm lại, một phần do lệnh cấm gần đây đối với các tờ tiền rupee mệnh giá cao.

Tôi đã tò mò về động thái bất ngờ rút lại các tờ tiền mệnh giá 500 và 1000 rupee của Thủ tướng Narendra Modi tác động như thế nào đến nền kinh tế Ấn Độ, vì vậy tôi đọc một báo cáo ngày 08/12/2016 về quyết định của Ngân hàng Trung ương của Ấn Độ tiếp tục giữ lãi suất không đổi.

Trong báo cáo này, một thuật ngữ không quen thuộc với tôi là - giá trị gia tăng (GVA) - đã khơi gợi sự quan tâm của tôi. Báo cáo cho biết, Ngân hàng Trung ương đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng dựa trên chỉ số GVA của mình cho năm tài chính này tới tháng 3 năm 2017 xuống 7,1% từ 7,6%.

Làm một số nghiên cứu, tôi thấy rằng, GVA của một quốc gia là tổng giá trị của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong tất cả các ngành công nghiệp và tương tự như GDP theo nghĩa là một tiêu chuẩn đánh giá sản xuất. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, một ngân hàng trung ương, lại không mấy tin tưởng vào số liệu GDP và thay vào đó sử dụng GVA để đánh giá tình hình kinh tế của đất nước.

Vào đầu năm 2015, Ấn Độ đã chuyển phương thức tính GDP từ một công thức dựa trên giá cả phía cung sang công thức sử dụng giá bên cầu. Kết quả là có một sự gia tăng mạnh về tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ. Con số tăng trưởng quý tháng 7-9/2014 chẳng hạn, đã được nâng lên 8,2% từ mức 5,3%.

Dựa trên công thức tính GDP mới, nền kinh tế của Ấn Độ đã tăng 7,6% trong năm 2015, vượt xa mức 6,9% của Trung Quốc. Việc chuyển đổi đã giúp Ấn Độ nuôi dưỡng một hình ảnh như là ngôi sao sáng mới giữa các nước mới nổi, thay vào vị trí của Trung Quốc.

Nhưng RBI lập luận rằng, công thức cũ để tính GDP, trong đó sử dụng giá phía cung để tính tổng giá trị được tạo ra thông qua sản xuất, phù hợp hơn để đánh giá chính xác hiệu suất kinh tế của đất nước.

Trung Quốc, rõ ràng thất vọng vì bị "hạ gục" bởi Ấn Độ trong các trò chơi tốc độ tăng trưởng, cũng đã chỉ trích hành động của New Delhi. The Global Times, liên kết với tờ Nhân dân, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã thực hiện nhiều phóng sự cho rằng, Ấn Độ đã thay đổi phương pháp tính toán để thổi phồng con số tăng trưởng.

Quá hoàn hảo?

Nhưng số liệu kinh tế của Trung Quốc rõ ràng là không đáng tin cậy. Theo Bắc Kinh, nước ghi nhận tăng trưởng 6,7% trong ba quý đầu năm nay, thì thật là hoàn hảo, hoặc quá hoàn hảo, để phù hợp với mục tiêu của chính phủ là tăng trưởng từ 6,5% đến 7,0% cho cả năm. Những con số này có vẻ như đã bị thao túng.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc chỉnh sửa số liệu thống kê để phù hợp với mục tiêu của Chính phủ đề ra. Những người khác cho rằng, nhân tố điều chỉnh giá được sử dụng để chuyển chỉ số GDP danh nghĩa thành những con số thực tế là không đúng.

Ngay cả ở Nhật Bản, việc các chỉ số GDP sơ bộ bị chỉnh sửa lại 1-2% sau đó là điều không phổ biến. Vấn đề độ tin cậy của chỉ số GDP toàn quốc gần đây giữ vị trí quan trọng chủ chốt khi mà Văn phòng Nội các và Ngân hàng Nhật Bản công bố các mức tăng trưởng khác nhau do sự khác biệt trong phương pháp tính toán của họ.

Một số câu hỏi được đặt ra về tính chính xác của cuộc khảo sát hàng tháng của chính phủ về thu nhập gia đình và chi tiêu được sử dụng để tính GDP.

Nhưng nếu việc đưa ra số liệu thống kê kinh tế đáng tin cậy là việc làm được phức tạp và rắc rối đối với Nhật Bản, thì đối với Trung Quốc và Ấn Độ, nó là  đó là việc vô cùng khó khăn, bởi những quốc gia này có dân số và vùng lãnh thổ lớn hơn rất nhiều cùng hệ thống quan liêu phức tạp hơn. Người ta nghi ngờ liệu các nước này có thể nhanh chóng thu thập và chuyển tải một lượng lớn các dữ liệu kinh tế để đưa ra các chỉ số chính xác và khách quan như GDP?

Ngoài ra còn có những câu hỏi về tính xác đáng của bản thân chỉ số GDP này. Nhật Bản đã công bố chỉ số GDP mới nhất của mình dựa trên hệ thống Tài khoản quốc gia tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc (SNA), trong đó kêu gọi, phải bao gồm cả phân tích các chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.

Theo phương pháp đó, GDP danh nghĩa của Nhật Bản tăng hơn 6%, hoặc khoảng 31 nghìn tỷ yên (tương đương 260 tỷ USD). Điều này cho thấy rõ những thay đổi trong các tiêu chuẩn tính toán có thể thay đổi các chỉ số GDP một cách đột ngột như thế nào.  

Hiện nay, các hoạt động kinh tế không được định giá bởi thị trường, chẳng hạn như công việc nội trợ, không có trong dữ liệu GDP. Nhưng điều này có thể thay đổi. Một số quốc gia châu Âu đang xem xét bao gồm cả các hoạt động kinh tế bất hợp pháp hoặc ngầm như mại dâm, buôn bán ma túy và buôn lậu vào dữ liệu GDP.

Nếu các thống kê GDP của các quốc gia công nghiệp là không hoàn toàn đáng tin cậy, vậy thì chỉ số này của những quốc gia mới nổi thậm chí còn ít tin cậy hơn. Thay vì chú trọng đến các con số của các nền kinh tế mới nổi đã công bố, chúng ta nên coi chúng như các chỉ số nháp cho giảm tốc hoặc gia tốc.

 “Chỉ số Lý Khắc Cường”

Dữ liệu thô thường là hữu ích hơn cho việc đánh giá tình trạng của một nền kinh tế mới nổi. Năm 2007, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, khi còn là quan chức cấp cao của tỉnh Liêu Ninh, cho biết, ông đánh giá nền kinh tế dựa vào trên ba chỉ số là: khối lượng hàng hóa đường sắt, điện năng tiêu thụ và các khoản vay ngân hàng nổi bật.

Nếu một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản hàng đầu không tin vào dữ liệu GDP chính thức của Trung Quốc, thì ai là người có thể tin? Ba chỉ số của Lý Khắc Cường kể từ đó được đón nhận bởi các nhà kinh tế và bây giờ được gọi chung là “Chỉ số Lý Khắc Cường”.

Nhưng những tiêu chuẩn đánh giá này được thiết kế cho một nền kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp nặng. Một số nhà kinh tế cho rằng, hiện nay chỉ số Lý Khắc Cường đã là lỗi thời bởi các khu vực dịch vụ đã chiếm một phần quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc.

Cho đến giữa những năm 2000, tôi chủ yếu sử dụng dữ liệu xuất khẩu như là một chỉ số quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, bởi vì nó được thúc đẩy bởi xuất khẩu.

Từ năm 2009, Bắc Kinh đã cố gắng để khiến nhu cầu trong nước là động lực chính của tăng trưởng. Vì vậy, bây giờ tôi chú ý hơn đến giá bất động sản và giao dịch trong việc hình thành quan điểm của tôi về nền kinh tế.

Những dữ liệu nào là hữu ích nhất cho việc tìm hiểu nền kinh tế của một quốc gia phụ thuộc vào kết cấu công nghiệp của đất nước, và điều này thay đổi theo thời gian.

*Yuji Kuronuma, là người đứng đầu văn phòng Nikkei tại New Delhi.

ThS Phùng Thị Thanh Hà dịch

Hiệu đính: TS Nguyễn Thị Phương Thảo

Nguồn: http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/Economy/China-and-India-GDP-figures-tell-a-story-just-not-a-true-one?page=2

 

Nguồn:

Cùng chuyên mục